SỬ DỤNG SƠ ĐỒ TƯ DUY TRONG RÈN LUYỆN KĨ NĂNG ĐỌC SÁCH CỦA SINH VIÊN SƯ PHẠM ĐỊA LÍ TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

219

Nguyễn Thị Huệ1[*], Hoàng Thị Thanh Giang2

1,2 Trường Đại học Tây Bắc

 

Tóm tắt

Rèn luyện kĩ năng đọc sách là biện pháp quan trọng hàng đầu trong quá trình tự học của sinh viên. Có nhiều hình thức khác nhau để đọc hiểu và ghi chép những nội dung cơ bản của tài liệu, trong đó sơ đồ tư duy được coi là một trong những phương pháp mang lại hiệu quả cao. Qui trình và cách vận dụng sơ đồ tư duy cụ thể như thế nào sẽ được chúng tôi trình bày trong bài viết này.

Từ khóa: Kĩ năng đọc sách

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Kĩ năng đọc sách là một trong những kĩ năng tự học quan trọng. Có kĩ năng đọc sách tốt không những nâng cao kết quả học tập của bản thân, mà còn là điều kiện quan trọng để giúp sinh viên (SV) có trí tuệ, có học lực cao hơn. Song không phải cứ đọc sách như thế nào cũng được và cứ đọc càng nhiều càng tốt. Mà SV cần có phương pháp đọc hiểu mang lại hiệu quả nhất định thông qua sự hướng dẫn của giảng viên. Các kĩ năng đọc nhanh hiệu quả trên thế giới cần có kĩ năng ghi chép hỗ trợ tốt hơn những kĩ năng ghi chép theo cách tuần tự, vốn mất nhiều thời gian và kém hiệu quả. Phương pháp lưu trữ và truy xuất thông tin theo kiểu Sơ đồ tư duy (SĐTD) có cùng nguyên lí như đọc nhanh và được thiết kế để làm việc đồng bộ với não. Điều này có ý nghĩa là càng sử dụng SĐTD thì trình độ đọc – ghi chép càng được nâng cao.

Ở trường đại học muốn học tập, nghiên cứu có kết quả cao, SV phải có ý thức đọc sách, đọc tài liệu khoa học, đặc biệt những cuốn sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành, báo chí,… Đây là nguồn cung cấp kiến thức phong phú, là người thầy trung thành của mỗi SV. Một trong những hạn chế lớn nhất của SV hiện nay là việc tổng hợp kiến thức từ những tài liệu tham khảo. Có nhiều hình thức khác nhau để SV đọc hiểu và ghi chép những nội dung cơ bản của tài liệu, trong đó SĐTD được coi là một trong những phương pháp hữu hiệu nhất trong việc rèn luyện kĩ năng đọc và ghi chép cho SV.

  1. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Dữ liệu

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên nguồn dữ liệu tham khảo các công trình nghiên cứu về việc sử dụng SĐTD trong học tập của SV ở các Trường Đại học. Thông qua thực trạng kết quả điều tra thực tiễn và thực nghiệm việc áp dụng SĐTD trong rèn luyện kĩ năng đọc sách cho sinh viên Sư phạm Địa lí Trường Đại học Tây Bắc để khẳng định tính hiệu quả của biện pháp.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên các phương pháp sau: Thu thập tổng hợp dữ liệu từ các công trình liên quan đến vấn đề nghiên cứu; phương pháp điều tra quan sát để khảo sát một số nhóm đối tượng trên một diện rộng nhằm phát hiện các qui luật phân bố, trình độ phát triển, những đặc điểm về mặt định tính và định lượng của các đối tượng cần nghiên cứu; phương pháp thực nghiệm sư phạm làm cơ sở để khẳng định vai trò tính hiệu quả của việc sử dụng SĐTD trong rèn luyện kĩ năng đọc sách của SV Sư phạm Trường Đại học Tây Bắc.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Yêu cầu của việc sử dụng Sơ đồ tư duy để rèn luyện kĩ năng đọc sách của sinh viên

