NGUYÊN NHÂN, HẬU QUẢ VÀ GIẢI PHÁP GIẢM THIỂU MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH TẠI TỈNH SƠN LA

332

 

Causes, consequences and solutions to reduce the imbalance of sex ratio at birth in Son La province

ThS. Tòng Thị Quỳnh Hương

Trường Đại học Tây Bắc

Tóm tắt

Ở Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành một trong những vấn đề nan giải của công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình, được cộng đồng quan tâm. Do những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai vẫn còn thể hiện rõ trong đời sống xã hội. Trong nhiều năm liền Sơn La luôn nằm trong tốp đầu các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước, điển hình là năm 2018, tỷ số này xấp xỉ 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Đáng chú ý, tình trạng này diễn ra khắp nơi trên địa bàn tỉnh, kể cả nông thôn và thành thị. Việc mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian đã để lại nhiều tác động tiêu cực đối với kinh tế – xã hội của tỉnh. Bài báo làm rõ những nguyên nhân, hậu quả và đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại Sơn La.

Từ khoá: mất cân bằng giới tính khi sinh; hậu quả, giải pháp, Sơn La.

 

Abstract:

In Vietnam, imbalance of sex ratio at birth is becoming one of the most difficult problems for population and family planning, which has been attracting the attention of the community. Due to misconceptions, son preference is still evident in social life. For many consecutive years, Son La has always been in the top of the provinces with the highest sex ratio at birth in the country, typically in 2018, this ratio was approximately 120 boys/100 girls. Notably, this situation occurs all over the province, including rural and urban areas. The imbalance of sex at birth during the period has left many negative impacts on the province’s socio-economic. The article clarifies the causes, consequences and proposes solutions to reduce the sex imbalance at birth in Son La.

Keywords: sex imbalance at birth; consequences, solution, Son La.

 

  1. Đặt vấn đề

Tỷ số giới tính khi sinh (SBR) là một đại lượng quan trọng trong nghiên cứu dân số, được hiểu là tương quan giữa số trẻ em trai được sinh ra so với 100 trẻ em gái được sinh ra trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm ở một quốc gia, một vùng hoặc một tỉnh. Chỉ số này cho biết cứ 100 bé gái thì sẽ có bao nhiêu bé trai sinh ra. Thông thường cứ 100 bé gái sinh ra sẽ có từ 103 đến 107 bé trai và nhìn chung sẽ rất ổn định theo thời gian và không gian trên khắp các châu lục, quốc gia, khu vực và dân tộc.Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi cứ 100 trẻ em gái thì có số trẻ em trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường, tức là tỷ số giới tính khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ gái. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số giới tính khi sinh lệch khỏi mức sinh học bình thường đều phản ánh những can thiệp có chủ đích ở một mức độ nào đó và sẽ ảnh hưởng đến sự mất cân bằng tự nhiên, đe dọa sự ổn định của dân số.

Có thể nói, mất cân bằng giới tính đã và đang là một trong những vấn đề đáng lo ngại, được quan tâm hàng đầu ở Việt Nam nói chung cũng như các tỉnh thành nói riêng. Theo dự báo của Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay, đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ,việc dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn đến tan vỡ kết cấu gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, trong đó có nhiều người không lấy được vợ.

