XÂY DỰNG VĂN HOÁ HỌC ĐƯỜNG TRONG MÔI TRƯỜNG CÓ NHIỀU SINH VIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ

246

 Ngô Thị Phượng

Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Tây Bắc

  1. Đặt vấn đề

Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc anh em. Đại đa số các dân tộc này sinh sống ở miền núi. Trong thời đại dân chủ, sự hoà hợp dân tộc trong một quốc gia thống nhất đã trở thành truyền thống và sức mạnh. Với các chính sách của Đảng và Nhà nước hiện nay, giáo dục tại miền núi – nơi sinh sống của bà con dân tộc thiểu số luôn được quan tâm đồng đẳng với miền xuôi. Tuy vậy, vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, văn hoá học đường trong môi trường tương tác với sinh viên các dân tộc thiểu số vẫn luôn là vấn đề cần xem xét và thay đổi. Xuất phát từ đối tượng công tác, chúng tôi xin phép trình bày vấn đề dựa trên thực tiễn trường đại học vùng –  Trường Đại học Tây Bắc.

Trường Đại học Tây Bắc đóng trên địa bàn miền núi Tây Bắc, có lịch sử hơn 60 phát triển và trưởng thành. Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh vùng Tây Bắc. Hàng năm, Nhà trường tuyển sinh khoảng 600 đến 1000 sinh viên, đa số sinh viên là dân tộc thiểu số. Trong hành trình đào tạo, Nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm xây dựng văn hoá học đường, nhưng đặc biệt chú trọng tới mối quan hệ giữa thầy – trò, mối quan hệ giữa nhà trường và sinh viên dân tộc thiểu số với những đặc trưng mang tính vùng miền.

  1. Nội dung

2.1. Văn hoá học đường và mối quan hệ thầy – trò, nhà trường – sinh viên

Văn hoá học đường ở đại học là một hệ thống cấu trúc bao gồm nhiều thành tố, trong đó có hai mối quan hệ then chốt là thầy – trò, nhà trường với sinh viên.

Văn hoá học đường là thuật ngữ dùng để chỉ những giá trị, những kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích luỹ trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và quá trình hình thành nhân cách. Văn hoá học đường bao gồm một tập hợp những mối quan hệ khăng khít không thể tách rời, giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với tập thể hoặc cá nhân với thiết chế xã hội”. Văn hoá học đường là một môi trường hoạt động đặc biệt của con người, mang tính lịch sử và xã hội. Tuỳ theo triết lý giáo dục của từng thời đại hoặc từng quốc gia mà người ta có thể xây dựng những cấu trúc khác nhau của văn hoá học đường. Ở Trường Đại học Tây Bắc, với chủ trương cải cách giáo dục theo hướng lấy người học làm trung tâm, văn hoá học đường cần được thể hiện theo cấu trúc: quan hệ giữa người thầy và người học trò; quan hệ giữa gia đình với sinh viên; quan hệ giữa nhà trường với sinh viên; quan hệ giữa xã hội với sinh viên.

Nhiều người quan niệm rằng không gian văn hoá học đường được hình thành và thiết lập chỉ ở trong lớp học, nhưng thực tế lại cho thấy thư viện, thao trường học quân sự, sân vận động hoặc thậm chí những giờ nghỉ giải lao cũng rất cần thiết phải xây dựng một trật tự văn hoá học đường. Như vậy, “không gian văn hoá học đường là môi trường diễn ra quá trình tương tác giữa người thầy với học trò hoặc giữa những học trò với nhau ở một cơ sở đào tạo nào đó nhằm thực hiện quá trình truyền thụ và tiếp thu kiến thức khoa học” (1).

Dù muốn hay không, từ lúc vào trường đến khi tốt nghiệp, mỗi sinh viên cũng phải thực hiện nhiều mối quan hệ cơ bản, bao gồm: quan hệ giữa người thầy và người học trò; quan hệ giữa gia đình với sinh viên; quan hệ giữa nhà trường với sinh viên; quan hệ giữa xã hội với sinh viên. Bài viết này chúng tôi chỉ khái quát những điểm chung về mối quan hệ giữa thầy và trò, quan hệ giữa nhà trường với sinh viên dân tộc thiểu số vì coi đó là mối quan hệ mấu chốt.

