THIẾT KẾ SƠ ĐỒ TƯ DUY TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

1599

                                                              Họ tên: Ths. Nguyễn Thị Huệ

                                                             ĐT: 0987131678

                                                             Email: [email protected]

                                                             Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Tây Bắc

TÓM TẮT

Dạy học với sơ đồ tư duy ngày càng được quan tâm và vận dụng một cách sáng tạo. Sơ đồ tư duy góp phần đổi mới phương pháp dạy học, mang lại hiệu quả cao, phát huy khả năng tư duy, sáng tạo cho sinh viên.

Sơ đồ tư duy thực sự là một công cụ hữu ích. Lập sơ đồ tư duy là một cách thức cực kỳ hiệu quả để ghi chú. Nó là một phương tiện ghi chép đầy sáng tạo và rất hiệu quả, giúp các em sinh viên trau dồi kiến thức, rèn luyện kĩ năng sáng tạo trong quá trình học tập.

Vì vậy, việc nắm vững qui trình và các hình thức thiết kế Sơ đồ tư duy là rất quan trọng và cần thiết. Đó cũng là những vấn đề tác giả muốn đề cập trong bài viết này.

Từ khóa: Sơ đồ tư duy; dạy học địa lí

ABSTRACT

Design diagrams in teaching geography by credit system in Tay Bac University

Teaching method usingdiagrams (Mind map) is becoming more and more popular and creatively applied. It contributes to innovate the teaching method, provide high efficiency and improve  students’ thinking abilities as well as their creativity.

Mind map is a really beneficial learning tool. Mapping is a way of thinking extremely effective for notes. It is a creative and effective note taking way to help students to enhance their knowledge and strengthen their creativities in their learning processes.

Therefore, mastering processes and forms of design thinking diagram is very important and necessary. That was the issue the author would like to mention in this article.

Keyword: Diagram of Thinking; teaching geography

  1. Đặt vấn đề

Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học kĩ thuật và công nghệ, kiến thức loài người tăng theo cấp số nhân cùng với những thay đổi lớn lao trong đời sống xã hội, đã đặt ngành Giáo dục và Đào tạo trước những thách thức và những vận hội mới: nhà trường phải đào tạo ra những con người có đạo đức, trí tuệ, năng động, tự chủ, có khả năng lĩnh hội được khối lượng thông tin lớn luôn biến động và vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

Phát triển tư duy cho người học luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong giáo dục Đại học. Để hướng người học có cách thức học tập, nghiên cứu tích cực và tự chủ, chúng ta không chỉ cần giúp sinh viên khám phá các kiến thức mới mà còn phải giúp họ hệ thống và phát triển được những kiến thức… Việc xây dựng được một “hình ảnh” thể hiện mối liên hệ giữa các kiến thức sẽ mang lại những lợi ích đáng quan tâm về các mặt: ghi nhớ, phát triển nhận thức, tư duy, óc tưởng tượng và khả năng sáng tạo… Một trong những công cụ hết sức hữu hiệu để tạo nên các “hình ảnh liên kết” là  mô hình các Sơ đồ tư duy.

Sơ đồ tư duy hay Bản đồ tư duy (Mind map) do Tony Buzan sáng lập ra là một công cụ tư duy dựa trên cách thức hoạt động tự nhiên của bộ não, là một trong những công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở trường phổ thông cũng như ở các bậc học cao hơn. Hiện nay Sơ đồ tư duy đang ngày càng được sử dụng rộng rãi trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Đào tạo theo hệ thống tín chỉ đòi hỏi rất cao ở người học tính tự giác, tích cực và chủ động. Người học phát huy tối đa khả năng tự học, tự tìm tòi và sáng tạo của họ. Có rất nhiều hướng để thay đổi nội dung và phương pháp dạy học cho phù hợp với mục tiêu đào tạo theo hệ thống tín chỉ đã đặt ra. Trong đó, Sơ đồ tư duy được xem như một phương tiện, đồng thời là một giải pháp hữu hiệu cho việc tổ chức dạy học theo tín theo hệ thống tín chỉ.

