VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP SƠ ĐỒ HÓA KIẾN THỨC ĐỂ TỔ CHỨC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

3183

VẬN DỤNG PHƯƠNG PHÁP SƠ ĐỒ HÓA KIẾN THỨC ĐỂ TỔ CHỨC KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Chu Thị Mai Hương

Tóm tắt: Đổi mới kiểm tra, đánh giá là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Bài viết trình bày về việc vận dụng phương pháp sơ đồ hóa kiến thức để tổ chức kiểm tra, đánh giá trong dạy học lịch sử ở trường Trung học phổ thông. Bằng phương pháp nghiên cứu lí thuyết và phương pháp điều tra, khảo sát tác giả đã thiết kế quy trình sử dụng sơ đồ hóa để kiểm tra, đánh giá, Từ đó, đề xuất phương pháp, kĩ thuật kiểm tra, đánh giá bằng sơ đồ thông qua các tình huống dạy học cụ thể nhằm góp phần nâng cao chất lượng dạy học bộ môn và góp phần làm phong phú các hình thức, phương pháp, kĩ thuật kiểm tra, đánh giá ở phổ thông.

Từ khóa: Kiểm tra đánh giá, phương pháp kiểm tra đánh giá, phương pháp sơ đồ.

  1. Mở đầu

Nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học là mục tiêu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay ở nước ta. Do đó, đổi mới kiểm tra, đánh giá là một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Vấn đề này được nhiều nhà giáo dục quan tâm và nghiên cứu lý thuyết đánh giá nhằm lí giải các câu hỏi: Vì sao? Khi nào? giáo viên cần sử dụng kĩ thuật đánh giá trong quá trình dạy học [1]. Nhằm cụ thể hóa quá trình đánh giá tác giả Thomas A. Angelo, K. Patricia Cross đã nghiên cứu và đề xuất 50 kĩ thuật và các bước thực hiện các kĩ thuật đánh giá trong quá trình dạy học [2]. Kiểm tra, đánh giá không chỉ để đo trình độ của học sinh mà còn để chỉ ra cách thức học sinh đạt được các yêu cầu trong quá trình kiểm tra nên việc kiểm tra đánh giá là bộ phận không thể tách khỏi quá trình dạy học, kiểm tra đánh giá phải được tiếp hành thường xuyên, liên tục và phải kết hợp với nhiều hình thức, phương pháp kiểm tra nhằm phát triển năng lực học tập cho học sinh [3;50-55]. Tuy nhiên, để dạy học và kiểm tra đánh giá theo chuẩn nào? cần được căn cứ vào các mức độ và việc phối hợp tỉ lệ giữa các mức độ phải dựa vào đặc điểm vùng miền và đối tượng sao cho việc kiểm tra đánh giá mang lại hiệu quả cao nhất [4; 34-35]. Nhằm đảm bảo tính khách quan trong quá trình kiểm tra, đánh giá cần xác định quy trình xây dựng đề kiểm tra đánh giá theo các cấp độ tư duy nhằm đạt chuẩn về kiến thức, kĩ năng, thái độ cho học sinh trong quá trình dạy học [5; 28-32]. Qua các nghiên cứu trên cho thấy vai trò, ý nghĩa của kiểm tra đánh giá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đổi mới phương pháp dạy học. Những nghiên cứu trên đặt cơ sở cho những nghiên cứu của các nhà lí luận dạy học lịch sử ở Việt Nam. Tác giả Nguyễn Thị Bích [6; 111-118], Hoàng Thanh Tú [7; 28-30] có nhiều nghiên cứu chuyên sâu về khâu kiểm tra đánh giá. Tù đó, các tác giả khẳng định kĩ thuật kiểm tra đánh giá được coi như một phương pháp dạy học tích cực nhằm giúp học sinh nắm được kiến thức và rèn luyện các kĩ năng, tạo hứng thú trong quá trình học tập lịch sử ở trường phổ thông. Tuy nhiên, các công trình trên chủ yếu nghiên cứu về hình thức, phương pháp, kĩ thuật kiểm tra đánh giá chưa có một công trình nào nghiên cứu có hệ thống về việc vận dụng phương pháp sơ đồ hóa kiến thức để kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh trong dạy học lịch sử. Đây là cơ sở để tác giả đề xuất phương pháp sơ đồ hóa kiến thức để kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh trong dạy học lịch sử ở trường THPT. Qua phân tích các dạng sơ đồ tiêu biểu và nghiên cứu đặc trưng bộ môn, đặc điểm kiến thức và mục đích tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên trong dạy học lịch. Tác giả tiến hành thiết kế quy trình kiểm tra đánh giá bằng sơ đồ, đề xuất phương pháp, kĩ thuật sử dụng sơ đồ để kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh trong dạy học lịch sử ở trường THPT nhằm khẳng định phương pháp sơ đồ hóa kiến thức là một phương pháp kiểm tra, đánh giá mang tích tích cực đảm bảo tính lí luận và tính thực tiễn cao. Việc sử dụng phương pháp này sẽ nâng cao hiệu quả bài học và góp phần đổi mới phương pháp dạy học lịch sử ở trường THPT hiện nay.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Vai trò, ý nghĩa của việc sử dụng phương pháp sơ đồ hóa kiến thức để kiểm tra, đánh giá trong dạy học lịch sử ở trường THPT

