Căn cứ Quyết định số 989/QĐ – ĐHTB ngày 12 tháng 09 năm 2022 về việc Ban hành chương trình đào tạo trình độ Đại học, ngành đào tạo Sư phạm Địa lí hệ chính quy; Căn cứ vào kế hoạch hoạt động năm học 2024 – 2025 của Khoa Khoa học Xã hội. Từ ngày 03/04 đến ngày 10/04/2025, sinh viên lớp K63 ĐHSP Địa lí – Trường Đại học Tây Bắc đã tham gia chuyến thực tế  học phần Thực địa Địa lí- kinh tế – xã hội tại các tỉnh miền Trung Việt Nam. Đây là hoạt động thường niên, thiết thực nhằm giúp sinh viên củng cố kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực tế và trải nghiệm trực tiếp các không gian Địa lí của Việt Nam. Đồng hành cùng đoàn có TS. Đặng Thị Nhuần – Giảng viên Khoa Khoa học Xã hội – Trưởng đoàn cùng 14 sinh viên chuyên ngành Địa lí. Chuyến đi được thực hiện trong 8 ngày, với lộ trình qua các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam – địa bàn có vị trí chiến lược về địa lí tự nhiên, nhân văn và kinh tế – xã hội.

Tại Cửa Lò (Nghệ An):  Sinh viên đã quan sát địa hình đồng bằng ven biển với đặc trưng là bãi triều cát mịn, nước nông, thuận lợi cho khai thác hải sản ven bờ và nuôi trồng thủy sản. Hoạt động thực địa tại đây giúp sinh viên so sánh mô hình kinh tế biển truyền thống của Bắc Trung Bộ với mô hình hiện đại hóa tại Duyên hải Nam Trung Bộ, từ đó nhận diện sự khác biệt trong mức độ khai thác nguồn lực biển và trình độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở các tỉnh duyên hải miền Trung .

Tại khu di tích Kim Liên – Nghệ An: Đoàn đã thăm và thắp hương hưởng niệm tại Nhà tưởng niệm Khu di tích Kim Liên, quê nội và quê ngoại Chủ tịch Hồ Chí Minh – mảnh đất in dấu ấn sâu đậm về tuổi thơ của Người. Tại đây, đoàn được nghe câu chuyện về tình cảm gia đình, về tình anh em trong gia đình Bác.

Trên hành trình di chuyển từ Cửa Lò đến Huế: Đoàn thực hiện khảo sát địa hình gò đồi ven biển, quan sát mối liên hệ giữa địa hình với mật độ dân cư và mạng lưới giao thông vùng ven biển. Việc dừng chân tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ( Quảng Bình) và các di tích lịch sử khác như cầu Hiền Lương ( Quảng Trị), Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) đã tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận địa lý chính trị – lịch sử, nhận diện vai trò của không gian địa lý trong các giai đoạn phát triển và đấu tranh dân tộc.

Điểm đến của đoàn thực tế chuyên môn với điểm đến Phong Nha – Kẻ Bàng, tại đây sinh viên khảo sát địa hình karst (castơ) – loại hình địa mạo đặc trưng của khu vực đá vôi nhiệt đới. Sinh viên học cách nhận biết các dạng địa hình phong hóa hóa học, dòng chảy ngầm, sông ngầm và cấu trúc hang động – minh họa cho các quá trình ngoại sinh trong địa mạo học. Qua đó, sinh viên đánh giá tiềm năng du lịch địa chất và mô hình khai thác du lịch bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên tại Quảng Bình.

Tại Đại Nội Huế, hoạt động hoạt động nghiên cứu thực tế của sinh viên tập trung vào tìm hiểu mối quan hệ giữa không gian đô thị cổ – cấu trúc hành chính – hệ sinh thái văn hóa, qua đó làm rõ chức năng trung tâm vùng và giá trị của cố đô Huế trong mạng lưới đô thị miền Trung.

Trên hành trình di chuyển từ Huế vào Đà Nẵng đoàn đã dừng chân tại đỉnh đèo Hải Vân – một trong những địa điểm khảo sát địa hình – khí hậu điển hình, nơi sinh viên quan sát trực tiếp sự chuyển tiếp của thảm thực vật, độ ẩm và nhiệt độ giữa hai miền Bắc và Nam Trung Bộ. Đây là minh chứng rõ nét cho quá trình phân hóa khí hậu theo vĩ độ và địa hình chắn gió Đông Bắc.

