RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC NGÀY 5/6/1911: SỰ LỰA CHỌN ĐÚNG ĐẮN CỦA NGUYỄN TẤT THÀNH – NGUYỄN ÁI QUỐC- HỒ CHÍ MINH

209
Hoàng Thị Thanh Giang (ST)
111 năm (1911-2022) là độ lùi lịch sử đã đủ độ tin cậy để có thể khẳng định rằng: sự lựa chọn, khởi đầu và quyết định chính xác của Nguyễn Tất Thành từ ngày 5/6/1911 đã góp phần quan trọng làm nên nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh và chắc chắn Người là một trong những người hiếm có của thời đại chúng ta – “Người đã vận dụng sáng tạo những tư tưởng nhân đạo của cuộc đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Người đã đem hết sức mình kết hợp những lý tưởng của nhân loại với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì giải phóng dân tộc và giải phóng xã hội”[1].
1. Nhận thức đúng và lựa chọn đúng
Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi đất nước đã đắm chìm trong đêm trường nô lệ. Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ mảnh đất giàu truyền thống của người dân xứ Nghệ, lòng yêu nước, ý chí ham học hỏi, ham hiểu biết của người cha; lòng yêu thương con trẻ, sự chịu thương, chịu khó của người mẹ; tinh thần vượt khó và vươn lên, cần cù trong lao động, cố kết trong tình làng nghĩa xóm của quê hương, đất nước, v.v.. đã là chiếc nôi tốt, sớm nuôi dưỡng trong Nguyễn Tất Thành tình yêu nước, thương dân với một thiên hướng đặc biệt đến mẫn cảm.
Những năm tháng đó, không chỉ sống ở xứ Nghệ, Nguyễn Tất Thành còn được sống ở kinh thành Huế. Người không chỉ được học chữ Hán, bước đầu làm quen với thời đại qua những sách “Tân thư”, “Tân văn” bằng tiếng Hán; được nghe các thầy giảng giải về nền dân chủ và văn minh phương Tây mà khi theo học lớp dự bị (préparatoire) ở Trường tiểu học Pháp – bản xứ ở thành phố Vinh trước đó, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đã được tiếp xúc với khẩu hiệu Tự do – Bình đẳng – Bác ái nổi tiếng của cách mạng tư sản Pháp 1789. Sau này, Người kể lại với nhà văn Liên Xô Ôxíp Manđenxtam rằng: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cùng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế. Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”[2].
Trong bối cảnh sớm bị mất mẹ và người em ruột khi mới hơn 10 tuổi đầu, Nguyễn Tất Thành không chỉ chịu ảnh hưởng bởi các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta (cuộc khởi nghĩa Hương Khê do Phan Đình Phùng lãnh đạo, cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, mang “nặng cốt cách phong kiến” dù cốt cách đó có chiều dày hàng ngàn năm; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu, phong trào Duy Tân của Phan Chu Trinh… theo lập trường dân chủ tư sản Việt Nam – một nước thuộc địa nửa phong kiến và tính không triệt để của nó) liên tiếp nổ ra và thất bại mà Người còn suy tư, “sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào”.
Nhờ ảnh hưởng của những thầy giáo tân học và được tiếp xúc với báo chí tiến bộ, ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành. Trăn trở về con đường cứu nước, lại được cộng hưởng bởi bầu không khí yêu nước, cảnh thực dân Pháp chém giết người yêu nước, đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta trong bể máu và những bất công diễn ra thường ngày… Nguyễn Tất Thành dường như đã hiểu được những hạn chế của các vị tiền bối trong việc không nhận thức đúng, đầy đủ những yêu cầu cấp bách của lịch sử đất nước; chưa tìm ra được một con đường đi đúng để các phong trào đấu tranh yêu nước giành được thắng lợi; đồng thời cũng không thể quy tụ sức mạnh của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng. Trong khi đó, giai cấp phong kiến với hệ tư tưởng phong kiến đã hết vai trò lịch sử, còn giai cấp tư sản với hệ tư tưởng tư sản cũng không đủ năng lực để tập hợp toàn thể dân tộc trong cuộc đấu tranh chống lại ách áp bức của chủ nghĩa thực dân; đồng thời, cũng không thể gắn phong trào yêu nước của dân tộc với cuộc đấu tranh của các dân tộc khác cũng bị áp bức, bóc lột, nô dịch vì mục tiêu độc lập, tự do, hạnh phúc.