Kiểm tra, đánh giá là khâu quan trọng không thể tách rời quá trình dạy học. Kết quả của quá trình kiểm tra nhằm cung cấp những thông tin để làm cơ sở cho việc đánh giá chất lượng và hiệu quả của quá trình dạy học. Việc sử dụng sơ đồ hóa để kiểm tra đánh giá không chỉ được coi là phương tiện mà còn là phương pháp kiểm tra mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học. Sơ đồ hóa được sử dụng thường xuyên trong nhiều khâu của quá trình dạy học từ khâu kiểm tra bài cũ đến khâu củng cố, ra bài tập về nhà cho học sinh. Thông qua sơ đồ giáo viên sẽ thu thập được các thông tin về mức độ nhận thức của học sinh để từ đó có hướng điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với học sinh và phù hợp với mục tiêu bài học. Đồng thời, qua các thông tin kiến thức trên sơ đồ học sinh sẽ tự điều chỉnh nội dung và phương pháp học tập để đạt kết quả cao nhất trong mỗi lần kiểm tra. Việc sử dụng sơ đồ để kiểm tra còn giúp học sinh rèn luyện các kĩ năng cần thiết trong quá trình học tập như: kĩ năng tư duy (phân tích, tổng hợp, so sánh, đối chiếu, hệ thống hóa…), kĩ năng thiết kế sơ đồ, kĩ năng đọc hiểu sơ đồ, kĩ năng trình bày…Đây là cơ sở để học sinh phát triển kĩ năng giải quyết vấn đề và kĩ năng tự học của học sinh. Từ việc biết, hiểu nội dung kiến thức cùng những cơ hội để học sinh phát huy khả năng của bản thân, học sinh sẽ hứng thú với bài học và yêu thích bộ môn. 

Như vậy, việc sử dụng sơ đồ để kiểm tra đánh giá không tách khỏi quá trình dạy học. Kiểm tra đánh giá bằng sơ đồ hóa không chỉ được sử dụng qua các đợt kiểm tra định kì mà được sử dụng thường xuyên, liên tục trong quá trình dạy học, việc sử dụng sơ đồ hóa để kiểm tra đánh giá được sử dụng xem kẽ với các hình thức và phương pháp kiểm tra giá khác nhằm nâng cao hiệu quả bài học và chất lượng giáo dục bộ môn. Đặc biệt, việc sử dụng sơ đồ hóa để kiểm tra đánh giá không chỉ hướng việc kiểm tra, đánh giá kiến thức mà còn hướng đến việc kiểm tra hoạt động học tập của học sinh (cách thức học sinh đạt được kết quả qua qua trình kiểm tra đánh giá) nhằm giúp học sinh có phương pháp học tập đúng đắn và có hiệu quả.

