Thầy giáo Ngữ Văn chia sẻ hành trình gian khó gắn bó với nghề

352

Trải qua nhiều thăng trầm cuộc sống, thầy Đặng Ngọc Khương, trường THPT Chuyên ngoại ngữ nhận ra dạy học mới thật sự là cái nghiệp của mình.

Khó khăn thử thách cái duyên với nghềNăm 2008, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Sư phạm Văn, trường Đại học Tây Bắc, thầy Đặng Ngọc Khương về dạy chương trình cấp 3 cho học sinh đến từ các xã, huyện nghèo (một hệ tương tự Hệ bổ túc, sau khóa đào tạo sẽ được chuyển tiếp lên Trung cấp) tại Khoa Văn hóa, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sơn La.

Thầy Khương chia sẻ, 5 năm công tác tại Sơn La là kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời dạy học của thầy. Chứng kiến sự khó khăn, khắc nghiệt nơi vùng núi, thầy giáo trẻ ít nhiều hoang mang. Tuy nhiên, càng tiếp xúc với học trò, tình yêu thương và sự gắn bó càng lớn dần. Những gương mặt học trò nghèo, lam lũ nơi này đã níu chân thầy ở lại.

“Nhìn các em vượt quãng đường xa hàng trăm cây số, đường đất xa xôi, cách trở, thiếu thốn, khó khăn đủ đường – người làm thầy như tôi thấy xót xa. Mỗi lần về quê, thực phẩm các em mang theo đơn giản chỉ là tải gạo, ít măng muối mặn, nhái khô và rau rừng. Có những bạn học sinh khó khăn quá, phải nghỉ học giữa chừng, thầy trò không thể nào liên lạc khiến tôi thấy hụt hẫng. Ở thời điểm đó, là thầy giáo, tôi cũng chỉ biết gần gũi, chia sẻ tinh thần với các em để các em có thêm động lực cố gắng”, thầy Khương chia sẻ.

polyad

“Một nhà giáo luôn cần sự nghiêm túc, cẩn thận với chuyên môn, đến với học trò bằng sự quan tâm, chân thành, tỉ mỉ”.

Bên cạnh công việc dạy học, thầy còn đam mê viết báo nên thường xuyên cộng tác với Tạp chí Phòng chống ma túy của Bộ Công an và Tạp chí Suối reo (tạp chí văn học nghệ thuật của Sơn La). Tuy nhiên, ở thời điểm mới chân ướt chân ráo ra trường, khó khăn chẳng chừa một ai. Gánh nặng gia đình trên vai khiến thầy giáo trẻ trăn trở trước con đường đã chọn. Là con trai trong gia đình, thầy phải có trách nhiệm gánh vác khi bố mẹ đã tuổi cao sức yếu, gia đình khó khăn. Thế nhưng, đồng lương ít ỏi lúc ấy của nghề giáo không đủ trang trải bản thân khiến thầy luôn trăn trở, day dứt. Ở hoàn cảnh ấy, thầy buộc phải lựa chọn từ bỏ nghề dạy học.

Rời Sơn La về Hà Nội, thầy tham gia viết báo để vừa có tiền trang trải cho cuộc sống, vừa theo học Thạc sĩ. Nhưng cũng sau những tháng ngày trải nghiệm này thầy nhận ra, nghề dạy học mới thật sự là cái nghiệp của mình. Thầy bảo, những hình ảnh và kỷ niệm về học trò đã giữ chân thầy lại và tiếp tục giảng dạy ở Trường THPT Chuyên ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khi được hỏi quan niệm về nghề dạy học, thầy Khương bộc bạch: “Dạy học cũng là một nghề mưu sinh nhưng lại không phải là nghề có thể đặt lợi ích kinh tế, vật chất lên hàng đầu”. Với thầy Khương, một nhà giáo luôn cần sự nghiêm túc, cẩn thận với chuyên môn, đến với học trò bằng sự quan tâm, chân thành, tỉ mỉ. Học trò ở nhiều lứa tuổi khác nhau, sống trong những hoàn cảnh khác nhau và đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách nên làm nghề giáo không cẩu thả được.

