TÍCH HỢP GIÁO DỤC MÔI TRƯỜNG TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ CHO HỌC SINH PHỔ THÔNG

138

                                                                                    NCS. Nguyễn Thị Huệ

 

Tóm tắt

Giáo dục môi trường trong nhà trường là vấn đề cấp thiết, nhằm phát triển ở người học sự hiểu biết và quan tâm trước những vấn đề môi trường. Từ đó có những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Từ khóa: Giáo dục môi trường; tích hợp; Địa lí.

Summary

Integrated Environmental education in teaching Geography student education

Environmental education in schools is an urgent problem to develop in students an understanding and interest in environmental issues before. From that practical actions to protect the environment and ensure sustainable development.

Keyword: Environmental education; Integrated; Geography.

 

  1. Mở đầu

Bảo vệ thiên nhiên và môi trường là vấn đề mang tính toàn cầu, đã và đang thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Trong mấy chục năm trở lại đây do sự phát triển kinh tế ồ ạt dưới tác động của các cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật và sự gia tăng dân số quá nhanh làm cho môi trường bị biến đổi chưa từng thấy.

Trước thực trạng đó, việc bảo vệ môi trường (BVMT) là nhiệm vụ cấp bách của toàn nhân loại, nó có liên quan trực tiếp không những với từng cá nhân con người, từng nhóm người mà với cả cộng đồng, quốc gia và quốc tế.

Việc giáo dục môi trường ở nhà trường phổ thông là một quá trình nhận thức nhằm giúp cho mỗi học sinh có những nhận thức về môi trường thông qua kiến thức về môi trường (khái niệm, mối liên hệ, qui luật,..); tạo cho học sinh có ý thức, thái độ đối với môi trường; trang bị các kỹ năng thực hành. Kết quả là học sinh có được ý thức trách nhiệm với môi trường và biết hành động thích hợp để bảo vệ môi trường, ứng xử thích nghi thông minh với môi trường. Hiện nay, trong các trường phổ thông việc giáo dục môi trường mới chỉ được lồng ghép vào một số bài học ở một số bộ môn. Trong đó, Địa lí là môn học có tính chất tổng hợp của những tri thức khoa học tự nhiên và khoa học xã hội và là một trong những môn học có “tính môi trường” nhất. Chính vì vậy, môn Địa lí ở trường phổ thông có nhiều thuận lợi để giáo dục về môi trường cho học sinh hơn những môn khác.

  1. Nội dung nghiên cứu

   Nội dung bài viết tập trung vào hiện trạng và một số phương pháp tích hợp giáo dục môi trường cho học sinh phổ thông.

2.1. Thực trạng tích hợp giáo dục môi trường ở Việt Nam

Giáo dục môi trường (GDMT) đã được đề cập trong chương trình nhà trường từ những năm 60 của thế kỉ XX. Việc GDMT đã được tích hợp vào toàn bộ hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp từ tiểu học đến trung học phổ thông ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. GDMT ở nước ta được lồng ghép vào môn Địa Lí từ năm 1981 cùng với việc thực hiện chương trình cải cách giáo dục và chia thành các cấp học và được tích hợp vào nhiều môn học khác nhau trong đó chủ yếu là ở hai cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Ở bậc phổ thông: GDMT đã xuất hiện từ những năm 1960 nhưng mức độ còn rất hạn chế. Từ đầu thập kỉ 80 đến nay nội dung GDMT đã được tích hợp vào chương trình giảng dạy các môn có nhiều khả năng tích hợp GDMT như Địa lí, Sinh học, Giáo dục công dân… Ở cấp học này, nội dung giáo dục phải được coi là nội dung chính thống, có hệ thống, chất lượng và có hiệu quả. Cần phải giúp cho các em tự mình chiếm lĩnh được tri thức, kĩ năng và tự thân các học sinh xác định các thái độ đối xử đúng đắn với thiên nhiên như chính ngôi nhà của mình.

Ở bậc tiểu học và trung học cơ sở mới được thử nghiệm ban đầu ở một số địa phương, tuy nhiên chương trình này còn chưa thống nhất.

Ngoài ra GDMT còn được đề cập trong bậc mầm non: Ở bậc học này đã được lồng ghép, biên soạn thử nghiệm tích hợp từ năm 1985 vào các môn học hoặc các môn riêng như “làm quen với môi trường xung quanh”.