2.2. Quy trình sử dụng sơ đồ hóa kiến thức để kiểm tra, đánh giá kết quả hoạt động học tập của học sinh

Hoạt động kiểm tra đánh giá là tổng hợp các thao tác tư duy và các hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh. Do vậy, quy trình sử dụng sơ đồ hóa để kiểm tra đánh  được cụ thể qua sơ đồ sau:

Hình 1: Quy trình sử dụng sơ đồ hóa để kiểm tra đánh giá

Như vậy, quy trình sử dụng sơ đồ hóa kiến thức để kiểm tra, đánh giá trong dạy học lịch sử không chỉ giúp học sinh xác định được tuần tự các bước trong quá trình kiểm tra, đánh giá mà còn giúp học sinh xác định kiến thức cơ bản, mối quan hệ giữa nội dung kiến thức, xác định được nhiệm vụ học tập, cách thức giải quyết các nhiệm vụ học tập , khái quát vấn đề đã giải quyết để báo cáo kết quả. Do vậy, sử dụng sơ đồ để kiểm tra, đánh giá trong dạy học lịch sử cần thực hiện theo quy trình trên.

2.3. Phương pháp, kĩ thuật kiểm tra đánh giá bằng sơ đồ trong dạy học lịch sử ở trường THPT

Trong dạy học nói chung và dạy học lịch sử nói riêng có nhiều hình thức và phương pháp để kiểm tra đánh giá như kiểm tra dưới dạng bài viết, kiểm tra qua thực hành, kiểm tra vấn đáp… Các hình thức kiểm tra này được thực hiện qua các đợt kiểm tra định kì như kiểm tra, 15 phút, kiểm tra 1tiết, kiểm tra hết kì…Việc sử dụng sơ đồ để kiểm tra đánh giá được coi là phương pháp dạy học tích cực khi được kết hợp với các phương pháp kiểm tra sau: 

Phương pháp kiểm tra viết: Kiểm tra viết là phương pháp kiểm tra đánh giá mà trong đó học sinh viết câu trả lời cho các câu hỏi, bài tập hoặc nhiệm vụ học tập vào giấy. Đây là phương pháp kiểm tra cơ bản trong quá trình dạy học ở phổ thông. Hình thức của kiểm tra viết có thể bằng câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm khách quan với nhiều mức độ phụ thuộc vào trình độ nhận thức của hoc sinh. Các câu hỏi, bài tập được xây dựng theo chuẩn nội dung kiến thức, kĩ năng, thái độ chương trình môn Lịch sử ở trường THPT. 

Phương pháp kiểm tra viết được kết hợp kĩ thuật “Bản đồ khái niệm” để giao nhiệm vụ học tập cho học sinh dưới dạng sơ đồ giúp học sinh hiểu bản chất của vấn đề lịch sử thông qua các khái niệm lịch sử. Để cụ thể hóa nội dung kiến thức có trong bài và hiểu được mối quan hệ giữa các kiến thức giáo viên xây dựng sơ đồ cho trước khi dạy xong bài 13, Mục II “Đảng cộng sản Việt Nam ra đời”, giáo viên yêu cầu học sinh giải quyết nhiệm vụ học tập sau: “Bằng những sự kiện lịch sử cụ thể em hãy làm rõ những nội dung kiến thức có trên sơ đồ dưới đây”.

