“Emma”: Bài Học Về Sự Suy Đoán

194

 Hoàng Thị Thanh Giang

Khoa Khoa học xã hội

“Emma”: Bài Học Về Sự Suy Đoán

Cùng với truyện Kiêu hãnh và định kiến và Lý trí và tình cảmEmma tạo nên một bộ ba tiểu thuyết đặc sắc của Jane Austen, mỗi tiểu thuyết có nét độc đáo riêng tuy có cùng điểm chung: mỗi truyện trình bày một “nữ anh hùng”. Trong khi nhân vật chính trong Kiêu hãnh và định kiến là người cứng cỏi, đầy kiêu hãnh; trong Lý trí và tình cảm là người phóng khoáng, sống toàn tâm cho tình cảm; thì Emma là người khác hẳn: giàu có hơn, độc đoán hơn, cứ mãi suy đoán hàm hồ rồi dựa trên những suy đoán này mà cố làm mai cho hết người này qua người khác trong khi nhất quyết mình sẽ không bao giờ kết hôn….

  1. Về Jane Austen

Jane Austen sinh ra tại Anh Quốc, trong một gia đình mục sư có học thức. Ngay từ bé, bà và chị của mình, Cassandra đã được bố ủng hộ, khuyến khích và tạo điều điều kiện hết sức để học tập, một điều hiếm có trong xã hội thế kỉ 18,19 ấy, khi mà mục tiêu cuối cùng của phụ nữ được cho là lấy được một người đàn ông tương xứng. Jane Austen đã bắt đầu viết những vở kịch ngắn để diễn trong gia đình, thơ và văn xuôi từ khi còn nhỏ. Bà đã sử dụng những khung cảnh đời sống của mình, cũng như những chuyến thăm viếng đến các thành phố làm tư liệu cho các tác phẩm của mình.

Cuốn sách đầu tiên của Jane Austen : Sense and Sensibility (Lý trí và tình cảm) được xuất bản năm 1811, phần tác giả chỉ ghi “Lady” (Phụ nữ) và với chi phí tác giả tự bỏ ra. Tất cả các tác phẩm xuất bản khi bà còn sống đều không để tên thật, và chỉ sau khi bà qua đời, tên thật của bà mới được in trên truyện Persuasion (Thuyết phục).

Tuy không được biết đến nhiều trong thời đại của mình, nhưng những câu chuyện tình yêu của Jane Austen đã trở nên nổi tiếng từ năm 1869, và danh tiếng của bà càng được yêu thích ở thế kỷ 20. Những tiểu thuyết của bà như Sense and Sensibility (Lý trí và tình cảm), Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến), được xem là những tác phẩm văn học kinh điển, kết nối sự cách biệt giữa chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực. Bà được đánh giá như một trong những tác giả quan trọng, là tượng đài, là đại diện cho trường phái lãng mạn của Anh Quốc.

Những tác phẩm của Jane Austen được ca ngợi về giá trị đạo đức lẫn tính chất giải trí. Bằng lối viết văn đầy hài hước và châm biếm, Jane Austen đã dựng lên và phê phán sự khôi hài và những mâu thuẫn của giới trung và thượng lưu ở Anh Quốc thời đại đó. Bà đặc biệt xoáy vào cung cách, nhân phẩm và căng thẳng của những nhân vật nữ và bối cảnh xã hội mà họ đang sống. Văn của Jane Austen có những nét duyên rất riêng, không thể lẫn vào đâu được, với những quan sát nhạy bén và phân tích tâm lí rất tinh tế, cùng ngôn ngữ bóng bẩy, sâu sắc và dí dỏm, đã làm hài lòng độc giả khắp thế giới.

Các nhân vật của Jane Austen đều có điểm tương đồng, đó là họ không hoàn hảo. Họ là những người “trần thế”, vô cùng đời thường, không tuyệt vời mà cũng chẳng tồi tệ. Họ cũng đứng trước những lựa chọn, trong bối cảnh tình yêu và hôn nhân bị chi phối bởi kinh tế và khuôn khổ của xã hội. Đây là một luồng gió mới trong nền văn học hiện thực, khác biệt so với cách viết cường điệu lãng mạn, có phần hoa mỹ rất thịnh hành thời bấy giờ. Mẫu nhân vật nữ trong các tác phẩm của Jane Austen cũng rất đáng chú ý. Họ là những cô gái trẻ, với tính cách cứng cỏi, ương ngạnh, tự chủ, ngay cả kiêu hãnh và ngang bướng. Những nhân vật này vấp ngã, nhưng cuối cùng họ cũng biết nhìn nhận lại lỗi lầm của mình, thay đổi và có những cái kết có hậu.

