PHƯƠNG PHÁP KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG ATLAT ĐỊA LÍ VIỆT NAM TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 12 THPT

483

Th.S. Nguyễn Thị Huệ

Trường Đại học Tây Bắc

 

ABSTRACT

Atlat Địa lí Việt Nam là một tập hợp có hệ thống các bản đồ địa lý được sắp xếp một cách một cách lôgíc, có tính thống nhất cao về cơ sở toán học, được thành lập dựa trên chương trình địa lý Việt Nam nhằm diễn giải các vấn đề địa lý tự nhiên, kinh tế, xã hội.

Atlat Địa lí Việt Nam có thể coi đó là “cuốn sách giáo khoa” Địa lí đặc biệt, có một vai trò quan trọng trong các nhà trường hiện nay. Cần sử dụng Atlat theo quan điểm dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm, kết hợp sử dụng các phương tiện thiết bị hiện đại nhằm phát huy hết vai trò, tầm quan trọng của việc sử dụng Atlat trong dạy học Địa lí 12 trung học phổ thông.

 

Vietnam Geography Atlas is a systematic collection of geographical maps, which are arranged logically, with high consistency on the basis of mathematics, was established based on Vietnam  geographic programs to paraphrase  issues of natural, economic, social geographic.

Geography Atlas of Vietnam may be seen asa particular Geography “textbook“, which has an important role in schools today. It’s necessary to use Atlas in an active teaching method like student-centered, and combines with use of modern means and equipment to develop their role and importance of Atlas in Geography teaching grade 12.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học kỹ thuật và công nghệ vào cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XI đã tạo nên những phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người. Trong quá trình dạy học nói chung và dạy học môn địa lý nói riêng ngày càng nhiều phương tiện, thiết bị kỹ thuật dạy học được sử dụng rộng rãi theo những phương pháp dạy học thích hợp. Các phương tiện dạy học một mặt làm thay đổi phương pháp dạy học truyền thống, mặt khác góp phần đổi mới nội dung dạy học và mở rộng thêm khả năng lĩnh hội tri thức khoa học hiện đại. Nhờ vào việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật dạy học mà việc dạy học đã đem lại hiệu quả cao nhất. Một trong những phương phương tiện dạy học hiện nay được cả thầy và trò đón nhận và được sử dụng rộng rãi chính là Atlat địa lý Việt Nam do công ty bản đồ – tranh ảnh giáo khoa thuộc nhà xuất bản giáo dục đã tổ chức biên soạn và xuất bản.

Trong Địa lý học người ta thường nói rằng: Địa lý bắt đầu từ bản đồ và kết thúc bởi bản đồ. Như vậy bản đồ nói chung và bản đồ giáo khoa nói riêng là một bộ phận khăng khít không thể tách rời môn Địa lý học trong nhà trường. Bản đồ giáo khoa có nhiều loại khác nhau trong đó Atlat giáo khoa có một vai trò quan trọng trong các nhà trường hiện nay. Atlat giáo khoa là một tập hợp có hệ thống các bản đồ Địa lý, được xắp xếp một cách lôgíc để phục vụ cho mục đích dạy học một chương trình Địa lý cụ thể. Nó có tính thống nhất cao về cơ sở toán học, nội dung và bố cục bản đồ. Ở Việt Nam đã biên tập và thiết kế một số tập Atlat Địa lý Thế giới, Atlat Địa lý Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả đề cập đến “Phương pháp khai thác và sử dụng Atlat Địa lí Việt nam trong dạy học địa lí 12 THPT”, tác giả mong muốn góp một phần nhỏ bé vào việc đổi mới phương pháp dạy học nâng cao chất lượng Giáo dục hiện nay.