Dấu ấn quê hương và gia đình, sự tác động về nhiều mặt đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Nguyễn Tất Thành. Vì vậy, dù rất khâm phục lòng yêu nước của các bậc tiền nhân, nhưng khác họ, qua những kiến thức mới mẻ tiếp thu được từ Tân thư, từ những năm tháng học tập, sinh sống ở Huế, và bằng nội lực bẩm sinh, Nguyễn Tất Thành hiểu rằng một thời đại mới, đòi hỏi một con đường đi mới, một phương thức đấu tranh mới, khác hẳn con đường cách mạng cải lương từng diễn ra, đó là làm cách mạng. Đây là một suy nghĩ đúng đắn, hợp quy luật và thời đại.
Thực tế, sự hiểu biết, chí hướng yêu nước, hành động tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Trung Kỳ năm 1908 chính là cơ sở, là tiền đề chuẩn bị cho quyết định của Nguyễn Tất Thành sau này. Đầy nhiệt huyết và mang trong lòng hoài bão giành lại “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định rời nhà trường, rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Và khác những vị tiền bối cách mạng, vì muốn tìm hiểu và khảo nghiệm thực tế những gì đang diễn ra trong lòng chế độ tư bản, trong “nội bộ kẻ thù của dân tộc mình”, Nguyễn Tất Thành ước muốn “đi ra nước ngoài, xem nước Pháp”, “muốn làm quen với nền văn minh Pháp” và các nước khác không phải chỉ để thỏa mãn những hiểu biết của tuổi trẻ mà chính là “muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau”/những gì đã làm nên sức mạnh và văn minh của phương Tây – nơi sản sinh những tư tưởng lớn, những cuộc cách mạng lớn và “sau khi xem xét họ làm như thế nào… sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”[3].
Vậy là, khi quyết định không sang phương Đông, không nhờ cậy vào những người “anh lớn” như Trung Quốc và Nhật Bản, mà muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn xem những gì ẩn dấu đằng sau những từ mỹ từ “Tự do, Bình đẳng, Bác ái” của cách mạng tư sản Pháp, Nguyễn Tất Thành đã muốn học hỏi nhiều hơn những gì mình đang có, dân tộc mình đang có để không chỉ làm giàu tri thức cho mình mà chính là hướng đến giải phóng dân tộc mình. Từ xuất phát điểm này, từ sự vượt lên chính mình này đã quyết định sự lựa chọn, con đường đi sau đó của Người – con đường bôn ba tìm đường cứu nước, mở đầu một chặng đường dài xa Tổ quốc.
2. Khảo nghiệm thực tiễn và trở về lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm nên thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử
Với ý chí và quyết tâm của một người dân mất nước, với nhiệt huyết và sức trẻ của tuổi thanh xuân, Nguyễn Tất Thành đã khởi đầu một con đường đúng khi quyết định xin làm thuê trên tàu Đô đốc Latútxơ Trêvilơ, rời Tổ quốc ngày 5/6/1911 để “tìm đường đi cho dân tộc theo đi”.
Suốt thời thanh niên sôi nổi của đời mình, Nguyễn Tất Thành dành cho việc lao động kiếm sống, tích luỹ tri thức và tìm hiểu đời sống chính trị, xã hội các quốc gia, dân tộc và các nền văn hoá của nhiều châu lục. Trải qua những tháng ngày lao động vất vả, bằng nghề làm phụ bếp trên tàu; thợ chụp ảnh, vẽ đồ giả cổ Trung Hoa ở thủ đô Paris của nước Pháp hoa lệ; làm người cào tuyết cho trường học, bồi bàn trong khách sạn ở nước Anh, v.v..và vượt qua cái lạnh giá của châu Âu, với viên gạch ủ nóng thay cho lò sưởi là một Nguyễn Ái Quốc – Người thanh niên yêu nước đã sống, học tập và hoạt động không mệt mỏi.
Bằng tinh thần lao động và sự hòa mình vào dòng chảy của các sự kiện trên thế giới, cuộc hành trình của Nguyễn Tất Thành tiến hành trong gần một thập niên ở nước ngoài không chỉ là quá trình học tập, khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm thấu hiểu mà chính là để chọn lọc và tiếp thu những giá trị văn hóa – văn minh của nhân loại. Bằng những nỗ lực hoạt động của mình trong nhiều tổ chức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – một người dân nô lệ ở thuộc địa, ham học hỏi, không sợ cường quyền, từng bước vượt qua mọi thử thách, gian truân, luôn phấn đấu cao độ với một nghị lực phi thường và một định hướng chính trị đúng đã gom góp và đanh thép đưa ra bản cáo trạng tội ác thực dân – Bản án chế độ thực dân Pháp năm 1925.