Sơn La là tỉnh có quy mô dân số trung bình trong cả nước. Năm 2010, toàn tỉnh có 1092,7 nghìn người, đến năm 2018 tăng lên 1252,7 nghìn người. Tốc độ tăng dân số có xu hướng giảm dần qua các năm nhưng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung của cả nước. Năm 2010, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,85%, đến năm 2018 giảm còn 1,15%. Sự sụt giảm có được là nhờ những thành tựu trong giáo dục dân số và kế hoạch hóa gia đình làm giảm mức sinh (từ năm 2010 đến năm 2018 tỷ suất sinh giảm từ 24,3 ‰ xuống 18,3 ‰).Trong cơ cấu dân số, tỷ lệ nam và nữ khá chênh lệch, cơ cấu dân số nam luôn chiếm tỷ trọng cao hơn nữ và duy trì khá ổn định trong những năm gần đây, đặc biệt khi dự án nhà máy thủy điện Sơn La thu hút số lượng lớn công nhân nam để xây dựng công trình. Tỷ lệ nam trong tổng dân số là 50,3%, tỷ lệ nữ là 49,7%.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Sơn La đang ở mức báo động. Thống kê trên địa bàn toàn tỉnh, tỷ số giới tính ở Sơn La hiện xấp xỉ 120 bé trai/100 bé gái. Đáng chú ý, tình trạng này diễn ra ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả nông thôn và thành thị. Một số huyện có tỷ lệ bất bình đẳng khi sinh cao trong nhiều năm là Phù Yên, Sông Mã, Mường La, Mộc Châu, Quỳnh Nhai và Thành phố Sơn La.

  1. Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Sơn La

2.1. Tình hình mất cân bằng giới tính khi sinh tại Sơn La

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Sơn La hiện nay là đáng báo động, theo số liệu thống kê chuyên ngànhcủa Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Sơn La: giai đoạn 2010 – 2018 có xu hướng ngày càng tăng, nhất là từ năm 2013 trở lại đây, cụ thể: Năm 2010 tỷ số giới tính khi sinh là 109,8 bé trai/100 bé gái; đến năm 2013 tăng lên114,4; năm 2016 là 118,7 và năm 2018 là 118,4 – cao nhất cả nước.

Hình 1. Tỉ số giới tính khi sinh ở Sơn La giai đoạn 2010 – 2018

Bên cạnh đó, theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ số giới tính khi sinh của Sơn La còn cao ngay trong lần sinh đầu tiên (116,2/100). Tại lần sinh thứ hai, áp lực sinh con trai đã được giảm bớt và đưa tỷ số giới tính khi sinh quay trở về gần với mức cân bằng sinh học. Tuy nhiên, tại lần sinh thứ ba trở lên, áp lực bắt buộc phải có con trai được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất. Tỷ số ở lần này tăng lên rất cao 123,2 bé trai/100 bé gái; đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỷ số này lên tới 148,4/100. Nguyên nhân là do nếu như trước đây, muốn có con trai chỉ có cách đẻ nhiều cho tới khi có con trai mới thôi, do vậy, tỷ số giới tính khi sinh ở lần sinh cuối cùng rất cao. Trong nhân khẩu học người ta gọi đây là “quy luật dừng” hay nói một cách khác là yếu tố giới tính đã quyết định việc dừng sinh đẻ hơn là số con đã có. Nhưng hiện nay, do mức sinh giảm nhanh cùng với việc tiếp cận dễ dàng các kỹ thuật lựa chọn giới tính trước sinh, “quy luật dừng” ở Sơn La cũng đã có những sự thay đổi khiến tỷ số giới tính khi sinh trong lần sinh thứ 3 trở lên ở nhóm các bà mẹ chưa có con trai lên cao như vậy.

Ngoài ra, mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, kinh tế gia đình khá giả thường cao hơn nhiều các cặp vợ chồng nghèo. Những phụ nữ có trình độ học vấn cao biết chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai và chủ động điều chỉnh số con mong muốn. Những phụ nữ này thường có điều kiện kinh tế tốt hơn để có thể chi trả dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh và họ thỏa mãn được cả 2 mục tiêu: quy mô gia đình nhỏ và có con trai. Thống kê dân số và lao động của Tổng cục Thống kê cho thấy, khi trình độ học vấn của phụ nữ tăng lên, tỷ số giới tính khi sinh cũng tăng lên, từ mức 109 – 116/100 (ở bà mẹ trình độ tiểu học), đến mức 119 trẻ trai/100 trẻ gái (ở bà mẹ trình độ trung học phổ thông) và lên đến 124/100 ở nhóm bà mẹ học vấn bậc đại học trở lên.

Đáng chú ý là tình trạng chênh lệch tỉ số giới tính khi sinh xảy ra ở khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, kể cả ở nông thôn và thành thị, nó diễn ra phổ biến trên diện rộng và không phân biệt là vùng xa xôi, hẻo lánh hay thị trấn, thị tứ, phố phường sầm uất.