           

Hình 2: Vai trò của Đảng cộng sản Việt Nam

Như vậy, việc khái quát hóa nội dung kiến thức bằng sơ đồ giúp học sinh nắm được những nội dung chính của bài học, đồng thời sắp xếp thứ tự các đơn vị kiến thức, xác định mối quan hệ giữa các nội dung của vấn đề theo nhóm nghiên cứu. Từ đó, học sinh sẽ dễ dàng thực hiện có hiệu quả yêu cầu, nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao cho. Việc vận dụng sơ đồ kết hợp với kĩ thuật “Bản đồ khái niệm” qua bài kiểm tra viết không chỉ giúp học sinh nắm được kiến thức bản của cơ bài học mà còn rèn luyện cho học sinh kĩ năng tư duy logic, biết sắp xếp, biết xác định mối quan hệ giữa các thông tin trên sơ đồ theo hệ thống mà còn thuận lợi cho việc ghi nhớ, lưu giữ, đánh giá kết quả học tập của bản thân trong quá trình hoạt động.

Phương pháp kiểm tra quan sát: Phương pháp quan sát là hoạt động giáo viên theo dõi, lắng nghe học sinh thực hiện thao tác, hành vi, thái độ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập để rút ra nhận xét, đánh giá về sản phẩm học sinh đã làm ra. Công cụ để thu thập thông tin trong quá trình quan sát là câu hỏi, bài tập, sơ đồ, tình huống học tập cùng với phiếu quan sát. 

Phương pháp kiểm tra bằng quan sát kết hợp với kĩ thuật “Tóm tắt một câu” giúp giáo viên đánh giá mức độ nhận thức của học sinh trong quá trình dạy học. Đồng thời, rèn luyện kĩ năng tổng hợp kiến thức đã học của học sinh trong quá trình học tập, kĩ năng tóm tắt để tiện cho việc ghi nhớ kiến thức đã học. Để thực hiện kĩ thuật này yêu cầu học sinh phải lựa chọn từ, câu ngắn gọn, chính xác, đủ thông tin, đúng ngữ pháp để trả lời dưới dạng sơ đồ.

Ví dụ khi dạy bài 20 “”, để kiểm tra mức độ nhận thức của học sinh giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh: “Em hãy tóm tắt nội dung chính của cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954 bằng những câu ngắn gọn theo gợi ý ở sơ đồ dưới đây

     

Hình 3: Sơ đồ về cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954

Sau khi giao nhiệm vụ cho học sinh giáo viên dành một khoảng thời gian nhất định để học sinh suy nghĩ trả lời rồi yêu cầu học sinh lên bảng viết các câu trả lời theo gợi ý của sơ đồ đã cho trước. Cuối cùng giáo viên cho học sinh nhận xét, đánh giá câu trả lời của học sinh theo sơ đồ ở trên bảng. Giáo viên đưa ra kết luận cuối cùng cho phần trình bày của học sinh.           

Hoặc khi dạy bài 14 “Phong trào cách mạng 1930-1935”, giáo viên tổ chức học sinh thảo luận nhóm qua câu hỏi sau: Nhiệm vụ chiến lược của cách mạng tư sản dân quyền được xác định trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam và Luận cương chính trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10 -1930) có gì giống và khác nhau?

Giáo viên tổ chức học sinh hoạt động nhóm. Cả lớp chia lớp thành 2 nhóm, giáo viên đưa ra yêu cầu, nhiệm vụ học tập cho mỗi nhóm:

+ Nhóm 1: Phân tích những điểm giống nhau giữa Cương lĩnh chính trị và Luận cương chính trị.

+ Nhóm 2: Phân tích những điểm khác nhau giữa Cương lĩnh chính trị và Luận cương chính trị.

Các nhóm có thể thu thập ý kiến của các thành viên trong nhóm bằng cách lấy ý kiến bằng lời, thư kí ghi chép hết lại, hoặc từng cá nhân sẽ viết ý kiến của mình ra giấy, rồi thu giấy đó lại để thảo luận, thống nhất.

 Đại diện nhóm lên trình bày và viết lại theo sơ đồ cho sẵn ở trên bảng.