2.2. Xây dựng quan hệ người thầy, nhà trường với sinh viên dân tộc thiểu số tại Đại học Tây Bắc

2.2.1 Xây dựng quan hệ giữa người thầy với sinh viên dân tộc thiểu số

Người thầy với vai trò trung tâm điều khiển ở học đường. Quan hệ thầy trò trong lớp học là mối quan hệ hạt nhân, có giá trị chi phối các quan hệ khác để tạo nên những sắc thái cơ bản của văn hóa học đường. Quan hệ thầy trò cũng là mối quan hệ tương hỗ, tác động ảnh hưởng đến nhau theo chiều nhiều cạnh. Thầy trò là hai mặt khác nhau và đều quan trọng để tạo lập và thực hiện văn hoá học đường.

Trong môi trường đại học, quan hệ giữa người thầy và sinh viên là mối quan hệ đặc biệt quan trọng. Xét ở góc độ thời gian tương tác, thì người thầy sẽ tiếp xúc với các em nhiều nhất. Thầy giáo là cố vấn học tập, là người dạy, người trực tiếp truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Thông qua các buổi học, sinh viên sẽ được đón nhận lượng thông tin cần thiết và bổ ích, những phương pháp tư duy khoa học để có thể từng bước đi lên trong quá trình học tập, nghiên cứu.

Ở Trường Đại học Tây Bắc, việc tiếp xúc với sinh viên dân tộc thiểu số bắt đầu từ quá trình quảng bá tuyển sinh. Ngay khi chuẩn bị kết thúc chương trình phổ thông, người thầy đã xuất hiện trong đời sống của các em, trong quá trình định hướng nghề nghiệp, trao đổi thông tin về ngành nghề đào tạo. Môi trường người thầy tiếp xúc giai đoạn đầu này có thể diễn ra ngay tại bản làng nơi các em sinh sống, cũng có thể ngay trong chính ngôi trường phổ thông đang theo học. Người thầy sẽ nắm bắt nhu cầu việc làm trong tương lai của bản, làng, huyện, tỉnh để có những tư vấn hữu ích, thiết thực. Như vây, văn hoá học đường chính thức được thiết lập ngay từ khi sinh viên chưa đến trường nhập học.

Khi sinh viên thiểu số đã nhập học, người thầy sẽ tiếp xúc nhiều hơn bởi đó là đối tượng lao động trực tiếp trong hoạt động giảng dạy. Nội dung đào tạo trên lớp không chỉ bó hẹp trong việc truyền thụ kiến thức mà còn truyền đạt về đạo đức, về cách suy nghĩ và ứng xử để các em từng bước trưởng thành. Có thể nhận thấy, sự hình thành năng lực, kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp của người sinh viên được định hình rõ nét trong những năm tháng học ở trường đại học. Trong môi trường học tập hoàn toàn mới tại trung tâm đô thị, chỉ sau một vài tháng học tập ở đại học, các em sinh viên dân tộc thiểu số đã cảm thấy bản thân mình có những phát triển vượt bậc, những thay đổi nhanh chóng cả về lối sống sinh hoạt, về khối lượng kiến thức tiếp thu được và cả về cách nhìn nhận, đánh giá các vấn đề trong cuộc sống.

Trong mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò, thước đo chuẩn xác nhất cho văn hoá học đường chính là những giờ giảng chất lượng cao mà biểu hiện sinh động nhất là thầy có cảm hứng để trình bày bài giảng một cách khúc triết, mạch lạc và hấp dẫn, còn sinh viên tập trung tư tưởng lắng nghe thầy giáo giảng bài, ghi chép đầy đủ và có thể hiểu bài ngay trên lớp học. Tuy vậy, đối với môi trường đại học có nhiều sinh viên là người dân tộc thiểu số thì văn hoá ứng xử của người thầy với họ cũng quan trọng không kém so với chất lượng giờ giảng vì tính đặc thù xã hội hình thành nên.

