Tri thức địa phương về việc sử dụng tài nguyên đất của các dân tộc xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Đặng Thị Nhuần1, Nguyễn Thị Hải Yến2
1 Trường Đại học Tây Bắc, Tổ 2 Phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La
2Trường Đại học Tây Bắc, Tổ 2 Phường Quyết Tâm, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La
Tóm tắt:
Xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là một xã miền núi nằm cách thị trấn Mộc Châu 15km, là địa bàn cư trú của 6 dân tộc trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm 6,5 % dân số, còn lại 93,5 % là các dân tộc thiểu số khác, trong đó 2 dân tộc chiếm tỷ lệ lớn là dân tộc Dao chiếm (46,6%) và dân tộc Thái chiếm (30,8%). Bài báo tập trung phân tích việc vận dung tri thức địa phương trong việc sử dụng tài nguyên đất của 2 dân tộc Thái, Dao. Từ đó, đề xuất một số giải pháp trong việc vận dụng tri thức địa phương kết hợp với kiến thức khoa học hiện đại nhằm phát triển sản xuất và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên.
Từ khóa: tri thức địa phương, tài nguyên đất, xã Phiêng Luông
- ĐẶT VẤN ĐỀ
Tri thức địa phương hay còn gọi là kiến thức truyền thống, hay tri thức bản địa. Đó là hệ thống kiến thức của các dân tộc bản địa hoặc một cộng đồng tại một khu vực cụ thể nào đó tồn tại và phát triển trong hoàn cảnh nhất định với sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng. Xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La là một xã miền núi nằm cách thị trấn Mộc Châu 15km, là địa bàn cư trú của 6 dân tộc trong đó dân tộc Kinh chỉ chiếm 6,5 % dân số, còn lại 93,5 % là các dân tộc Dao, Thái, Mường, Mông. Cuộc sống của các tộc người này, từ bao đời nay luôn gắn bó chặt chẽ vào tự nhiên. Do đó, họ đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong đời sống cũng như sản xuất. Bài viết tập trung tìm hiểu về tri thức địa phương của 2 dân tộc Dao, Thái trong việc sử dụng tài nguyên đất trong với sản xuất nông nghiệp.
- DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Dữ liệu nghiên cứu
Dữ liệu thứ cấp: Các thông tin về điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên, dân cư, kinh tế – xã hội của xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Dữ liệu sơ cấp: Các ghi chép, quan sát trực tiếp, phỏng vấn các hộ gia đình và các cộng đồng dân tộc Thái, Dao khi điều tra thực địa tại địa bàn nghiên cứu. Các dữ liệu thông tin phỏng vấn là cơ sở để nghiên cứu đề xuất kiến nghị sát với thực tiễn sản xuất tại địa bàn nghiên cứu.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Các phương pháp chính được vận dụng trong nghiên cứu bao gồm: phương pháp khảo sát điều tra thực địa; phương pháp phỏng vấn và tham vấn cộng đồng, với phương pháp phỏng vấn: một số công cụ của phương pháp đánh giá nhanh nông thôn (RRA), phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia của dân (PRA) đã được sử dụng để thu thập thông tin về tri thức địa phương trong việc sử dụng tài nguyên đất của dân tộc Thái, Dao tại địa bàn điều tra.
3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
3.1. Địa bàn nghiên cứu
Phiêng Luông là xã vùng cao thuộc huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nằm ở phía đông của huyện Mộc Châu. Với vị trí tiếp giáp như sau: Phía nam giáp xã Sao Đỏ (huyện Vân Hồ); phía đông giáp xã Chiềng Khoa (huyện Vân Hồ); phía bắc giáp xã Hua Păng và thị trấn Nông trường Mộc Châu; phía Tây giáp thị trấn Nông Trường.