Cuối cùng GV tổ chức học sinh đánh giá, tổng kết, chính xác nội dung kiến thức và mức độ nhận thức của từng nhóm học sinh.

Như vậy, qua việc vận dụng kĩ thuật “Tóm tắt một câu” kết hợp hoạt động nhóm để trao đổi thảo luận, trình bày, báo cáo và viết tóm tắt nội dung kiến thức dưới dạng sơ đồ giáo viên thu thập được thông tin về kiến thức có trên sơ đồ, đồng thời giáo viên sẽ quan sát toàn bộ quá trình hoạt động của học sinh, đánh giá được kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng trình bày và thái độ học tập của học sinh. 

Vận dụng kĩ thuật “Mảnh ghép” tổ chức kiểm tra, đánh giá. Thông qua kĩ thuật này giáo viên kiểm tra được mức độ nhận thức của học sinh, rèn luyện cho học sinh kĩ năng làm việc nhóm, kích thích, thúc đẩy sự tham gia tích cực, tăng cường tình độc lập, trách nhiệm của cá nhân, cũng như việc phát huy các lợi thế của cá nhân trong mỗi nhóm. Đồng thời, giáo viên sẽ quan sát được hoạt động của từng cá nhân trong lớp vừa đánh giá được quá trình hoạt động của các nhóm học sinh trong quá trình hợp tác, giải quyết nhiệm vụ đặt ra.

Ví dụ khi dạy bài 18 mục III “Chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947 và đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân toàn diện”. Sau khi dạy xong mục 1 “Chiến dịch Việt Bắc thu – đông năm 1947”, giáo viên giáo nhiệm vụ cho học sinh qua nội dung sau:

Vòng 1: Nhóm chuyên gia: cả lớp chia thành 4 nhóm. 

Nhóm 1: Phân tích âm mưu của thực dân Pháp trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.

Nhóm 2: Phân tích chủ trương của ta trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.

Nhóm 3: Sử dụng sơ đồ thời gian và các ghi chú để tóm tắt những sự kiện quan trọng trong chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.

Nhóm 4: Những thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.

Vòng 2: Nhóm các mảnh ghép: Nhiệm vụ chung của nhóm: Dựa vào sơ đồ cho sẵn em hãy tường thuật lại chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947.

Hình 4: Sơ đồ chiến trường Việt Bắc năm 1947

Việc vận dụng kĩ thuật dạy học kết hợp với các phương pháp dạy học khác để kiểm tra đánh giá bằng sơ đồ giúp giáo viên thực hiện thao tác quan sát để kiểm tra nhận thức của học sinh trong việc lĩnh hội kiến thức và kiểm tra kĩ năng của học sinh như: kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng tư duy và đặc biệt kĩ năng trình bày lại những nội dung kiến thức đã học thông qua sơ đồ. Như vậy, dựa vào nội dung kiến thức giáo viên có thể lựa chọn nhiều phương pháp và phương tiện để quan sát. Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy lịch sử ở trường phổ thông giáo viên vận dụng sơ đồ kết hợp kết hợp với phương pháp, kĩ thuật dạy học cụ thể để kiểm tra, đánh giá kết quả học của học sinh trong quá trình học tập bộ môn là biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục ở phổ thông.

Phương pháp kiểm tra vấn đáp: Phương pháp kiểm tra vấn đáp là phương pháp giáo viên đặt câu hỏi và học sinh trả lời câu hỏi (hoặc ngược lại) nhằm giúp học sinh nắm được kiến thức hoặc để kiểm tra mức độ lĩnh hội kiến thức, rèn luyện kĩ năng và hình thành hành vi, thái độ tích cực của học sinh trong quá trình học tập. Công cụ để kiểm tra vấn đáp là hệ thống câu hỏi, bài tập kết hợp với sơ đồ kiến thức.