Khu vực nông thôn và thành thị ở Sơn La có tỉ số giới tính khi sinh ngày càng tăng trong giai đoạn 2010 – 2018. Ở nông thôn tăng từ 109 bé trai/100 bé gái năm 2010 lên 115,4 năm 2018; ở thành thị, năm 2010 SBR là 127,9 sau đó giảm mạnh về mức 117 năm 2011, sau đó tăng liên tục các năm kế tiếp, đạt 121,4 năm 2018.

Bảng 1. Tỉ số giới tính khi sinh giữa thành thị và nông thôn ở Sơn La

Khu vực Năm 2010 Năm 2011 Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2018
Toàn tỉnh 109,8 103,2 108,8 114,4 117,5 118,4
Thành thị 127,9 117 108,7 114,6 119,5 121,4
Nông thôn 109 102 109 114,1 116,2 115,4

Trên quy mô địa phương, SBR cũng có sự khác biệt. Một số huyện có tỷ số chênh lệch khi sinh cao liên tục trong nhiều năm, nhất là giai đoạn 2013 – 2017 như Bắc Yên, Mộc Châu, Quỳnh Nhai và TP. Sơn La. Điển hình như năm 2016, Bắc Yên có SBR là 151,4 bé trai/100 bé gái – mất cân bằng giới tính khi sinh trầm trọng mà các cơ quan ban ngành ở đây đã dùng từ “báo động đỏ” để miêu tả. Thế nhưng, đến 2018, chính những địa phương này lại có SBR cải thiện đáng kể. Đồng thời, một số huyện những năm trước đó có SBR ở mức trung bình so với toàn tỉnh thì lại tăng cao đột biến năm 2018 như Mường La, Thuận Châu, Yên Châu. Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, năm 2018 Sơn La có 5/12 huyện có SBR cao hơn mức trung bình của tỉnh, 7/12 huyện thị có SBR thấp hơn trung bình chung của tỉnh. Các huyện có chỉ số SBR cao nhất là Yên Châu 133,9 bé trai/100 bé gái, Mường La 132,4; địa phương có SBR thấp nhất là Quỳnh Nhai 103,1, đạt chỉ số SBR cân bằng.

Bảng 2. Tỷ số giới tính khi sinh theo địa phương 2010 – 2018

Huyện/TP 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Bắc Yên 132,5 117,8 114,4 109,4 102,4 108,8 151,4 134,1 114,8
Mai Sơn 100,4 109,9 106,0 113,7 116,9 123,9 117,6 126,2 115,8
Mộc Châu 112,3 117,5 104,6 137,0 113,0 121,6 112,5 115,7 112,5
Mường La 120,4 109,0 109,0 123,1 128,3 118,0 124,9 117,2 132,4
Phù Yên 106,0 109,4 112,2 116,7 110,4 112,4 119,3 123,6 123,0
Quỳnh Nhai 122,5 108,7 105,4 109,7 120,0 116,3 128,4 115,8 103,1
Sông Mã 99,1 104,2 106,2 114,7 118,4 114,2 108,2 121,8 110,6
Sốp Cộp 96,4 157,4 119,7 102,0 111,0 105,2 115,3 107,8 114,9
Thuận Châu 114,8 123,8 111,9 108,7 123,6 116,5 118,3 117,1 126,5
Vân Hồ 133,5 132,0 111,2 115,2 121.0
Yên Châu 107,2 97,8 106,0 105,1 104,2 106,2 111,5 107,1 133,9
TP. Sơn La 113,3 109,9 107,9 116,9 127,0 137,2 121,8 123,6 111,7
Cả tỉnh 109,8 103,2 108,8 113,9 117,5 117,5 118,7 119,4 118,4

