XÁC LẬP Ý NGHĨA CỦA ĐỊA DANH PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TẠI HUYỆN QUỲNH NHAI, TỈNH SƠN LA

90

Tòng Thị Quỳnh Hương – KHXH

Tóm tắt: Địa danh là tên gọi các đối tượng địa lý (tên vùng, tên sông, tên núi, tên địa hình, tên nơi cư trú, tên hành chính…) được con người đặt ra, nó thể hiện sự phân biệt giữa các đối tượng trên bề mặt Trái Đất. Việc nghiên cứu địa danh có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, trong đó có du lịch của Quỳnh Nhai. Các địa danh tại Quỳnh Nhai chủ yếu có nguồn gốc phát âm từ tiếng Thái; do lịch sử định cư và giao thoa văn hóa, hiện nay nhiều địa danh bị đọc, viết khác đi, hiểu sai (kể cả trên các bản đồ địa hình, địa chất…) và phần lớn người dân và du khách không biết ý nghĩa của địa danh. Trong khuôn khổ bài báo này, tác giả làm rõ cách phân loại địa danh và xác lập ý nghĩa của chúng phục vụ cho phát triển du lịch tại Quỳnh Nhai dưới góc độ Địa lý học.

Từ khóa: địa danh, du lịch, Quỳnh Nhai.

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Địa danh học cũng như Nhân danh học và Tộc danh học, là một bộ phận quan trọng của khoa Danh học. Tuy có thời gian phát triển chưa dài, song Địa danh học, nhất là ở nước ngoài, đã đạt được những kết quả khả quan và trở thành khoa học độc lập. Thuật ngữ “địa danh” xuất phát từ tiếng Hy Lạp: Topos (là địa phương) và Onoma (là tên gọi). Do đó có thể dịch nghĩa một cách chung là: “Địa danh học (Toponymie) là một môn khoa học chuyên nghiên cứu về tên gọi các địa phương” [2; 5].

Các nhà nghiên cứu địa danh trên thế giới đưa ra nhiều định nghĩa địa danh theo những cách lập luận và tiếp cận khác nhau. Theo các tác giả đó “địa danh là những từ ngữ biểu thị tên gọi các địa điểm, mục tiêu địa lý có vị trí xác định trên bề mặt trái đất”.

Ở Việt Nam, các nhà nghiên cứu địa danh học chia thành hai nhóm là nghiên cứu địa danh theo góc độ địa lý – văn hóa và nghiên cứu địa danh theo góc độ ngôn ngữ học. Từ góc độ địa lý, Nguyễn Văn Âu quan niệm “địa danh là tên đất, gồm tên sông, núi, làng mạc hay tên các địa phương, các dân tộc” [1; 5]. Từ góc độ ngôn ngữ, Lê Trung Hoa quan niệm “địa danh là những từ hoặc ngữ, được dùng làm tên riêng của các địa hình thiên nhiên, các đơn vị hành chính, các vùng lãnh thổ và các công trình xây dựng thiên về không gian hai chiều” [3; 18].

Kế thừa các nghiên cứu trong và ngoài nước, áp dụng vào thực tiễn nội dung nghiên cứu, nhóm tác giả lựa chọn cách tiếp cận địa danh dưới góc độ kết hợp ngôn ngữ với địa lý và văn hóa như sau: địa danh là tên riêng của các đối tượng địa lý tự nhiên và nhân văn có vị trí xác định trên bề mặt trái đất, được con người đặt ra bằng chính ngôn ngữ của dân tộc mình [4; 16].

Địa danh Sơn La nói chung, địa danh huyện Quỳnh Nhai nói riêng là đối tượng hết sức mới mẻ, chưa có nhiều công trình đi sâu nghiên cứu hoặc mới chỉ tập trung vào một loại địa danh nào đó. Một số luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học như  “Địa danh huyện Mộc Châu, Sơn La” (Nguyễn Thị Phương Trà, 2014); “Địa danh hành chính huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La” (Nguyễn Thị Tĩnh Thanh, 2017) ; “Địa danh hành chính huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La” (Nguyễn Duy Hoàng, 2017); “Địa danh hành chính huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La” (Đỗ Công Bình, 2017)… đã nghiên cứu chuyên sâu về loại địa danh hành chính tại các huyện. Gần đây nhất có đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu biên soạn từ điển lịch sử – văn hóa tỉnh Sơn La” (nghiệm thu vào 12/2021) đã tập trung làm rõ hệ thống các mục từ và địa danh lịch sử văn hóa Thái tại Sơn La cùng nhiều khía cạnh về văn hóa Thái khác.