Giáo dục đại học hiện nay đề cao vai trò của sinh viên, lấy sinh viên làm trung tâm. Như vậy, trong môi trường đa dân tộc, sinh viên dân tộc thiểu số phải là người chủ động trong qua trình học tập, không ngồi nghe giảng thụ động như trước kia mà phải thay đổi hoàn toàn quan niệm cũng như cách thức học tập. Sinh viên ngày nay trong môi trường văn hoá học đường hiện đại, phải trở thành chủ thể quyết định chất lượng học tập. Thực tế quan điểm này không phải lúc nào cũng phù hợp với sinh viên dân tộc thiểu số vì giá trị những kiến thức nền móng của cá nhân xuất phát từ vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn thường thấp hơn so với vùng đô thị hoặc đồng bằng. Rất nhiều bài giảng, khi tương tác với họ thường phải bắt đầu từ vị trí trung tâm là người thầy. Có khá nhiều học phần trong chương trình giảng dạy người thầy sẽ phải phụ đạo thêm do kiến thức nền của sinh viên dân tộc thiểu số còn thiếu hụt so với yêu cầu chung. Đây là lí do, Trường Đại học Tây Bắc đã thay đổi triết lý giáo dục phù hợp với vùng miền là điều cần thiết của một cơ sở giáo dục, vì vậy “vững lí thuyết, giỏi thực hành, nhanh vào thực tiễn” là một hướng đi phù hợp.

Phong cách văn hoá của người thầy còn thể hiện ở chuẩn mực của nhà giáo. Trong thế giới thu nhỏ ở lớp học, người thầy sẽ trở thành người làm học trò hạnh phúc. Thầy và trò phải cùng nhau xây dựng không gian văn hoá học đường vừa thân thiện, cởi mở và nghiêm túc, vui vẻ. Từ xưa đến nay, giữa thầy và trò luôn giữ một khoảng cách ngầm. Người quyết định tăng hay giảm chiều sâu, chiều rộng của khoảng cách đó là người thầy. Khi người thầy tôn trọng người học, thân thiện và cởi mở thì khoảng cách đó rất hẹp và ngược lại. Trước khi đến môi trường đại học, sinh viên là người dân tộc thiểu số có mối tương tác hẹp, chẳng hạn như dân tộc Mông chỉ sống ở vùng hẻo lánh, “đã hình thành nếp sống rẻo cao gần như tách biệt với vùng thấp” (2), người Mông có tính cộng đồng cao nhưng mang màu sắc “đồng tộc và huyết thống” còn người Thái cũng cư trú theo đồng tộc và “ít khi ở cùng xóm với các tộc người khác” (3) nên khi đến môi trường mới, đại đa số các em thường kín đáo, nhút nhát và xuất hiện cảm giác xa lạ. Sinh viên gần như là một thế giới đóng kín và rơi vào trạng thái tự ti. Trong cảnh huống này, người thầy phải gần gũi, chủ động giao tiếp, tìm hiểu và lần hồi đưa các em hoà nhập vào môi trường mới. Sức mạnh lớn nhất trong văn hoá học đường là ngay từ những ngày đầu, người thầy phải luôn gần gũi, luôn giữ đúng chuẩn mực sư phạm từ trang phục đến lời nói, từ dáng điệu đến cử chỉ diễn đạt. Sự gần gũi thân thiện, đạo đức, chuẩn mực, cốt cách của người thầy là nguồn sức sống vô tận truyền bá cho các em sinh viên.

Sau thời gian nhập học, sinh viên là người dân tộc thiểu số dần thể hiện một số đặc điểm cơ bản như tâm lý mặc cảm tự ti, tâm lý khẳng định cái tôi bản sắc, đi tìm cơ hội khẳng định sự tồn tại của tộc người… Để có được mối quan hệ thầy trò hài hoà và tạo hiệu quả trong công tác đào tạo, người thầy cần chú ý tới trạng thái tâm lý của các em và tuỳ vào hoàn cảnh mà có cách ứng xử phù hợp.