Theo chính sách và chương trình hành động GDMT trong trường phổ thông giai đoạn 2001 – 2010 đã được phê duyệt tại Quyết định số 6621/QĐ-BGD&ĐT-KHCN ngày 30 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các nội dung cơ bản về GDMT được đưa vào nội dung, chương trình giáo dục phổ thông và được thực hiện thường xuyên, có hệ thống phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình, kế hoạch đào tạo ở tất cả các bậc, cấp học phổ thông. Chương trình hành động GDMT trong nhà trường phổ thông nhằm thực hiện mục tiêu chung là: Nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến căn bản cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh phổ thông các cấp trong nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng. Công tác giữ gìn và bảo vệ môi trường phải trở thành đạo lí, niềm tin, lẽ sống và được thể hiện bằng hành động thực tiễn, cụ thể của mọi người trong cuộc sống hàng ngày.

Nhìn chung trong chương trình giáo dục đã quan tâm đến việc GDMT cho học sinh, nhưng các phương pháp giáo dục này còn nặng về kiến thức hơn là hình thành thái độ, cảm xúc, hành vi quan tâm tới môi trường và vì môi trường của học sinh.

Theo kết quả điều tra khảo sát, hầu hết giáo viên và học sinh cho rằng tích hợp GDMT là rất cần thiết, các em có nhu cầu học tập, tích lũy. Do vậy, các giáo viên cần lồng ghép GDMT trong quá trình dạy học. Tuy nhiên, hiện nay việc tích hợp GDMT trong dạy học Địa lí chưa thực sự được coi trọng hoặc có tích hợp nhưng chưa mang lại hiệu quả cao.

2.2. Một số phương pháp tích hợp giáo dục môi trường trong dạy học Địa lí

Môi trường luôn là lĩnh vực cần được khám phá bởi người học, phù hợp với lứa tuổi của họ. Nếu các hoạt động của người học được các giáo viên thiết kế tốt, học sinh sẽ hiểu không chỉ môi trường tốt hơn mà còn tập dượt cho học sinh phương pháp nghiên cứu, làm quen với cách tự giải quyết vấn đề thông qua việc nhận ra vấn đề, quan sát, điều tra, tập hợp số liệu, giải thích, hình thành giả thuyết và rút ra kết luận.

Bởi vậy các phương pháp dạy học có vai trò rất quan trọng, là bộ máy được sử dụng để truyền tải thông tin kiến thức và kĩ năng tới người học. Chúng phản ánh bởi sự thay đổi thái độ, hành vi của người học sau khi các phương pháp đã được thực hiện. Có rất nhiều phương pháp có thể sử dụng trong việc tích hợp GDMT như: Phương pháp tìm tòi – giải quyết vấn đề, thảo luận, tranh luận, đóng vai, nghiên cứu tổng quan, thực địa…

2.2.1. Tích hợp GDMT với phương pháp đàm thoại

Là phương pháp dùng lời dưới hình thức trao đổi qua lại giữa giáo viên và học sinh, giữa học sinh và học sinh, làm sáng tỏ một vấn đề, một thông tin dựa trên hệ thống câu hỏi. Đây là phương pháp phổ biến có tác dụng tích cực đến việc cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản, dựa trên cơ sở phát huy tính tích cực của học sinh. Tùy vào từng nội dung kiến thức mà ta có thể lựa chọn các hình thức đàm thoại như: đàm thoại gợi mở, đàm thoại củng cố, đàm thoại tổng kết, đàm thoại kiểm tra, đàm thoại Ơrixtic.

Ví dụ Bài 28: Địa lí ngành trồng trọt (Sách giáo khoa Địa lí 10, trang 107). Mục III. Ngành trồng rừng. Giáo viên đưa ra hệ thống các câu hỏi:

(1) Dựa vào kiến thức đã học, em hãy cho biết: Rừng có vai trò gì đối với con người và sinh vật tự nhiên?

(2) Vì sao phải chú trọng đến việc trồng rừng?

(3) Thực trạng việc trồng rừng trên thế giới hiện nay ra sao?

(4) Học sinh có thể làm gì để bảo vệ rừng và cây xanh ở địa phương?

GV tích hợp GDMT: Rừng có vai trò quan trọng đối với con người và sinh vật tự nhiên. Hiện nay rừng trên thế giới bị suy giảm diện tích và chất lượng. Vì cuộc sống của con người và sinh vật tự nhiên hôm nay và mai sau, phải tích cực trồng rừng.