Những công trình nghiên cứu địa danh trên thế giới và trong nước nói trên đã tạo nên một khung lý thuyết tương đối khái quát, từ cách phân loại đến việc miêu tả các lớp địa danh, phương thức định danh và giá trị phản ánh hiện thực qua địa danh của từng vùng lãnh thổ, là cơ sở quan trọng đối với chúng tôi khi thực hiện nghiên cứu, tìm hiểu địa danh ở huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Tuy nhiên các công trình đi sâu nghiên cứu về địa danh theo góc độ Địa lý học và khai thác giá trị của địa danh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương còn chưa nhiều. Trong nội dung của bài báo này, chúng tôi tập trung làm rõ cách phân loại địa danh và xác lập ý nghĩa của chúng phục vụ cho phát triển du lịch tại Quỳnh Nhai dưới góc độ Địa lý học.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

2.1. Phân loại các địa danh tại Quỳnh Nhai

Có nhiều cách phân loại địa danh khác nhau. Từ góc độ địa lý học, Nguyễn Văn Âu quan niệm: “Phân loại địa danh là sự phân chia địa danh thành các kiểu, nhóm khác nhau, dựa trên những đặc tính cơ bản về địa lý cũng như về ngôn ngữ và lịch sử” [2; 37]. Ông đã chia địa danh Việt Nam thành hai loại: Địa danh tự nhiên và địa danh kinh tế – xã hội với bảy kiểu: Thủy danh, lâm danh, sơn danh, làng xã, huyện thị, tỉnh, thành phố, quốc gia và mười hai dạng: Sông ngòi, hồ đầm, đồi núi, hải đảo, rừng rú, truông – trảng, làng – xã, huyện – quận, thị trấn, tỉnh, thành phố, quốc gia. Mỗi dạng lại có thể phân chia thành các dạng sông, ngòi, suối… Cách phân loại này của tác giả nghiêng về tính dân gian, dễ tiếp thu song hơi sa vào chi tiết, thiếu tính khái quát, đối tượng nghiên cứu và tên gọi đối tượng nghiên cứu chưa được làm rõ.

Lê Trung Hoa phân loại địa danh dựa vào nguồn gốc địa danh. Cách phân loại của ông dựa vào hai tiêu chí là tính tự nhiên và không tự nhiên. Ông phân địa danh thành bốn loại: Địa danh chỉ địa hình thiên nhiên, địa danh chỉ công trình xây dựng, địa danh hành chính, địa danh chỉ vùng. Đây là cách phân loại thường gặp và tương đối hợp lý, có tính bao quát.

Trên cơ sở kế thừa những ý kiến của những nhà nghiên cứu đi trước và theo mục đích nghiên cứu, nhóm tác giả phân loại địa danh huyện Quỳnh Nhai thành ba loại: địa danh địa hình thiên nhiên, địa danh đơn vị dân cư và địa danh công trình nhân tạo. Trong đó địa danh địa hình thiên nhiên gồm sơn danh, thủy danh và những vùng đất nhỏ phi dân cư; địa danh đơn vị dân cư gồm các đơn vị dân cư cụ thể nằm trong cấp thành phố, huyện; địa danh các công trình nhân tạo gồm địa danh các công trình nhân tạo thuộc những hoạt động vật chất của con người và địa danh các công trình nhân tạo thuộc những hoạt động tâm linh của con người. Trong mỗi tiểu loại lại gồm những bộ phận nhỏ hơn, thuộc vào những loại hình địa danh đó.