Hiện đang công tác ở trường đại học, tôi nhận thấy cần nhanh chóng nắm bắt và cập nhật liên tục thông tin, thay đổi phương pháp dạy học để phù hợp với xu thế dạy học hiện đại. Việc đổi mới theo hướng tích cực, phù hợp với việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ là một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các giảng viên. Mỗi giảng viên tự lựa chọn cho mình một “hướng đi” phù hợp nhất. Bản thân tôi nhận thấy việc vận dụng Sơ đồ tư duy vào tổ chức các hoạt động dạy học cho sinh viên là rất cần thiết, góp phần đổi mới phương pháp và nâng cao chất lượng dạy học địa lí theo hệ thống tín chỉ ở các trường đại học hiện nay.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Quy trình xây dựng sơ đồ tư duy

Theo Tony Buzan có 7 bước để lập Sơ đồ tư duy:

– Bước 1: Bắt đầu từ trung tâm của một tờ giấy trắng kéo sang một bên vì bắt đầu từ trung tâm cho não sự tự do để trải rộng một cách chủ động và để thể hiện phóng khoáng hơn, tự nhiên hơn.

– Bước 2: Dùng một hình ảnh, bức tranh (hay từ ngữ) cho ý tưởng trung tâm một hình ảnh có giá trị ngàn lời vì nó huy động rất nhiều kỹ năng tư duy trên vỏ não: màu sắc, hình thể, đường nét, kích thước, kết cấu, nhịp điệu thị giác, và đặc biệt là sự tưởng tượng.

– Bước 3: Nối các nhánh tới hình ảnh trung tâm, và nối các nhánh cấp hai, cấp ba với nhánh cấp một và cấp hai….vì não làm việc bằng sự liên tưởng, nối các nhánh lại sẽ hiểu và nhớ nhiều thứ dễ dàng hơn rất nhiều.

– Bước 4: Vẽ nhiều nhánh cong hơn đường thẳng vì đường thẳng mang lại sự buồn tẻ cho não, giống như các nhánh cây, các đường cong có tổ chức sẽ lôi cuốn và thu hút sự chú ý của mắt hơn rất nhiều.

– Bước 5: Luôn sử dụng màu sắc vì màu sắc có tác dụng kích thích não như hình ảnh. Màu sắc mang đến cho sơ đồ tư duy những rung động cộng hưởng, mang lại sức sống và năng lượng vô tận cho tư duy sáng tạo.

– Bước 6: Sử dụng một từ khóa trong mỗi dòng. Từ khóa (key word) là những khái niệm trọng tâm mà từ đó hàng loạt các khái niệm khác được triển khai.

– Bước 7: Dùng những hình ảnh xuyên suốt. Hình ảnh: bao gồm tất cả các hình vẽ, biểu tượng, kí hiệu, tranh ảnh, video…

2.2. Các cách thiết kế Sơ đồ tư duy

* Thiết kế Sơ đồ tư duy thủ công

Sơ đồ tư duy có thể được sử dụng rộng rãi ở các trường học, nó có thể được thiết kế thủ công đơn giản trên bảng hoặc trên giấy.

Trên bảng: với một ít phấn màu các loại khác nhau, giảng viên có thể cùng sinh viên lần lượt thể hiện các ý lên Sơ đồ tư duy bởi các màu khác nhau, và những ý được triển khai từ một nội dung thì có màu giống nhau.

Trên giấy: Giảng viên và sinh viên có thể sử dụng các khổ giấy lớn cùng với bút chì, bút màu để vẽ Sơ đồ tư duy. Ngoài ra sinh viên có thể tự thiết kế Sơ đồ tư duy vào vở thể hiện nội dung bài học.

