MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN KĨ NĂNG TỰ HỌC CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

216

Nguyễn Thị Huệ1,Hoàng Thị ThanhGiang2

1,2 Trường Đại học Tây Bắc

 

Tóm tắt

Xây dựng các biện pháp phát triển kĩ năng tự học cho sinh viên nhằm giúp cho sinh viên nâng cao nhận thức về vấn đề tự học, nâng cao các kĩ năng xác định mục đích và kĩ năng hình thành động cơ tự học cho bản thân. Đây là vấn đề đang được quan tâm hàng đầu trong quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học hiện nay.

Từ khóa: Kĩ năng tự học

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Đào tạo theo tín chỉ đòi hỏi thời lượng tự học của sinh viên (SV) chiếm 2/3 so với giờ học trên lớp. Hiện nay do yêu cầu đổi mới về nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo và giáo dục ở các trường Cao đẳng, Đại học đòi hỏi SV phải tự học để tồn tại, tự khẳng định mình và phát triển một cách bền vững. SV chỉ có thể thành công trong học tập, nghiên cứu khoa học và những thành tựu nhất định trong tương lai cũng bằng quá trình tự học. Thời gian học trong trường, trên giảng đường Đại học bao giờ cũng có hạn, trong khi đó sự phát triển tri thức của loài người là không bờ bến. Giải quyết mâu thuẫn này không có con đường nào khác là phải tự học và học suốt đời. Vì vậy, việc hình thành và phát triển kĩ năng tự học (KNTH) cho SV là chiến lược lâu dài và là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học hiện nay.

Các Khoa sư phạm trường Đại học Tây Bắc (ĐHTB) cũng như các trường sư phạm khác trong cả nước, với nhiệm vụ đào tạo ra những người GV có đủ trình độ và năng lực cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy theo học chế tín chỉ, chúng tôi nhận thấy việc tự học tuy đã được quan tâm và thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Xong nhìn chung chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều SV chưa dành nhiều thời gian cho tự học, chưa xây dựng và rèn luyện KNTH cho bản thân, phương pháp tự học chưa hợp lí… Điều này, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan đem lại. Trường ĐHTB với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho 7 tỉnh Tây Bắc và các tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ và hiện được coi là ngôi trường có nhiều người dân tộc anh em theo học nhất ở Việt Nam hiện nay. Hơn 70% SV đang theo học là đồng bào các dân tộc vùng cao. Vì vậy, việc hướng dẫn SV cách học, cách liên hệ kiến thức theo hệ thống và phát triển KNTH cho SV là vấn đề rất cần thiết và được quan tâm hàng đầu.

  1. DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Dữ liệu

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên nguồn dữ liệu tham khảo các công trình nghiên cứu về việc tự học của SV ở các Trường Đại học. Thông qua thực trạng kết quả điều tra thực tiễn và thực nghiệm việc áp dụng một số biện pháp trong rèn luyện KNTH cho sinh viên Sư phạm Địa lí Trường Đại học Tây Bắc.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên các phương pháp sau: Thu thập tổng hợp dữ liệu từ các công trình liên quan đến vấn đề nghiên cứu; phương pháp điều tra quan sát để khảo sát một số nhóm đối tượng trên một diện rộng nhằm phát hiện các qui luật phân bố, trình độ phát triển, những đặc điểm về mặt định tính và định lượng của các đối tượng cần nghiên cứu; phương pháp thực nghiệm sư phạm làm cơ sở để khẳng định vai trò tính hiệu quả của một số biện pháp phát triển KNTH cho SV Sư phạm Trường Đại học Tây Bắc.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

3.1. Khái quát chung về kĩ năng tự học

KNTH có thể hiểu là phương thức hành động trên cơ sở sự lựa chọn và vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có để thực hiện có kết quả mục tiêu học tập đã đặt ra phù hợp với những điều kiện cho phép. [1,65]

Mục đích của việc xây dựng các biện pháp phát triển KNTH cho SV chính là giúp cho SV nâng cao nhận thức về vấn đề tự học, nâng cao các kĩ năng xác định mục đích và kĩ năng hình thành động cơ tự học cho bản thân.

Các biện pháp đề xuất phải tạo được môi trường học tập để SV có cơ hội rèn luyện và phát triển các kĩ năng như: kĩ năng kế hoạch hóa học tập; kĩ năng đọc tài liệu; kĩ năng ghi chép; kĩ năng làm việc nhóm; kĩ năng tự đánh giá kết quả học tập…

3.2. Nội dung và tổ chức thực hiện biện pháp

3.2.1. Kĩ năng kế hoạch hóa học tập

* Nguyên tắc: Khi xây dựng kế hoạch tự học (KHTH) cần tuân thủ một số yêu cầu sau:

Nguyên tắc 1. Đảm bảo thời gian tự học cho từng môn phù hợp với khối lượng thông tin tương ứng:

Ở đại học, SV phải học nhiều bộ môn và các chuyên đề. Mỗi bộ môn có vị trí và khối lượng thông tin cũng như tính chất, nội dung thông tin khác nhau. Do đó, SV cần phân phối thời gian tự học cho từng bộ môn một cách hợp lí. Theo kinh nghiệm, số tiết tự học tương đương với số tiết học chính khóa.