  1. KHÁI QUÁT CHUNG VỀ ATLAT ĐỊA LÍ VIỆT NAM
  2. Khái niệm

Atlat là tên chung chỉ các tập bản đồ Địa lí, lịch sử, thiên văn…Vì trên bìa của tập bản đồ xuất bản lần đầu tiên có vẽ tượng thần Atlat vác quả địa cầu trên vai (trong thần thoại Hy Lạp, Atlat là con của thần Tiang Đape và là anh em ruột với thần Promete, người đã đem ngọn lửa cho loài người. Do thần Atlat chống lại thần Dơt, vị thần chúa tể của thế giới nên đã bị trừng phạt phải giơ vai gánh đỡ cả bầu trời). Tất cả các tập bản đồ in sau này, tuy bìa không vẽ tượng thần Atlat nữa nhưng theo thói quen người ta vẫn gọi chung là Atlat.

  1. Vai trò của Atlat trong dạy học Địa lí 12 THPT

Atlat Địa lí là một phương tiện dạy học trực quan và có vai trò vô cùng quan trọng trong dạy học Địa lí. Tuy nhiên, việc sử dụng Atlat đa phần mới chỉ dừng lại ở vai trò là phương tiện trực quan trong công tác giảng dạy Địa lí. Vì vậy, về mặt nội dung và kĩ năng chưa đòi hỏi cao đối với cả giáo viên và học sinh. Hầu như việc sử dụng các trang bản đồ trong Atlat chủ yếu để minh họa hoặc giảng giải nội dung kiến thức trong bài học.

Ngoài vai trò để minh họa, giảng giải cho nội dung kiến thức, các trang bản đồ trong Atlat còn được coi là một “nguồn tri thức” để học sinh khai thác dưới sự chỉ dẫn của giáo viên. Và đây là vai trò quan trọng của Atlat cần được giáo viên khai thác.

  1. Về cấu trúc

Khi nghiên cứu Atlat Địa lý Việt Nam có một số vấn đề nổi cộm như sau:

– Atlat địa lý Việt Nam là một dạng bản đồ giáo khoa, là một tập hợp có hệ thống các bản đồ địa lý được sắp xếp một cách khoa học, phục vụ cho mục đích dạy học, có hình thức trình trày đẹp, chất lượng in tốt, màu sắc đẹp, giá cả hợp lý. Atlat địa lý Việt Nam có tính thống nhất cao về cơ sở toán học, nội dung và bố cục bản đồ khá phù hợp với chương trình học tập địa lý lớp 12.

– Atlat Địa lý Việt Nam được thành lập dựa trên chương trình Địa lý Việt Nam diễn giải các vấn đề địa lý tự nhiên, kinh tế – xã hội, đi từ cái chung đến cái riêng; Từ tự nhiên đến kinh tế – xã hội; Từ toàn thể đến khu vực, các bộ phận. Atlat Địa lý Việt Nam được thiết kế dựa trên một hệ thống tỉ lệ bản đồ khá phù hợp và mang tính trực quan, tính khoa học và tính sư phạm cao.

– Trang bìa hai của Atlat trình bày các kí hiệu chung. Về mặt lí luận để tránh sự giải thích lặp đi lặp lại không cần thiết thì những kí hiệu dùng cho các bản đồ trong Atlat được trình bày ở trang này, còn các kí hiệu biểu hiện nội dung chuyên đề của từng trang bản đồ được thể hiện trên từng trang bản đồ để dễ sử dụng.

Tuy nhiên, trong tập Atlat Địa lý Việt Nam nhiều kí hiệu thể hiện nội dung chuyên môn của các trang bản đồ đã được đưa ra ngoài bìa hai, song được giải thích lại trên từng bản đồ. Nhiều kí hiệu lẽ ra nên để ở từng trang bản đồ lại đưa ra ngoài, đó là chưa kể đến nhiều kí hiệu chú giải trong từng trang bản đồ không thống nhất với kí hiệu chung ngoài trang bìa hai.