Thành phố Sơn La, Quỳnh Nhai và Bắc Yên là những địa phương có những bước chuyển mình vượt bậc trong việc thực hiện các chính sách dân số và đem lại hiệu quả cao, giúp cải thiện chỉ số SBR. Tại Thành phố Sơn La, trong những năm qua, tỷ suất gia tăng dân số tự nhiên luôn duy trì  ở mức 1,1%, mức sinh giảm từ 0,3- 0,5 ‰; có nhiều tổ bản trên 10 năm liền không có người vi phạm chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình. Tuy nhiên, cũng như các địa phương trong tỉnh, tỷ lệ chênh lệch giới tính Thành phố Sơn La có xu hướng ngày càng gia tăng giai đoạn 2013 – 2017, cụ thể năm 2013 là 116,9 bé trai/100 bé gái, năm 2014 là 127 bé trai/100 bé gái, thì đến năm 2015 tỷ số giới tính khi sinh của thành phố đã tăng lên đến 137,2 bé trai/100 bé gái; trong đó có những xã tỷ số cao là Hua La, xã Chiềng Xôm, phường Chiềng Sinh. 3 năm trở lại đây, SBR của thành phố giảm dần và năm 2018 đạt 111,7.

Huyện Quỳnh Nhai cũng là một trong những địa phương có tỷ số chênh lệch khi sinh cao, nhất là trong 2 năm 2015 và 2016, nếu như  năm 2015 theo số liệu thống kê là 116 bé trai/100 bé gái; thì đến năm 2016 con số này là 128/100, cao hơn nhiều so với mức trung bình của toàn tỉnh. Xã Mường Chiên và Chiềng Ơn có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất. Theo thống kê bình quân trong tháng 8/2016 thì cứ 10 bé sinh ra có 8 bé trai; 2 bé gái. Tuy vậy, nhờ thực hiện có hiệu quả rất cao các chính sách dân số mà SBR của huyện đã giảm mạnh và đạt mức thấp nhất tỉnh, 103,1 năm 2018.

Trong khi đó, Yên Châu và Mường La lại là 2 địa phương có SBR tăng đột biến chỉ trong 2 năm 2017 và 2018. Nếu 2017 SBR của Yên Châu chỉ là 107,1 bé trai/100 bé gái thì một năm sau đã đạt 133,9 – cao nhất tỉnh (năm 2018, Yên Châu có 691 bé trai được sinh ra so với 516 bé gái). Cũng trong cùng thời gian, SBR của Mường La tăng từ 117,2 lên 132,4 bé trai/100 bé gái (năm 2018, Mường La có 989 bé trai được sinh ra so với 747 bé gái). Nguyên nhân được đưa ra là phần lớn đồng bào vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ, muốn có con trai nối dõi tông đường, gánh vác việc nặng của gia đình.

Đây là những con số đáng báo động cho thấy tỉnh Sơn La đã có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọng và cần có những giải pháp can thiệp kịp thời để có thể khống chế được thực trạng này.

2.2. Những nguyên nhân và hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh tại Sơn La

2.2.1. Nguyên nhân

Trước hết là do phong tục tập quán còn lạc hậu, quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ. Tư tưởng trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong nếp nghĩ của nhiều người dân, tâm lý thích con trai trở lên mãnh liệt ở nhiều cá nhân, mỗi cặp vợ chồng, mỗi gia đình và mỗi dòng họ. Ưa chuộng con trai chính là nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam nói chung và Sơn La nói riêng. Theo kết quả điều tra của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đối với các cặp vợ chồng sinh con từ năm 2011- 2017 cho thấy, mong muốn có con trai để nối dõi tông đường chiếm 52%, cần có người trụ cột trong gia đình chiếm 34% và cần lao động chiếm 12%. Đây là một quan niệm cổ hủ và lạc hậu, cho rằng phải có con trai thì mới có người nối dõi, có người thờ cúng tổ tiên và phụng dưỡng cha mẹ cũng như là trụ cột, gánh vác gia đình.