Nguyên tắc 2. Đảm bảo xen kẽ, luân phiên một cách hợp lý các dạng tự học, các bộ môn khác nhau.

Khi tiến hành hoạt động tự học, cần thay đổi và luân phiên các dạng hoạt động tự học Chẳng hạn từ đọc sách, nghiên cứu lý thuyết sang làm bài tập… Đồng thời, các bộ môn với tính chất khác nhau cũng cần được xen kẽ, luân phiên nhau như: từ môn khoa học tự nhiên sang môn khoa học xã hội, từ môn đòi hỏi tư duy trừu tượng cao đến môn đòi hỏi tư duy trừu tượng thấp hoặc ngược lại.

Nguyên tắc 3. Đảm bảo xen kẽ, luân phiên một cách hợp lý giữa tự học và nghỉ ngơi.

Trong qua trình tự học, SV tiến hành lao động trí óc căng thẳng sẽ dần dần có sự mệt nhọc cũng như mệt mỏi. Để phòng và tránh điều đó, một trong những biện pháp quan trọng là nghỉ ngơi một cách hợp lí sẽ giúp cho các chức năng hoạt động của cơ thể nói chung, của vỏ não nói riêng được phục hồi.

Nguyên tắc 4. Đảm bảo tính mềm dẻo và tính thực tế của kế hoạch và thời gian biểu tự học.

Mỗi cá nhân SV cần có kế hoạch và thời gian biểu riêng, vì mỗi SV có những đặc điểm riêng về nhận thức, tình cảm, ý chí, sức khỏe và hoàn cảnh sống. Hơn nữa mỗi cá nhân có nhịp độ sinh học tự nhiên phù hợp với khả năng của họ, hiệu quả tự học phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm và điều kiện làm việc của từng cá nhân. Vì vậy khi lập KHTH, SV phải biết lựa chọn những nhiệm vụ nào cần đến sự cố gắng trí tuệ nhiều hơn sẽ giành nhiều thời gian cho những lúc có thể làm việc đạt kết quả cao nhất.

* Qui trình lập KHTH

Bước 1. Xác định mục tiêu của chủ đề học tập.

Bước 2. Nghiên cứu giáo trình và các tài liệu liên quan để:

  • Hiểu chính xác, đầy đủ những nội dung của chủ đề.
  • Xác định những kiến thức, kĩ năng, năng lực cơ bản cần hình thành và phát triển.
  • Xác định trình tự, logic của chủ đề.

Bước 3. Sắp xếp việc cần làm theo thứ tự thời gian và thứ tự ưu tiên. Dự định phân chia thời gian cho từng công việc một cách hợp lí.

Bước 4. Xây dựng kế hoạch bài học: Xác định mục tiêu, thiết kế nội dung, nhiệm vụ, cách thức hoạt động, thời gian và yêu cầu cần đạt cho từng hoạt động dạy và hoạt động học.

Bước 5. SV triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Kiểm tra lại kết quả đạt được so với dự kiến để đưa ra kết luận và điều chỉnh kế hoạch.

3.2.2. Kĩ năng đọc tài liệu

Ở trường đại học muốn học tập, nghiên cứu có kết quả cao, SV phải có ý thức đọc sách, đọc tài liệu khoa học, đặc biệt những cuốn sách chuyên khảo, tạp chí chuyên ngành, báo chí… Đây là nguồn cung cấp kiến thức phong phú, là người thầy trung thành của mỗi SV. Một trong những hạn chế lớn nhất của SV hiện nay là việc tổng hợp kiến thức từ những tài liệu tham khảo. Vì vậy, muốn rèn luyện cho SV kĩ năng đọc tài liệu cần đảm bảo một số nguyên tắc và tiến hành theo qui trình sau:

* Nguyên tắc:

Nguyên tắc 1. Đọc lướt (tờ bìa, mục lục)

Nguyên tắc 2. Đọc kỹ để xác định ý chính

Nguyên tắc 3. Biết chọn cách đọc cần thiết, đúng lúc, đúng chỗ. Đọc với tốc độ biến đổi.

Nguyên tắc 4. Đọc phải ghi chép, đánh dấu những điểm quan trọng hay những chú ý chưa hiểu.

Nguyên tắc 5. Luôn đặt ra câu hỏi và tự trả lời nhằm khắc sâu kiến thức qua đọc tài liệu.