– Cấu trúc của tập Atlat Địa lý Việt Nam vừa thiếu lại vừa thừa. Thiếu ở chỗ nhiều nội dung Địa lý, nhiều bản đồ cần có thì lại không có, thừa ở chỗ các bản đồ tự nhiên, tỉ lệ 1: 3.000.000 được biểu hiện lặp lại hai lần trong tập Atlat. Nhiều trang Atlat nội dung quá tải và một vấn đề bất hợp lí nữa là dùng chung cho cả hai cấp học nên nhiều nội dung trong tập Atlat này không thống nhất với chương trình sách giáo khoa (SGK) gây khó khăn cho người sử dụng.

– Hơn nữa cuốn Atlat địa lý Việt Nam này lại được sử dụng cho hai chương trình rất khác nhau; hai trình độ khác nhau quá xa như ở nước ta (lớp 9, lớp 12). Nếu hướng dẫn cho trình độ lớp 9 thì không phù hợp lớp 12 và ngược lại như vậy bài tập điều kiện nhỏ này chỉ nêu hướng dẫn chung sử dụng Atlát địa lý Việt Nam và tuỳ theo trình độ học sinh, giáo viên sẽ có sự vận dụng sao cho hợp lý để học sinh, giáo viên dễ sử dụng, dễ đối chiếu, so sánh với nhau.

III. QUY TRÌNH KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG ATLAT TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ 12 THPT

Bước 1. Xác định nội dung Địa lý.

Bước 2. Xác định phương pháp thể hiện.

Bước 3. Phương pháp sử dụng.

– Đọc nội dung chính

– Đọc nội dung phụ

  • Atlat: dân số việt nam

Bước 1. Nội dung Địa lý

– Nội dung chính: thể hiện mật độ dân số (MĐDS) phân chia theo đơn vị hành chính và các điểm dân cư đô thị.

– Nội dung phụ: các biểu đồ dân số Việt Nam qua các năm, cơ cấu dân số theo giới tính và độ tuổi, cơ cấu dân số hoạt động theo ngành nhằm giải thích rõ các nội dung chính trình bày trên bản đồ.

Bước 2. Phương pháp thể hiện

– Phương pháp nền định lượng thể hiện mật độ dân số với 7 cấp độ khác nhau.

– Phương pháp kí hiệu biểu hiện quy mô dân số và sự phân cấp đô thị.

Bước 3. Phương pháp sử dụng

* Đọc nội dung chính:

– Đọc mật độ dân số để thấy được sự phân bố dân cư nước ta và giải thích tại sao có sự phân bố đó. (Gắn với Atlat hình thể, đất, động vật và thực vật, địa chất, khoáng sản…). Có thể khai thác theo bảng sau:

Mật độ (người/km2) Phân bố (vùng thuộc tỉnh nào) Nhận xét chung
Dưới 50
50-100
101-200
201-500
501-1000
1001-2000
Trên 2000

 

+ Chứng minh dân cư nước ta có sự phân bố không đồng đều giữa:

  • Đồng bằng – Trung du và miền núi
  • Giữa nông thôn – Thành thị
  • Giữa Miền Bắc – Miền Nam. Giữa phía Đông – Tây
  • Ngay trong một vùng

+ Giải thích: Do lịch sử khai thác lãnh thổ; Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên; Sự phát triển kinh tế (thâm canh lúa nước).

– Đọc các điểm dân cư đô thị theo bảng sau:

Quy mô dân số Tên đô thị Loại mấy
> 1.000.000
500.001-1.000.000
200.001-500.000
100.001-2000.000
   50.001-100.000
<50.000

 

* Đọc nội dung phụ: Hướng dẫn học sinh phân tích các biểu đồ

+ Biểu đồ dân số Việt Nam qua các năm (triệu người).

  • Xu hướng phát triển của dân số nước ta.
  • Thời gian để dân số tăng gấp đôi ngày càng rút ngắn lại.
  • Dân số tăng nhanh có thuận lợi và khó khăn gì.