Trong điều kiện thực tiễn của bài báo, nhóm tác giả tập trung vào nghiên cứu các kiểu địa danh chủ yếu sau: Địa danh địa hình thiên nhiên: nghiên cứu địa danh sơn văn, thủy văn; Địa danh đơn vị dân cư: nghiên cứu địa danh bản; Địa danh công trình nhân tạo: nghiên cứu đường, cầu, khu du lịch, di tích, đền. Trên các đối tượng này chúng tôi xác lập các nhóm ý nghĩa chính của chúng, đây là cơ sở để làm rõ phần thông tin và giá trị của địa danh phục vụ cho phát triển du lịch tại Quỳnh Nhai.

2.2. Xác lập ý nghĩa của các địa danh tại Quỳnh Nhai

2.2.1. Kết quả thu thập địa danh

Căn cứ vào phạm vi, đối tượng và nguyên tắc cùng các tiêu chí thu thập, phân loại địa danh, chúng tôi đã thu thập được 300 địa danh. Các địa danh này được xác định trên sự phân bố theo không gian ở 11 đơn vị xã trong địa bàn huyện. Những địa danh này chúng tôi thu thập dựa vào các văn bản hành chính, một số loại bản đồ và từ tư liệu điền dã theo sự tồn tại thực tế của địa danh trong vùng. Kết quả thu thập địa danh huyện Quỳnh Nhai được thể hiện trong bảng sau:

Bảng 1: Kết quả thu thập địa danh huyện Quỳnh Nhai

Loại địa danh Số lượng
Địa danh địa hình tự nhiên

– Núi

– Sông, suối

– Hồ

 

76

68

1

Địa danh đơn vị dân cư

– Bản

 

144

Địa danh các công trình xây dựng nhân tạo

– Địa danh các công trình xây dựng nhân tạo thuộc các hoạt động kĩ thuật vật chất của con người

– Địa danh các công trình xây dựng nhân tạo thuộc những hoạt động tâm linh của con người

 

9

 

2

Tổng 300

 

2.2.2. Xác lập ý nghĩa của các địa danh thu thập được tại Quỳnh Nhai

2.2.2.1. Cách thức đặt tên

Trong phạm vi nghiên cứu của bài báo, chúng tôi không đi sâu vào phần nguyên tắc đặt tên địa danh vì nội dung này thuộc phần chuyên sâu của ngôn ngữ học. Tuy không đi sâu nhưng vẫn phải đề cập tới vì nó là cơ sở để xác lập ý nghĩa của các địa danh. Ở đây, nhóm tác giả điểm qua một số cách thức đặt tên cho phần lớn địa danh đã thu thập được tại huyện Quỳnh Nhai.

Trong thực tế, có khá nhiều cách thức đặt tên cho các địa danh ở Quỳnh Nhai. Các cách thức này cho phép lựa chọn các thuộc tính phong phú, đa dạng để đặt tên địa danh. Có những thuộc tính là đặc điểm, tính chất của chính bản thân đối tượng như hình dáng, kích thước, màu sắc, tính chất, mùi vị; có những thuộc tính là những đặc điểm có quan hệ chặt chẽ với đối tượng như vị trí, phương hướng, loại cây cối, con vật nuôi; có những thuộc tính là biến cố lịch sử, tên nhân vật có liên quan trực tiếp đến đối tượng; có thuộc tính là các chữ số, chữ cái… Chính những thuộc tính đó làm cho ý nghĩa của các địa danh thêm phong phú, đặc sắc, góp phần tạo nên cái mới, cái hay, cái riêng của một số địa danh trong huyện.

