CHỌC LỖ BỎ HẠT – ‘thô sơ lạc hậu’ hay loại nông cụ tối ưu cho canh tác nương rẫy?

300

Phạm Anh Tuân, Cà Chung

Nếu chỉ nhìn về cấu tạo bề ngoài, gậy chọc lỗ trông có vẻ thô sơ, ‘kém năng suất’ hơn các loại nông cụ ‘hiện đại khác’. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chọc lỗ bỏ hạt là một sáng tạo độc đáo của các cư dân làm nương rẫy, là một sản phẩm văn hoá được đúc kết từ kinh nghiệm hàng trăm năm của người dân để thích ứng và khai thác hiệu quả, bền vững môi trường tự nhiên xung quanh cũng như giảm thiểu sức lao động của con người.

Đối với các cư dân canh tác nương rẫy ở Việt Nam nói riêng và ở trên thế giới nói chung, gậy chọc lỗ là một nông cụ rất phổ biến. Nông cụ này có kết cấu trông rất đơn giản, chỉ là một thân gỗ có độ dài chừng hơn 1 mét, nhỏ hơn cổ tay, một đầu được vót nhọn. Do có cấu tạo đơn giản như vậy nên gậy chọc lỗ thường bị coi là một loại hình nông cụ thô sơ, ‘lạc hậu’, ‘kém năng suất’ nếu so với các nông cụ của các cư dân canh tác ruộng nước như cuốc, cày, vv.

Chọc lỗ bỏ hạt là một cách gieo hạt rất phổ biến của người Thái và một số dân tộc thiểu số ở Tây Bắc. Nhiều người nghĩ chọc lỗ bỏ hạt là phương pháp gieo trồng lạc hậu. Nhưng thực ra cách gieo hạt này lại rất khoa học, nó có tác dụng như sau: Cây gậy để chọc lỗ (mạy lủng) được làm khá cầu kỳ có thể để sử dụng trong nhiều năm. Chiều dài của nó được lựa chọn kỹ và được đánh dấu các đoạn phù hợp với khoảng cách gieo hạt của từng loại cây trồng. Cho nên, người chưa có kinh nghiệm sẽ coi gậy chọc lỗ là cái thước để bố trí khoảng cách lỗ cho phù hợp. Đầu cây gậy được vót sao cho khi chọc tạo ra một lỗ tròn (khum lủng) có độ sâu và độ rộng thích hợp, đáy lỗ nhọn, thành lỗ nhẵn.

Gieo bằng cách này có ưu điểm là:

– Cây mọc đều hơn so với gieo bằng cách khác. Sở dĩ mọc đều là vì khi chọc lỗ sức nặng của gậy đã nén phần đất xốp (do xới lên để giữ ẩm) để nối lại mao mạch đất, làm cho nước phía dưới ngấm lên trên cung cấp độ ẩm cho hạt nảy mầm. Điều này đã được nhiều nhà khoa học công nhận.

– Cây trồng mọc thành cụm sát nhau rất gọn nên làm cỏ dễ hơn, nhanh hơn. Nếu cây mọc xa nhau, cỏ sẽ mọc ở giữa các cây trồng, phải dùng tay nhổ, mép ngoài khóm không đều sẽ gây khó khăn cho dùng cào làm cỏ.
Chọc lỗ bỏ hạt còn là một nghệ thuật điêu luyện. Người chọc lỗ (xắc lủng) phải biết ước lượng điểm chọc sao cho có độ dầy hợp lý. Khi chọc xuống đất phải xoay cây gậy rồi mới nhấc lên, nếu không lỗ sẽ không gọn, thành không trơn, khó khăn cho việc ném hạt vào lỗ.

Người gieo hạt (năm hay) sẽ bỏ một lượng hạt giống nhất định vào lòng bàn tay rồi ném sao cho rơi trúng vào lỗ, không được phép rơi ra ngoài sẽ làm mồi cho chim chóc đến phá hoại. Thường phụ nữ Thái rất giỏi ném hạt (phốc khùm lủng), họ có thể đứng một chỗ ném ra rất xa cho nhanh, đỡ phải bước đến gần. Người chọc lỗ, người bỏ hạt thường là những cặp vợ chồng trẻ hoặc những đôi uyên ương; họ vừa làm vừa tâm sự vừa ganh đua xem ai nhanh hơn ai.

Sau khi gieo xong người ta thường lấy một cành cây kéo một lượt để đất xốp lấp vào miệng lỗ (gọi là năm hay koát phột). Lớp đất xốp này giữ ẩm cho hạt rất tốt vì mao mạch đất bị đứt gẫy ở phía trên (trong khi phía dưới hạt thì mao mach đất đã được nối).