Trên địa bàn xã có tổng số 886 hộ và 3.995 nhân khẩu, trong xã có 6 dân tộc anh em cùng chung sống dân tộc Dao chiếm nhiều nhất (chiếm 46,6%), dân tộc Thái (chiếm 30,8%), dân tộc Mường (chiếm 15,5%), dân tộc Kinh (chiếm 6,5%), dân tộc Mông (chiếm 0,1), dân tộc Tày (chiếm 0.2%). Mỗi dân tộc có sự phân bố dân cư tập trung theo các dạng địa hình khác nhau, dân tộc Thái cư trú tập trung ở địa hình các thung lũng thấp, dân tộc Mường cư trú chủ yếu ở địa hình nơi là các thung lũng, ven chân đồi, dân tộc Dao phân bố chủ yếu ở rẻo giữa chủ độ cao trung bình; dân tộc mÔng phân bố chủ yếu nơi địa hình núi cao.
3.2. Tri thức địa phương của các dân tộc trong việc sử dụng tài nguyên đất
3.2.1. Tri thức địa phương trong sử dụng tài nguyên đất của dân tộc Thái
– Người Thái ở khu vực xã Phiêng Luông chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là trồng trọt với các loại cây trồng chính là lúa, ngô và phát triển chăn nuôi bò.
– Đất trồng lúa: có 2 loại đất trồng lúa ruộng và đất trồng lúa nương. Tộc người Thái là một trong những dân tộc được biết đến với kỹ thuật cao trong canh tác lúa nước. Quá trình khai khẩn đất đai để làm ruộng giúp người Thái đúc rút được nhiều kinh nghiệm chọn những nơi đất màu mỡ để trồng lúa nước.
Nơi thực hiện khảo sát điều tra tại bản Muống, người Thái ở đây trước năm 2.000 chỉ trồng 1 vụ lúa, nhưng hiện nay không chỉ trồng lúa 1 vụ mà đã thực hiện trồng gối vụ trồng rau sau khi kết thúc vụ lúa. Trong canh tác lúa nước hiện nay người Thái vẫn vận dụng tri thức địa phương trong việc phân loại ruộng, trong đó là cách phân loại ruộng theo nguồn nước, trong đó có 2 loại ruộng chủ yếu đó là ruộng nước mưa (na nặm phạ): phân bố chủ yếu ở những vùng đất cao – với yêu cầu vùng đất ấy có lượng mưa tối đa để đất no nước, từ đó tạo nên những mạch nước mà con người có thể điều khiển những mạch đó vào ruộng, bằng cách khơi những lạch nhỏ để dẫn nước về. Đối với loại ruộng này, thời gian cày thường vào tháng 5 và tháng 6. Loại ruộng thứ 2 là ruộng nước ngâm (na nặm che): loại ruộng này phân bố chủ yếu ở các thung lũng, lòng chảo. Ruộng nước ngâm được chia làm 3 loại: ruộng mương phai ( ruộng ở lòng chảo lấy nước từ các suối thông qua mương, phai); ruộng rộc (ruộng nằm trong các khe sâu, hay thung lũng (loại ruộng này sẵn nước mạch ngay tại chỗ) – Ưu điểm của loại ruộng nước ngâm là con người làm chủ được được nguồn nước nên có thể chủ động được thời vụ và các khâu kỹ thuật khác như làm đất, chọn giống, làm mạ và gieo trồng.
Trong canh tác lúa nước của dân tộc Thái ở đây, việc phân loại ruộng nước bên cạnh việc chủ động trong tác động vào khâu kỹ thuật canh tác thì mục đích chính là để đặt giống lúa sao cho thích hợp nhằm mang lại hiệu quả năng suất đối với từng loại ruộng khác nhau. Trong quá trình tiến hành điều tra khảo sát chúng tôi nhận thấy, đối với những loại ruộng chủ động được nguồn nước thì các giống lúa nếp được gieo trồng chủ yếu là nếp tan nhe và tan ngấn, còn đối với những ruộng nước mưa chủ yếu được gieo trồng các giống lúa nếp N87, N97.