Thứ nhất, sinh viên thiểu số xuất hiện tâm lý mặc cảm, tự ti. Đây là trạng thái tâm lí tiêu cực, trong đó sinh viên thể hiện sự chú ý và lo âu quá mức về xuất phát điểm của mình, về trang phục khác biệt, về ngôn ngữ tộc người… Tâm lý này làm suy giảm chức năng xã hội, ảnh hưởng đến quá trình tương tác và hoà nhập với thầy cô, bè bạn. Tâm lý này cũng dẫn tới thái độ rụt rè, sợ sệt. Sinh viên thường tránh những tình huống giao tiếp nhất là sự xuất hiện trước tập thể vì sợ bị chú ý. Đây là tâm lý thông thường nhưng xuất hiện ở giai đoạn đầu khi các em tới nhập học. Sự ứng xử thân thiện và tôn trọng, sự khích lệ của người thầy sẽ giúp cho sinh viên dần xoá đi những mặc cảm.

Thứ hai, đó là sự khẳng định cái tôi bản sắc và ước muốn được thừa nhận. Theo tâm lý học xã hội, xã hội học và nhân học, bản sắc là cách nhận thức của một cá thể về chính cá thể đó, một cá thể khác hoặc một nhóm xã hội. Nói cách khác, bản sắc chính là những cá tính khác nhau của một cá thể hay một nhóm nhiều cá thể của một nhánh hoặc nhóm xã hội đặc trưng. Tôn trọng sự đa dạng bản sắc là nguyên tắc thứ nhất trong mối quan hệ ở văn hoá học đường giữa sinh viên với người thầy ở môi trường đại học, nơi có nhiều sinh viên thuộc các dân tộc thiểu số khác nhau. Trước khi sinh viên thiểu số đến môi trường đại học, phần lớn các em sống trong môi trường làng bản. Mỗi làng bản, tộc người là một chỉnh thể hoàn bị có hương ước, quy ước riêng và được pháp luật thừa nhận. Hương ước từ bao đời khiến các em đa phần vẫn là những bản thể đóng kín và bảo lưu. Với miền núi, địa hình chia cắt, cơ sở vật chất thiếu thốn kéo theo các phương tiện thông tin không đáp ứng đủ cho nhu cầu giao lưu truyền thông, vì vậy, đa số không gian này là không gian đóng kín. Bản sắc mỗi tộc người được thể hiện qua nhiều khía cạnh. Yếu tố riêng làm gốc cho tính chất dân tộc của nền văn hoá lịch sử là truyền thống, là phong tục tập quán, lối ăn, ở mặc của một dân tộc và đặc biệt là tiếng nói. Bên cạnh tiếng nói, chữ viết chung là tiếng Việt thì lịch sử tộc người đã tạo ra tiếng nói riêng. Trên giảng đường, tiếng nói riêng của từng dân tộc vẫn được sử dụng là ngôn ngữ giao tiếp giữa các sinh viên khi họ cùng dân tộc. Một đặc điểm là trong giờ thảo luận theo nhóm, nếu sinh viên trong toàn nhóm là cùng một dân tộc thì các em thường không dùng tiếng Việt mà sẽ dùng tiếng của dân tộc mình. Điều này sẽ thuận lợi cho các em trong quá trình tìm đến tiếng nói riêng nhưng cũng gây không ít khó khăn cho người thầy và các nhóm bạn khác. Nếu người thầy không am hiểu ngôn ngữ này thì việc nắm thông tin họ chia sẻ là điều vô cùng khó khăn. Người thầy cần khéo léo thừa nhận ngôn ngữ ấy và tế nhị định hướng để sinh viên cùng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt trong giao tiếp. Việc từ chối sinh viên thẳng thắn khi họ dùng ngôn ngữ bản địa có thể gây ra căng thẳng nhất định giữa quan hệ thầy trò và ngay lập tức sinh viên sẽ đóng băng việc tiếp nhận tri thức khi bản thân họ bị từ chối. Tôn trọng bản sắc và thừa nhận bản sắc có vai trò to lớn quan trọng bậc nhất trong công tác đào tạo ở đại học. Bên cạnh nhu cầu được thừa nhận là sự tôn trọng. Sự tôn trọng được hiểu theo nhiều khía cạnh như coi trọng ý kiến cá nhân, coi trọng sự đóng góp và nỗ lực của tộc người thiểu số, coi trọng những yếu tố riêng thuộc về tộc người như ẩm thực, trang phục, sinh hoạt…