Có thể nói, xuất phát từ tâm lí lệch lạc như trên mà dịch vụ về siêu âm, thăm khám trong thời gian mang thai được khá nhiều người sử dụng để lựa chọn giới tính cho con mình. Nếu ở khu vực thị trấn, người dân ngay khi có thai đã đi chẩn đoán giới tính thai nhi ở các cơ sở siêu âm và quyết định lựa chọn giới tính thai nhi theo mong muốn thì ở những vùng xa hơn, việc tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán giới tính thai nhi không được thuận tiện nên thông thường, khi sinh con xong người dân mới biết được giới tính của trẻ. Do đó, ở những khu vực trên thường diễn ra tình trạng đẻ dày và đẻ nhiều, đẻ đến khi sinh ra được con trai.

Hai là, xu hướng và áp lực giảm sinh với khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con. Khi tình trạng bùng nổ dân số diễn ra, Nhà nước ta đã ban hành các chính sách nhằm hạn chế sự gia tăng dân số, hạn chế số con được sinh ở mỗi cặp vợ chồng, với chính sách “Mỗi cặp gia đình chỉ được có 2 con”. Mặc dù công tác dân số đã đạt nhiều thành tựu trong việc giảm gia tăng tự nhiên nhưng cũng gây ra những vấn đề bất cập mà điển hình chính là sự chênh lệch giới tính ở tỉnh Sơn La. Do bị hạn chế về số con nên các đôi vợ chồng thường có xu hướng chọn giới tính cho con khi sinh và đa số đều muốn có con trai. Chính vì chính sách giảm dân số xuống 1 đến 2 con đã tác động tới nhu cầu mong muốn có con trai ở các gia đình ngày càng lớn, thậm chí nhiều gia đình còn muốn cả hai con sinh ra đều là con trai, đã khiến cho việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh là một điều không thể tránh khỏi. Họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp ứng được nguyện vọng của gia đình.

Ba là, sự tiến bộ về khoa học trong y tế cũng là nguyên nhân trực tiếp làm gia tăng tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay. Nhiều phương pháp lựa chọn giới tính trước sinh được phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội đã được nhiều phụ nữ áp dụng ngay từ trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn,…); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…); hoặc khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi… Qua kết quả thống kê chưa đầy đủ thì có tới 70% phụ nữ mang thai biết tính thai nhi qua công nghệ siêu âm. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân hiện nay cho phép phụ nữ được nạo, phá thai theo nguyện vọng. Điều kiện nạo, phá thai còn đơn giản, thai phụ chỉ cần đủ sức khỏe và không có chống chỉ định. Điều này khiến các gia đình đã phá bỏ thai nếu giới tính của thai nhi không đúng ý muốn của gia đình.

Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành y tế của tỉnh trong việc siêu âm, nạo phá thai cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều các cơ sở y tế tư nhân đã khiến cho công tác tuyên truyền, vận động giáo dục giới tính của các cấp, các ngành gặp phải không ít khó khăn.

Bốn là, tính chất công việc phải đòi hỏi lao động cơ bắp của con trai, trụ cột về lao động. Tại một số khu vực vùng sâu vùng xa của tỉnh vẫn còn nhiều gia đình mong sinh con trai để đảm đương những công việc nặng nhọc của gia đình mà con gái không làm được.

Năm là, hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhất là ở các khu vực nông thôn miền núi, nơi có tới 70-80% số dân đang sinh sống. Người già hầu hết không có lương hưu, hay trợ cấp xã hội, họ cần sự chăm sóc về y tế. Tất cả phụ thuộc vào khả năng phụng dưỡng của con cái, mà theo quan niệm của gia đình truyền thống, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai. Người già vì thế sẽ cảm thấy lo lắng cho tương lai và bất an khi về già nếu không có con trai.

Sáu là, chính sách đối với nữ giới chưa thỏa đáng, bình đẳng giới chưa được quan tâm đầy đủ. Do sự khác biệt về mặt sinh học, xã hội và do trách nhiệm của phụ nữ ở hầu hết nước ta là chăm sóc gia đình, con cái nên phụ nữ thường bị phân biệt và ít có cơ hội thăng tiến trong xã hội như nam giới. Ở tỉnh Sơn La, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn tồn tại trong tư tưởng của người dân, đặc biệt là các gia đình có trình độ học vấn thấp và những gia đình có con trai độc đinh. Điều này cho thấy, bất bình đẳng giới đã ảnh hưởng rất lớn đến tình trạng chênh lệch giới tính tại tỉnh Sơn La. Trong đó, tư tưởng bất bình đẳng giới phần lớn thuộc đối tượng là nam giới và người cao tuổi.

