SÁCH HAY – VIỆT NAM QUỐC SỬ KHẢO

721

 Ths Điêu Thị Vân Anh

Bộ môn Lịch sử, Khoa Khoa học xã hội

Phan Bội Châu (1867-1940) là nhà tư tưởng, nhà cách mạng, nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy thăng trầm của mình, ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó có Việt Nam Quốc sử khảo”. Tác phẩm này đã được Georges Boudarel, một tác giả người Pháp, đánh giá là: “mặc dù có những thiếu sót không thể tránh khỏi, Việt Nam quốc sử khảo là tác phẩm đầu tiên đã thoát khỏi cách biên niên theo vương triều và lối uyên bác ôm đồm để phân tích những nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội đã tạo nên sự hưng thịnh và suy vong của Việt Nam”. Giáo sư Hồ Song cũng nhận xét, đánh giá: “Với tác phẩm này Phan Bội Châu đã hoàn toàn thoát khỏi cách nhìn lịch sử dân tộc như là sự tiếp nối của những vương triều, của những năm tháng…trong đó hành vi, ngôn từ của vua chúa cũng như điềm lành, điềm dữ của trời đất là đối tượng chủ yếu được lược thuật. Ở đây, những truyền thuyết, dã sử cũng như vận nước, mệnh trời cũng không phải là những cứ liệu để Phan Bội Châu giải thích lịch sử”.

Trong một bài viết ngắn có tên Nước là gốc, in ở đầu sách Việt Nam quốc sử khảo, Phan Bội Châu đã viết: “…Tổ tông cha mẹ ta ở đâu ra, con cháu chắt chút ta nương tựa vào đâu, suy đi tính lại, chẳng phải là nước ta đó sao? Vậy nước ta là tính mệnh của thân ta. Thân ta vì đâu mà có giá trị? Vì có nước. Nước mất thì giá trị ta thấp hèn. Thân ta vì đâu mà có quyền? Vì có nước. Nước mất thì quyền cũng không còn…” [Tr.17]. Xuất phát từ quan niệm ấy, trong Việt Nam quốc sử khảo, tác giả đã nghiên cứu và đã viết thành 10 chương với những chủ đề chính, bao quát trên nhiều lĩnh vực như: Tổ quốc chúng ta; Nhân chủng, nhân khẩu nước ta; Địa lý, sản vật nước ta; Những thời đại biến chuyển mà nước ta đã trải qua; Sự thịnh suy của dân quyền và dân trí nước ta; Những vị anh hùng thời trước chống ngoại xâm mưu độc lập; Các võ nhân – văn sỹ nước ta; Sự gian khổ trong việc nước ta kinh lý Chiêm thành và các xứ Man Mọi nơi biên giới qua các triều đại; Sự khuất nhục về ngoại giao của các triều đại nước ta; Mối quan hệ giữa nước ta với người châu Âu.

Là một công trình biên khảo theo một chủ đề định hướng, tập trung khảo sát, bàn luận kỹ chủ đề bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập dân tộc trước sự uy hiếp của ngoại bang; xuyên suốt tác phẩm Việt Nam quốc sử khảo là một luồng tư tưởng yêu nước mạnh mẽ. Tư tưởng yêu nước đó được biểu hiện ở nhiều mặt. Có khi là một niềm tự hào đối với truyền thống đấu tranh oanh liệt của tổ tiên như Trưng Vương là “một người trong đám quần thoa yếu đuối hô lên một tiếng mà cả 60 thành rạp lướt”, hay Mai Hắc Đế “một người áo vải trong hang núi thét lên một tiếng mà cả 30 vạn quân hưởng ứng theo”; từ vị anh hùng bậc nhất Trần Hưng Đạo đã “50 vạn quân giặc quét đi như lá rụng” đến Lê Lợi “một lần vẫy cờ đã chém chết Liễu Thăng, lần thứ hai đánh trống đuổi xong Mộc Thạnh” hay Lý Thường Kiệt đã “làm một việc không tiền tuyệt hậu trong sử sách” chủ động kéo quân sang đất Tống phá tan kế hoạch tấn công của địch…“Những con người đó, danh đã vang đến tận nhà Hán, uy đã dội đến nhà Đường” [Tr.110]. Có khi lại là một nỗi gắn bó thiết tha với Tổ quốc non sông hùng vĩ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Lòng yêu nước đó lại còn được biểu hiện ra ngoài bằng một lòng căm giận ngút trời đối với những kẻ đã xâm phạm đến lãnh thổ của cha ông để lại, đã làm thương tổn đến chủ quyền của dân tộc. Căm giận bọn bán nước sâu sắc bao nhiêu, Phan Bội Châu càng nể phục những bậc anh hùng liệt sỹ đã có công bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc bấy nhiêu. Việt Nam quốc sử khảo đã dành những lời tốt đẹp và trang trọng vào bậc nhất khi nói đến tình yêu đất nước của Lê Thánh Tông kiên quyết không để “hở một thước núi, một tấc sông nào”; tới “lòng yêu nước thương dân” của Mạc Ngọc Liễn trước khi chết còn căn dặn con cháu: “Nhất thiết không được mời người Minh vào nước mình để đến nỗi dân ta phải lầm than”; tới bao chiến công oanh liệt chống ngoại xâm của các bậc anh hùng cứu quốc qua các triều đại như Triệu Ẩu, Triệu Quang Phục, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi…Trong chương thứ tư: Những thời đại biến chuyển mà nước ta đã trải qua, Phan Bội Châu đã phân tích cặn kẽ: “Trước đây, cái nhục nô lệ nhất là dưới thời nhà Minh. Sau nhờ có Lê hoàng rửa sạch. Ngày nay núi sông còn đó, tiền thóc còn đây, sự nghiệp bình Ngô lại riêng không thể xuất hiện lần nữa ư? Trong bài đại cáo ở Lê Thái tổ có nói: “Giơ gậy làm cờ, nhân dân bốn phương kéo đến, rót rượu ngọt khao quân, binh lính một lòng như cha con”. Chỉ cần binh lính một lòng như cha con là có thể diệt hết giặc lớn, khôi phục chủ quyền nước ta [Tr.66-67]. Trong tác phẩm của ông, người anh hùng cũng đã mang những mầu sắc mới tiêu biểu cho phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX. Với Phan Bội Châu lịch sử dân tộc không còn bị gắn chặt vào một lực lượng siêu nhiên huyền bí, mà là kết quả và ý chí chiến đấu của những con người cụ thể, là sự kế tục không ngừng nghỉ của một dân tộc, của một quốc gia. Có ý nghĩa như một bộ “quốc sử” biết lấy “địa dư lịch sử nước Nam” để giương cao tinh thần dân tộc, xác định trách nhiệm cao cả đối với Tổ quốc; vì vậy cuối mỗi chương, hết mỗi tiết của Việt Nam quốc sử khảo luôn là những dòng kêu gọi thống thiết, những lời thúc giục sôi nổi, từ đó cổ vũ và khơi dậy lòng căm thù giặc sâu sắc trong nhân dân.

Với độ dài 200 trang in, Việt Nam quốc sử khảo là một tác phẩm mang tính sử học rõ rệt có hệ thống tương đối hoàn chỉnh, giới thiệu một cách sơ lược về lịch sử nước nhà từ thời thượng cổ đến thời cận đại. Toàn bộ tác phẩm đã toát ra một yêu cầu hành động mạnh mẽ đồng thời động viên đồng bào hăng hái diệt thù cứu nước để đưa toàn dân thoát khỏi họa vong quốc nô. Sách do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1962.