Tại bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sinh viên quan sát địa hình núi ven biển kết hợp với rừng nguyên sinh, để từ đó tiếp cận kiến thức về hệ sinh thái ven biển – núi thấp và giá trị bảo tồn đa dạng sinh học. Việc thăm Bảo tàng Hoàng Sa là nội dung quan trọng của phần thực hành về địa lý chính trị biển, đảo, giúp sinh viên hiểu sâu sắc hơn về không gian biển Đông, chủ quyền lãnh thổ và các yếu tố địa chính trị ở Duyên hải Nam trung bộ.

Tại đỉnh Bà Nà Hills (Đà Nẵng), sinh viên quan sát theo đai cao hệ sinh thái, phân tích sự thay đổi khí hậu và thảm thực vật theo độ cao. Mô hình phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng tại đây cũng được lấy làm ví dụ điển hình cho chiến lược phát huy nguồn lực tự nhiên phục vụ phát triển kinh tế  dịch vụ vùng núi thấp – trung bình ở miền Trung.

Tại Quảng Nam: Đoàn thăm quan và thực tế tại Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam. Thương cảng Hội An hình thành trong khoảng thế kỷ 15-16, thịnh đạt nhất trong thế kỷ 17-18. Tại phố cổ Hội An, sinh viên được quan sát để thấy rõ điển hình của đô thị cổ duyên hải- nơi giao thoa văn hóa và phát triển du lịch di sản.

Tại Hội An, sinh viên được tham quan, trải nghiệm đi thuyền thúng trong Rừng dừa Bảy Mẫu: Sinh viên được tìm hiểu mô hình du lịch sinh thái kết hợp với phát triển sinh kế địa phương.

Hành trình thực tế dọc dải đất miền Trung thông qua hoạt động thực địa, sinh viên không chỉ vận dụng kiến thức địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, kinh tế, du lịch và chính trị mà còn rèn năng lực quan sát, thu thập và xử lý dữ liệu thực địa, kỹ năng ghi chép, làm việc nhóm – những năng lực cốt lõi của người giáo viên Địa lý trong tương lai. Với phương châm học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế, sinh viên trong chuyến hành trình thực tế chuyên môn đã  được nâng cao khả năng phân tích tổng hợp về những kiến thức địa lí trong hành trình đó là: Tính phân hóa lãnh thổ  theo trục Bắc – Nam và ven biển miền Trung; Mối quan hệ giữa điều kiện tự nhiên và sự phát triển kinh tế – xã hội; Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn tài nguyên và giá trị văn hóa; Vai trò của địa lý chính trị và lịch sử trong định hình không gian phát triển; Liên kết vùng và chiến lược phát triển bền vững trong vùng ven biển miền Trung.

Ngày 10 tháng 04 năm 2025, đoàn thực tế đã trở về Trường Đại học Tây Bắc – Sơn La an toàn, kết thúc tốt đẹp hành trình tham quan, học tập. Chuyến thực tế chuyên môn tại miền Trung là một phần quan trọng trong quá trình đào tạo sinh viên ngành sư phạm Địa lí. Đây không chỉ là cơ hội vận dụng kiến thức vào thực tiễn, mà còn giúp sinh viên hiểu sâu hơn về vai trò của Địa lí trong quy hoạch lãnh thổ và hướng tới sự phát triển bền vững. Thông qua hành trình này đã góp phần nuôi dưỡng tình yêu nghề, sự gắn bó với không gian lãnh thổ Việt Nam – một yếu tố quan trọng trong hành trình trở thành người giáo viên Địa lí trong tương lai.

Một số hình ảnh trong chuyến thực tế chuyên môn của đoàn tại các tỉnh miền Trung:

Ảnh 1. Đoàn thực tế quan sát địa hình, địa mạo tại bãi biển Cửa Lò (Nghệ An)

Ảnh 2. Sinh viên tham gia cùng ngư dân kéo lưới tại bãi biển Cửa Lò

Ảnh  3.  Đoàn thực tế tại động Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Nam)

Ảnh 4. Sinh viên đang quan sát và nghe giảng về sự phân hóa theo vĩ độ và địa hình tại đỉnh đèo Hải Vân

 

  Đặng Thị Nhuần

Khoa Khoa học Xã hội