2.2.2. Hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh ở Sơn La

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra những tác động xấu đối với gia đình và xã hội.

Đối với gia đình

Hạnh phúc gia đình sẽ không được trọn vẹn nếu có nam giới ở độ tuổi trưởng thành khó có cơ hội lấy được người vợ mong muốn, phải sống độc thân. Điều này gây ra những lo lắng, căng thẳng về tâm lý, mất nhiều thời gian hơn trong việc tìm vợ, ảnh hưởng đến hạnh phúc và sự phát triển bền vững kinh tế gia đình.

Người vợ phải cố sinh thêm con trai do bị ép từ phía gia đình và người chồng, hoặc phải nạo phá thai vì lý do lựa chọn giới tính thai nhi sẽ ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của người phụ nữ và sự phát triển bền vững kinh tế gia đình vì cố đẻ để có con trai, nghĩa là người phụ nữ phải sinh đẻ nhiều lần, dẫn đến sức khỏe của họ bị suy giảm dần. Ngoài ra, mỗi lần sinh đẻ có thể gây ra những rủi ro khó lường đối với sức khỏe của cả mẹ và con. Mỗi lần nạo phá thai đều gây ra những lo lắng, sợ hãi đối với người phụ nữ. Nạo phá thai có thể gây ra những tai biến như băng tuyết, tổn thương cổ tử cung, nhiễm trùng, sót nhau… và có thể dẫn đến vô sinh. Nạo phá thai và cố đẻ để có con trai đều ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững kinh tế gia đình do phải tăng thêm chi phí để chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ, giảm thu nhập của các thành viên trong gia đình và phải dành nhiều thời gian để chăm sóc sức khỏe cho người phụ nữ.

Đối với xã hội

Theo thống kê của Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Sơn La, trong 5 năm tới, Sơn La sẽ có khoảng 5.000 – 7.000 thanh niên “ế vợ”; trong 10 – 15 năm tiếp theo, con số “ế vợ” sẽ lên đến hàng chục nghìn người… Tình trạng “dư thừa” nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể sẽ dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn và nhiều người trong số họ không có khả năng kết hôn.

Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh không những không cải thiện được vị thế của người phụ nữ mà thậm chí còn làm gia tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, tình trạng bạo hành giới, mua dâm, buôn bán phụ nữ sẽ gia tăng, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh xã hội,gây bất ổn về chính trị, kinh tế và xã hội. Vì thế tỷ số giới tính khi sinh được coi là một trong những chỉ báo quan trọng để đánh giá mức độ bình đẳng giới.

2.3. Một số giải pháp nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở Sơn La

Chênh lệch giới tính ở tỉnh Sơn La là một vấn đề nan giải, có liên quan phần lớn đến ý thức cũng như trách nhiệm của các gia đình. Vì vậy, giải quyết vấn đề này không thể một sớm một chiều và không thể bằng một biện pháp đơn lẻ nào, mà phải bằng sự lồng ghép của nhiều chương trình, nhiều cấp chính quyền địa phương trong tỉnh (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các tổ chức đoàn thể: Thanh niên, Hội phụ nữ, Chi cục dân số – Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, các phòng ban,…), nhiều ngành và kiên trì với giải pháp quan trọng là tuyên truyền vận động thay đổi hành vi của cộng đồng, đồng thời với việc tăng cường sự quản lý của Nhà nước, chính quyền các cấp tỉnh, huyện, xã bằng các biện pháp cụ thể:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức đầy đủ về hiểm họa của mất cân bằng giới tinh khi sinh. Riêng ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị y tế trực thuộc phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng truyền thông về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; các quy định của pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi như: Pháp lệnh dân số, Nghị định số 104/2003/NĐ của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dân số và Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế…, với các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng. Qua đó, nâng cao nhận thức cho nhân dân, nhất là các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái; nam, nữ thanh niên đến tuổi kết hôn.

