Thực hiện nhiệm vụ trong khuôn khổ đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp và xây dựng học liệu để tổ chức hoạt động dạy học môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh Sơn La” (Mã số: ĐTXH.08/24), từ ngày 30/3 đến ngày 3/4/2025, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Chuyển giao công nghệ, Khoa Khoa học Xã hội – Trường Đại học Tây Bắc đã tổ chức đoàn công tác nghiên cứu thực tế, học tập kinh nghiệm tại hai cơ sở giáo dục tiêu biểu: Trường Phổ thông Dân tộc nội trú – Trung học cơ sở huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) và Trường THPT Chuyên Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). Đoàn công tác gồm 5 thành viên do bà Đặng Thị Hồng Liên làm trưởng đoàn, chủ nhiệm đề tài – bà Chu Thị Mai Hương cùng các thành viên gồm bà Nguyễn Thị Hồng Nhung và bà Điêu Thị Vân Anh – đã thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ghi nhận tư liệu thực tiễn và tổ chức đánh giá bước đầu về khả năng vận dụng mô hình học liệu tại địa phương.
Chuyến công tác với mục tiêu học tập, tiếp thu kinh nghiệm trong công tác xây dựng và sử dụng học liệu để tổ chức hiệu quả hoạt động trải nghiệm, hướng cho học sinh phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu sẽ vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tiễn tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Sơn La.
Tại mỗi cơ sở, đoàn công tác đã làm việc với Ban Giám hiệu nhà trường, nghe báo cáo về quá trình triển khai hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đặc biệt là cách thức xây dựng và sử dụng học liệu. Một trong những nội dung trọng tâm là tham dự một tiết học thực tế do giáo viên nhà trường trực tiếp giảng dạy, từ đó quan sát, phân tích phương pháp hình thức tổ chức lớp học, đề xuất mô hình xây dựng và sử dụng học liệu phù hợp với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại tỉnh Sơn La.
Trong hai ngày 30 và 31/3/2025, đoàn đã thực hiện nghiên cứu thực tế tại Trường PTDTNT – THCS huyện Văn Chấn, một cơ sở giáo dục tiêu biểu trong việc tổ chức hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp gắn với văn hóa và thực tiễn của địa phương. Qua buổi làm việc với Ban Giám hiệu, đoàn được chia sẻ các giải pháp linh hoạt trong xây dựng học liệu phù hợp với đặc thù học sinh dân tộc thiểu số. Đặc biệt, buổi dự giờ tiết dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp của giáo viên nhà trường đã mang lại nhiều gợi mở thực tiễn sinh động, giúp đoàn có cái nhìn cụ thể hơn về cách tổ chức hoạt động, thiết kế học liệu và phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục của giáo viên.
Ngày 2/4/2025, đoàn tiếp tục nghiên cứu thực tế tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương – đơn vị có nhiều thành tích trong đổi mới giáo dục, đặc biệt là triển khai các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Tại buổi làm việc, đoàn đã trao đổi chuyên sâu về việc sử dụng học liệu số, học liệu mở và các mô hình trải nghiệm chuyên sâu gắn với định hướng nghề nghiệp trong bối cảnh giáo dục hiện đại. Buổi dự giờ tiết học thực tế được tổ chức bài bản, chú trọng đến vai trò chủ động của học sinh và sự hỗ trợ đa dạng của học liệu, cho thấy hiệu quả rõ nét của việc chuẩn bị và triển khai các hoạt động trải nghiệm một cách khoa học, sáng tạo.
Chuyến công tác diễn ra theo đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn, tiết kiệm và đạt hiệu quả nghiên cứu thực tế. Những kết quả thu nhận sẽ là cơ sở quan trọng để nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp xây dựng học liệu có tính khả thi, phù hợp với điều kiện vùng miền, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức dạy học môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại tỉnh Sơn La trong thời gian tới.
Một số hình ảnh trong chuyến thực tế của đoàn:
Hình 1: Đoàn công tác gặp gỡ, trao đổi với BGH Trường PTDTNT – THCS huyện Văn Chấn
Hình 2: Đoàn công tác dự giờ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại Trường PTDTNT – THCS huyện Văn Chấn
Hình 3: Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lớp học sau khi dự giờ
Hình 4: Đoàn công tác gặp gỡ, trao đổi với BGH Trường THPT Chuyên Hùng Vương
Hình 5: Đoàn công tác dự giờ Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tại
Trường THPT Chuyên Hùng Vương
Hình 6: Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm tại Trường THPT Chuyên Hùng Vương
Người viết: Điêu Thị Vân Anh