Thông qua cuộc hành trình vĩ đại đến với các dân tộc ở các châu lục, trải qua thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nhiều nước, tri thức, văn hóa, trí tuệ và thế giới quan của Người được mở rộng từ dân tộc đến nhân loại. Quá trình tích lũy cởi mở đó giúp Người hiểu được ngọn nguồn nỗi khổ đau của các dân tộc thuộc địa, của những người lao động, không phân biệt chủng tộc, màu da và nhất là sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây. Đặc biệt, được chứng kiến những diễn biến lớn của thời đại, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy những tồn tại, những khoảng cách và cả những bất công về quyền lợi và hưởng thụ trong lòng xã hội tư bản, tất yếu sẽ dẫn đến những “khủng hoảng” không thể tránh khỏi ở cả các nước chính quốc, như nước Mỹ (với bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776) và nước Pháp (với bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng 1791).
Đó chính là sự phân biệt giàu nghèo giữa những người bị áp bức và những kẻ bị áp bức ở các thuộc địa, giữa nhân dân lao động tại các nước tư bản với những tên thực dân, những kẻ hữu sản và Người đi tới khẳng định: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[4]. Vì thế, vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng con người không chỉ là nhu cầu của dân tộc và con người Việt Nam mà là của các dân tộc bị áp bức và nhân dân cần lao trên thế giới.
Một Nguyễn Ái Quốc sau chặng đường bôn ba qua nhiều châu lục, qua nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với sự khảo nghiệm thực tế đã bị lôi cuốn bởi thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917. Tuy khi đó chưa hiểu biết đầy đủ, sâu sắc về sự kiện vĩ đại này, song với sự nhạy cảm về chính trị và khát khao đất nước được giải phóng, nhân dân được tự do, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy sự kiện trọng đại này “có một sức lôi cuốn kỳ diệu”. Đặc biệt, khi được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của V.I. Lênin đăng trên báo “Nhân đạo” của Đảng Xã hội Pháp (16-17/7/1920), Người đã đi đến một quyết định trọng đại – đó là đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, đến với con đường cách mạng vô sản, đến với cách mạng Tháng Mười Nga và bỏ phiếu tán thành Quốc tế thứ ba do V.I. Lênin sáng lập và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp tại Đại hội lần thứ 18 của Đảng Xã hội Pháp (12/1920).
Việc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản, tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp đã đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ái Quốc và cũng là sự khởi đầu một bước ngoặt căn bản trong lịch sử và sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Từ đây, lịch sử cách mạng Việt Nam đã chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã đi vào quỹ đạo cách mạng vô sản; đã hòa vào cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân, đế quốc và nhất định sẽ đi tới thắng lợi cuối cùng là giành độc lập dân tộc, đi lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Với ý nghĩa đó, có thể thấy, Nguyễn Ái Quốc đã không chỉ tìm được con đường cứu nước, cứu dân phù hợp quy luật của thời đại mà còn trang bị cho mình một nhân sinh quan mới để định hình con đường phát triển cho một đất nước Việt Nam còn lạc hậu, kém phát triển, nhưng ở đó “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước… Chiến tranh đã làm thay đổi chủ nghĩa dân tộc”[5]. Đây là quá trình khảo nghiệm, tiếp biến và vượt gộp của Hồ Chí Minh, khi thâu thái tinh hoa, tri thức của các nền văn minh nhân loại, để vừa sáng tạo, vừa độc lập vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam sau đó.
Vậy là, với quyết định đi sang “phương Tây”, với hành trình gần 30 năm lao động, học hỏi và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã có thời gian khám phá, chiêm nghiệm, để hiểu được thực chất của “Tự do, Bình đẳng, Bác ái”, của pháp quyền, dân chủ và mô hình tổ chức Nhà nước tư sản; của nhân quyền, pháp quyền, dân chủ, mô hình tổ chức Nhà nước Xô viết và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo tinh thần của V.I.Lênin. Và sự lựa chọn đúng đắn của Hồ Chí Minh sau khi đã “trưng cất” những tinh hoa của nền văn minh Đông và Tây, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa sẽ giúp Người thực hiện hoài bão của mình, đó là giải phóng dân tộc mình, giải phóng “các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”- sự nghiệp giải phóng toàn diện loài người.
Từ những tri thức tích luỹ được, tháng 11/1924, một Hồ Chí Minh thấu hiểu được nguồn sức mạnh nội lực “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”; với niềm tin cháy bỏng về một Tổ quốc Việt Nam được độc lập, nhân dân Việt Nam được tự do; với mong muốn đem lại hạnh phúc “cho tất cả mọi người” đã về đến Quảng Châu, Trung Quốc. Trên cơ sở những nguyên lý của học thuyết Mác – Lênin về xây dựng Đảng, Nhà nước, về phương pháp vận động quần chúng, tập dượt đấu tranh cách mạng được tích luỹ trong những năm tháng hoạt động của tuổi trẻ, Nguyễn Ái Quốc đã tận tâm, tận lực truyền giảng cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán đầu tiên, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức, để xúc tiến cho sự ra đời của một chính Đảng vô sản kiểu mới ở Việt Nam.