– Đất trồng ngô: Nếu như trước đây đất trồng ngô được trồng xen canh với đỗ nho nhe, cụ thể là khi trồng ngô người ta trộn thêm hạt đỗ nho nhe vào cùng hạt ngô giống, cây đỗ nho nhe sẽ mọc cùng hốc với cây ngô, dễ dàng cho việc vun xới. Thời gian sinh trưởng của cây đỗ nho nhe rất phù hợp với cây ngô. Sau khi thu hoạch ngô thì đỗ mới phát triển mạnh. Người Thái có thói quen khi thu hoạch ngô đến đâu thì bẻ gập ngọn cây ngô đến đó, vừa đánh dấu cây đã bẻ bắp, vừa tạo đà cho đỗ phát triển. Trồng xen đỗ nho nhe và ngô có 2 tác dụng, một là cho sản phẩm hoa đỗ nho nhe làm thực phẩm cải tạo đất. Vì đỗ nho nhe là cây hạt đậu có nốt sần để cố định đạm từ khí nito tự nhiên, khi cây phân hủy để lại cho đất một lớp phủ khá dày, tăng lượng đạm đáng kể cho đất. Nhưng hiện nay, diện tích trồng ngô xen đỗ nho nhe đã giảm nhiều, thay vào đó người Thái ở Phiêng Luông đã thực hiện trồng ngô xen với cây đào hoặc trồng ngô xen lạc. Sau khi thu hoạch ngô thì lạc sẽ phát triển mạnh phủ kín bề mặt đất hạn chế cỏ phát triển được, hơn thế nữa cây lạc còn là cây cải tạo đất rất tốt.
Đối với diện tích trồng ngô chủ yếu ở các nương có độ dốc không nhỏ nên với biện pháp kỹ thuật truyền thống xen canh đã được áp dụng để che phủ mặt đất hạn chế xói mòn đất do mưa và giúp cho cây trồng tránh được khô hạn. Có thể nói việc xen canh đã mang lại hiệu quả cao trong canh tác nông nghiệp của người Thái ở xã Phiêng luông.
– Hiện nay ở xã Phiêng Luông bên cạnh việc trồng ngô thu hoạch bắp, thì người Thái còn trồng ngô làm ủ ướp. Bởi lẽ, Mộc châu có khi hậu rất là mát mẻ, nhưng vào mùa đông thì nhiệt độ rất thấp có cả băng giá và sương muối vào buổi sáng vì thể việc ủ thức ăn, dữ trữ thức ăn cho bò cũng là một vấn đề lớn. Từ năm 2016 phong trào trồng cây ngô làm ủ ướp phát triển diện tích trồng ngô lấy hạt có xu hướng giảm để trồng cây ngô làm thức ăn ủ ướp cho chăn nuôi khi người dân trồng ngô làm ủ ướp cho bò thì việc phát triển kinh tế của người Thái lại được nâng cao, không như những dân tộc khác họ vẫn thuần việc trồng ngô lấy bắp thì người Thái họ có thể làm được 2 vụ ủ ướp trên đất nương và 1 vụ trồng ở ruộng, vì khi trồng lúa nước được 1 vụ và phải đợi đến năm sau mới trồng được thì họ không bỏ hoang đất mà bổ sung thêm 1 vụ ngô ủ ướp. Ngô ủ ướp thường được trồng vào tháng 2 đến tháng 6 sẽ được thu hoạch vào tháng 6, thay vì thu hoạch được một vụ lúa đủ cung cấp nhu cầu cho gia đình, đến nay người dân đã có thêm nguồn thu nhập từ cây ngô và việc trồng ngô ủ ướp mang lại kinh tế cho bà con hơn là trồng ngô lấy hạt như trước đây. Phỏng vấn ông Hà Văn Thinh tại Bản Muống ông cho biết: “Mỗi một ha khi người dân chăm tốt thì sẽ được nhiều có khi lến đến 50 tấn cây ngô, nếu bón phân và chăm sóc nó tốt vào thời điểm giá hiện tại (2023) là 1.400.000 nghìn đồng/ tấn. Từ khi làm ngô ủ ướp thì thu nhập của gia đình ổn định, có nguồn vốn để có thể làm nhiều việc khác nữa không còn phải đi vay mượn nhiều”.
