TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC Ở VIỆT NAM

103

ThS. Nguyễn Thị Huệ

TÓM TẮT

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thì Kinh tế Xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người, công bằng cho xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro, tai biến về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Đây được xem là mô hình mới, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu đảm bảo sự phát triển bền vững.

Kinh tế Xanh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu và là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Việc chuyển đổi sang mô hình Kinh tế Xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài và đảm bảo phát triển bền vững cho Việt Nam trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Từ khóa: Kinh tế xanh Việt Nam; tiềm năng phát triển.

 

  1. Mở đầu

Năm 2012 là một năm đặc biệt kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh về Trái đất (gọi tắt là Hội nghị Rio) năm 1992, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ một lần nữa gặp nhau tại Rio de Janeiro để thảo luận về tương lai của sự phát triển bền vững. Hội nghị Rio+20 sẽ bao gồm hai nội dung chính: một nền Kinh tế Xanh trong bối cảnh phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo và khuôn khổ thể chế cho phát triển bền vững.

Theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) thì Kinh tế Xanh là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người, công bằng cho xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro, tai biến về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Đây được xem là mô hình mới, góp phần giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên….

Một nền Kinh tế Xanh được đặc trưng bởi sự tăng trưởng bền vững của các hợp phần kinh tế có khả năng duy trì và gia tăng nguồn vốn tự nhiên của trái đất. Các hợp phần này bao gồm năng lượng tái tạo, giao thông ít phát thải carbon, công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, tiết kiệm năng lượng, nông – lâm ngư nghiệp bền vững… Nguồn lực đầu tư cho Kinh tế Xanh được thu hút, hỗ trợ bởi chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia cũng như sự phát triển các chính sách và hạ tầng thị trường quốc tế.

Trước tình trạng suy thoái tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng nhanh chóng phát thải khí nhà kính và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, Kinh tế Xanh sẽ là xu hướng phát triển tất yếu và là lựa chọn của nhiều quốc gia trên thế giới. Đối với Việt Nam, chuyển đổi mô hình Kinh tế Xanh sẽ mang lại hiệu quả lâu dài, trong đó cần chú trọng đầu tư phát triển một số ngành Kinh tế Xanh mũi nhọn như nông nghiệp hữu cơ, du lịch sinh thái, công nghiệp tái chế, năng lượng tái tạo, tái sinh rừng tự nhiên…

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ đề cập tới những tiềm năng phát kinh tế xanh ở Việt Nam trong một số lĩnh vực. Mong rằng đây là một hướng nghiên cứu mới cho những ai quan tâm tới vấn đề môi trường.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Kinh tế Xanh là gì?

Theo UNEP, Kinh tế Xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền Kinh tế Xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.

Trong nền Kinh tế Xanh, sự tăng trưởng kinh tế phải gắn với giảm phát thải carbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.

Kinh tế Xanh phải là nền kinh tế với con người là trung tâm, trong đó các chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thúc đẩy nền Kinh tế Xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản đảm bảo tiến trình phát triển bền vững của mỗi nước nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.

Hiểu một cách đơn giản, Kinh tế Xanh là nền kinh tế ít phát thải carbon, tiết kiệm tài nguyên và tạo ra công bằng xã hội. Kinh tế Xanh không thay thế phát triển bền vững mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Hàn Quốc… đã đầu tư hàng trăm tỷ USD cho chính sách Kinh tế Xanh, coi đó là sự đầu tư tốt nhất đối với phát triển bền vững của quốc gia, vừa thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định, vừa góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và tạo việc làm. Đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, Kinh tế Xanh tuy còn khá mới mẻ, song bước đầu đã có sự chuyển hướng đầu tư vào các công nghệ sản xuất sạch hơn, một trong các tiêu chí của nền Kinh tế Xanh.

2.2. Kinh tế Xanh đóng vai trò quan trọng trong Phát triển bền vững

“Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”. Phát triển bền vững đòi hỏi sự tiến bộ và tăng cường sức mạnh của cả ba yếu tố có tính chất phụ thuộc và tương hỗ: Kinh tế – Xã hội – Môi trường.

Chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh có thể là một động lực quan trọng trong nỗ lực này. Thay vì bị coi như là nơi hấp thụ chất thải tạo ra bởi các hoạt động kinh tế một cách thụ động, thì môi trường trong nền Kinh tế Xanh được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Nói cách khác, nhân tố môi trường thực sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng và đổi mới trong nền Kinh tế Xanh.