Những đặc điểm, tính chất được lựa chọn làm cách đặt tên địa danh trên có có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với địa lý, lịch sử, văn hóa tộc người ở Quỳnh Nhai. Chẳng hạn với đặc điểm nổi bật của địa hình toàn huyện là núi trung bình, xen kẽ với các thung lũng sông, khe suối; địa hình chia cắt thành những cánh đồng hẹp kéo dài cùng với mạng lưới sông ngòi chằng chịt và hệ động thực vật phong phú, ở huyện có rất nhiều địa danh mang yếu tố ruộng (ná, na, nà), núi (pú, pu), suối (huổi), sông (nậm), rừng (pá), cây (co), bãi (phiêng)… khiến cho cách đặt tên địa danh dựa vào tên gọi các sông, suối, núi, rừng, đồi, các cây cối, con vật cùng với những đặc điểm hình dáng, tính chất, màu sắc, hoạt động của chúng là cách thức đặt tên địa danh cơ bản và chiếm ưu thế. Về lịch sử, nơi đây ghi dấu nhiều dấu tích lịch sử trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, điều này còn được lưu giữ lại trong cách đặt tên các công trình xây dựng của huyện. Về xã hội, dân cư sống đông đúc và lâu đời nhất Quỳnh Nhai chính là người Thái, vì vậy các địa danh chủ yếu có nguồn gốc ngôn ngữ Thái.

2.2.2.2. Các loại ý nghĩa chính của địa danh tại Quỳnh Nhai

Phụ thuộc vào cách đặt tên mà ý nghĩa tên gọi các địa danh cũng rất phong phú với nhiều nghĩa khác nhau, tuy nhiên nhóm nghĩa mang tính chất phản ánh hiện thực khách quan gắn liền với những đối tượng địa lý chiếm ưu thế hơn cả. Đây là nhóm ý nghĩa có chứa các yếu tố phản ánh những đặc điểm về tính chất, màu sắc của đối tượng được đặt tên và mối quan hệ giữa đối tượng đó với các đối tượng, sự vật, yếu tố khác có liên quan. Những đặc điểm được thể hiện qua ý nghĩa của các địa danh này có giá trị phản ánh hiện thực khách quan cao. Hầu hết các địa danh trong nhóm đều có nguồn gốc là các yếu tố dân tộc thiểu số, cụ thể là tiếng Thái.

Trên cơ sở nghiên cứu, xác lập ý nghĩa tên gọi của các địa danh thu thập được tại huyện, nhóm tác giả phân chia chúng thành hai loại với lớp nghĩa khác nhau.

  1. a) Những địa danh chứa các yếu tố có ý nghĩa phản ánh những đặc điểm thuộc về bản chất của đối tượng

Đó là những đặc điểm về hình dáng, kích thước, tính chất, màu sắc, địa hình kiến tạo, mùi vị, âm thanh… xuất phát từ chính đối tượng. Có lẽ những đặc điểm đó đã được cảm nhận bằng các giác quan của con người một cách chân thực, cụ thể, sinh động nên qua tên gọi của địa danh và các cách thức đặt tên chúng ta có thể phần nào hình dung được.

– Lớp nghĩa phản ánh địa hình của đối tượng

Lớp nghĩa này tập trung ở các địa danh địa hình tự nhiên và địa danh đơn vị dân cư. Những loại địa hình phản ánh qua địa danh đều là những trường hợp từ ngữ chung chỉ đối tượng địa hình được chuyển hóa vào các vị trí khác nhau trong địa danh. Đó là những kiểu loại địa hình có nguồn gốc tiếng Việt như núi, đồi, suối, ruộng, ao, hồ, hang, khe, thác… và cũng những loại địa hình đó tiếng Thái sẽ gọi là pú, pom, huổi, ná, noong, thẩm, hoong, cảnh… Trong đó kiểu địa hình kiến tạo được thể hiện nhiều nhất qua địa danh là “ná”, yếu tố có nguồn gốc tiếng Thái, khi phiên âm sang tiếng Việt, “ná” còn được viết thành “na”, “nà” nhưng đều tương đương với nghĩa chỉ “ruộng” trong tiếng Việt. Chẳng hạn, suối Nà Sàng (suối xuất phát từ ruộng khai phá từ rừng tre), suối Nà Pín (suối uốn quanh đồng ruộng), bản Nà Huổi (bản làm ruộng dọc theo ven con suối), bản Nà Mùn (bản có nhiều thửa ruộng hình tròn)…

– Lớp nghĩa phản ánh loại chất liệu kiến tạo hay loại khoáng sản có ở đối tượng

Đó là những chất liệu như vàng, đồng, diêm sinh. Nhóm nghĩa này có ở địa danh địa hình tự nhiên và địa danh đơn vị dân cư. Chẳng hạn, núi Căm Họi (bản ở trên núi cao, khi xây dựng phát hiện hàng trăm thỏi vàng trên đỉnh), núi Nậm Tong (núi, suối có kim loại đồng), núi Thẳm Hiêm (trong hang đá có nhiều diêm sinh)…

