BỘ MÔN NGỮ VĂN TỔ CHỨC SEMINAR “NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY NGỮ VĂN” (LẦN 1)

317

Sáng ngày 05/3/2020, tại văn phòng Bộ môn Ngữ văn – Khoa Khoa học xã hội đã diễn ra seminar “Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn” (lần 1). Seminar do Bộ môn Ngữ văn trực tiếp chỉ đạo và thực hiện.

Seminar “Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn” được tổ chức với những mục đích sau:

  • Tạo ra diễn đàn khoa học để chia sẻ, giao lưu, trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu, xem xét để công bố các kết quả nghiên cứu của các giảng viên trong Bộ môn trên Tạp chí chuyên ngành.
  • Giúp các giảng viên trong Bộ môn tiếp tục có những định hướng cơ bản trong giảng dạy và nghiên cứu nhằm đáp ứng chuẩn năng lực nghề nghiệp, góp phần đưa phòng trào nghiên cứu khoa học trong đội ngũ Cán bộ giảng viên ở Trường Đại học Tây Bắc lên một bước phát triển mới.

Seminar diễn ra với sự có mặt của PGS.TS Bùi Thanh Hoa – Trưởng khoa Khoa học xã hội, TS. TrầnThị Lan Anh – Trưởng bộ môn Ngữ văn cùng các giảng viên thuộc các chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam, Lí luận và phương pháp giảng dạy Ngữ văn, Văn học nước ngoài.

Seminar lần 1 của Bộ môn tập trung vào các bài viết thuộc các chuyên ngành: Ngôn ngữ Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lí luận và phương pháp dạy học Ngữ văn. Lần lượt, các giảng viên có bài viết trình bày kết quả nghiên cứu của mình, các thành viên trong Bộ môn cùng đọc, góp ý, chỉnh sửa.

Trong tổng số 17 báo cáo của giảng viên Bộ môn, seminar lần 1 thực hiện thảo luận 9 báo cáo. 9 báo cáo bao gồm :

  1. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả dạy – học cho Lưu học sinh Lào phần hội thoại.
  2. Diễn ngôn tang ma trong Quam dai khuần (Lời rải hồn) của người Thái ở Sơn La
  3. Ẩn dụ ý niệm trong kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” của Lưu Quang Vũ.
  4. Tình hình sử dụng chữ Mông trong cộng đồng dân tộc Mông ở khu vực Tây Bắc Việt Nam.
  5. Khoa trương, ước lệ trong xây dựng nhân vật ở Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung.
  6. Rèn kĩ năng giải nghĩa từ cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn Trường Đại học Tây Bắc.
  7. Những biến thể của hình tượng ngôi nhà trong tiểu thuyết của Paul Auster.
  8. Hư từ phủ định trong thơ Lê Đạt.
  9. Miêu tả dòng ý thức của nhân vật trong truyện ngắn hiện đại Trung Quốc.

Seminar diễn ra không không khí sôi nổi, tràn đầy cảm hứng và nhiệt huyết. Mỗi một chủ đề trong các báo cáo của các giảng viên đều thể hiện quá trình tìm hiểu và nghiên cứu rất công phu. Mỗi đề tài báo cáo đều tạo nên những cuộc trao đổi, những ý kiến góp ý thiết thực từ các thành viên tham gia. Đó đều là những nhận xét mang tính chuyên môn cao, những trao đổi trên tinh thần khách quan và xây dựng.