Những yếu tố riêng như truyền thống văn hoá, văn học nghệ thuật, phong cách biểu hiện, tư tưởng tình cảm ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công trong công tác đào tạo. Sự định hình cái tôi bản sắc trong sinh viên khối dân tộc thiểu số được bộc lộ khi sinh viên ra khỏi cộng đồng và hoà nhập với một môi trường đào tạo chuyên nghiệp. Trong quá trình học tập, sinh viên dân tộc thiểu số luôn muốn được tự khẳng định bản thân, khẳng định bản sắc văn hóa tộc người vì vậy họ thường đi tìm cơ hội thể hiện. Nhu cầu được tôn trọng về bản sắc và nguyên tắc trao cơ hội, đi tìm cơ hội là hai nguyên tắc có quan hệ mật thiết với nhau. Điều này được thể hiện rõ trong việc sinh viên là người dân tộc thiểu số luôn hăng hái và nhiệt huyết trong các hoạt động học tập và đặc biệt trong những hoạt động tập thể. Trong những đêm sinh hoạt văn nghệ, sinh viên dân tộc Mông  luôn say sưa với điệu khèn, sáo; sinh viên dân tộc Thái luôn mải mê với điệu múa ngày mùa… Thông qua công tác tập thể, sinh viên thiểu số có cơ hội giao tiếp và thỏa mãn các nhu cầu phổ biến văn hoá tộc người của mình tới tập thể. Trong trường hợp này, người thầy cần khéo léo trao cho các em cơ hội để tự thể hiện mình nhưng cũng chú ý hướng tới cái chung.

Để kéo gần khoảng cách trao đổi tiếp nhận thông tin từ người thầy đến người học, ngày nay, các lớp học ngôn ngữ dân tộc được thường xuyên mở ra, các diễn đàn giáo dục về văn hoá học đường dành cho người thầy liên tục được tổ chức. Vốn ngôn ngữ của người thầy đã được cải thiện, trình độ giao tiếp bằng tiếng dân tộc cho người thầy nâng cao, ít nhiều làm tăng sự thấu hiểu giữa sinh viên với thầy giáo. Thêm vào đó, một số giáo trình, tài liệu tham khảo, một số tạp chí, tư liệu tham khảo cũng được chuyển sang chữ dân tộc đã được in ấn, góp phần giúp giờ dạy hiệu quả hơn. Điều này chứng tỏ, văn hoá học đường luôn được người thầy coi trọng.

2.2.2. Xây dựng quan hệ giữa nhà trường với sinh viên dân tộc thiểu số

Sinh viên là một thành tố quan trọng để xây dựng nên trường đại học và tạo lập nên văn hóa học đường. Nếu thiếu vị trí, vai trò của sinh viên thì không thể có trường đại học và văn hóa học đường. Trong quá trình đào tạo, sinh viên là trung tâm, là đối tượng được toàn thể cán bộ, viên chức của trường quan tâm, giúp đỡ. Chính vì vậy nên các em sinh viên có quan hệ trực tiếp với tất cả các bộ phận trong trường. Có thể nhận ra hai mối quan hệ tương tác cơ bản sau đây: giữa cán bộ quản lý với sinh viên, giữa cán bộ các phòng ban, chức năng với sinh viên.

Hệ thống lãnh đạo trực tiếp ở các trường đại học hiện nay gồm có: Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, Hội đồng Trường, Phòng Đào tạo, Phòng Công tác chính trị và Quản lý người học, Phòng Khoa học, Phòng Cơ sở vật chất, Ban Quản lý Khu Nội trú và Ban Chủ nhiệm các khoa. Để nâng cao chất lượng đào tạo, hệ thống lãnh đạo của trường phải thường xuyên được kiện toàn, củng cố, hoạt động trên cơ sở những quy chế, quy định của pháp luật mang tính kỷ luật và tính thống nhất cao; nhưng đồng thời cũng phải mang theo tính sáng tạo và năng động, phù hợp với tình hình, điều kiện cụ thể. Hàng năm, công tác tuyển sinh cho các ngành đào tạo được thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo và chú trọng tới chế độ ưu tiên cho sinh viên dân tộc thiểu số. Các số liệu thống kê kết quả tuyển sinh được cập nhật kịp thời trong quá trình quảng bá tuyển sinh tới các trường phổ thông và đề án tuyển sinh công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường Đại học Tây Bắc thường tổ chức các đoàn tư vấn, quảng bá tuyển sinh tại nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn, có kế hoạch tư vấn đến phụ huynh và tương tác, kết nối phục vụ cộng đồng đến từng địa phương.