Mở lớp huấn luyện chính trị, thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên năm 1925, sáng lập báo Thanh niên 6/1925, tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, về Đảng Cộng sản, về Cách mạng Tháng Mười Nga, xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh đầu năm 1927.v.v, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đem đến cho những thanh niên Việt Nam yêu nước, những người chủ tương lai của nước nhà, những người cũng giống như cha anh mình phải sống trong thân phận nô lệ, một luồng sinh khí mới, một con đường cách mạng mới. Bằng khát vọng tuổi trẻ và kinh nghiệm của chính bản thân mình, Người muốn thức tỉnh thanh niên, truyền cho họ con đường cách mệnh, để đi tới thức tỉnh cả dân tộc – Đó là phương pháp cách mạng đúng đắn, thể hiện một tầm nhìn vĩ đại.
Từ những định hướng chính trị nêu trên, cùng với những hoạt động về lý luận và thực tiễn, Nguyễn Ái Quốc và những người Việt Nam yêu nước từng học tập ở Quảng Châu đã ngày mỗi ngày, góp phần đưa tư tưởng của thời đại mới về Việt Nam, đưa đến sự chuyển biến về chất trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Sau đó, khi các tổ chức cộng sản Việt Nam ra đời, khi nguy cơ phân liệt, mất đoàn kết, sự tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau của các tổ chức cộng sản đe dọa sự phát triển của phong trào cách mạng cả nước, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định viết thư mời, triệu tập, tổ chức thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (từ 6/1-8/2/1930) tại Hương Cảng. Hội nghị đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng; trong đó khẳng định “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”… Trong những năm sau đó, dưới sự lãnh đạo của Người và Đảng Cộng sản Việt Nam, với đường lối cách mạng đúng đắn, với sức mạnh đoàn kết muôn người như một của các tầng lớp nhân dân Việt Nam nồng nàn yêu nước, kiên cường đấu tranh cách mạng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 lịch sử đã thành công. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam châu Á; đưa những thân dân/người dân nô lệ An Nam trở thành chủ nhân của nước Việt Nam độc lập, tự do.
Với thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa Thu năm 1945, một đất nước Việt Nam hồi sinh từng ngày sau những đêm dài nô lệ đã vững vàng, kiên định tiến hành thắng lợi cuộc trường chinh kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Kiên định con đường đã lựa chọn trên hành trình đi tới tương lai, sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, một đất nước Việt Nam đổi mới từng ngày đã khẳng định được vị thế của mình trong cộng đồng các quốc gia, đóng góp vào sự phát triển bền vững, phồn vinh của nhân loại. Trong hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc mình, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ phi thực dân hóa, thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của loài người tiến lên trong một thế giới đầy biến động.
Thời gian càng lùi xa, càng khẳng định rằng, ngày 5/6/2011 không chỉ là một sự kiện đặc biệt đánh dấu sự lựa chọn đúng, một khởi đầu đúng của Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh mà còn cho thấy, đi theo con đường Người đã chọn, đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã hòa mình vào dòng chảy chung của nhân loại; đã kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo nên sức mạnh tổng hợp về thế, lực và thời để đưa Việt Nam ngày một đổi mới và phát triển.
Từ một sự lựa chọn đúng và khởi đầu một hướng đi đúng, với ý chí, quyết tâm và sự phấn đấu không mệt mỏi cho con đường mình đã chọn, Nguyễn Tất Thành – Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh ra đi từ bến cảng Sài Gòn năm xưa đã tìm thấy con đường cách mạng đúng đắn và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi đến độc lập và thống nhất, tự do và hạnh phúc, ngày một phát triển bền vững. Đồng thời, cũng từ một sự khởi đầu đúng đắn đó, kiên định con đường cách mạng do Người và Đảng đã chọn, 111 năm sau – một nước Việt Nam độc lập , tự do, hạnh phúc ngày càng phát triển vững mạnh và phồn vinh đã khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế.
TS. Văn Thị Thanh Mai Văn Thị Thanh Mai
ThS. Văn Thị Thanh Hương
………………………………………….
[1] L.Ôgungiêran: Mối quan hệ biện chứng giữa tính giai cấp và tính nhân loại trong sự nghiệp sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.93
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.461
[3] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1975, tr.13
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.287
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.1, tr.511