BỘ MÔN NGỮ VĂN TỔ CHỨC SEMINAR “NGHIÊN CỨU VÀ GIẢNG DẠY NGỮ VĂN” (LẦN 2)

331

TS. Trần Thị Lan Anh

Bộ môn Ngữ Văn, Khoa Khoa học xã hội

Nhằm tạo ra diễn đàn khoa học để chia sẻ, giao lưu, trao đổi học thuật, kinh nghiệm nghiên cứu, xem xét để công bố các kết quả nghiên cứu của các giảng viên trên Tạp chí chuyên ngành, ngày 06/3/2020, Bộ môn Ngữ văn tiếp tục tổ chức Seminar “Nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn” lần 2.

Seminar diễn ra với sự có mặt của TS Ngô Thị Phượng – Phó Trưởng bộ môn Ngữ văn cùng các giảng viên thuộc các chuyên ngành: Văn học Việt Nam, Lí luận và phương pháp giảng dạy Ngữ văn, Văn học nước ngoài.

Seminar lần 2 của Bộ môn tập trung vào 8 báo cáo thuộc các chuyên ngành: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lí luận và phương pháp dạy học Ngữ văn. Lần lượt, các giảng viên có bài viết trình bày kết quả nghiên cứu của mình, các thành viên tham gia Seminar cùng đọc, góp ý, chỉnh sửa và xem xét khả năng công bố báo cáo trên Tạp chí chuyên ngành trong nước.

8 báo cáo được đưa ra thảo luận trong Seminar lần 2 bao gồm:

  1. “Cái chết trong lửa” của các nhân vật trong Sự tích đầu rau của người Việt.
  2. Một số biểu hiện của tính uyên bác trong sáng tác của Nguyễn Tuân.
  3. Phương thức cấu tạo chữ Nôm và âm đọc trong bài寶鏡儆介 (四十三 (Bảo kính cảnh giới (43) của Nguyễn Trãi.
  4. Nguồn gốc nhân vật và ngôn ngữ xây dựng nhân vật nho sĩ trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ.
  5. Thời đại mới trong Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa.
  6. Con người hiện sinh trong tiểu thuyết Và khi tro bụi của Đoàn Minh Phượng.
  7. Cổ mẫu Cain và tự sự ngoại vi: đọc Của chuột và người của John Steinbeck.
  8. Hình thành kĩ năng thiết kế bài học tiếng Việt cho sinh viên sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Tây Bắc.

Bên cạnh việc thảo luận nội dung của các báo cáo, seminar còn mở rộng sự quan tâm tới một số vấn đề liên quan khác như: tác giả, tác phẩm và thể loại văn học giảng dạy trong trường phổ thông, giải pháp và biện pháp nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh, sinh viên, kinh nghiệm giải quyết các tình huống sư phạm trong giảng dạy Ngữ văn trong nhà trường…

Những vấn đề học thuật được trao đổi trong buổi Seminar thực sự hữu ích, giúp các giảng viên của Bộ môn Ngữ văn có thêm kinh nghiệm trong nghiên cứu văn học và dạy – học môn Ngữ văn nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu, nội dung đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông hiện nay.