Là học sinh chúng ta có thể tham gia bảo vệ rừng và cây xanh ở địa phương như chăm sóc vườn hoa của trường lớp, không ngắt hoa, bẻ cành, tích cực hưởng ứng ngày tết trồng cây…

Phương pháp đàm thoại thường giúp học sinh hiểu vấn đề hơn, học sinh ưa thích được cùng tham gia xây dựng bài nên sẽ hoạt động sôi nổi hơn, qua đó các em phát triển khả năng suy nghĩ. Phương pháp này còn phản ánh được mức độ hiểu bài của của học sinh, đồng thời giáo viên có thể phát hiện được lỗi của học sinh và sửa được ngay lỗi đó.

Tuy nhiên phương pháp đàm thoại có nhược điểm là cần nhiều thời gian. Nếu tổ chức chung cho cả lớp thường chỉ một số ít học sinh tham gia thực sự nên giáo viên cần lựa chọn nội dung và thời điểm để vận dụng cho thích hợp.

2.2.2. Tích hợp GDMT với phương pháp dạy học nêu vấn đề

Là phương pháp dạy học đặt ra trước học sinh những mâu thuẫn, tình huống có vấn đề, từ đó kích thích học sinh suy nghĩ, tìm cách giải quyết. Khi sử dụng phương pháp nêu vấn đề, giáo viên không trình bày tri thức theo trình tự có sẵn trong sách giáo khoa mà có sự sắp xếp lại tài liệu để đặt thành tình huống có vấn đề, những mâu thuẫn kích thích học sinh phải suy nghĩ, phải tìm cách giải quyết. Thông qua đó giúp học sinh hoạt động nhận thức và lĩnh hội tri thức mới. Bởi vậy, bản chất của phương pháp dạy học nêu vấn đề là tạo ra được các tình huống có vấn đề.

Ví dụ: Bài 37. Vấn đề khai thác thế mạnh ở Tây Nguyên (Sách giáo khoa Địa lí 12, trang 167); Mục 1: Khái quát chung.

– Tình huống có vấn đề: Trữ lượng bô xít ở Tây nguyên rất lớn có thể khai thác phát triển ngành công nghiệp bô xít – alumina – nhôm, nhưng nếu khai thác bô xít ở Tây Nguyên sẽ có gây nên những hậu quả rất to lớn về mặt môi trường và phát triển bền vững. Giữa hiệu quả về kinh tế và môi trường nên lựa chọn cái nào?

Đây là một tình huống mà giáo viên có thể tận dụng khai thác tích hợp GDMT. Giáo viên giảng giải thêm cho học sinh hiểu và khắc sâu vấn đề:

“Khai thác bô xit ở Tây Nguyên vấn đề quan tâm nhiều nhất chính là môi trường:

+ Hàng nghìn hecta rừng và đất trồng trọt tiêu, chè, cà phê, điều… bị bóc đi sẽ  gây nên tình trạng mất cân bằng sinh thái, nguy cơ sạt lở đất.

+ Vấn đề xử lí bùn đỏ nhiễm hoá chất rất cần được quan tâm trong quá trình khai thác bô xit và sản xuất alumina. Cách thức phổ biến về xử lý bùn đỏ trên thế giới là xây hồ chứa hoặc chôn cất bùn đỏ ở nơi hoang vắng, xa các vùng đầu nguồn các sông suối và các mạch nước ngầm.., nơi bằng phẳng, không trôi dạt đi nơi khác, nền hồ không bị thẩm thấu, không bị phong hoá qua thời gian… Chỉ riêng vấn đề hồ chứa chất thải là bùn đỏ nhiễm hoá chất ở Tây Nguyên sẽ rất khác so với nhiều nước trên thế giới: hồ ở trên cao, vùng đất có độ dốc lớn, đất có độ thẩm thấu cao, nơi đầu nguồn các sông suối quan trọng và nhiều mạch nước ngầm, thời tiết khắc nghiệt, bản thân Tây Nguyên hiện nay đã là vùng đông dân cư và đồng thời tiếp giáp với nhiều vùng dân cư lớn khác ở Đông Nam Bộ và Trung Bộ. Nếu không xử lí tốt vấn đề bùn đỏ nhiễm hoá chất thì hậu quả rất nghiêm trọng làm toàn bộ vùng hạ lưu sông Đồng Nai bị nhiễm độc, và chúng ta đã tự thai nghén một vụ Vedan mới khổng lồ và nguy hiểm hơn nhiều.