  2. Về Emma

Bên cạnh cuốn sách Kiêu hãnh và định kiến đã gắn liền với tên tuổi của Jane Austen, Emma cũng là một trong những cuốn sách của nữ nhà văn được độc giả đánh giá rất cao.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Emma Woodhouse, một cô gái giàu có, thông minh, độc đoán. Cuốn sách xoay quanh “hành trình” làm một “bà mối” tự phong của cô. Tuy bản thân tự nhận sẽ không bao giờ kết hôn, cô lại lấy làm thích thú trong việc suy đoán, rồi mai mối cho hết người này qua người khác. Sau lần mai mối thành công cho gia sư của mình, chị Taylor, và ông Weston, Emma bắt đầu tự tìm kiếm một nửa phù hợp cho Harriet, một người bạn mới của cô. Trải qua hết lần mai mối này đến lần mai mối khác đều không thành, thậm chí còn gây ra những tình huống trớ trêu cho chính cô, Emma đã nhận ra những sai lầm của mình và trở nên khiêm tốn hơn, cũng như học được cách nhìn nhận tình huống một cách khách quan hơn, để bản thân không còn bị che mắt bởi chính những suy đoán hàm hồ của chính mình. Những sự việc trớ trêu cũng đã khiến cô khám phá ra tình cảm thực sự của chính mình. Truyện kết thúc có hậu bằng hôn nhân rất tương xứng của cả Harriet và Emma.

  3. Trí tưởng tượng mù quáng

Có lẽ với tiểu thuyết Emma, điều nhà văn Jane Austen muốn phê phán nhiều nhất là trí tưởng tượng mù quáng đã che mắt các nhân vật trong truyện hết lần này đến lần khác, khiến họ có những đánh giá vô cùng chủ quan, dẫn đến những tình huống trớ trêu. Đó là những ảo tưởng về của Emma về tình cảm anh Elton dành cho Harriet, là sự hiểu lầm của anh Knightley về Frank Churchill, là nỗi đau buồn của Jane Fairfax,… Vẫn với lối kể chuyện rất có duyên của mình, Jane Austen dẫn dắt người đọc qua các tình huống giở khóc giở cười, khiến người đọc nhận ra những hiểu lầm giữa các nhân vật trước cả khi chính nhân vật có thể nhận thấy. Nhà văn đã tạo ra khoảng thời gian để người đọc có thể nhìn thấy các nhân vật của mình hành động một cách có phần nực cười khi đang bị che mờ mắt bởi những giả định và tưởng tượng mù quáng đó. Jane Austen đã cho ta thấy, một cách rõ ràng nhất, hậu quả khi chúng ta quá tin vào những đánh giá của mình mà bỏ qua những chi tiết quan trọng, để rồi tự làm bức tranh của mình trông thật méo mó và nực cười. Kết thúc câu chuyện, sau khi đã trải qua những tình huống oái oăm ấy, mỗi nhân vật của chúng ta đều đã học được những bài học, để đưa ra những đánh giá một cách khách quan và ít thành kiến hơn.

Nếu bạn là một người yêu thích những nhân vật hoàn hảo, những nhân vật không có khiếm khuyết về cả ngoại hình lẫn tính cách và suy nghĩ, thì có lẽ Emma sẽ làm bạn hơi thất vọng một chút. Emma, xuyên suốt cả câu chuyện, đã mắc rất nhiều những lỗi lầm, đã ngộ nhận rất nhiều thứ, và có một tính cách kiêu hãnh khiến cô có thể trở thành một trong những nữ chính “kém fan” nhất của Jane Austen. Có lẽ với Emma, nhà văn Jane Austen cũng đang thách thức chính những suy nghĩ và thành kiến của chúng ta về nữ nhân vật chính này, bằng cách ngầm cho ta thấy rằng chính chúng ta cũng đang để những phán xét của mình từ vài hành động của cô che đi mất một bức tranh toàn diện hơn về con người của Emma. Emma hay chõ mũi vào những chuyện tình cảm của Harriet, nhưng một phần lí do cũng là vì cô rất yêu quý người bạn mới quen, và luôn mong muốn Harriet sẽ cưới được một người đàn ông xứng đáng với cô, mà trong mắt Emma thì Harriet là một người vô cùng tốt đẹp. Một Emma có những ganh tỵ và đối xử bất công với bà Bates và cô cháu gái Jane Fairfax, cũng là một người đã xấu hổ vô cùng mỗi khi nghĩ về những hành động của mình, đã gián tiếp bày tỏ mong muốn được tha thứ theo nhiều cách. Bên cạnh đó, Emma cũng là một người vô cùng hiếu thảo với bố mình, rộng lượng với người quen và có những suy nghĩ, đánh giá độc lập và sâu sắc. Emma có nhiều ưu điểm và nhiều khuyết điểm, nhưng cũng vì thế, hành trình nhận ra sai lầm của bản thân để sửa đổi của Emma cũng nổi bật và dễ đồng cảm hơn với tất cả mọi người.

Emma là một cuốn sách đáng đọc đối với bất kì ai yêu mến những tiểu thuyết lãng mạn cổ điển. Không khó hiểu khi cuốn sách luôn là một trong những cuốn tiểu thuyết được ưa thích của Jane Austen nói riêng và thời kỳ đó nói chung. Với Emma, Jane Austen đã khắc họa một cách chân thực và dí dỏm bức tranh xã hội Anh Quốc cuối thế kỉ 18, đầu thế kỷ 19 với những phép tắc xã hội lịch sự, với đủ thể loại người và những nét tính cách riêng khác nhau, từ nực cười cho đến đáng quý. Cuốn sách cũng khiến người đọc phải suy nghĩ về tính phù phiếm, và những đánh giá chủ quan của chính bản thân mình. Nếu bạn đang tìm một cuốn sách vừa dí dỏm, hài hước, vừa mang những bài học sâu sắc, chắn hẳn bạn sẽ không bị thất vọng bởi Emma.