Ở Thành phố Sơn La – địa bàn có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất trong tỉnh những năm 2014 – 2015, Trung tâm Dân số – KHHGĐ Thành phố đã tham mưu cho UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 22/7/2016 về tổ chức các hoạt động tuyên truyền can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương các xã, phường đa dạng hóa hình thức tuyên truyền như: Lồng ghép trong cuộc họp các đoàn thể; tổ chức hội thảo; sinh hoạt chuyên đề; nói chuyện trực tiếp tại nhóm hộ gia đình; phát động cuộc thi viết tìm hiểu về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh… Chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, phường đưa nội dung nghiêm cấm mọi hình thức lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước, hương ước để thực hiện… Ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với ngành Giáo dục – Đào tạo duy trì hoạt động của 4 câu lạc bộ sức khỏe sinh sản vị thành niên trên địa bàn thành phố tại Trường THPT Chuyên Sơn La, Trường THPT Tô Hiệu, Trường Đại học Tây Bắc và Trường Cao đẳng Sơn La.

Tại huyện Mộc Châu, cấp ủy, chính quyền các cấp đưa việc can thiệp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vào chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Triển khai thực hiện mô hình điểm “Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái”. Tổ chức hội thảo về mất cân bằng giới tính khi sinh, phân tích rõ những hệ lụy của vấn đề này đối với gia đình, xã hội. Thành lập câu lạc bộ “Bạn gái tiêu biểu” ở 3 trường THCS và 1 trường THPT tại 4 xã: Chiềng Sơn, Chiềng Hắc, Đông Sang và Mường Sang. Qua đó, từng bước thay đổi những định kiến về giới, góp phần phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái…

Thứ hai, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Phê phán mạnh mẽ những hủ tục, những nhận thức, những thái độ và hành vi biểu hiện trọng nam, coi thường nữ giới. Cần thay đổi quan niệm xã hội để tất cả phụ nữ và trẻ em gái đều có quyền lợi như nam giới. Đẩy mạnh việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm xác định giới tính trước khi sinh tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Sở Y tế cần phải triệt để hơn trong việc chỉ đạo tiến hành thanh tra, kiểm tra các cơ sở y tế tư nhân có liên quan tới dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La thanh tra các nhà sách để phát hiện và thu hồi những ấn phẩm có liên quan tới hướng dẫn việc sinh con theo ý muốn.

Thứ ba, có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con gái. Nêu cao vai trò và những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. Nên ưu tiên cho những gia đình sinh con gái như: hỗ trợ bằng tiền mặt và những ưu đãi khác cho các bé gái trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, đào tạo nghề, việc làm, cơ hội lập nghiệp và phát triển kinh tế gia đình.

Thứ tư, tiếp tục thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhất là thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền và vị thế của phụ nữ, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ và bé gái được tiếp cận các cơ hội, nguồn lực để có thể không chỉ thụ hưởng một cuộc sống khỏe mạnh mà còn có cơ hội phát triển, đóng góp cho gia đình và xã hội.

Thứ năm, hoàn thiện chính sách an sinh xã hội để người cao tuổi nói chung và người cao tuổi có con một bề là con gái nói riêng yên tâm khi tuổi già, như: chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người cao tuổi.

Thứ sáu, giáo dục thái độ của mọi người dân, con trai cũng như con gái đều có trách nhiệm với cha mẹ một cách bình đẳng. Giải pháp của vấn đề không chỉ là tập trung giải quyết hiện tượng như siêu âm hay phá thai lựa chọn giới tính mà cần nhìn nhận vấn đề trong bối cảnh phát triển kinh tế – xã hội khi mà nam giới được coi trọng hơn nữ giới.