Bởi vậy khi khai thác bô xit ở Tây Nguyên cần coi trọng hơn nữa vấn đề BVMT, kết hợp đúng đắn giữa hiệu quả kinh tế với phát triển bền vững”.

2.2.3. Tích hợp GDMT với phương pháp đóng vai

Đây là một phương pháp thể hiện tức thời một tình huống thành hành động hoặc soạn thành kịch. Khi đó, học sinh tham gia đóng vai của những người có địa vị, nghề nghiệp khác nhau để giải quyết các vấn đề của môi trường. Cách diễn xuất, xuất phát từ thực tế cộng với ý nghĩ, óc tưởng tượng, sáng tạo của học sinh. Vì thế, nó tạo cảm xúc, giúp học sinh quan tâm đến vấn đề môi trường đang nảy sinh. Đó là cơ sở hình thành thái độ đối với môi trường. Phương pháp này còn giúp cho học sinh có được những kinh nghiệm ra quyết định khi tiến hành một hoạt động nào đó.

* Quy trình thực hiện phương pháp:

– Bước 1: Tạo không khí để đóng vai. Mục đích chính để biết được phản ứng của người học, làm cho họ hiểu rằng bất kì con người nào cũng có thể gặp tình huống đó, vấn đề đó trong cuộc sống.

– Bước 2: Lựa chọn vai (lựa chọn những học sinh phù hợp với vai đó hoặc cho các học sinh tự nhận vai).

– Bước 3: Hướng dẫn “diễn viên” đóng vai (diễn viên phải thể hiện rõ cách giải quyết của mình đối với vấn đề).

– Bước 4: Hướng dẫn thảo luận và đánh giá “vở diễn”. Giáo viên có thể đưa ra các câu hỏi thảo luận như:

+ Cách giải quyết như thế có hợp lí không?

+ Có cách giải quyết nào khác không?

– Bước 5: Yêu cầu một nhóm “diễn viên” khác trình bày cách giải quyết khác, nếu cách giải quyết trước chưa hợp lí. Số học sinh còn lại của lớp là khán giả theo dõi vở “trình diễn tức thời”.

– Bước 6: Học sinh trao đổi các phương án và rút ra kết luận.

Ví dụ: Bài 18. Đô thị hoá (Sách giáo khoa Địa lí 12, trang 77); Mục 3: Ảnh hưởng của đô thị hoá đến phát triển kinh tế – xã hội.

– GV đưa ra cho HS tình huống tiến hành thực hiện vở diễn: Thu gom và xử lí rác thải là vấn đề quan trọng ở các đô thị nước ta hiện nay, lượng rác thải ở các đô thị nước ta hiện nay ngày càng tăng lên do dân số tăng. Chúng ta đang phải đối mặt trước những vấn đề đó, thành phố bạn ven biển. Dân chúng được cơ quan môi trường hỏi về ý kiến tìm phương án xử lí rác thải. Ý kiến của các vai có thể như sau:

+ Công nhân vệ sinh môi trường đô thị: Chuyển rác ra bờ biển đốt rồi quẳng xuống đó.

+ Kĩ sư đô thị: Lấp vịnh để tạo thêm chỗ xây dựng.

+ Nhà kinh doanh: Ném rác, sau đó phủ bê tông làm vật liệu xây dựng.

Nếu bạn là thành viên của công ti môi trường đô thị, bạn sẽ chấp nhận phương án nào và vì sao? Bạn có gợi ý nào để thay thế các phương án trên không?

Cả lớp theo dõi “vở diễn” tức thời của học sinh và thảo luận cách giải quyết của mỗi “nhân vật” đối với môi trường, rút ra kết luận mỗi người ở cương vị của mình thì phải làm việc gì đó cho môi trường.

GV tích hợp GDMT: “Đô thị là hệ sinh thái nhân tạo, môi trường đô thị phụ thuộc vào các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người. Muốn đô thị xanh – sạch – đẹp con người cần có ý thức bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ như vứt rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng bao bì ni lông,…”

* Một số vấn đề lưu ý:

Phương pháp đóng vai có thể thực hiện được trong một tiết học (10 -15 phút) đối với vấn đề nhỏ hoặc có thể thực hiện trong hoạt động ngoại khóa đối với vấn đề lớn, phức tạp. Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả đối với phương pháp đóng vai, giáo viên nên chú ý những vấn đề sau:

– Học sinh có những thông tin gì về chủ đề đóng vai? Giáo viên cần cung cấp thêm những vấn đề gì?

