VAI TRÒ CỦA NGỮ VĂN HÁN NÔM ĐỐI VỚI SINH VIÊN NGÀNH NGỮ VĂN

1979

Nguyễn Diệu Huyền

Khoa Khoa học Xã hội – Trường Đại học Tây bắc

  1. Di sản Hán Nôm là một thực thể văn hóa – văn hiến quan trọng của người Việt. Các văn bản Hán Nôm đã được hình thành và chuyển lưu đến ngày nay qua một quá trình lịch sử lâu dài, gắn liền với công cuộc dựng nước, giữ nước của dân tộc. Đối với sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn, Việt Nam học, Lịch sử, Du lịch tri thức Hán Nôm có một ý nghĩa to lớn, có thể coi đó là chìa khóa để thâm nhập, lí giải tất cả các phương diện của đời sống dân tộc trong quá khứ lịch sử. Trong đó có rất nhiều những vấn đề liên quan đến cổ sử và lịch sử Trung đại Việt Nam; lịch sử tư tưởng và triết học; lịch sử địa lí, lịch sử cương vực, lịch sử của các ngành khoa học…
  2. Vai trò của môn Ngữ văn Hán Nôm đối với sinh viên ngành Ngữ văn được thể hiện qua các vấn đề liên quan đến văn học, văn hoá dân tộc, ngôn ngữ, và lịch sử tiếng Việt.

Do hoàn cảnh lịch sử đặc biệt, từ xa xưa dân tộc ta đã giao lưu tiếp xúc với văn hoá Hán. Có thể thấy rõ dấu ấn của sự giao lưu tiếp xúc này trên nhiều lĩnh vực. Ở lĩnh vực ngôn ngữ và chữ viết, dấu ấn này càng đậm nét, thể hiện ra ở kho từ Hán Việt vô cùng phong phú trong tiếng Việt và ở kho tàng di sản văn hoá thành văn Hán Nôm đồ sộ. Sự giao lưu với ngôn ngữ văn hoá Hán qua nhiều thế kỉ đã để lại trong từ vựng tiếng Việt rất nhiều gốc Hán. Những từ gốc Hán ấy vốn được biểu thị bằng văn tự Hán, một hệ thống văn tự được xây dựng trên cơ sở tượng hình – biểu ý. Ý nghĩa của từ thường được biểu thị một phần ở kết cấu và hình thể của văn tự. Ngày nay, với chữ quốc ngữ, những từ gốc Hán ấy đều được ghi lại bằng những con chữ la – tinh, một hệ thống văn tự ghi âm, chỉ biểu thị mặt âm thanh của từ ngữ. Vì vậy, muốn đi sâu tìm hiểu từ nguyên, từ nghĩa những từ gốc Hán ấy, không thể không quay về tìm hiểu chúng dưới cái vỏ văn tự tượng hình – biểu ý trong hệ thống văn tự Hán.

Hơn nữa, trong quá khứ, văn tự Hán đã từng được sử dụng rộng rãi trong công việc hành chính và trong văn chương học thuật ở nước ta. Rất nhiều di sản văn hoá quý báu của tổ tiên ta đã được bảo tồn và lưu truyền đến nay qua hệ thống văn tự cổ xưa. Do đó, muốn tiếp thu tốt phần di sản này, không thể không nghiên cứu kĩ văn tự Hán (dưới dạng chưa cải cách – chữ phồn thể).

Đặc biệt, cùng với đà phát triển của ý thức độc lập tự chủ, chữ Nôm – một hệ thống văn tự dựa trên những yếu tố văn tự Hán để ghi lại tiếng Việt – cũng đã hình thành và đóng một vai trò khá quan trọng trong sinh hoạt văn hoá tinh thần của dân tộc Việt Nam. Muốn đọc hiểu chữ Nôm, chúng ta cũng cần phải biết những chữ gốc Hán để biết được phương thức cấu tạo và ra âm đọc trong các văn bản cổ.