Trong nền Kinh tế Xanh, nhân tố môi trường có khả năng tạo ra tăng trưởng kinh tế và phúc lợi xã hội. Khi mà sinh kế của một bộ phận người dân có mức sống dưới mức nghèo khổ phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, hơn nữa họ là những đối tượng dễ bị tổn thương do tác động của thiên tai cũng như sự biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang nền Kinh tế Xanh cũng góp phần cải thiện sự công bằng xã hội, và có thể được xem như là một hướng đi tốt để phát triển bền vững.

Cách thức để áp dụng mô hình Kinh tế Xanh đối với một quốc gia có thể rất khác nhau; điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như đặc điểm địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực con người – xã hội và giai đoạn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những nguyên tắc quan trọng bao gồm đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái thì vẫn luôn luôn không thay đổi.

2.3. Những tiềm năng phát kinh tế xanh ở Việt Nam trong một số lĩnh vực

a, Trong công nghiệp

Xu thế chung của thế giới hiện nay là hướng sự quan tâm và tham gia của cộng đồng không chỉ vào lĩnh vực sản xuất mà cả lĩnh vực tiêu dùng vì mục tiêu sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Ngày nay, khái niệm sản xuất sạch hơn (SXSH) ngày càng được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp và thay dần các thuật ngữ giảm thiểu chất thải, phòng ngừa ô nhiễm.

Trong Chương trình nghị sự 21, tổ chức Môi trường và phát triển của Liên Hợp quốc (UNCED) đã dành ưu tiên lớn cho việc giới thiệu các phương pháp SXSH, các công nghệ tuần hoàn chất thải và phòng ngừa ô nhiễm để đạt được sự phát triển bền vững.

Theo định nghĩa của UNEP thì “SXSH là áp dụng liên tục một chiến lược phòng ngừa tổng hợp về môi trường vào quá trình sản xuất, sản phẩm và dịch vụ, nhằm nâng cao hiệu quả tổng thể và giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường”.

Việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong ngành công nghiệp hơn 10 năm qua ở nước ta đã mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng do hiệu quả sản xuất được nâng cao thông qua sử dụng hiệu quả hơn nguyên vật liệu, năng lượng, nước để giảm đáng kể lượng chất thải và các chất ô nhiễm cần xử lý, cải thiện môi trường lao động và quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Số liệu thống kê cho thấy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp áp dụng SXSH trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Hơn thế nữa, Việt Nam đang trong tiến trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá thì việc xây dựng và phát triển các đô thị và công nghiệp bền vững có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự bền vững, bởi vì dân số đô thị ngày càng chiếm tỉ lệ cao, các hoạt động kinh tế – xã hội ngày càng tập trung trong các đô thị và khu công nghiệp.Việc xây dựng và phát triển các đô thị và khu công nghiệp bền vững sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết liệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

  1. Trong nông, lâm nghiệp

Thực hiện một nền nông nghiệp sinh thái với nguyên lý cơ bản là canh tác tổng hợp, lấy xen canh, luân canh, nông lâm súc kết hợp làm trọng tâm. Nội dung chính của nó là:

Sự đa dạng về sinh học và cấu trúc của các hệ thống canh tác tổng hợp, các hệ thống nông lâm nghiệp kết hợp, quản lý dinh dưỡng tổng hợp. Ngoài ra cần quan tâm đến vấn đề: Hạn chế xói mòn đất và rửa trôi dinh dưỡng, quay vòng tất cả những dòng các chất dinh dưỡng hữu cơ, xúc tiến các nguồn dinh dưỡng sinh học, tuyển chọn và sử dụng các loài cây con phù hợp, hiệu quả là những hợp phần của các hệ thống được cải tiến và được xem là ưu việt của khái niệm INM (Integrated Pest Management), phòng trừ sâu hại tổng hợp.

  1. Trong dịch vụ và tiêu dùng

Lồng ghép mua sắm xanh vào chương trình dán nhãn sinh thái. Trong xu thế phát triển bền vững hiện nay có 2 nội dung được đề cập tới là sản xuất bền vững và tiêu dùng bền vững. Để thực hiện tiêu dùng bền vững trước tiên cần phải sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường. Sản phẩm dịch vụ thân thiện môi trường là những sản phẩm, những dịch vụ: tiết kiệm năng lượng và nước trong quá trình sản xuất và tiêu dùng; không hoặc ít phát sinh chất thải và rò rỉ các chất ô nhiễm; được sản xuất từ nguyên liệu tái chế và có thể tái sử dụng; sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất và tiêu dùng; không hoặc ít sử dụng hoá chất nguy hại, vật liệu phóng xạ và chế phẩm sinh học độc hại.