Để rèn luyện kĩ năng đọc và ghi chép bằng SĐTD mang lại hiệu quả cao, SV cần chú ý một số yêu cầu sau:

– Có mục đích rõ ràng: Trước khi đọc sách SV phải trả lời các câu hỏi: Đọc để làm gì? Cần tìm hiểu những đơn vị tri thức nào? Từ đó chi phối toàn bộ cách đọc, phương pháp khai thác tri thức khoa học trong sách. Để xác định được mục đích đọc sách cần phải bám vào nhiệm vụ cụ thể được giao trong quá trình tự học môn học để có cách đọc thích hợp.

– Chọn được sách và tài liệu hợp lí để đọc: Số lượng sách và tài liệu tham khảo cho từng môn học rất lớn, vì vậy SV phải biết chọn đúng sách, đúng chỗ cần đọc trong tài liệu để có thể đạt được mục đích đề ra. Muốn vậy SV cần biết tra cứu danh mục trong thư viện để tìm được sách cần đọc. Có tra cứu các sách và những thông tin trên mạng.

– Biết cách đọc sách: Căn cứ vào mục đích đọc sách, lựa chọn để có phương pháp đọc cho phù hợp. Có nhiều cách đọc sách như: đọc lướt, đọc có trọng điểm (đọc từng đoạn), đọc để nghiền ngẫm suy nghĩ nghiên cứu… Mỗi cách đọc sẽ phù hợp với một mục đích nhất định. Trong tự học, SV thường sử dụng phối hợp các cách đọc để khai thác tri thức nhằm đạt kết quả nhiệm vụ tự học đề ra.

– Khi đọc sách phải tích cực tư duy: Tức là SV phải tập trung cao độ, phải sử dụng các thao tác tư duy như: Phân tích, tổng hợp, so sánh, khái quát, trừu tượng hóa… từ đó SV phát hiện những nội dung chủ yếu, thuộc bản chất của vấn đề phải lĩnh hội trong tự học.

– Có tốc độ đọc hợp lí: Biết chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc, đúng chỗ. Đọc với tốc độ biến đổi. Trong quá trình đọc sách đòi hỏi người đọc phải rèn luyện tốc độ đọc sách hợp lí. Có những lúc cần đọc lướt, đọc nhanh để tìm ra những chỗ đọc chậm, đọc để suy nghĩ và thâu tóm nhanh những nội dung chủ yếu của vấn đề đang quan tâm.

– Biết ghi chép một cách khoa học những tài liệu đã đọc: Đọc và ghi chép những điều đã đọc luôn luôn đi liền với nhau, tác động và bổ sung cho nhau trong tự học. Với lượng thời gian có hạn, nếu người đọc không biết ghi chép một cách khoa học những thông tin đã đọc được thì việc đọc sách sẽ không đạt hiệu quả. Ghi chép trong khi đọc sách có tác dụng rèn cho SV kĩ năng chọn kiến thức và lưu giữ kiến thức đã đọc được. Ghi chép bằng SĐTD cần chú ý: Ghi chép theo dàn ý, đề cương theo lôgic của vấn đề; Ghi chép nội dung chính, làm nổi bật ý tưởng chính của nội dung bài học; Ghi chép kèm theo những câu hỏi thắc mắc; Phát triển các nhánh ý tưởng và sáng tạo; Sử dụng biểu tượng, từ khóa ngắn gọn để diễn đạt các ý chính.