– Lớp nghĩa phản ánh hình dáng của đối tượng

Hình dáng của đối tượng được phản ánh khá đa dạng. Những đặc điểm hình dáng thường được thể hiện qua các yếu tố như nhọn, cụt, cong, nghiêng… có tác dụng miêu tả đối tượng một cách cụ thể. Hoặc hình dáng của đối tượng xuất phát từ trí tưởng tượng phong phú của người đặt tên, do đó có những đồ vật, sự vật trong đời sống cũng được dùng để miêu tả hình dáng của những đối tượng khi giữa chúng có nhiều đặc điểm giống nhau như hình búi tóc, yên ngựa. Chẳng hạn, núi Đán Luống (núi đá có hình con rồng), núi Săn Trạng (núi giống sống lưng con voi), núi Yên Ngựa (núi có hình giống cái yên ngựa), núi Đán Cẩu (núi đá có hình búi tóc của người phụ nữ có chồng), bản Khoan (bản có núi gần giống cái rìu)…

– Lớp nghĩa phản ánh kích thước của đối tượng

Đó là những kích thước dài, ngắn, rộng, hẹp, to, nhỏ, cao, thấp… khác nhau. Những kích thước này có ở địa danh địa hình tự nhiên và địa danh đơn vị dân cư. Chẳng hạn, bản Có Luông (bản rộng lớn từ khi bắt đầu xây dựng), bản Phiêng Luông (bản có bãi rộng to), bản Nà Hỷ (bản có đất bằng, làm được thửa ruộng dài), núi Hốc Luông (núi có nhiều giống tre to)…

– Lớp nghĩa phản ánh màu sắc của đối tượng

Đặc điểm về màu sắc được phản ánh ở cả ba loại địa danh hành chính, tự nhiên và nhân văn qua các yếu tố tiếng dân tộc. Đối với những địa danh tự nhiên, màu sắc được cảm nhận trực tiếp từ đối tượng địa lý còn với những địa danh hành chính và nhân văn màu sắc thường mang tính biểu trưng hoặc gắn liền với sự vật ở trong đối tượng. Ví dụ, núi Lán Lanh (dãy núi đá có màu đỏ), bản Phiêng Lanh (bản có nhiều bãi đất đỏ, khô cằn), bản Lốm Khiêu (bản thung lũng màu xanh)…

– Lớp nghĩa phản ánh tính chất, mùi vị của đối tượng

Lớp nghĩa này có ở cả ba loại địa danh địa hình thiên nhiên, đơn vị dân cư và công trình nhân tạo. Đó là những đặc điểm tính chất, mùi vị xuất phát từ bản chất của đối tượng hoặc là những thuộc tính của sự vật, hiện tượng có ở trong đối tượng. Những đặc điểm về tính chất, mùi vị này khá độc đáo và phong phú trong đó đặc điểm tính chất chiếm số lượng lớn hơn đặc điểm về mùi vị. Chẳng hạn, suối Kềm (suối có vị hơi mặn), núi Tát Ái (bản có núi, thác nước hiểm trở, nguy hiểm), núi Pha Mó (núi có nhiều sương mù), bản Phiêng Bay (bản có vách đá che chở), bản Phiêng Luông (bản có bãi rộng to)…

  1. b) Các địa danh chứa các yếu tố phản ánh mối quan hệ giữa đối tượng được đặt tên với các đối tượng, sự vật, hiện tượng, yếu tố khác có liên quan.