* Qui trình đọc tài liệu

Bước 1. Xác định mục tiêu đọc tài liệu

Bước 2. Đọc lướt. Trước khi đi vào phần nội dung chi tiết của sách, cần phải đọc lướt để có cái nhìn tổng quát. Cách hay nhất là xem bìa trước, bìa sau, bảng mục lục và lật nhanh các trang vài lần để có “cảm nhận” chung về cuốn sách.

Bước 3. Đọc hiểu. Đọc kĩ để hiểu sâu và đầy đủ các thông tin theo từng phần kiến thức. Tìm các câu trả lời cho các phần đã đánh dấu.

Bước 4. Ghi chép nội dung đã đọc được. Củng cố vận dụng những kiến thức đã đọc được vào giải quyết vấn đề và giải bài tập.

Hình 1. Minh họa đọc tài liệu bước 3 bằng SĐTD

3.2.3.. Kĩ năng ghi chép

* Nguyên tắc

Để ghi chép đạt hiệu quả, SV cần tuân thủ theo 5 nguyên tắc sau:

Nguyên tắc 1. Ghi chép theo dàn ý, đề cương theo lôgic của vấn đề

Nguyên tắc 2. Ghi chép nội dung chính, làm nổi bật ý tưởng chính của nội dung bài học

Nguyên tắc 3. Ghi chép kèm theo những câu hỏi thắc mắc

Nguyên tắc 4. Phát triển các nhánh ý tưởng và sáng tạo

Nguyên tắc 5. Sử dụng biểu tượng, từ ngữ ngắn gọn để diễn đạt các ý chính

* Qui trình

Có nhiều cách để ghi chép chép hiệu quả, trong khuôn khổ bài viết chúng tôi tập trung vào cách hướng dẫn SV ghi chép bằng sơ đồ tư duy (SĐTD). Đây là phương pháp sử dụng “cả bộ não” để tóm tắt môn học hay cả chương trình học vào một trang sách bằng những hình ảnh trực quan và những hình vẽ đồ thị [2,5]. Ghi chú hiệu quả với SĐTD được tiến hành qua các bước sau:

Bước 1. Chọn từ và hình ảnh then chốt:

+ Phải gợi đúng thông tin cần nhớ.

+ Không có tính miêu tả, trừu tượng hoặc tổng quát đến mức thiếu hiệu quả.

+ Phải gợi lên hình ảnh đặc trưng trong tâm trí.

+ Phải thích hợp, phù hợp với đối tượng.

+ Phải có khả năng tóm tắt thông tin.

Trong ghi chú theo SĐTD, thay vì ghi cả câu hoặc liệt kê, Từ và hình ảnh then chốt được kết hợp để diễn tả nội dung chính và mang chức năng gợi nhớ giúp nhớ lại thông tin chính xác.

Khi lập SĐTD, bộ não sẽ tạo ra một sơ đồ tích hợp toàn bộ phạm vi kiến thức cần ghi nhận. Lúc này, SĐTD trở thành một ghi chú đa chiều của não, cung cấp tất cả những thông tin cần nhớ một cách độc đáo. Đây là kĩ thuật đồ họa tận dụng hiệu quả sức mạnh của bộ não và khai mở tiềm năng thật sự, giúp việc nhớ lại thông tin một cách dễ dàng hơn.

Bước 2. Ôn tập ghi chú theo SĐTD: Sau khi hoàn chỉnh ghi chú theo SĐTD, cần phải ôn tập các ghi chú thường xuyên để duy trì mức hiểu và nhớ lại thông tin đã học. Trong một giờ học, các quãng và lượng thời gian tối ưu dành cho việc ôn tập nên được phân bố như sau:

+ Sau 10 phút, ôn 10 phút.

+ Sau 24 giờ, ôn 2-4 phút.

+ Sau 1 tuần, ôn 2 phút.

+ Sau một tháng, ôn 2 phút.

+ Sau sáu tháng, ôn 2 phút.

+ Sau một năm, ôn 2 phút.

Bằng cách này, thông tin sẽ được lưu lại lâu dài trong trí nhớ. Mỗi lần ôn tập, thay vì nhìn vào SĐTD ban đầu, cần thực hành bùng phát một SĐTD khác theo kiểu lửa lan nhanh về thông tin nhớ được để chứng tỏ việc nhớ lại không cần trợ giúp. Sau đó, đối chiếu SĐTD này với SĐTD ban đầu, chỉnh sửa những điểm chưa thống nhất và củng cố những phần còn thiếu sót.