Khi đã trúng tuyển vào trường đại học, tất cả nội quy, quy chế học đường cần được tuyên truyền, phổ biến, quán triệt cho sinh viên và thường xuyên lồng ghép vào các nội dung sinh hoạt đảng, đoàn thể để cả thầy và trò đều hiểu biết cặn kẽ tiến tới chủ động, tự giác thực hiện. Với sự hoà nhập chung này, sinh viên nói chung và sinh viên dân tộc thiểu số nói chung dần điều chỉnh, thích nghi giữa lối sống vốn là bản sắc với môi trường mới.

Quy định văn hóa học đường cần phải được thực hiện thường xuyên, mà nếu thiếu đi những điều đó thì không gian văn hóa học đường bị xâm phạm. Sinh viên dân tộc thiểu số đến từ làng bản thường, trong văn hoá giao tiếp trước đó không có thói quen sử dụng những phương châm hội thoại tiếng Việt, ví dụ như chào hỏi hoặc thưa gửi, giao tiếp thường thiếu chủ ngữ. Sinh viên các dân tộc thiểu số nêu cư trú tại vùng sâu cũng rất tự do trong việc thực hiện giờ giấc. Sự thiết lập văn hoá học đường cần chặt chẽ trên nguyên tắc tôn trọng với những quy định như đến lớp phải đúng giờ, ra vào lớp phải xin phép, trong lớp phải trật tự nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ, trang phục phải gọn gàng sạch sẽ, không được sử dụng tài liệu khi thi, không sử dụng điện thoại di động khi không được phép… Để đảm bảo nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt, Trường Đại học Tây Bắc đã xây dựng và ban hành một bộ quy chế hoàn chỉnh, phù hợp, dung hoà với điều kiện cụ thể của vùng miền và đối tượng tuyển sinh. Sự hiện thực hoá, thái độ chấp hành nghiêm túc của cả thầy và trò sẽ thiết lập được một không gian văn hóa học đường thực sự. Đơn cử như, việc mặc trang phục, đồng phục theo quy định trong văn hoá học đường. Ở trường đại học mang tính vùng, trong một tuần, sinh viên sẽ có 02 ngày mặc trang phục đoàn thanh niên, 02 ngày mặc trang phục dân tộc như áo dài Việt Nam, váy áo cóm dân tộc Thái, váy áo Mông, La Ha… Việc tự do trong trang phục phù hợp với tộc người đã đem đến cho người học một thái độ thoải mái vì được tôn trọng.

Trong trường đại học có con em dân tộc thiểu số, nội quy định, quy chế cần phải được rà soát, xem xét, điều chỉnh thường xuyên cho sát với tình hình thực tế. Những yếu tố riêng như truyền thống văn hoá, văn học nghệ thuật, phong cách biểu hiện tư tưởng tình cảm ảnh hưởng không nhỏ quyết định sâu sắc tới sự thành công trong công tác đào tạo. Vì vậy, nhà trường, các phòng chức năng cần phải thường xuyên thực hiện các cuộc khảo sát thực chứng, phân tích và đánh giá số liệu để đặt quyền lợi của người học lên trên hết. Nhưng có lẽ, sẽ hiệu quả cao hơn nếu hàng năm mỗi khi sinh viên năm thứ nhất tựu trường, nhà trường đưa ra những định hướng hoặc gợi ý để các em tự bàn luận, quán triệt và nêu lên suy nghĩ của mình, từ đó tổng kết, biên soạn, chỉnh lý để bổ sung, hoàn thiện bộ quy chế, như vậy có thể các điều khoản ban hành và sẽ được sinh động, thực tiễn và mang tính xã hội hóa cao hơn.