Đó là những đặc điểm về vị trí, phương hướng, tên gọi các loại động thực vật, những yếu tố chỉ thiên nhiên hay các hiện tượng thiên nhiên, những yếu tố chỉ những sinh hoạt văn hóa dân gian hay những yếu tố chỉ những biến cố, những sự kiện lịch sử… có liên quan trực tiếp đến đối tượng. Loại nghĩa này bao gồm:

– Lớp nghĩa phản ánh tên gọi các loài thực vật có liên quan đến đối tượng

Trong địa danh địa hình thiên nhiên và địa danh đơn vị dân cư nhóm nghĩa này chiếm một số lượng khá lớn. Các yếu tố gọi tên các loài cây chủ yếu có nguồn gốc từ ngôn ngữ của đồng bào dân tộc Thái sinh sống trong vùng. Các loài thực vật rất phong phú, từ những loại cây trồng phổ biến ở vùng thung lũng và đồi núi thấp cho đến những loại cây trồng nhiều ở đồi núi cao như cây quế, ban… Đó đều là những loại thực vật khá đặc trưng của núi rừng Quỳnh Nhai. Chẳng hạn, bản Co Que (bản có nhiều cây quế), bản Co Củ (bản có cây sấu to ở đầu bản), bản Lỷ (bản có nhiều cây gỗ lim), bản Phiêng Ban (bản có nhiều cây hoa ban), núi Lốm Púa (núi có nhiều cây bương), núi Có (núi có nhiều cây cóc), núi Co Bả (núi có cây đa to), núi Búa Hiểu (trên núi có ao nước, vũng nước có cây củ ấu)…

– Lớp nghĩa phản ánh tên gọi các loài động vật có liên quan đến đối tượng

Các yếu tố trong địa danh thể hiện nhóm nghĩa này đều có nguồn gốc tiếng dân tộc Thái. Các loài vật sinh sống nơi đây có cả trên cạn và dưới nước, chúng ở rất nhiều loại địa hình khác nhau như trên núi, dưới suối, trong khe, trên ruộng, trong hang, dưới vũng, dưới ao. Chẳng hạn, núi Huổi Tau (núi cạnh suối có nhiều con rùa), nậm Ngùa (bản được xây dựng ở suối có nhiều con bò tót sinh sống trước đây), bản Huổi Pha (bản cạnh suối có nhiều con ba ba)…

– Lớp nghĩa phản ánh những đặc điểm của sự vật, của thiên nhiên và các hiện tượng thiên nhiên xảy ra trên đối tượng hoặc có liên quan đến đối tượng. Chẳng hạn, núi Tang Mó (đường lên núi có sương mù), núi Pha Mó (núi có nhiều sương mù)…

– Lớp nghĩa phản ánh vị trí, phương hướng của đối tượng so với đối tượng khác

Những yếu tố chỉ vị trí, phương hướng thuộc các nguồn gốc ngôn ngữ khác nhau và xuất hiện nhiều ở địa danh địa hình thiên nhiên và địa danh đơn vị dân cư. Những đặc điểm vị trí biểu hiện qua yếu tố dân tộc Thái như hua (đầu), tin tốc (chân núi), che (góc), pa (pak) (cửa), nưa (trên), cuông (trong), cang (ở giữa). Chẳng hạn, bản Cang (bản ở giữa, trung tâm), bản Pắc Uôn (bản ở cửa suối Uôn), bản Kéo Pịa (bản gắn với khe núi Pịa), bản Tung Tẩư (bản ở phía dưới cánh đồng), núi Lả Lốm (núi dựng ở cuối cùng của thung lũng)…

– Lớp nghĩa phản ánh những sự kiện, biến cố và các địa điểm lịch sử có ở đối tượng

Các địa danh chứa các yếu tố phản ánh các sự kiện, biến cố lịch sử chủ yếu tập trung ở các loại địa danh như quốc lộ, con đường, di tích. Chẳng hạn, quốc lộ 279 (sự kiện lịch sử: đây là tuyến đường phục vụ vận chuyển quân trang, quân lực cho cuộc chiến đấu của quân dân Việt Nam chống lại chiến tranh xâm lược của Trung Quốc vào tháng 2 năm 1979), cây đa Pắc Ma (di tích lịch sử), đền nàng Han (nhân vật lịch sử)…

– Lớp nghĩa phản ánh số thứ tự của đối tượng: Dùng số đếm, chữ cái chủ yếu thấy trong các địa danh đơn vị dân cư và địa danh công trình nhân tạo. Chẳng hạn, đường tỉnh 107, bản Lốm Khiêu A, bản Phiêng Nèn 1.