3.2. Qui trình của việc sử dụng Sơ đồ tư duy để rèn luyện kĩ năng đọc sách của sinh viên

Kĩ năng đọc và ghi chép coi là một trong những kĩ năng cơ bản trong tự học của SV, việc tạo một SĐTD để đọc và ghi chép nội dung một cuốn sách hay tài liệu học tập được thực hiện theo các bước như sau:

– Bước 1. Đọc lướt

+ Đọc nhanh: Trước khi đi vào phần nội dung chi tiết của sách, cần phải đọc lướt để có cái nhìn tổng quát. Cách hay nhất là xem bìa trước, bìa sau, bảng mục lục và lật nhanh các trang vài lần để có “cảm nhận” chung về cuốn sách.

+ Chọn từ và hình ảnh then chốt, tạo hình ảnh trung tâm tóm tắt chủ đề hay tựa đề. Trong ghi chép theo SĐTD, thay vì ghi cả câu hoặc liệt kê, Từ và hình ảnh then chốt được kết hợp để diễn tả nội dung chính và mang chức năng gợi nhớ giúp nhớ lại thông tin chính xác.

+ Lập SĐTD với các nhánh chính vươn ra từ vị trí trung tâm. Các nhánh này sẽ tương ứng với các phân mục chính hay các chương của cuốn sách, hoặc những mục tiêu cụ thể khi đọc sách.

– Bước 2. Đọc kĩ để lập SĐTD chi tiết cho kiến thức đã có về chủ đề

+ Vẽ SĐTD theo kiểu lửa lan nhanh về tất cả những gì liên quan đến chủ đề nghiên cứu.

+ Vẽ các nhánh phụ từ các nhánh chính với các mã hiệu (mầu sắc, ký hiệu hoặc cả hai) để biểu thị chỉ dẫn tham chiếu hoặc liên hệ ý giữa các thành phần khác nhau.

– Bước 3. Hiệu chính và tái lập SĐTD thành một tổng thể mạch lạc, bổ sung, sửa đổi hoặc mở rộng nếu cần.

+ Đọc kĩ lại nội dung cuốn sách, dùng bút màu để thêm vào SĐTD kiến thức vừa hoàn chỉnh ở bước trên về các mục tiêu đã đặt ra nhằm tạo ra một SĐTD đầy đủ hơn về chi tiết, rõ ràng hơn về trọng tâm và ít có khả năng hiệu chỉnh lại.

+ Vẽ SĐTD cho các mục tiêu làm tăng khả năng ghi nhận những thông tin liên quan của hệ thống mắt – não.

+ Thêm các thông tin cho SĐTD (hình ảnh, sơ đồ, biểu bảng, màu sắc, đường nét…)

– Bước 4. Tự kiểm tra đánh giá kĩ năng sử dụng SĐTD để rèn kĩ năng đọc và ghi chép của SV.

Sau khi hoàn chỉnh đọc và ghi chép tài liệu học tập bằng SĐTD, cần phải ôn tập, kiểm tra thường xuyên để duy trì mức hiểu và nhớ lại thông tin đã đọc. Bằng cách này, thông tin sẽ được lưu lại lâu dài trong trí nhớ. Mỗi lần ôn tập, thay vì nhìn vào SĐTD ban đầu, cần thực hành bùng phát một SĐTD khác theo kiểu lửa lan nhanh về thông tin nhớ được để chứng tỏ việc nhớ lại không cần trợ giúp. Sau đó, đối chiếu SĐTD này với SĐTD ban đầu, chỉnh sửa những điểm chưa thống nhất và củng cố những phần còn thiếu sót.

– Vận dụng:

+ Thiết kế tình huống (1): “Trong học kì 4, năm học thứ hai, SV Sư phạm Địa lí Trường Đại học Tây Bắc bắt đầu được học một số học phần chuyên ngành. Trong đó có môn Lí luận dạy học Địa lí gồm 4 tín chỉ, nên thời gian tự học khá nhiều 120 tiết. Để giúp cho việc tự học đạt hiệu quả cao SV cần nghiên cứu giáo trình, tài liệu tham khảo, từ đó tự đúc kết cho bản thân những kiến thức cơ bản, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mà giảng viên đặt ra. Em hãy vận dụng 4 bước trên với SĐTD để đọc và ghi chép nội dung giáo trình “Lí luận dạy học Địa lí – Nguyễn Dược, Nguyễn Trọng Phúc, Nxb ĐHSP 2006”.