“Cá nhân tôi, dạy học không chỉ dạy kiến thức sách vở. Dạy học còn phải truyền cảm hứng sống, cảm hứng học, hướng học trò hình thành tính cách yêu thương, chia sẻ, sống trách nhiệm và có nghị lực”, thầy Khương nói.

Giản dị, chân thành để xóa nhòa khoảng cách với học trò

Với mong muốn đem đến những bài giảng chất lượng cho học sinh, thầy Khương không ngừng nỗ lực và sáng tạo. Thầy chính là một trong những giáo viên đầu tiên đưa hình thức trắc nghiệm vào giảng dạy môn Văn, thổi một làn gió mới tới môn học xưa nay vẫn bị coi là buồn ngủ và nhàm chán.

Chia sẻ về hình thức đề trắc nghiệm môn Văn, thầy chia sẻ, bản thân may mắn được tham gia xây dựng bộ câu hỏi trắc nghiệm phục vụ cho kỳ thi đánh giá năng lực của Hệ thống giáo dục HOCMAI. Nhận thấy rõ ưu điểm của hình thức trắc nghiệm này đối với hiệu quả học Văn của học sinh nên thầy vẫn duy trì hình thức này trong các lớp học của mình.

“Nếu hình thức trắc nghiệm truyền thống chỉ đơn thuần là kiểm tra trí nhớ, kiến thức ở dạng nhận biết thì trắc nghiệm mà tôi xây dựng trong môn Văn đòi hỏi học sinh phải tìm hiểu kỹ tác phẩm, tư duy hình tượng, phân tích ngôn ngữ, logic mới có thể tìm ra đáp án. Với hình thức này, nếu biết cách giảng, giáo viên cũng sẽ cảm thấy thú vị không kém gì hình thức dạy tự luận” – thầy Khương chia sẻ.

Tiêu đề Đã có lúc tôi buộc phải lựa chọn từ bỏ nghề dạy học - 1

      Bí quyết xóa tan khoảng cách với học trò của thầy đơn giản là sự giản dị, chân thành, cởi mở và gần gũi.

Ngoài việc giảng dạy trực tiếp trên lớp, thầy Khương còn chọn hình thức giảng dạy trực tuyến để bài giảng có thể đến được với nhiều học sinh. Giản dị, chân thành, cởi mở, gần gũi – là cảm nhận của học sinh về thầy. Em Đặng Ngọc Thư, học sinh đã theo học các bài giảng trực tuyến của thầy tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn từ lâu, chia sẻ: “Thầy lúc nào cũng thế, gần gũi, sâu sắc như người cha vậy. Cách giảng bài súc tích, cô đọng, khoa học của thầy khiến em thấy môn Văn không còn là cái gì đó trừu tượng, khó nắm bắt nữa”.

Khi được hỏi, bí quyết thu hút học sinh với môn Văn, thầy bảo, để học sinh yêu thích và hứng thú, ngoài việc dạy cái gì, người dạy là ai và cách dạy như thế nào thì tâm thế của giáo viên khi lên lớp rất quan trọng. Thầy luôn đề cao sự giản dị: giản dị trong ăn mặc, trong giao tiếp, trong cách dàn bài và trong cả cách truyền đạt kiến thức tới học trò. Nhất là khi dạy học trực tuyến, thầy cho rằng sự giản dị sẽ xóa tan đi khoảng cách giữa thầy và trò.

“Để học sinh lĩnh hội những kiến thức trọng tâm, tôi hay đan xen những kiến thức có vẻ không liên quan đến bài học để tạo hứng thú, thư giãn cho học sinh nhưng thực ra nó lại là con đường để đưa kiến thức đến với học trò tự nhiên nhất”, thầy Khương chia sẻ thêm.

10 năm theo nghề, từ bỏ rồi trở lại với nghề, thăng trầm không ít nhưng quả ngọt mà thầy nhận được là những tình cảm của học trò nhiều thế hệ, là cái tên yêu thương “bố Khương béo” mà tụi học trò dành cho thầy.

Thế Đan

(Nguồn: https://vnexpress.net/thay-giao-ngu-van-chia-se-hanh-trinh-gian-kho-gan-bo-voi-nghe-3838312.html?fbclid=IwAR3upN6bqpX5tZoGM5rNltoxfTpnPR4SFNu3TecdXLR5IPIYKviHcpJA9l0)