XÂY DỰNG BIỂU ĐỒ ĐƯỜNG BIỂU DIỄN BẰNG EXCEL PHỤC VỤ GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU ĐỊA LÍ

111

                                                              Th.S. Nguyễn Thị Huệ

                                                                   Hồ Minh Đức

TÓM TẮT

Biểu đồ là một cấu trúc đồ hoạ dùng để biểu hiện một cách trực quan số liệu thống kê về quá trình phát triển của hiện tượng, cấu trúc của hiện tượng, mối quan hệ về thời gian và không gian giữa các hiện tượng địa lí. Trong đó, biểu đồ đường biểu diễn được sử dụng để thể hiện tiến trình động thái phát triển của một hiện tượng theo chuỗi thời gian.

Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin việc xây dựng các biểu đồ phục vụ giảng dậy và nghiên cứu trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Phần mềm Excel là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong việc xử lí và xây dựng các bảng số liệu, biểu đồ theo những mục đích dạy học cụ thể.

Từ khóa: Biểu đồ đường

 

  1. Đặt vấn đề

Biểu đồ là một dạng hình vẽ được xây dựng trên cơ sở toán học, thể hiện được các đại lượng địa lí theo không gian và thời gian. Trong giảng dậy, học tập và nghiên cứu địa lí không thể thiếu được các biểu đồ. Vì vậy việc rèn luyện kĩ năng lựa chọn, vẽ và phân tích biểu đồ là rất cần thiết. Bên cạnh cách xây dựng biểu đồ truyền thống, ngày nay với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin việc xây dựng các biểu đồ phục vụ giảng dậy và nghiên cứu trở nên nhanh gọn hơn rất nhiều. Phần mềm Excel là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong việc xử lí và xây dựng các bảng số liệu, biểu đồ theo những mục đích dạy học cụ thể.

Excel là một bảng tính điện tử nằm trong bộ Microsoft Office, chạy trong môi trường Windows, chuyên dùng để tạo các bảng biểu tính toán, thống kê, hỗ trợ mạnh việc tạo các bảng biểu, bản đồ, biểu đồ…Trong dạy học Địa lí, phần mềm Excel có vai trò quan trọng trong việc xử lí và xây dựng các bảng số liệu, biểu đồ theo những mục đích dạy học cụ thể[2].

Trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi đưa ra qui trình xây dựng biểu đồ đường biểu diễn bằng phần mềm Excel một cách khoa học, chính xác và mang tính thẩm mĩ cao.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Vai trò của biểu đồ trong dạy học địa lí

Việc xây dựng biểu đồ có ý nghĩa rất quan trọng và cần thiết đối với cả giáo viên và học sinh.

+ Đối với giáo viên việc xây dựng các biểu đồ là rất cần thiết, có tác dụng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong hoạt động  nhận thức của học sinh. Đặc biệt việc xây dựng các biểu đồ bằng Excel vừa nhanh vừa chính xác tạo hứng thú học tập cho học sinh.

+ Đối với học sinh việc xây dựng biểu đồ có tác dụng rèn luyện các kĩ năng thực hành và kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đồng thời tăng khả năng tự học, tự nghiên cứu thông qua việc khai thác tri thức trên biểu đồ. Tạo cho học sinh óc tư duy thẩm mĩ và tư duy khái quát tổng hợp trong việc hình thành thế giới quan khoa học và làm cho các em nhìn nhận một cách đúng đắn và đầy đủ hơn về bộ môn.

Biểu đồ là hình thức trực quan sinh động các SLTK. Trong dạy học địa lí SLTK là thành phần không thể thiếu được, chúng soi sáng và giải thích được các khái niệm, các quy luật về địa lí… Nhiều luận điểm, lí thuyết có sức thuyết phục mạnh mẽ hơn khi có số liệu chứng minh. Song việc sử dụng SLTK đơn thuần thì bài học sẽ trở nên khô khan, khó nhớ, khó hiểu. Do đó việc cụ thể hoá các SLTK thành các loại biểu đồ sẽ có sức hấp dẫn mạnh mẽ và sinh động làm cho học sinh lĩnh hội kiến thức một cách rõ ràng, có được ấn tượng sâu sắc hơn đối với học sinh. SLTK được biểu hiện thông qua biểu đồ là một điều kiện thuận lợi để học sinh khai thác tri thức, tạo hứng thú học tập cho học sinh, phát huy tính tích cực hoạt động nhận thức, hoạt động thực hành của học sinh. [1]

Biểu đồ là nguồn để học sinh khai thác tri thức. Biểu đồ là một hình thức biểu hiện trực quan các SLTK, mà các SLTK lại là một bộ phận quan trọng của kiến thức địa lí. Do đó biểu đồ là một phương tiện để học sinh khai thác kiến thức địa lí về quá trình phát triển, cơ cấu, mối quan hệ về không gian và thời gian giữa các hiện tượng địa lí kinh tế – xã hội.