Hơn lúc nào hết, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, trong đó đẩy mạnh truyền thông thay đổi hành vi, tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân nhận thức nguy cơ của mất cân bằng giới tính khi sinh để mọi người dân tự giác thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn giới tính trước sinh. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các trung tâm y tế công lập, các phòng khám y tế tư nhân nhằm phát hiện ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi, có các chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm theo quy định của pháp luật…

  1. Kết luận

Tại tỉnh Sơn La, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh đang trong tình trạng “báo động đỏ”. Tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng gia tăng, đặc biệt từ năm 2013 trở lại đây năm 2018 là 118,4 trẻ trai/100 trẻ gái – cao nhất cả nước. Điều đáng chú ý là chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh diễn ra ở các huyện, thành phố trong tỉnh, kể cả nông thôn và thành thị. Những phân tích trên đã cho thấy những con số đáng báo động về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nghiêm trọngtại Sơn La.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ở Sơn La, nhưng nguyên nhân chính là quan niệm trọng nam khinh nữ, sinh con trai nối dõi tông đường vẫn còn khá nặng nề không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà ngay cả ở các thị xã, thị trấn, tổ dân phố, cán bộ công chức nhà nước… Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ gây ra nhiều hậu quả: Tác động đến cơ cấu dân số của tỉnh trong tương lai, dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong xã hội, nam giới chậm kết hôn hoặc gia tăng trong tỷ lệ sống độc thân. Mất cân bằng giới dẫn đến gia tăng nguy cơ bạo lực trên cơ sở giới. Một số ngành sẽ thiếu hụt lao động như giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá… Khó khăn trong hôn nhân, nguy cơ lây lan các bệnh lây truyền qua đường tình dục, di cư. Một thực tế phổ biến là việc tăng tỷ số giới tính không những không cải thiện được tình trạng của phụ nữ mà còn làm gia tăng bất bình đẳng giới và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, tội phạm xã hội, gia tăng nhu cầu mua bán tình dục, lạm dụng tình dục và các mạng lưới buôn bán phụ nữ…

Vì vậy, cần đưa ra các giải pháp cụ thể, thiết thực và có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, trong đó có giải pháp truyền thông chuyển đổi hành vi bao gồm tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân thấy hết những nguy cơ, hậu quả của việc mất cân bằng giới tính khi sinh để họ có thể tự nguyện thực hiện, không tham gia vào quá trình lựa chọn trước sinh.

 

________________

Tài liệu tham khảo

  1. Chi cục DS-KHHGĐ Sơn La (2019), Số liệu thống kê khái quát về tỉ số giới tính khi sinh Sơn La giai đoạn 2010 – 2018.
  2. Lương Thị Yến Ngọc (2016), Việc lựa chọn giới tính thai nhi của những cặp vợ chồng sinh con theo ý muốn, Luận văn Thạc sĩ Nhân học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Phòng GD&ĐT huyện Mộc Châu (2018), Công văn số 264/PGD&ĐT ngày 19/04/2018 V/v Thực hiện công tác truyền thông chuyển đổi hành vi về Dân số và phát triển năm 2018.
  4. Tổng cục DS-KHHGĐ (2013), Tài liệu tập huấn về truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
  5. Tổng cục DS-KHHGĐ, UNFPA (2013), Tài liệu hỏi đáp về mất cân bằng giới tính khi sinh.
  6. Tổng cục thống kê Việt Nam (2010), Chuyên khảo “Tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam: Các bằng chứng mới về thực trạng, xu hướng và những khác biệt”.
  7. Trường THPT Chuyên Sơn La (2016), Kế hoạch số 34/KH-THPTC ngày 14/09/2016 V/v Tổ chức chương trình Ngoại khóa về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
  8. UBND huyện Thuận Châu (2019), Kế hoạch số 137/KH-UBND ngày 15/05/2019 V/v Tổ chức các hoạt động can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện Thuận Châu năm 2019.
  9. UNFPA (2010), Mất cân bằng giới tính trước khi sinh ở Việt Nam, bằng chứng từ tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, NXB Lao động, Hà Nội.
  10. UNFPA (2016), Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam năm 2014, Xu hướng, các yếu tố và sự khác biệt, NXB Lao động – xã hội, Hà Nội.