Ví dụ, khi đọc cuốn sách “Để tự học đạt được hiệu quả” của tác giả Vũ Quốc Chung – Lê Hải Yến, có thể sử dụng SĐTD để ghi tóm tắt nội dung cơ bản của cuốn sách như sau:

Hình 2. Rèn luyện kĩ năng ghi chép cho SV bằng sơ đồ tư duy

3.2.4. Kĩ năng làm việc nhóm

* Nguyên tắc

Nguyên tắc 1. Lựa chọn thành viên nhóm

Nguyên tắc 2. Xác định mục tiêu chung của nhóm. Đặt mục tiêu chung lên hàng đầu

Nguyên tắc 3. Có người lãnh đạo nhóm

Nguyên tắc 4. Xác định vai trò của từng thành viên trong nhóm.

Nguyên tắc 5. Tôn trọng các thành viên trong nhóm

* Qui trình

Bước 1. Hướng dẫn có tổ chức SV thành lập nhóm. Số lượng khoảng 5-7 thành viên một nhóm. Tùy theo yêu cầu và cách đánh giá kết quả mà giảng viên hướng dẫn cách phân chia nhóm cho phù hợp.

Bước 2. Xác định nhiệm vụ cần thực hiện. Hướng dẫn SV xác định rõ nhiệm vụ của cả nhóm, của từng thành viên trong nhóm và thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

Bước 3. Tiến hành giải quyết công việc. Các thành viên cần nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, cần trao đổi, góp ý… để đi đến thống nhất chung. Trưởng nhóm tổng hợp lại toàn bộ phần việc của từng thành viên. Chọn thành viên báo cáo công việc của nhóm.

Bước 4. Kiểm tra đánh giá kết quả đạt được của nhóm. Hướng dẫn SV đánh giá, ghi nhận các kết quả đã thực hiện được trong nhóm. (đánh giá xếp vào điểm chuyên cần).

  1. KẾT LUẬN

Hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học hiện nay đòi hỏi người dạy và người học phải đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức giảng dạy – học tập. Trong đó cần đặc biệt quan tâm đến việc tăng cường khâu tổ chức cho SV tự học.

Qua kết quả điều tra khảo sát 397 em SV sư phạm Trường Đại học Tây Bắc cho thấy, đa phần SV đều nhận thức được thế nào là tự học, vai trò của tự học và tự đánh giá KNTH của bản thân. Có 67,3% SV đánh giá tự học là rất quan trọng và tự học chính là nhân tố quyết định chất lượng và kết quả học tập trong đào tạo theo tín chỉ. Song giữa nhận thức và thực tế học tập của SV chưa có được đồng nhất. Bởi có tới 47,1% SV cho rằng mục đích học đại học chỉ là để có tấm bằng đại học và 90% SV xác định mục đích tự học chỉ để hoàn thành bài tập, tiểu luận giảng viên giao chứ không phải tự bản thân muốn tự học để nâng cao chất lượng hiệu quả học tập cho bản thân. Do đó, cần có biện pháp để xác định động cơ tự học cho SV một cách rõ ràng, hướng dẫn các em cách tự học đạt hiệu quả cao nhất. Nhìn chung SV rất nghiêm túc và thẳng thắn đánh giá thực trạng KNTH của bản thân. Do việc phần lớn SV chỉ tự học khi giảng viên bắt buộc và yêu cầu nên có tới 46,3% SV tự cho rằng KNTH của bản thân chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, việc tìm ra các biện pháp để phát triển KNTH cho SV là vấn đề cần thiết và quan trọng đặc biệt trong quá trình đào tạo theo học chế tín chỉ như hiện nay.

Để giải quyết được thực trạng trên, cần có những biện pháp nhằm giúp SV khắc phục hạn chế về nhận thức, hiểu được ý nghĩa và sự cần thiết của việc rèn luyện các KNTH. Đây cũng chính là mục tiêu bài viết chúng tôi hướng đến. Với mong muốn sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quá trình tự học cho SV, đáp ứng được yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay của nhà trường.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hoàng Anh, Đỗ Thị Châu (2005), Nghiên cứu hoạt động tự học của sinh viên đại học sư phạm, Đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp bộ, Mã số B-2004-75-III, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
  2. Trần thị Minh Hằng (2011), Tự học và yếu tố tâm lí cơ bản trong tự học của sinh viên sư phạm, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  3. Nguyễn Hiến Lê (2002), Tự học một nhu cầu thời đại, NXB Văn hóa – Thông tin.
  4. Tony Buzan – bản dịch tiếng Việt Lê Huy Lâm (2008), Sơ đồ tư duy, Nhà xuất bản tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

 

ABSTRACT

Some methods of developing self-study skill for students at TayBac University

Nguyen Thi Hue1*, Hoàng Thi Thanh Giang2

1,2 TayBac University

The construction method of developing self-study skill for students helps them to improve both awareness of self-study problems and competence for identified purpose. In addition, this also aims at growing the formation of self-learning motivation skills for students. This is an issue of top concern in the process of credit training at universities today.

Key words: self-study skill