– Lớp nghĩa phản ánh tên gọi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị hay tên của các công trình xây dựng nhân tạo có trên đối tượng

Nhóm nghĩa này gồm có hai bộ phận giống như tên gọi của nó. Cả hai bộ phận nghĩa đều được thể hiện qua các yếu tố có nguồn gốc ngôn ngữ khác nhau trong cả ba loại địa danh. Bộ phận nghĩa thứ nhất chỉ tên gọi của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đóng ở trên địa bàn. Bộ phận nghĩa thứ hai phản ánh các công trình xây dựng nhân tạo được xây dựng trên đối tượng. Các công trình được phản ánh trong địa danh có thể đang tồn tại hoặc trước đây đã từng tồn tại trên đối tượng. Những công trình không còn tồn tại là do sự phát triển kinh tế – xã hội, do sự thay đổi của cơ chế tổ chức, quản lý ở trong địa bàn mà đến nay đã bị phá bỏ hoặc do lịch sử mà những công trình này chỉ còn lại vết tích nhưng với ý nghĩa và giá trị lịch sử của nó nên tên gọi vẫn được lưu lại trong các địa danh. Như vậy có cả công trình phục vụ cho hoạt động kinh tế, xã hội và công trình gắn với đời sống tín ngưỡng của nhân dân. Chẳng hạn, di tích lịch sử cây đa Pắc Ma, cột mốc đánh dấu huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ, khu du lịch sinh thái Quỳnh Nhai, khu du lịch vịnh Uy Phong…

2.2.3. Thực trạng chung việc khai thác các ý nghĩa của địa danh cho phát triển du lịch tại Quỳnh Nhai

Địa danh ra đời trong những điều kiện địa lý, lịch sử nhất định. Do đó phần lớn địa danh mang dấu ấn của điều kiện tự nhiên, thời đại mà nó xuất hiện. Có người cho rằng địa danh giống như những cổ vật hóa thạch, người khác lại cho rằng đất là những tấm bia kỉ niệm. Vì thế, qua địa danh, ta có thể biết được phần nào đặc điểm địa hình, địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một quốc gia với hình thái ngôn ngữ lúc bấy giờ của vùng đất ấy [4; 26]. Trong lĩnh vực du lịch, thông tin về địa danh là yếu tố cơ bản để thu hút du khách, giúp khách du lịch hiểu thêm, hiểu rõ hơn về nơi mình đến, hiểu được nguốn gốc, xuất xứ, ý nghĩa tên gọi, giá trị của các địa danh. Đó là điểm nhấn, điểm khác biệt để tạo nên sự độc đáo và sức hút trong du lịch.

Các địa danh tại huyện Quỳnh Nhai, nhất là những địa danh tiêu biểu, mang dấu ấn của những hiện tượng địa lý, những sự kiện, nhân vật cụ thể của lịch sử, mang dấu tích văn hóa của vùng đất. Các địa danh có nguồn gốc từ tiếng dân tộc Thái giúp chúng ta phần nào hiểu được lịch sử hình thành và phát triển của tự nhiên, của con người, ngôn ngữ của Quỳnh Nhai. Đây là tiềm lực to lớn cho phát triển kinh tế – xã hội nói chung và phát triển du lịch tại huyện nói riêng.

Trong những năm qua, việc khai thác các ý nghĩa, giá trị của địa danh phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đã được các cấp, chính quyền của Quỳnh Nhai quan tâm. Ở Quỳnh Nhai đã có một số địa danh định vị được thương hiệu điểm đến nhờ khai thác tốt các giá trị của mình. Tiêu biểu phải kể đến thương hiệu du lịch lòng hồ sông Đà (với các điểm đến trên lòng hồ cũng như các điểm cận tuyến như đền nàng Han, cầu Pá Uôn, Vịnh Uy Phong, đảo Trái tim, Khu du lịch PaUon Ecolakes, Cột mốc đánh dấu huyện lỵ Quỳnh Nhai cũ, Di tích lịch sử cây đa Pắc Ma, suối khoáng nóng bản Bon…). Tuy nhiên, du khách khi đến các địa danh này chỉ nhận được lượng thông tin khá ít ỏi dựa trên bảng chỉ dẫn hoặc qua lời giới thiệu của người dân địa phương hoặc những đơn vị làm du lịch nhưng chưa có hướng dẫn viên được đào tạo bài bản. Do đó, nguồn gốc, ý nghĩa, giá trị của địa danh chưa truyền tải được hết đến với khách du lịch, làm giảm sức hấp dẫn cũng như khả năng quay lại của du khách.