– Thu mua ngô ủ ướp đỡ tốn công và chi phí hơn đối với thu mua ngô bắp, nếu như mua ngô bắp phải thuê nhân công bẻ ngô từ nương về, sau đó phơi khô rồi mới tách hạt thì đối với ngô ủ ướp chỉ cần chặt toàn bộ phần thân cây ngô, sau đó cho vào máy băm có ống đưa sản phẩm lên thẳng thùng xe tải. Các xe tải với thùng đầy ắp cây ngô đã băm được chở thẳng đến các trang trại, hộ gia đình nuôi bò sữa, tại đây ngô được đổ xuống những hố lớn rồi rắc thêm muối, đậy kín để dùng làm thức ăn quanh năm cho bò. Việc khó khăn trong trồng ngô ủ ướp là phải trồng ở nơi đất bằng để thuận tiện cho xe và máy ủ ướp vào lấy tận nơi, không trồng được những nơi đất dốc không thuận tiện cho xe đi lại.
– Đất trồng rau, hoa màu: Trước đây trồng rau chỉ để phục vụ trong gia đình như làm một cái vườn nhỏ thì này họ đã tích cực gieo trồng các loại rau, các loại cây ăn quả và các sản phẩm đã được bán. Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc gieo trồng các loại hoa màu, khu vực này chủ yếu trồng bắp cải, cải thảo, củ cải, su su,… 1 vạn cây bắp cải có thể mang đến thu nhập cho người dân lên đến 60 triệu nếu thời điểm đó được giá. Trồng các loại rau củ thì người dân có thể làm được nhiều vụ như 1 năm họ có thể làm được 3-4 vụ rau. Số hộ trồng rau trên địa bàn lên đến 80% số hộ trong bản việc trồng hoa màu của người dân càng ngày càng phát triển mang lại thu nhập cho người dân
3.2.2. Tri thức địa phương của dân tộc Dao trong sử dụng tài nguyên đất
– Dân tộc Dao thường cư trú ở địa hình cao hơn so với dân tộc Thái nên việc canh chủ yếu trên đất dốc còn diện tích đất ruộng là khá ít, do đó trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là canh tác lúa nương. Canh tác trên nương là tập quán truyền thống và lúa nương là nguồn lương thực không thể thiếu của họ. Quy trình canh tác lúa nương của dân tộc Dao diễn ra theo các giai đoạn: chọn địa điểm – phát nương – đốt và dọn nương – chọc lỗ tra hạt. Đây là phương thức canh tác hoàn toàn dựa vào tự nhiên, không có sự bổ sung chất dinh dưỡng từ bên ngoài nên mùa làm lúa nương thường tương ứng với mùa mưa trong năm.
Bước 1: Lựa chọn địa điểm
Do canh tác nương rẫy từ lâu đời mà đồng bào đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm sản xuất thể hiện sự thích ứng với điều kiện tự nhiên. Đối với người Dao, nương rẫy thường được chọn sườn đồi, chân núi hướng về phía Mặt Trời mọc hoặc phía Mặt Trời lặn, thế cây trồng sẽ tốt tươi do hấp thụ được nhiều ánh sáng. Để việc chuẩn bị đất được kĩ càng, người Dao thường bắt đầu vào từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch năm trước, tùy vào từng giống lúa nương. Việc chọn đất làm nương thường do người già hoặc chủ nhà đảm nhận, bởi họ là những người có những hiểu biết rõ nhất và có nhiều kinh nghiệm trong việc lựa chọn cũng như phân loại đất. Trong quá trình chọn đất và canh tác, đồng bào chia đất thành tốt và xấu dựa trên những đặc điểm về màu sắc, độ kết dính, lớp phủ thực vật trên mảnh đất đó… Từ đó lựa chọn những loại cây trồng phù hợp với từng loại đất, nương của người Dao chỉ làm từ dưới chân núi đến lưng chừng núi mà không lên đến đỉnh núi bởi những quy định có trong luật tục từ lâu đời về bảo vệ rừng, đồng thời làm vậy để tránh sự bào mòn, rửa trôi đất, luôn giữ được độ ẩm trong đất mà việc đi lại để cày cấy, chăm sóc và thu hoạch của đồng bào cũng sẽ được thuận tiện hơn.