Song song với mua sắm xanh nhiều nước còn sử dụng nhãn sinh thái hay nhãn môi trường. Ban đầu việc sử dụng nhãn này chỉ xuất hiện ở các nước phát triển một cách rất tự phát theo xu thế thị trường do có nhiều công ty/hãng kinh doanh nhận thấy rằng có thể biến mối quan ngại về môi trường thành yếu tố có lợi nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Chính vì thế đã xuất hiện rất nhiều nhãn thông tin gắn trên các sản phẩm như “tái chế”, “thân thiện môi trường”, “sử dụng ít năng lượng”, “có thành phần được tái chế”…

Những loại nhãn này tự nó đã gây được sự chú ý và thu hút những người tiêu dùng có ý thức và mong muốn bảo vệ môi trường (BVMT) hay giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. Chính vì vậy mà nhóm người tiêu dùng này đã quyết định lựa chọn những sản phẩm có gắn nhãn môi trường thay vì việc mua các sản phẩm cùng nhóm mà không được gắn nhãn.

Ở Hà Lan, do nhận thức về BVMT của người dân cao, nên những sản phẩm có gắn nhãn sinh thái được người dân sẵn sàng lựa chọn, mặc dù giá cả có cao hơn so với những hàng cùng loại không gắn nhãn, nhưng người tiêu dùng ý thức rằng, mua những mặt hàng có gắn nhãn sẽ an toàn và cũng là để động viên, khích lệ những người sản xuất ra chúng.

Hiện tại, nhãn môi trường đang dần trở thành một công cụ hữu hiệu mà Chính phủ các nước sử dụng nhằm khuyến khích thực hiện các mô hình BVMT và giúp các doanh nghiệp tự xác định, thiết lập vị trí của mình trên thị trường nội địa và quốc tế thông qua xúc tiến các loại hình sản phẩm thân thiện môi trường.

Ở Việt Nam, việc xây dựng chương trình cấp nhãn môi trường đã bước đầu được thực hiện với mục đích: Nâng cao nhận thức, đồng thời cung cấp các thông tin tin cậy và hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm ít tác động hơn đối với môi trường,tạo ra sự khuyến khích thị trường đối với các nhà sản xuất nhằm cung cấp các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm các tác động có hại tới môi trường do sản xuất, sử dụng, tiêu thụ và thải bỏ sản phẩm gây ra; nâng cao chất lượng môi trường và khuyến khích quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên..

  1. Về năng lượng xanh

Trên thực tế, Việt Nam đã và đang thử nghiệm một số mô hình năng lượng xanh như mô hình phân loại rác tại nguồn 3R (giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng). Đồng thời để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an ninh năng lượng lâu dài, Việt Nam đang cố gắng nghiên cứu sử dụng nhiên liệu sinh học (xăng/diesel pha ethanol và diesel sinh học), thay thế một phần xăng, dầu khoáng, tiến tới xây dựng ngành “xăng dầu sạch” .

Ngày 31/1/2009, tại Hà Nội, tập đoàn ô tô Thành Công đã tổ chức lễ ký kết và giao lô hàng 50 xe đầu tiên trong hợp đồng cung cấp 500 chiếc xe buýt hiệu Daewoo chạy bằng khí tự nhiên cho công ty Sonadezi ở Đồng Nai. Số xe buýt này sẽ được sử dụng trong việc đưa đón công nhân ở các khu công nghiệp cũng như vận chuyển hành khách công cộng tại tỉnh Đồng Nai.

  1. Về năng lượng tái tạo

Tiềm năng của Việt Nam rất lớn cần có các giải pháp khai thác tiềm năng này. Các chuyên gia Việt Nam đã tiến hành phân vùng năng lượng bức xạ mặt trời trên lãnh thổ Việt Nam. Theo sơ đồ phân vùng đó, nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam khoảng 1300-2200kwh/m2/năm, tương đối nhiều ở các khu vực phía Nam, nhiều nhất ở Nam Bộ và vùng Nam Trung Bộ và tương đối ít ở các khu vực phía Bắc, ít nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Cụ thể năng lượng mặt trời ở Việt Nam được sử dụng dưới 4 dạng:

– Sấy công nghiệp và sấy đơn giản. Các thiết bị sấy bằng năng lượng mặt trời được sử dụng trong nông nghiệp, dược liệu, hải sản. Đến nay đã lắp đặt khoảng 10 hệ thống sấy công nghiệp và 60 hệ thống sấy đơn giản.

– Giàn đun nước. Giàn đun nước hộ tập thể với mặt thu 10-50m2 đun được 1000-5000 lít nước nóng 50-700C mỗi ngày và 1 số giàn đun hộ gia đình với mặt thu 1-3m2 đun được 100-300 lít nước nóng 45-600C mỗi ngày. Tuy nhiên, do vận hành phức tạp, không sản sinh nước nóng vào những ngày thiếu nắng và do giá thành cao nên chưa được lắp đặt rộng rãi.