Biểu đồ là phương tiện dạy học để học sinh rèn luyện kĩ năng. Việc rèn luyện kĩ năng, kĩ xảo cho học sinh là mục tiêu quan trọng trong dạy học địa lí. Nó vừa gắn lí thuyết với thực hành, vừa làm thay đổi phương pháp học tập cho  học sinh từ thụ động chuyển sang chủ động, tích cực tự khai thác các tri thức, góp phần phát triển nhân cách toàn diện cho người học sinh.

Thông qua biểu đồ các em có thể rèn luyện được các kĩ năng như: xử lí các SLTK, vẽ biểu đồ, phân tích biểu đồ và có thể viết được các báo cáo ngắn gọn về các vấn đề kinh tế – xã hội. Tất nhiên việc hình thành các kĩ năng biểu đồ trong quá trình học tập địa lí không thể tách rời việc nắm kiến thức. Vì vậy, giáo viên cần có những biện pháp để hướng dẫn học sinh tích cực khai thác kiến thức từ biểu đồ.

2.2. Cách nhận biết biểu đồ đường

Dạng biểu đồ này có ưu điểm là thể hiện một cách trực quan diễn biến, động thái  của các hiện tượng theo thời gian, đồng thời đây cũng là loại biểu đồ dễ vẽ, dễ sử dụng. Biểu đồ đường tập hợp các điểm tạo thành đường biểu diễn để thể hiện quá trình phát triển, tốc độ phát triển của một hay nhiều hiện tượng, ở một lãnh thổ hay nhiều lãnh thổ theo thời gian. Không dùng biểu đồ đường biểu diễn để thể hiện sự biến động theo không gian hoặc theo các thời kì (giai đoạn) cũng như không dùng thể hiện sự thay đổi cơ cấu của hiện tượng.

Biểu đồ đường gồm các dạng:

+ Biểu đồ một hoặc nhiều đường biểu diễn của một đối tượng có cùng một đại lượng.

+ Biểu đồ có 2 đường biểu diễn của 2 đối tượng (không cùng 1 đại lượng), có 2 trục đứng thể hiện giá trị của 2 đại lượng khác nhau.

+ Biểu đồ đường chỉ số phát triển của nhiều đối tượng với nhiều đại lượng khác nhau. Các đường biểu diễn đều xuất phát từ mốc 100%.

Biểu đồ được vẽ trên một hệ trục toạ độ. Trục tung thể hiện giá trị của đại lượng (theo đơn vị tuyệt đối) hoặc tốc độ tăng trưởng (đơn vị tương đối %). Trục hoành là năm. Chú ý chia khoảng cách năm trên trục hoành và chia tỉ lệ trên trục tung. Đường biểu diễn bắt đầu từ trục tung, tương ứng với giá trị của năm đầu tiên trên bảng số liệu (năm đầu tiên lấy tại mốc toạ độ). Nếu vẽ tốc độ tăng trưởng thường vẽ xuất phát từ 100. Nếu vẽ nhiều đường biểu diễn phải dựng các kí hiệu khác nhau để dễ phân biệt.

2.3. Quy trình xây dựng biểu đồ đường trên Excel

Bước 1: Nghiên cứu chủ đề bài tập để xác định dạng biểu đồ thích hợp nhất.

 

STT Dạng biểu đồ đường Đặc điểm
1 Đường thể hiện xu hướng theo thời gian hoặc theo nhóm (categories)
2 Đường chồng, thể hiện xu hướng theo thời gian hoặc theo nhóm (categories)
3 Đường chồng 100%, thể hieej xu hướng phần trăm mà từng giá trị đóng góp vào theo thời gian hoặc theo nhóm
4   Đường với hiệu ứng 3 chiều (3-D)

Bước 2. Nhập dữ liệu trên excel

– Khởi động Excel: mở Menu Start/ Programs/Microsof Excel (Hoặc nháy đúp chuột vào biểu tượng Excel trên thanh công cụ của Office góc phải trên màn hình. Hoặc nháy đúp chuột vào biểu tượng Excel trên màn hình nền của Windows nếu đã đưa biểu tượng này ra ngoài màn hình).