H1. Sơ đồ tư duy trong học phần Địa lí tự nhiên đại cương II

(Chương III. Nước trong khí quyển)

* Thiết kế Sơ đồ tư duy bằng một số phần mềm tin học

Phần mềm Buzan’s iMindmap™: một phần mềm thương mại, tuy nhiên có thể tải bản dùng thử 30 ngày. Phần mềm do công ty Buzan Online Ltd. thực hiện. Đây là một phần mềm rất hữu hiệu bởi các tính năng ưu việt như linh hoạt, dễ trình chiếu, có thể xuất sang powerpoint hay sang ảnh để gắn vào word. Hiện nay phần mềm inmindmap được sử dụng nhiều nhất là phần mềm mindmap 6.01. Trang chủ tại www.imindmap.com

Phần mềm Inspiration: sản phẩm thương mại của công ty Inspiration Software, Inc. Sản phẩm có phiên bản dành cho trẻ em (các em từ mẫu giáo đến lớp 5) rất dễ dùng và nhiều màu sắc. Có thể dùng thử 30 ngày. Trang chủ tại www.inspiration.com

Phần mềm Visual Mind: sản phẩm thương mại của công ty Mind Technologies. Phần mềm dễ sử dụng và linh hoạt trong sắp xếp các nút chứa từ khóa. Có thể dùng thử 30 ngày. Trang chủ tại www.visual-mind.com

Phần mềm FreeMind: sản phẩm hoàn toàn miễn phí, được lập trình trên Java. Các icon chưa được phong phú, tuy nhiên chương trình có đầy đủ chức năng để thực hiện mind mapping. Trang chủ tại: http://freemind.sourceforge.net/wiki/index.php/Main_Page

Ngoài ra, chúng ta còn có thể tham khảo một danh sách các phần mềm loại mind mapping tại địa chỉ sau: http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_mind_mapping_software

Trong phạm vi nghiên cứu tôi đã sử dụng phần mềm Buzan’s iMindmap™ để thiết kế hệ thống sơ đồ tư duy phục vụ dạy học một số học phần cụ thể trong chương trình đào tạo ĐHSP Địa lí.

H2. Sơ đồ tư duy trong học phần Địa lí kinh tế – xã hội Việt Nam III

(Chương 2. Trung du miền núi Bắc Bộ)

2.3. Ý nghĩa của việc thiết kế và sử dụng Sơ đồ tư duy trong dạy học

Sơ đồ tư duy được mệnh danh “công cụ vạn năng cho bộ não”, là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, hiện đang được hàng triệu người trên thế giới sử dụng, đã và đang đem lại những hiệu quả thực sự đáng kinh ngạc, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và kinh doanh. Lập Sơ đồ tư duy là một cách thức cực kỳ hiệu quả để ghi chú. Các Sơ đồ tư duy không chỉ cho thấy các thông tin mà còn cho thấy cấu trúc tổng thể của một chủ đề và mức độ quan trọng của những phần riêng lẻ trong đó đối với nhau. Nó giúp bạn liên kết các ý tưởng và tạo các kết nối với các ý khác.

Trong những năm gần đây, Sơ đồ tư duy đã được sử dụng khá rộng rãi trong dạy và học ở trường phổ thông và bước đầu được đưa vào các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Qua thực tế cho thấy việc giảng dạy này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực. Trong dạy học nói chung và dạy học Địa lí nói riêng, việc sử dụng sơ đồ tư duy thực sự góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả dạy và học.

                            Hình 4: Ưu điểm của sơ đồ tư duy trong dạy học

Thứ nhất, Sơ đồ tư duy dễ nhìn, dễ hiểu và dễ nhớ. Thông qua Sơ đồ tư duy giảng viên đã chuẩn bị sẵn hay sinh viên có thể tự lập Sơ đồ tư duy cho mình dưới sự hướng dẫn của giảng viên để bài học trở nên dễ thuộc, dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Khi giảng viên dạy học bằng Sơ đồ tư duy, thông qua hình ảnh và màu sắc trên bản đồ, kích thích được hứng thú cho sinh viên. Cùng một nội dung nhưng các em có thể thêm nhánh, thêm chú thích dưới dạng hình vẽ nhiều màu sắc tùy vào cách hiểu, cách lĩnh hội kiến thức trong bài học của mình. Sử dụng Sơ đồ tư duy giúp sinh viên dễ dàng hệ thống hóa kiến thức của một bài, một chương hay toàn bộ chương trình học.