– Giàn pin mặt trời. Giàn pin mặt trời được sử dụng sớm ở miền Nam. Hiện có khoảng 40 trạm điện mặt trời công suất 500-1000 Wp được lắp đặt ở các xã và 800 giàn có công suất 22.5 -50Wp phục vụ các bệnh viện, trạm xá, nhà văn hoá,..

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển điện gió, lớn hơn cả các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Theo Ngân hàng thế giới thì tiềm năng lý thuyết là 500 GW ở độ cao 65m với tốc độ gió trung bình ≥ 6m/s. Theo Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) thì tiềm năng kỹ thuật là 1.785MW (miền Bắc: 50MW; miền Trung: 880MW và miền Nam: 855MW) ở độ cao 60m với tốc độ gió trung bình ≥ 6m/s.

Tiềm năng thuỷ điện nhỏ (≤ 30 MW) cũng rất lớn, với hơn 2.200 sông suối cùng chiều dài hơn 10km. Tiềm năng lý thuyết : 300 tỉ kWh/năm; tiềm năng kỹ thuật: 12 triệu kWh/năm (> 4.000 MW).

Hiện nay đã có 319 dự án thuỷ điện nhỏ ở 31 tỉnh thành phố với tổng công suất lắp đặt khoảng 3.443 MW.

Từ sau năm 1990, nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư lắp đặt các tổ máy thuỷ điện cực nhỏ, loại công suất 0.1-1KW với giá thành thấp. Tính đến năm 2008 đã xây dựng và đưa vào khai thác hơn 500 trạm thuỷ điện công suất 5kW-10MW/trạm với tổng công suất 97273kW. Ngoài ra, còn có 110-130 nghìn trạm và tổ máy thủy điện cực nhỏ 5-20W/trạm.

Tiềm năng năng lượng khí sinh học xấp xỉ 10 tỉ m3 /năm từ các nguồn rác thải, chất thải gia súc và phế phụ phẩm nông nghiệp. Đến nay có khoảng 1000.000 hầm khí sinh học, trong đó có vài chục nghìn túi chất dẻo, còn lại là các hầm xây kiên cố. Công nghệ sinh học đã được phổ cập ở nhiều nơi và đã xuất hiện nhiều tổ chức dịch vụ làm công nghệ khí sinh học.

  1. Kết luận

Trước những bất ổn và thách thức toàn cầu mà nhân loại đang đối mặt, “Kinh tế Xanh” mở ra hướng tiếp cận mới và bền vững cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm đói nghèo, xung đột chính trị, biến đổi khí hậu và kiểm soát ô nhiễm môi trường…

Kinh tế Xanh/tăng trưởng xanh đang là chủ đề được nhiều học giả, các nhà kinh tế bàn luận nhiều trong thời gian gần đây, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước đang “sôi sục” định hướng lại chiến lược phát triển của mình thông qua các kế hoạch tái cơ cấu/cấu trúc nền kinh tế.

Để tăng thêm sự hiểu biết và trao đổi, trong phạm vi hiểu biết của mình, chúng tôi cho rằng phát triển nền Kinh tế Xanh cần có những định hướng cơ bản và trên bước đường định hướng này sẽ gặp không ít khó khăn và trở ngại. Điều này đòi hỏi mỗi chúng ta cần quan tâm đóng góp các giải pháp để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam một cách bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Phi Hạnh (2004), Giáo dục môi trường qua môn Địa lí. Nhà xuất bản ĐHSP Hà Nội.
  2. Lê Văn Khoa (2007), Khoa học môi trường, NXB Giáo dục.
  3. Lưu Đức Hải, Nguyễn Ngọc Sinh (2005), Quản lý môi trường cho sự phát triển bền vững. NXB ĐHQG Hà Nội.
  4. Nguyễn Đình Hoè (2007), Môi trường và phát triển bền vững, NXB Giáo dục.
  5. Tuyển tập báo cáo Hành trang kinh tế xanh (2012), Tổng cục môi trường, Trung tâm đào tạo và truyền thông môi trường.

 

ABSTRACT

Potential for green economy in a number of areas in Vietnam

According to the United Nations Environment Programme (UNEP), the green economy is one that results in bringing  happiness to human, social justice, reducing environment risks and ecological scarcities. It is considered a new model  contributing to solve the global challenges to ensure sustainable development.

Green Economy will be the inevitable trend of development and the choice of many countries around the world, including Viet Nam. The transition to the Green Economy model will bring long-term effects and ensure sustainable development for Vietnam in the current integration phase.

Keyword: green economy in Vietnam; development potential