– Tính mục đích của tình huống trong đóng vai phải rõ ràng.

– Người đóng vai phải hiểu rõ vai của mình trong bài tập để không bị lạc đề.

– Nên khích lệ những học sinh nhút nhát tham gia.

– Phương pháp đóng vai thường dựa trên một tình huống nào đó, học sinh phải nêu lên được cách ứng xử, giải quyết trong tình huống này mà không có sẵn lời thoại. Tình huống có thể soạn thành kịch. Khi đó, học sinh phải học thuộc lời thoại đã chuẩn bị. Phương pháp đóng vai thì không có kịch bản còn diễn kịch thì có kịch bản.

  1. Kết luận

GDMT là quá trình giáo dục nhằm giúp cho mỗi học sinh có nhận thức về môi trường thông qua kiến thức về môi trường, tạo cho học có ý thức, thái độ đối với môi trường; trang bị các kĩ năng thực hành. Kết quả là học sinh có ý thức trách nhiệm với môi trường và biết cách hành động thích hợp để bảo vệ môi trường, ứng xử thích nghi thông minh với môi trường.

Trong các môn học, Địa lí là môn học được coi là có nhiều cơ hội để GDMT vì nội dung môn học liên quan chặt chẽ đến môi trường thể hiện được các mối quan hệ địa lí cơ bản như: Mối quan hệ giữa các thành phần tự nhiên, giữa tự nhiên với con người, giữa tự nhiên với kinh tế và giữa tự nhiên, kinh tế với con người.

GDMT thông qua môn Địa lý là một việc làm cần thiết và có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp học sinh xác lập được mối quan hệ giữa tự nhiên với phát triển kinh tế, giữa tự nhiên với con người và giữa tự nhiên, kinh tế với con người mà còn giáo dục được cho học sinh ý thức bảo vệ môi trường và tài nguyên ở xung quanh. GDMT sẽ tạo ra ở học sinh nhận thức đúng đắn về môi trường, có ý thức trách nhiệm sâu sắc với môi trường, có được những hành động thích hợp để bảo vệ môi trường.

Qua bài viết, chúng tôi mong muốn việc GDMT thông qua môn học đặc biệt là bộ môn Địa lí được tiến hành phổ biến hơn và nó được xem là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người giáo viên. Để tích hợp GDMT trong dạy học có hiệu quả, mỗi giáo viên cần phải chuẩn bị chu đáo, lựa chọn những nội dung GDMT phù hợp với bài học. Cần kết hợp nhiều phương pháp trong cùng một giờ học để giờ học sinh động, học sinh tích cực hơn. Việc tích hợp GDMT cần phải thể hiện một cách tự nhiên không gò bó, gượng ép và không ảnh hưởng đến thời gian, lượng kiến thức trọng tâm cũng như chương trình môn học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo – UNDP (1998), Các hướng dẫn chung về giáo dục môi trường cho người đào tạo giáo viên Tiểu học, THCS, THPT (3 quyển độc lập), VIE 95/041.

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo – UNDP và DANTDA (2001), Thiết kế mẫu một số môdul giáo dục môi trường ở trường phổ thông.

[3] Bộ KHCN&MT – Cục Môi trường (2000), 200 câu hỏi/đáp về môi trường.

[4] Nguyễn Phi Hạnh – Nguyễn Thị Thu Hằng (2004), Giáo dục môi trường qua môn Địa lí. Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội.

[5] Nguyễn Kim Hồng (chủ biên) – Lê Huy Bá – Phạm Xuân Hậu – Nguyễn Đức Vũ – Đàm Nguyễn Thùy Dương (2002), Giáo dục môi trường, NXB Giáo dục.

[6] Phạm Xuân Hậu – Nguyễn Kim Hồng – Nguyễn Đức Vũ (2004), Hoạt động giáo dục môi trường qua môn Địa lí ở phổ thông, NXB Giáo dục.

 

Họ tên: NCS. Nguyễn Thị Huệ

ĐT: 0987131678

Email: [email protected]

Trường Đại học Tây Bắc