Trước khi giảng dạy học phần, giảng viên giao nhiệm vụ học tập trước cho SV chuẩn bị. Việc đầu tiên là giảng viên giới thiệu qua về môn học: Nội dung, thời lượng, giáo trình, tài liệu, cách học, bài tập… Nhiệm vụ đầu tiên là SV mượn giáo trình, tài liệu tham khảo đọc và ghi chép nội dung cần thiết theo nhiệm vụ học tập được giao. Giáo trình chính để học học phần này là “Lí luận dạy học Địa lí – Nguyễn Dược, Nguyễn Trọng Phúc, Nxb ĐHSP 2006”, để giải quyết được tình huống trên, SV cần tiến hành đọc và ghi chép giáo trình theo bốn bước đã hướng dẫn như trên.

Bước 1. Đọc lướt với thời gian 10-20 phút, mục tiêu là xác định được nội dung chính mà giáo trình đề cập tới. Xem tờ bìa xác định tên tác giả, Nxb, năm xuất bản,… Xem phụ lục xác định tên các phần, các chương,… Sau đó thể hiện ở các nhánh cấp 1, 2 của SĐTD. Xác định nội dung trọng tâm trong giáo trình, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, dùng bút màu đánh dấu những nội dung trọng tâm đó (chương 3, 7, 9), dành nhiều thời gian đọc kĩ hơn (màu xanh).

Hình 3.2.1. SĐTD minh họa bước 1 – Tình huống (1)

Bước 2. Vẽ SĐTD theo kiểu lửa lan nhanh cho từng chủ đề nghiên cứu. Đọc nhanh và ghi nhanh tất cả các thông tin có được về chủ đề đó. Xác định khoảng thời gian tương ứng cho từng nội dung cụ thể. (SĐTD minh họa hình 3.2.2, trang sau)

Hình 3.2.2. SĐTD minh họa chủ đề 1 trong giáo trình Lí luận dạy học Địa lí

Bước 3. Đọc kĩ từng chủ đề, đặc biệt các chủ đề trọng tâm. Ghi chép lại trên SĐTD hoàn chỉnh. Xác định mục tiêu và nội dung cụ thể của chủ đề, đưa ra các câu hỏi, bài tập… cần trao đổi, giải quyết. Khi đọc xong giáo trình ở bước 3, SV đã có kiến thức cơ bản về môn học. Từ đó dễ dàng làm các bài tập, nhiệm vụ mà giảng viên đã giao.

Hình 3.2.3. SĐTD minh họa bước 4 – Tình huống (1)

Bước 5. Giảng viên kiểm tra kĩ năng đọc và ghi chép của SV theo tiêu chí và mức độ đã xây dựng.

3.3. Tiêu chí đánh giá việc sử dụng Sơ đồ tư duy trong rèn luyện kĩ năng đọc và sách của sinh viên

Kĩ năng đọc và ghi chép là một trong những KNTH quan trọng của SV sư phạm. Để đánh giá quá trình phát triển kĩ năng đọc và ghi chép bằng SĐTD của SV trong tự học, tác giả đã xây dựng phiếu quan sát với 5 mức độ và các tiêu chí cụ thể. Mức điểm đánh giá từ 1-10, tổng điểm tối thiểu là 1, tối đa là 10.