Thứ hai, việc sử dụng Sơ đồ tư duy giúp kích thích hứng thú học tập, khả năng tư duy và sáng tạo của sinh viên. Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, việc thiết kế Sơ đồ tư duy theo mạch tư duy của mỗi người không yêu cầu tỉ lệ, chi tiết khắt khe như bản đồ giáo khoa Địa lí, có thể vẽ thêm hoặc bớt các nhánh, mỗi người vẽ một kiểu khác nhau, dùng màu sắc, hình ảnh, các cụm từ diễn đạt khác nhau, cùng một nội dung nhưng mỗi người có thể thể hiện Sơ đồ tư duy theo một cách riêng. Vì vậy vẽ Sơ đồ tư duy phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của sinh viên, tăng tính độc lập và rèn luyện khả năng tự học cho sinh viên cũng như tính thẩm mỹ của các em trong quá trình thành lập Sơ đồ tư duy.

Thứ ba, thiết kế và sử dụng Sơ đồ tư duy giúp phát huy khả năng tư duy và tiềm năng ghi nhớ của bộ não. Sơ đồ tư duy sử dụng các hình ảnh, màu sắc, đường nét theo cách thiết kế của mỗi người, làm cho kiến thức trở nên sinh động hơn. Chính vì vậy, khi tiếp xúc với sơ đồ tư duy, các em sẽ phát huy tối đa khả năng tư duy của cả hai bán cầu não. Nhờ đó, các em sẽ nhớ nhanh được những kiến thức trọng tâm, những kĩ năng đã được học trong bài, tạo cho các em hứng thú trong học tập và sáng tạo không ngừng.

Thứ tư, dạy học với Sơ đồ tư duy từng bước rèn luyện cho sinh viên cách xác định chủ đề và phát triển ý chính, ý phụ một cách logic. Chủ đề của mỗi bài chính là từ khoá trung tâm của bản đồ, từ từ khoá trung tâm, tìm kiếm và phát triển thêm ý chính. Từ các ý chính sẽ triển khai thêm các ý phụ cấp nhỏ hơn. Như vậy học tập với Sơ đồ tư duy sẽ giúp các em biết tìm kiếm và sắp xếp các ý một cách logic theo mạch tư duy.

Thứ năm, Sơ đồ tư duy giúp giảng viên và sinh viên dễ dàng trình bày ý tưởng trước lớp và tiết kiệm được thời gian ghi chép, tăng sự linh hoạt trong bài giảng. Đồng thời việc học tập theo sơ  đồ tư duy giúp hướng dẫn cho sinh viên biết chọn lọc kiến thức và ghi chép có hiệu quả. Do đặc điểm của Sơ đồ tư duy nên người thiết kế sơ đồ tư duy phải chọn lọc thông tin, từ ngữ, sắp xếp, bố cục để “ghi” thông tin cần thiết nhất và logic, vì vậy, sử dụng sơ đồ tư duy sẽ giúp sinh viên dần dần hình thành cách ghi chép có hiệu quả.

Đặc biệt khi giảng viên dạy học theo Sơ đồ tư duy và hướng dẫn sinh viên cách thức làm việc với sơ đồ tư duy sẽ tường bước cho các em tiếp cận với một phương pháp học tập có hiệu quả. Sơ đồ tư duy là phương pháp dạy học chú trọng vào liên kết các kiến thức theo một mạch logic, chính vì vậy, học tập với Sơ đồ tư duy sẽ giúp sinh viên biết cách liên kết các kiến thức lại với nhau, tránh tình trạng học nhiều nhưng không hiểu hay không nắm được bản chất của vấn đề. Vì vậy, sử dụng Sơ đồ tư duy sẽ giúp sinh viên dần dần hình thành cách ghi chép có hiệu quả. Việc rèn luyện phương pháp học tập cho sinh viên không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là mục tiêu dạy học. Tuy nhiên việc thiết kế và sử dụng Sơ đồ tư duy đòi hỏi thời gian, công sức và trình độ tin học nhất định. Do đó nhà trường cần tạo điều kiện cho các giảng viên chuyên ngành phương pháp dự các lớp tập huấn về Sơ đồ tư duy do Bộ giáo dục tổ chức. Các giảng viên và sinh viên cần tiếp cận Sơ đồ tư duy một cách thường xuyên và có kĩ năng sử dụng chúng thành thạo trong quá trình dạy và học.