– Đặt con trỏ vào ô muốn nhập dữ liệu vào/ Gõ dữ liệu/ Ấn phím Enter để nhập dữ liệu và di chuyển xuống ô dưới (Hoặc nhấn phím mũi tên để di chuyển sang ô cần nhập).

Bước 3. Xử lí số liệu trên excel

Bước 4. Vẽ biểu đồ trên excel

– Bôi đen bảng số liệu. Chọn vùng dữ liệu.

– Vào Insert/Chart/Hiện ra hộp thoại Chart Wizard*/  Chọn kiểu biểu đồ phù hợp trong Chart type và chart sub type/ Chọn Next chuyển qua bước tiếp theo.

– Chọn nguồn dữ liệu (Source data), vì đã chọn vùng dữ liệu từ đầu, nên excel tự động điền địa chỉ vùng này vào Data range/ Chọn Next chuyển qua bước tiếp theo (hiện ra cửa sổ chỉ địa chỉ vùng dữ liệu).

– Chọn các thông số cho Chart Option:

+ Tại Tille: Ghi tên biểu đồ, chú thích cho biểu đồ và các trục (Axes)

+ Tại Axes: Chọn hiển thị giá trị cho trục x, y của biểu đồ.

+ Tại Gridline: Chọn hiển thị các đường hỗ trợ biểu đồ

+ Tại Legend: Chọn vị trí cho bảng chú giải

+ Tại Data label: Chọn cách hiển thị tên các đối tượng trên biểu đồ

+ Tại Data table: Chọn hiển thị bảng số liệu

– Chọn Next/Chọn finish/hiện lên biểu đồ (hoàn thành)

Bước 5. Căn chỉnh biểu đồ trên excel

– Chuyển năm về mốc tọa độ hoặc trục tung: kích chuột vào trục hoành, xuất hiện hộp thoại Format Axis, bỏ dấu v trong mục Value y…

– Lấy mũi tên: Từ biểu đồ Excel, kích chuột vào trục x,y lấy biểu tượng -> trên thanh công cụ dưới.

– Chuyển biểu đồ sang file ảnh:  Từ Excel/ copy biểu đồ/ sang word/ chọn thực đơn Edit/ paste Special/ OK. Kích phải chuột vào đường khung biểu đồ cần chỉnh chọn Edit Piture.

– Vẽ tiếp đường đứt đoạn: Chuyển sang file ảnh (edit picture) như trên. Chuột phải vào đường cần vẽ/ Edit Point kích và kéo chuột.

Chuột phải/ Add Edit để nắn đường vẽ.

 

  1. Kết luận

Hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thì việc sử dụng các phần mềm máy vi tính để dạy học địa lí ngày càng phổ biến. Trong đó phần mềm Microsoft Excel là phần mềm thông dụng để xây dựng biểu đồ. Excel là một phần mềm trong bộ Microsoft Office, thường sử dụng trong văn phòng, kế toán, trường học với những tính năng nổi trội như lưu trữ thông tin dưới dạng bảng tính, tự động tính toán lại theo các số liệu mới; Thực hiện được nhiều phép tính từ đơn giản đến phức tạp, xây dựng các biểu đồ, bảng số liệu, hình vẽ có tính chính xác, khoa học cao; Thao tác trên bảng tính có thể tạo ra các báo cáo hoặc phân tích kèm theo các biểu đồ, hình vẽ minh hoạ; Ngoài ra Excel còn là phương tiện giúp GV đánh giá kết quả học tập của HS một cách nhanh chóng, chính xác và khách quan.

Trong dạy học Địa lí, phần mềm Excel có vai trò quan trọng trong việc xử lí và xây dựng các bảng số liệu, biểu đồ theo những mục đích dạy học cụ thể.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Trọng Phúc (2006), Lí luận dạy học địa lí, 2006 Nxb Đại học sư phạm.
  2. Nguyễn Viết Thịnh (2005), Windows Ms Office Internet, Nxb Đại học Sư phạm.

 

 

 

ABSTRACT

CONSTRUCTION OF EXCEL PERFORMANCE CHART FOR TEACHING AND GEOGRAPHY RESEARCH

A chart is a graphic structure used to visually represent statistics about the evolution of phenomena, the structure of phenomena, the relationship of time and space between geographical phenomena. In which, the line chart is used to show the evolutionary progress of a phenomenon in the time series. With the help of information technology, the construction of charts for teaching and research becomes much faster. Excel software is one of the tools that play an important role in processing and constructing tables of figures and charts for specific teaching purposes. Keywords: Line chart

Key: line chart

 

Họ tên: Ths. Nguyễn Thị Huệ

ĐT: 0987131678

Email: [email protected]

Trường Đại học Tây Bắc