Từ những lý do trên có thể thấy rằng, nghiên cứu một cách tường tận hệ thống văn tự chữ Hán, chữ Nôm về các mặt lịch sử hình thành, nguyên tắc cấu tạo, diễn biến lịch sử để tiến tới chỗ nắm vững cả ba phương diện hình thể – âm đọc – ý nghĩa là một việc làm cần thiết không chỉ đối với người học tập nghiên cứu liên quan đến môn Hán Nôm mà còn có ích đối với những ai muốn làm tốt công tác tiếp thu mảng di sản văn hoá thành văn của dân tộc.

Hiện nay, để đáp ứng yêu cầu học tập và đào tạo đối với sinh viên Hệ Đại học và Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn, cũng như phù hợp với chương trình đào tạo của Nhà trường, môn học Ngữ văn Hán Nôm được xây dựng qua những học phần cơ bản:

– Đối với Đại học Sư phạm Ngữ văn có các học phần bắt buộc:

+ Học phần Chữ Hán, số lượng 03 tín chỉ.

+ Học phần Chữ Nôm, số lượng 02 tín chỉ.

Các học phần tự chọn:

+ Văn bản chữ Hán trong Nhà trường Phổ thông, 03 tín chỉ.

+ Văn bản chữ Nôm trong Nhà trường Phổ thông, 02 tín chỉ.

          – Đối với Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn có học phần: Ngữ văn Hán Nôm, số lượng 04 tín chỉ.

Việc học Chữ Hán, Chữ Nôm qua các nội dung chính như: lịch sử hình thành, nguyên tắc cấu tạo, nắm vững cả ba phương diện hình thể – âm đọc – ý nghĩa của chữ Hán, cho đến minh giải các văn bản lịch sử và hệ thống các văn bản thuộc nhiều thể loại như: thành ngữ, tục ngữ, văn bản thơ ca chữ Hán, chữ Nôm, văn biền ngẫu (chiếu, hịch, cáo, phú), văn xuôi chữ Hán.… thông qua làm việc trực tiếp với văn bản chữ Hán, chữ Nôm sẽ cung cấp cho sinh viên cái nhìn tổng quan về di sản Hán Nôm (di sản Hán văn cổ Trung Hoa và di sản văn hoá thành văn Hán Nôm của Việt Nam). Sinh viên sẽ được tiếp nhận những tri thức cơ bản, cơ sở về ngôn ngữ văn tự Hán, Nôm (từ vựng, ngữ pháp, ngữ nghĩa,…) và bước đầu hướng vào tìm hiểu những tác phẩm quy phạm, mẫu mực về lịch sử, tư tưởng và các văn bản thường dùng trong đời sống xã hội thời phong kiến. Từ những tri thức này, sinh viên có đủ điều kiện để tham dự các chương trình học và tự học cao hơn.

  1. Di sản văn hoá thành văn Hán Nôm là niềm tự hào dân tộc trong suốt quá trình đấu tranh, bảo vệ và xây dựng nền văn hiến Việt Nam. Để hiểu đúng và chính xác tiếng Việt hiện đại, để tìm hiểu về cuội nguồn (tìm về cuội nguồn, giữ vững và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một xu hướng lớn mang tính nguyên tắc, thể hiện tư tưởng và khát vọng nhân văn của nhân loại), để tiếp cận và lí giải nền văn hoá cổ truyền của dân tộc, sinh viên Đại học và Cao đẳng Sư phạm Ngữ văn cần trang bị cho mình vốn tri thức nhất định về ngữ văn Hán Nôm. Trong thời đại ngày nay, vấn đề “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của dân tộc” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, không chỉ đối với sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, các ngành đào tạo chuyên nghiệp như: Du lịch, Văn hóa, Lịch sử…, mà ngay cả đối với các em học sinh ở Nhà trường Phổ thông để hiểu được vốn từ Hán Việt, hiểu các văn bản Hán Nôm có trong chương trình học tập thì người dạy cũng cần trang bị cho người học vốn hiểu biết nhất định về Ngữ văn Hán Nôm để không chỉ giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt mà còn giúp cho việc tìm hiểu các văn bản liên quan đến chữ Hán, chữ Nôm được rõ ràng và cụ thể hơn.