  1. Kết luận

Qua nghiên cứu tôi nhận thấy rằng, dạy và học với Sơ đồ tư duy sẽ đem lại hiệu quả rất lớn cho dạy học Địa lí nói riêng và phục vụ dạy học trong các nhà trường nói chung. Học tập với Sơ đồ tư duy sẽ tạo hướng thú học tập cao hơn, mức độ hiểu bài của sinh viên cũng sâu sắc hơn. Từ đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học và góp phần đổi mới phương pháp dạy học môn Địa lí ở trường đại học. Sơ đồ tư duy là một công cụ hữu ích trong giảng dạy và học tập ở trường phổ thông cũng như ở các bậc học cao hơn vì chúng giúp người dạy và người học trong việc trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng,  suy nghĩ sáng tạo, tóm tắt thông tin của một bài học hay một cuốn sách, bài báo, hệ thống lại kiến thức đã học, tăng cường khả năng ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới,…

Sử dụng Sơ đồ tư duy trong tổ chức hoạt động dạy học hiện nay là một trong những nội dung đổi mới phương pháp theo hướng phát huy tính tích cực của người học. Thông qua việc thiết kế Sơ đồ tư duy giảng viên đã tạo ra một hệ thống đối tác trong hoạt động dạy học và với phương tiện này việc dạy học sẽ nhẹ nhàng hơn, mang lại nhiều kết quả tốt và đáng khích lệ trong phương thức học.

Qua thực tế cho thấy, tiết học có sử dụng phương pháp Sơ đồ tư duy có hiệu quả cao hơn tiết học thông thường, gây được hứng thú học tập, kích thích tư duy tích cực và khả năng sáng tạo của sinh viên, các em hăng say xây dựng, thành lập Sơ đồ tư duy cùng giảng viên và tự mình thành lập nên các Sơ đồ tư duy. Giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn và tổ chức hoạt động tìm tòi của sinh viên, giúp các em tự xây dựng được mối quan hệ giữa các kiến thức trọng tâm, kiến thức chính và các cấp độ kiến thức thấp hơn. Sinh viên chủ động hơn trong việc tìm kiếm, lĩnh hội tri thức, thiết lập tư duy. Điều đó khẳng định việc vận dụng Sơ đồ tư duy trong tổ chức hoạt động dạy học địa lí ở trường đại học Tây Bắc bước đầu đã đem lại hiệu quả cao. Đây sẽ là một hướng đi mới và hết sức cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo theo hệ thống tín chỉ ở trường đại học hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Trần Đình Châu (kì 2, tháng 9/2009), Sử dụng bản đồ tư duy một biện pháp hiệu quả hỗ trợ học sinh học tập môn toán, Tạp chí Giáo dục.
  2. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy (số chuyên đề TBDH năm 2009), Sử dụng bản đồ tư duy góp phần tích cực hóa hoạt động học tập của học sinh, Tạp chí Khoa học giáo dục.
  3. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy (tháng 10, năm 2010), Thiết kế bản đồ tư duy giúp học sinh tự học và tập dượt nghiên cứu toán học, Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ.
  4. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy (2011), Dạy tốt, học tốt các môn học bằng bản đồ tư duy, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
  5. Tony Buzan (2008), Sơ đồ tư duy (The mind map book), Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
  6. Tony Buzan (2007), Bản đồ Tư duy trong công việc, Nhà xuất bản Lao động – Xã hội.