Hướng tới sự tôn trọng và kéo gần khoảng cách, Trường Đại học Tây Bắc thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu văn hoá dưới nhiều hình thức như sân khấu hoá văn học dân gian các dân tộc thiểu số, tổ chức gian hàng trưng bày các sản vật văn hoá các dân tộc thiểu số, giao lưu văn hoá văn nghệ các dân tộc thiểu số. Đây là cơ hội để sinh viên được tự bộc lộ mình như mong muốn, đồng thời giảng viên cũng có thêm cơ hội hiểu thêm về đối tượng người học để có những quy tắc ứng xử phù hợp. Hướng tới xây dựng và thực hiện văn hóa học đường vừa theo truyền thống các dân tộc thiểu số, truyền thống văn hóa Việt Nam, vừa mang tính chất hiện đại giúp cho quan hệ giữa cán bộ, viên chức với sinh viên ngày càng gần gũi, thân thiện. Muốn được như vậy, cần thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về quy trình và chất lượng đào tạo, cũng như các hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Nhà trường đã thành lập Trung tâm nghiên cứu văn hoá các dân tộc Tây Bắc, thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, những chuyến điền dã. Kết quả của hoạt động này trước hết phục vụ nhu cầu xây dựng văn hoá học đường mang tính vùng miền. Trong chương trình giảng dạy, Trường Đại học Tây Bắc chú trọng xây dựng những học phần bắt buộc về địa phương như văn hoá địa phương, văn học địa phương, lịch sử địa phương, thổ nhưỡng địa phương, địa lý địa phương, du lịch và dịch vụ địa phương… Nhà trường cũng xây dựng nhiều học phần thực tế địa phương để sinh viên dân tộc thiểu số nắm bắt cơ hội để phát triển bản thân, thoả mãn và cân bằng cái tôi bản sắc. Văn hóa học đường chỉ trở thành hiện thực nếu thư viện nhà trường luôn luôn tìm cách đáp ứng tốt nhất các nguồn tài liệu, sách báo cho các em tham khảo, chú trọng những tài liệu mang tính chất địa phương. Đặc biệt, nếu nguồn tư liệu được cung cấp bằng cả tiếng Việt và tiếng dân tộc thì hiệu quả giáo dục sẽ tăng lên gấp nhiều lần.

Xác định rằng chất lượng giáo dục sẽ nâng cao hơn nếu nhà trường chăm chút tới cơ sở vật chất. Bộ phận quản lý nội trú luôn chú ý tới kiến trúc và cảnh quan, phòng ở cho sinh viên nói chung và ưu tiên cho sinh viên dân tộc thiểu số. Nhiều công trình xây dựng của nhà trường như hệ thống phòng học, hội trường có hoa văn mang màu sắc văn hoá tộc người như hoạ tiết hoa ban, hoạ tiết thổ cẩm, hoạ tiết khau cút… Hệ thống sân vận động rộng rãi, phục vụ các nhu cầu nâng cao sức khoẻ và tổ chức các lễ hội của tộc người theo nhóm sinh viên được thuận lợi.

  1. Kết luận

Văn hoá học đường là tập hợp những quan hệ khăng khít trong đó mối quan hệ giữa thầy với trò, giữa nhà trường với người học là thành phần cấu trúc chính. Những thành phần này vừa kế thừa, vừa kiến tạo những giá trị, những kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích luỹ trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và quá trình hình thành nhân cách của người học. Ở môi trường miền núi, sự hình thành văn hoá học đường sẽ dựa trên cơ sở hiểu biết tâm lý tộc người, nắm bắt các nguyên tắc phổ biến như: tôn trọng sự khác biệt, trao cơ hội thể hiện bản sắc nhưng dung hoà để hướng tới cái chung… Trong môi trường ấy, người thầy đòi hỏi có những vốn hiểu biết nhất định về văn hoá tộc người, có ngôn ngữ giao tiếp phù hợp. Đối tượng đào tạo là con em dân tộc thiểu số, nhà trường cũng cần có phương pháp điều hành hợp lí, ưu tiên tính vùng và xây dựng chương trình tiệm cận đến chiến lược, triết lí giáo dục phục vụ địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

(1). hppt://.hcmuc.edu.vn, đăng tải 13/4/2018, truy cập ngày 26/9/2021.

(2), (3). Vi Hồng Nhân, Văn hoá các dân tộc thiểu số – từ một góc nhìn, Nxb Văn hóa dân tộc, 2004.