Hiện nay mỗi gia đình người Dao thường có vài mảnh đất để làm nương, trong đó có một số hộ có diện tích rất lớn lên tới vài quả đồi, họ thường tiến hành canh tác vài vụ ở quả đồi này hay mảnh nương này sau đó lại chuyển sang quả đồi khác. Cứ như vậy trong vòng 3, 4 năm mới quay lại trồng lúa nương trên quả đồi đầu tiên, mỗi quả đồi chỉ trồng được 1 vụ lúa trong năm, do vậy chọn đất là một khâu rất quan trọng đối người Dao, nó có tác dụng quyết định đến năng suất và sản lượng cây trồng. Muốn biết đất tốt hay không, người Dao có kinh nghiệm xem xét độ ẩm của đất rất độc đáo, họ thường lấy cây đã được vót nhọn một đầu hay dao nhọn để cắm xuống đất rồi rút lên xem. Nếu đất dính vào là đất có độ ẩm cao thích hợp cho canh tác, còn đất không dính vào dao nhọn hay cây nhọn thì đất khô cằn. Người Dao còn có cách thử đất trực tiếp bằng vị giác, họ nhấm một ít đất vào đầu lưỡi, nếu thấy đất mặn và hơi chát thì là đất tốt có thể trồng lúa, còn đất có vị chát, vị chua thì sẽ không trồng lúa mà để trồng ngô, sắn hoặc trồng các loại đỗ. Đây là kinh nghiệm chọn đất đơn giản để đặt giống cây trồng phù hợp, góp phần làm phong phú thêm kho tàng kiến thức địa phương của dân tộc Dao ở Phiêng Luông.
Bước 2: Phát nương – đốt và dọn nương
Khi phát nương người Dao luôn làm từ chân lên đỉnh đồi, họ phát nương rất kỹ để hạn chế sự phát triển của cây cỏ, cỏ sau khi phát sẽ để khô tự nhiên trong vòng một tháng rồi mới quay lại đốt. Người Dao dùng cành cây hoặc gậy làm cho cây cỏ rải đều khắp mặt nương để khi đốt sẽ cháy đều và cháy hết. Như vậy, lớp tro gần như được rải đều một cách tự nhiên. Vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 là khâu phát nương phải hoàn thành để kịp cho thời vụ mới. Thời điểm đốt nương cũng rất quan trọng, theo kinh nghiệm được truyền lại trong cộng đồng, người Dao không chọn đốt nương vào buổi trưa vì khi đó thời tiết khô, cỏ cây dễ cháy nhanh, có thể cháy lan sang các khu vực bên cạnh, rất khó kiểm soát. Thời gian thích hợp nhất là lúc chiều tà, khi tắt nắng và có gió nhẹ. Đồng bào thường đốt nương rẫy theo hướng ngược chiều gió và đốt từ chân đồi cho lửa cháy lan dần, tránh cháy rừng. Bên cạnh đó, để ngăn không cho lửa cháy lan sang các khu vực xung quanh, người Dao thường phát quang một khoảng trống từ 2m – 3m xung quanh nương để tạo vành đai an toàn ngăn lửa. Sau khi đốt xong, đồng bào thường để một thời gian cho đất nguội, tro được ngấm vào đất, làm đất mềm ra thì mới tiến hành tra hạt.
Bước 3: Chọc lỗ tra hạt – làm cỏ
Hình thức chọc lỗ tra hạt là phổ biến hơn cả khi gieo trồng lúa nương, phương thức canh tác này giúp tận dụng mùn tơi xốp giàu dinh dưỡng, duy trì được độ màu mỡ của đất trong thời gian dài, vừa giúp tránh xói mòn, rửa trôi đất. Phương thức này còn có ưu điểm là mất ít thời gian và công sức. Với những nương khai phá lần đầu, khoảng cách giữa các cây lúa thường là 20cm – 30cm, còn những nương đã sử dụng từ 2 – 3 vụ trở lên thì khoảng cách sẽ thu hẹp hơn. Nương càng sử dụng lâu năm thì khoảng cách giữa các cây lúa càng hẹp, bởi chất dinh dưỡng trong đất đã bị hạn chế, cây lúa không còn mọc cao và to như ở vùng đất màu mỡ nữa. Tháng 4 là thời điểm chọc lỗ tra hạt, thời điểm đó cũng là bắt đầu mùa mưa ở vùng núi Tây Bắc. Các giống bản địa được trồng trên nương là những giống lúa có khả năng chịu hạn tốt như: giống lúa tẻ dâu đen (Báu Xam Kía) và lúa tẻ dâu đỏ (Báu Xam Sí), lúa tẻ (bèo keng). Các giống lúa được đồng bào bảo quản trên gác bếp, đến mùa gieo trồng mới đem ra tuốt hoặc đạp sàng thật kỹ để chuẩn bị tra hạt trực tiếp mà không cần ngâm nước như các giống lúa ruộng. Sau khi tra hạt xong, trong quá trình lúa sinh trưởng, người Dao thường tiến hành làm cỏ nương từ 2 đến 3 lần cho cây lúa phát triển tốt sau đó chờ đến vụ thu hoạch mà không cần bón phân hay cung cấp nước tưới cho cây trong suốt quá trình đó.