Vận dụng kĩ thuật “Lập hồ sơ nhân vật lịch sử” để tổ chức học sinh nghiên cứu nội dung bài 12, mục II, 1, “Hoạt động của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh và một số người Việt Nam sống ở nước ngoài”, giáo viên hướng dẫn học sinh tìm hiểu về nhân vật lịch sử qua những nội dung sau:

-Tiểu sử Phan Bội Châu và Phan Châu trinh.

– Những hoạt động của hai ông từ năm 1919 đến 1925.

– So sánh hình thức, phương pháp đấu tranh của hai ông.

– Những đóng góp của hai ông đối với phong trào cách mạng ở Việt Nam.

– Đánh giá của em về vai trò của hai ông qua phong trào cách mạng ở Việt Nam từ năm 1919 đến 1925.

Với 5 nội dung kiến thức trên giáo viên xây dựng ba nhóm câu hỏi để tra nhận thức của học sinh qua nội dung sơ đồ sau:

Sau khi đưa ra sơ đồ của ba nhóm câu hỏi giáo viên xây dựng hệ thống những câu hỏi nhỏ để tổ chức, hướng dẫn học sinh trả lời vào những cột câu hỏi trong sơ đồ.

Ví dụ đối với nhóm câu hỏi 1: Em đã biết điều gì qua 5 nội dung trên, giáo viên đưa ra các câu hỏi như sau:

  1. Em biết gì về Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh?
  2. Em hãy nêu hoạt động của Phan Bội Châu ở Nhật Bản, Trung Quốc?
  3. Những hiểu biết của em về hoạt động của Phan Châu Trinh tại Pháp?
  4. Những đóng góp của hai ông trong phong trào cách mạng ở Việt Nam từ 1919 đến 1925?
  5. Em hãy đánh giá hình thức, phương pháp đấu tranh của hai ông trong phong trào cách mạng ở Việt Nam?
  6. Em học tập được gì từ hai ông?

Tương tự, đối với nhóm câu hỏi 2 và nhóm câu hỏi 3 học sinh có thể ghi những thắc mắc, mong muốn, yêu cầu để giáo viên giải đáp hoặc giáo viên hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu và đọc tài liệu nhằm lĩnh hội nội dung kiến thức được nêu ra trong câu hỏi chính.

Như vậy, qua sơ đồ học sinh sẽ nắm được các thông tin về nhân vật lịch sử hiểu được những hoạt động của nhân vật có liên quan đến các sự kiện lịch sử trong bài học. Thông qua quá trình hoạt động, học sinh sẽ rèn luyện kĩ năng phân tích, đánh giá, có cơ hội bộ lộ quan điểm cá nhân về nhân vật lịch sử. Từ đó, giáo viên giáo viên có điều kiện đánh giá trình độ nhận thức, tư tưởng, tình cảm, thái độ của học sinh về nhân vật lịch sử đó để kịp thời điều chỉnh, uốn nắm học sinh.

Phương pháp phỏng vấn sẽ hiệu quả hơn khi giáo viên vận dụng kĩ thuật “Tình huống” kĩ thuật này được thực hiện khi giáo viên cung cấp thông tin dẫn dắt đến tình huống nhằm giúp học sinh vận dụng kiến thức đã học để xử lí tình huống ngoài thực tế. Tình huống dạy học được vận dụng khi dạy học bài 20, mục 2 “Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ (1954)”, giáo viên đưa ra tình huống học tập như sau: “Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, nhiều phóng viên nước ngoài đã đến Việt Nam để tìm hiểu vì sao Việt Nam có thể giành thắng lợi trước nước Pháp. Nếu em là người được phỏng vấn, em sẽ trả lời như thế nào? (Hãy viết câu trả lời của em theo gợi ý ở dưới sơ đồ)”.