Bảng 3.3.1. Tiêu chí và mức độ đánh giá việc sử dụng Sơ đồ tư duy trong    rèn luyện kĩ năng đọc sách của sinh viên Sư phạm Địa lí

KN đọc và  ghi chép Tiêu chí Điểm
M1. Mức độ 1 Đã xác định được từ khóa, tạo hình ảnh trung tâm thể hiện mục tiêu của chủ đề. Nhưng chưa chi tiết hóa được nội dung của các chủ đề trên SĐTD. Chưa xác định được lượng kiến thức, thời gian hoàn thành từng chủ đề. 1-2
M2. Mức độ 2 Đã xác định được từ khóa, tạo hình ảnh trung tâm thể hiện mục tiêu của chủ đề. Đã chi tiết hóa được nội dung của các chủ đề trên SĐTD nhưng chưa đầy đủ và chưa rõ trọng tâm. Chưa xác định được lượng kiến thức, thời gian hoàn thành từng chủ đề. 3-4
M3. Mức độ 3 Đã xác định được từ khóa, tạo hình ảnh trung tâm thể hiện mục tiêu của chủ đề. Đã chi tiết hóa được nội dung của các chủ đề trên SĐTD đầy đủ, nổi bật được trọng tâm nhưng chưa xác định được lượng kiến thức, thời gian hoàn thành từng chủ đề. 5-6
M4. Mức độ 4 Đã xác định được từ khóa, tạo hình ảnh trung tâm thể hiện mục tiêu của chủ đề. Đã chi tiết hóa được nội dung của các chủ đề trên SĐTD đầy đủ, nổi bật được trọng tâm. Đã xác định được lượng kiến thức, thời gian hoàn thành từng chủ đề nhưng chưa bổ sung thêm được các thông tin cho SĐTD. 7-8
M5. Mức độ 5 Đã xác định được từ khóa, tạo hình ảnh trung tâm thể hiện mục tiêu của chủ đề. Đã chi tiết hóa được nội dung của các chủ đề trên SĐTD đầy đủ, nổi bật được trọng tâm. Đã xác định được lượng kiến thức, thời gian hoàn thành từng chủ đề, bổ sung thêm được các thông tin cho SĐTD (kênh hình, vấn đề thắc mắc,…) 9-10

 

  1. KẾT LUẬN

Hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học hiện nay đòi hỏi người dạy và người học phải đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức giảng dạy – học tập. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường khâu tổ chức cho SV tự học.

Qua kết quả điều tra khảo sát 397 em SV sư phạm Trường Đại học Tây Bắc cho thấy, kĩ năng đọc và ghi chép của SV chưa được tốt, SV chưa tích cực đi thư viện để đọc tài liệu, giáo trình của môn học, đa phần SV chỉ học theo vở ghi. Do đó họ chưa có phương pháp đọc và ghi chép hiệu quả, chưa có phong cách tự học của SV Sư phạm. Hầu hết các SV chỉ thụ động ghi chép những kiến thức tiếp thu được vào vở, ghi chép theo kiểu tuyến tính, dàn chải, không làm nổi bật trọng tâm của vấn đề, khó nhớ, khó học.

Sau khi có sự hướng dẫn của giảng viên, kĩ năng đọc và ghi chép của SV có sự thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, qua quan sát chúng tôi thu được kết quả như sau:

Hình 4.1. Biểu đồ thể hiện mức độ rèn luyện kĩ năng đọc và ghi chép bằng SĐTD của SV sau các lần thực nghiệm

Qua biểu đồ trên chúng tôi có nhận xét như sau:

– Lần 1. Sau khi tiến hành hướng dẫn SV đọc và ghi chép bằng SĐTD theo qui trình và yêu cầu đã đưa ra ở chương 2. Kĩ năng đọc và ghi chép của SV đã có sự tiến bộ rõ rệt, hầu hết SV đã biết cách đọc với tốc độ khác nhau để xác định nội dung chính của cuốn sách. SV đã biết kết hợp giữa đọc sách và ghi chép bằng SĐTD để hệ thống hóa toàn bộ kiến thức đã đọc chi tiết và logic. Cụ thể, mức độ 1 chiếm tỉ lệ rất thấp chỉ có  4,8%, mức độ 2 là 14,5%, mức độ 3 chiếm tỉ lệ cao nhất 35,5%, mức độ 4 là 29% và mức độ 5 là 16,2%. Tuy nhiên, ở lần TN đầu tiên SV còn lúng túng trong việc thể hiện nội dung chi tiết cuốn sách đã đọc trên SĐTD. Một số SV chưa biết cách xác định nội dung quan trọng, chưa đặt được câu hỏi và tự trả lời một số câu hỏi về nội dung kiến thức đã đọc, chưa biết sắp xếp nội dung theo trình tự logic vấn đề. Vì thế, số SV đạt mức độ 4 và mức độ 5 còn thấp, số SV đạt điểm tuyệt đối chưa có.

– Lần 2. Trong lần thực nghiệm (TN) này, chúng tôi khắc phục những yếu kém còn tồn đọng ở lần TN trước, chú trọng rèn luyện cho SV cách vận xác định nội dung quan trọng và vận dụng kiến thức đã được để giải quyết các nhiệm vụ giảng viên giao. Vì thế, kết quả TN được nâng lên. SV có kĩ năng đọc và ghi chép bằng SĐTD khá thành thạo. Trong quá trình đọc đã tóm lược được những vấn đề cơ bản trong tài liệu, kết hợp với SĐTD ghi chép rõ ràng, có hệ thống. Trên cơ sở những kiến thức cơ bản đó, SV đã biết bổ sung, mở rộng và làm phong phú thêm những kiến thức có trong giáo trình và vận dụng chúng để giải quyết các vấn đề giảng viên giao. Thông qua quá trình TN, SV đã hình thành kĩ năng đọc sách, biết cách lập luận và khai thác vấn đề, đồng thời có khả năng khái quát hóa, lấy dẫn chứng thực tế để minh họa cho kiến thức đã đọc. Sự tiến bộ này được thể hiện qua các số liệu bảng 3.5: Mức độ 1 không còn, mức độ 2,3 giảm, mức độ 4 và 5 tăng nhanh (37,1% và 22,5%). Như vậy, kĩ năng đọc và ghi chép bằng SĐTD của SV được nâng lên qua các lần TN, hầu hết đạt mức trung bình trở lên. Qua quá trình quan sát chúng tôi nhận thấy có những SV có sự tiến bộ vượt bậc, trước TN chỉ đạt mức độ 2 nhưng sau khi tiến hành TN kĩ năng đọc và ghi chép của SV đó đã tăng lên ở mức độ 5.

Như vậy, qua các lần thực nghiệm việc sử dụng SĐTD để rèn luyện kĩ năng đọc và ghi chép của SV đã có sự tiến bộ rõ rệt. Trong các KNTH thì kĩ năng đọc và ghi chép được coi là một trong những kĩ năng cơ bản nhất. Kĩ năng này cần được SV sử dụng thường xuyên trong suốt quá trình tự học, dưới sự hướng dẫn của giảng viên. Có như vậy, kĩ năng đọc và ghi chép của SV mới ngày càng hoàn thiện và chất lượng.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Anh, Đỗ Thị Châu (2005), Nghiên cứu hoạt động tự học của sinh viên đại học sư phạm, Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, Mã số B-2004-75-III, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  2. Tony Buzan (2012), Speed reading, Tăng tốc đọc hiểu để thành công (Lê Huy Lâm dịch), Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Tony Buzan (2014), The speed reading book, Sách dạy đọc nhanh (Lê Huy Lâm dịch), Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.

 

ABSTRACT

Use mind map in training reading skills  for students at TayBac University

Nguyen Thi Hue1*, Hoàng Thi Thanh Giang2

1,2 TayBac University

Practicing reading skills is the most important measure in students’ self-study. There are many different ways to read and record the basic contents of the document, in which mind map is considered one of the methods that bring about high efficiency. How and how to use the specific mind map will be presented in this article.

Key words: reading skills