3.3. Nhận xét việc vận dụng tri thức địa phương trong sản xuất nông nghiệp nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên đất của các dân tộc ở xã Phiêng Luông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Từ kết qủa nghiên cứu về tri thức địa phương của các dân tộc ở xã Phiêng Luông huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong việc sử dụng tài nguyên đất nghiên cứu đã rút ra các nhận xét sau:
Cộng đồng dân tộc Thái đã tích lũy được vốn tri thức địa phương phong phú, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp để đảm bảo sử dụng bền vững nguồn tài nguyên đất – một trong những nhân tố quan trọng đối với ngành trồng trọt. Những tri thức địa phương này đã được hình thành, duy trì, phát triển và truyền khẩu qua nhiều thế hệ, gắn chặt với nhu cầu, phong tục tập quán của dân tộc Thái, có sự tương tương tác và thích ứng linh hoạt với từng điều kiện sinh thái và thị trường về các nhu cầu từ sản phẩm các loại cây trồng trong sản xuất nông nghiệp. Trong canh tác lúa, người Thái đã vận dụng tri thức địa phương trong việc bố trí các giống lúa phù hợp đối với các điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu, tận dụng tối đa nguồn nước từ các suối cũng như nguồn nước mưa (nước trời), khắc phục những diễn biến bất lợi của thời tiết khí hậu để ổn định và nâng cao năng suất cây trồng. Cho đến nay các hộ người Thái vẫn vận dụng kinh nghiệm trồng xen, trồng gối cây ngô với các loại cây trồng cạn khác như (cây lạc, cây đào). Ở những nơi địa hình, dốc, việc trồng xen vừa cho sản phẩm đa dạng vừa có tác dụng làm giảm sự xói mòn đất.
Để thích ứng với những thay đổi của điều kiện của nhu cầu thị trường hiện nay và tận dụng lợi thế về khí hậu cũng như điều kiện địa hình ở Mộc Châu, người Thái ở Phiêng Luông đã thực hiện chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô lấy bắp, sang thực hiện trồng ngô ủ ướp để phục vụ cho phát triển chăn nuôi bò lấy sữa và lấy thịt. Việc trồng ngô ủ ướp cho thu nhập cao gấp rưỡi so với trồng ngô lấy bắp. Trong quá trình phỏng vấn người Thái ở đây thì 1 ha trồng ngô ủ ướp cho thu nhập khoảng 60 triệu đồng, còn 1ha trồng ngô lây bắp cho thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Như vậy, có thể nói việc thích ứng với điều kiện sản xuất mới của người Thái ở Phiêng Luông đã bắt nhịp kịp với thực tế sản xuất của địa phương và nhu cầu thị trường hiện tại để mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.
Đối với dân tộc Dao ở Phiêng Luông do địa hình cư trú ở rẻo giữa nơi chuyển tiếp từ địa hình vùng thấp – các thung lũng ở chân núi với địa hình cao, nên có sự khác biệt so với người Thái trong việc sử dụng nguồn tài nguyên đất. Để thích ứng với điều kiện địa hình trên người Dao đã tích lũy được những kiến thức địa phương đặc trưng của dân tộc mình, thể hiện qua các khâu lựa chọn địa điểm phát nương đốt và dọn nương, đặc biệt là kiến thức về việc lựa chọn các loại đất để trồng các loại cây phù hợp với chất đất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Việc thực gieo trồng bằng cách thức chọc lỗ tra hạt giúp tận dụng mùn tơi xốp giàu dinh dưỡng, duy trì được độ màu mỡ của đất trong thời gian dài, vừa giúp tránh xói mòn, rửa trôi đất.