                Hình 5: Sơ đồ nguyên nhân thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954

Qua sơ đồ trên giáo viên không những cung cấp được kiến thức cơ bản trong nội dung bài học mà còn rèn luyện cho học sinh kĩ năng tư duy như phân tích, so sánh, đối chiếu qua việc trả lời câu hỏi có trên sơ đồ. Sử dụng phương pháp kiểm tra vấn đáp kết hợp với sơ đồ là phương pháp kiểm tra mang lại hiệu quả cao và phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình dạy học lịch sử ở trường THPT hiện nay. Như vậy, việc sử dụng sơ đồ để kiểm tra, đánh giá không chỉ giúp học sinh lĩnh hội được kiến thức mà còn giúp học sinh rèn luyện được kĩ năng phân tích tình huống để giải quyết vấn đề, kĩ năng khái quát hóa, kĩ năng trình bày. Đặc biệt giúp học sinh chủ động, sáng tạo, linh hoạt khi trình bày những ý kiến đóng góp cùng những ý kiến cần trao đổi với giáo viên và các bạn tạo ra sự tương tác giữa học sinh với học sinh, giữa giáo viên với học sinh và ngược lại trong quá trình dạy học. 

  1. Kết luận

Kiểm tra đánh giá là quá trình không tách khỏi quá trình dạy học, việc vận dụng sơ đồ hóa kiến thức để kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, linh hoạt qua các khâu của quá trình dạy học. Để việc kiểm tra, đánh giá đạt hiệu quả nên thực hiện đúng quy trình và vận dụng hợp lí phương pháp, kĩ thuật để kiểm tra đánh giá bằng sơ đồ thông qua các tình huống học tập nhằm giúp học sinh có cơ hội vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Từ đó, sơ đồ không chỉ là công cụ để kiểm tra mà còn là phương pháp kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh nhằm nâng cao chất lượng dạy học và góp phần làm phong phú các hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh ở trường trung học phổ thông.

Tài liệu tham khảo

[1] Anthony J. Nitko (Author), Susan M. Brookhart (Author), 2015. Educational Assessment of Students, New Jersey, Publisher by Pearson.

[2] Thomas A. Angelo (Author), K. Patricia Cross (Author), 1993, Classroom Assessment Techniques, San Francisco, Publisher by Jossey-Bass.

[3] Vũ Thu Thủy, Bàn về phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng và một số hình thức kiểm tra, đánh giá, Tạp chí khoa học ĐHGQHN, số 3/2005, tr 50-55.

[4] Vũ Nho, Dạy học và kiểm tra, đánh giá theo chuẩn nào?, Tạp chí Giáo dục, số 259/2011, tr 34-35.

[5] Lê Thị Mỹ Hà, Quy trình xây dựng đề kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phổ thông, Tạp chí Khoa học Giáo dục, số 63/2010, tr 28-32.

[6] Nguyễn Thị Bích, Về kĩ thuật đánh giá quá trình trong dạy học lịch sử ở trường trung học phổ thông, Tạp chí khoa học, số 6/2016, tr 111-118.

[7] Hoàng Thanh Tú, Một số kĩ thuật kiểm tra đánh giá vận dụng trong dạy học lịch sử ở trường Trung học phổ thông, Tạp chí Giáo dục, số 156/2007, tr 28-30.

APPLYING KNOWLEDGE MAPPING METHOD TO ORGANIZE THE EXAMINATION AND EVALUATION IN TEACHING HISTORY IN HIGH SCHOOLS

Summary: Innovating the examination and evaluation is an important measure to improve the quality of education. The essay presents on applying knowledge mapping method to organize the examination and evaluation in teaching history at high schools. By the method of theoretical research and the method of investigation and survey, the author has designed the process on mapping use to examine and evaluate. From there, suggest methods and techniques for examining and evaluating by maps through specific teaching situations in order to contribute to the improvement of the teaching quality of the subject and to contribute to the enrichment of various forms, methods and techniques for examining and evaluating in high schools.

Key words: Examination and evaluation, methods for examining and evaluating, the mapping method.