+ Biểu đồ cơ cấu dân số theo giới tính và độ tuổi.

  • Phân tích hình dạng tháp dân số biểu hiện tỉ lệ sinh, tử, gia tăng tự nhiên, tuổi thọ trung bình.
  • Cơ cấu Nam – Nữ theo các nhóm tuổi thay đổi như thế nào. Nguyên nhân.
  • Những thuận lợi, khó khăn và biện pháp khắc phục.

+ Biểu đồ cơ cấu dân số hoạt động theo ngành.

  • Cơ cấu dân số trong từng ngành thể hiện như thế nào.
  • Xu hướng chuyển dịch cơ cấu dân số hoạt động theo ngành ở nước ta hiện nay như thế nào. Xu hướng chuyển dịch đó có phù hợp không. Tại sao?

 

  1. IV. KẾT LUẬN

Với việc nghiên cứu tập Atlat Địa lý Việt Nam, tác giả đã đưa ra được một quy trình khai thác và sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam. Đây sẽ là những kiến thức bổ ích cho bản thân và các giáo viên đang giảng dạy bộ môn địa lí trong các trường phổ thông.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có liên quan tới vấn đề bản đồ của PGS.TS Lâm Quang Dốc và kinh nghiệm giảng dạy của bản thân, Tác giả đã phần nào hiểu được những kiến thức chung về bản đồ giáo khoa và đặc biệt là biết cách sử dụng Atlat một cách hiệu quả. Trong bài viết này tác giả đã phân tích cấu trúc chung của tập Atlat Địa lý Việt Nam và phân tích cụ thể một trang Atlat. Tác giả đưa ra các nội dung chính và nội dung phụ, nêu các phương pháp thể hiện các đối tượng địa lí trên từng trang Atlat và đưa ra phương pháp sử dụng cho từng trang Atlat.

Có thể coi Atlat là một phương pháp dạy học có giá trị, tuy nhiên muốn sử dụng có hiệu quả cần phải sử dụng đúng lúc, đúng chỗ, không nên quá lạm dụng vào Atlat, cần sử dụng Atlat kết hợp với các phương pháp và phương tiện dạy học khác… thì mới khai thác hết khả năng và tác dụng của Atlat.

Việc sử dụng và khai thác Atlat trong dạy học Địa lí không phải là mới, xong quan điểm nhìn nhận mới là quan trọng  “suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới” đó chính là việc sử dụng Atlat theo quan điểm dạy học tích cực lấy học sinh làm trung tâm, có sử dụng các phương tiện thiết bị hiện đại trong việc sử dụng và khai thác Atlat… có như vậy mới phát huy hết vai trò, tầm quan trọng của việc sử dụng Atlat trong dạy học Địa lí 12 THPT.

Tuy nhiên bên cạnh những ưu điểm này thì Atlat còn có một số hạn chế đã được phân tích kỹ trong nội dung trên nên hy vọng các nhà thành lập bản đồ sẽ sửa chữa và hoàn thiện cho cuốn Atlat hoàn chỉnh hơn, phục vụ đắc lực cho giảng dạy và nghiên cứu Địa lý.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lâm Quang Dốc, ( ) Hướng dẫn sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam, Nxb ĐHSP HN.
  2. Lâm Quang Dốc (2002), Bản đồ giáo khoa, Nxb ĐHSP HN.
  3. Lâm Quang Dốc (2003), Bản đồ học , Nxb ĐHSP HN.
  4. Nguyễn Dược, Nguyễn trọng Phúc (1993), Lí luận dạy học Địa lí, Nxb Giáo dục.
  5. Ngô Đạt Tam và các tác giả (2005), Atlat Địa lý Việt Nam, Nxb Giáo dục.
  6. Lê Thông (1999)- Địa lí kinh tế – Xã hội Việt Nam, Nxb Giáo dục.