4. KẾT LUẬN – KIẾN NGHỊ
Trên cơ sở điều tra khảo sát và tham vấn cộng đồng của 2 dân tộc Thái, Dao ở Xã Phiêng Luông cùng với việc phân tích về tri thức địa phương trong sử dụng tài nguyên đất đối với sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu để xuất một số kết luận và kiến nghị sau:
– Các dân tộc ở Phiêng Luông tập trung cư trú và sản xuất trên các dạng địa hình khác nhau và để thích ứng với điều kiện đó họ đã tích lũy được nguồn tri thức địa phương rất phong phú trong sản xuất nông nghiệp mà điển hình là việc thực hiện các cách thức canh tác phù hợp với từng dạng địa hình nhằm hướng tới việc sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với các dân tộc cư trú ở miền núi.
– Trong khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên để sản xuất nông nghiệp của các dân tộc ở xã Phiêng Luông vẫn còn lưu giữ nhiều kinh nghiệm, tri thức địa phương truyền thống cần được tuyên truyền phổ biến kết hợp với kiến thức khoa học hiện đại vận dụng hiệu quả vào trong sản xuất.
– Việc vận dụng tri thức địa phương trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên mang lại hiệu quả kinh tế xã hội môi trường ở Phiêng Luông như mô hình trồng ngô xen lạc hoặc xen đỗ nho nhe, nên được ghi chép, quay phim để trở thành tài liệu phổ biến cho các hộ dân có điều kiện tự nhiên tương tự vận dụng thực hiện.
– Ngày nay, do sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, các loại máy móc ra đời dần thay thế sức lao động của con người, hàng loạt các loại phân bón làm tăng độ phì cho đất, nhưng cùng với đó là chi phí lớn và gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt với đặc trưng địa hình của vùng núi thì việc vận dụng và thực hiện các kỹ thuật hiện đại trong sản xuất gặp không ít khó khăn. Do vậy, muốn bảo tồn và phát huy được tri thức địa phương phải có các nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá đúng về vai trò và ý nghĩa thực tiễn của tri thức địa phương để áp dụng vào đời sống, sản xuất. Điều này sẽ giúp cho việc vận dụng tri thức địa phương kết hợp với kiến thức khoa học hiện đại nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc vừa đảm bảo việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên theo hướng bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Hồng Anh, Lô May Hằng (2017) Xen canh, luân canh, hưu canh từ tri thức truyền thống tới sinh kế rừng của người Thái ở Tương Dương Nghệ An, Hội nghị Thái học Việt Nam lần thứ VIII, Nxb Thế giới.
[2]. Trần Bình (2001), Tập quán hoạt động kinh tế của một số dân tộc ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
[3]. Lâm Minh Châu (2007), Tri thức địa phương của người Thái về sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (Nghiên cứu trường hợp xã Huy Hạ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La), Tạp chí Dân tộc học số 5, tr 63-73.
[4]. Hoàng Xuân Tý, Lê Trọng Cúc (chủ biên) (1998), “Kiến thức bản địa của đồng bào vùng cao trong nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên”, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
[5]. Trung tâm nghiên cứu sinh thái môi trường (2001), Phương pháp thu thập và sử dụng kiến thức bản địa tập II, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.
[6]. Nguyễn Viết Thịnh, Đỗ Thị Minh Đức, Đặng Thị Nhuần (2019), Phát triển nông nghiệp của dân tộc Thái ở tỉnh Sơn La theo hướng sử dụng hợp lý tài nguyên và nông nghiệp hàng hóa, tập 1, Kỷ yếu Hội nghị khoa học Địa lí toàn quốc lần thứ XI, Nxb Thanh Niên, Hà Nội tr 443-455.