Mặt khác, hoạt động du lịch tại các địa danh trên địa bàn huyện còn rời rạc theo từng điểm mà chưa có sự liên kết, phối hợp các địa danh với nhau cũng như với các điểm du lịch khác để tạo ra sự đa dạng, hấp dẫn và tăng thời gian lưu lại của khách du lịch. Các sản phẩm và dịch vụ du lịch cung cấp cho khách du lịch tại các địa danh còn rất nghèo nàn. Do đó, khách đến các địa danh tại Quỳnh Nhai chủ yếu là người dân địa phương, số khách du lịch đến từ các tỉnh khác và khách nước ngoài không nhiều.

  1. KẾT LUẬN

Trên cơ sở phân tích các loại ý nghĩa của 300 địa danh tại Quỳnh Nhai, nhóm tác giả nhận thấy: nhóm nghĩa mang tính chất phản ánh hiện thực khách quan gắn liền với những đối tượng địa lý chiếm ưu thế hơn cả, nó có chứa các yếu tố phản ánh những đặc điểm về tính chất (địa hình, hình dáng, kích thước, mùi vị…), màu sắc của đối tượng được đặt tên và mối quan hệ giữa đối tượng đó với các đối tượng, sự vật, yếu tố khác có liên quan (tên các loài động – thực vật, sự kiến, số đếm…). Những đặc điểm, tính chất được lựa chọn thể hiện trong tên địa danh có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với địa lý, lịch sử, văn hóa tộc người Thái ở Quỳnh Nhai.

Hiện tại, việc khai thác nguồn gốc, ý nghĩa, của địa danh phục vụ phát triển du lịch tại Quỳnh Nhai còn khá hạn chế, mới chỉ có một số điểm du lịch làm được việc này song chưa tạo được chuỗi liên kết giá trị, hình thành sản phẩm chuyên môn hóa đặc trưng. Do đó lượng khách đến huyện còn hạn chế và thời gian lưu trú ngắn; phần lớn là khách nội tỉnh tham quan một ngày hoặc khách ngoại tỉnh lựa chọn Quỳnh Nhai làm điểm nghỉ chân trên cung đường khám phá các tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Văn Âu (1993), Địa danh Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  2. Nguyễn Văn Âu (2008), Một số vấn đề về địa danh Việt Nam, Nxb ĐHQG, Hà Nội.
  3. Lê Trung Hoa (2006), Địa danh học Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Huỳnh Lê Thị Xuân Phương (2015), Nghiên cứu các địa danh lịch sử, văn hóa tiêu biểu tỉnh Khánh Hòa phục vụ giáo dục truyền thống và quảng bá phát triển du lịch, Đề tài NCKH cấp bộ, Khánh Hòa.

 

ESTABLISHING THE MEANING OF LOCATIONS SERVICED TOURISM DEVELOPMENT IN QUYNH NHAI DISTRICT, SON LA PROVINCE

 

 

Abstract: Place name is the name of geographical objects (regional name, river name, mountain name, topographical name, place of residence, administrative name …) set by humans, it represents the distinction between objects on the Earth’s surface. The study of place names is very important for the socio-economic development of localities, including Quynh Nhai’s tourism. Places in Quynh Nhai are mainly derived from Thai pronunciation; Due to the history of settlement and cultural interference, many places are now read, written differently, misunderstood (even on topographical and geological maps…) and most people and tourists do not know the meaning of place names. Within the framework of this article, the author clarifies how to classify places and establish their meanings for tourism development in Quynh Nhai from the perspective of geography.

Keywords: place name, tourism, Quynh Nhai.