QUYỀN LỰC BIỂN Lịch sử và địa – chính trị của các đại dương trên thế giới

114

Tòng Thị Quỳnh Hương – KHXH (ST)

Từng là Đô đốc duy nhất giữ chức Tư lệnh tối cao các lực lượng đồng minh NATO và được coi là một trong những đô đốc đáng ngưỡng mộ nhất trong thế hệ mình, có lẽ không ai hiểu rõ về sức mạnh của đại dương hơn Đô đốc James G. Stavridis. “Quyền lực biển: Lịch sử và địa – chính trị của các đại dương trên thế giới” của Stavridis là một tác phẩm nổi bật dành cho những ai muốn tìm hiểu tầm ảnh hưởng của các đại dương đối với sự thịnh-suy, hưng-vong của các quốc gia và dân tộc trên thế giới.

Vào thời La Mã, nhà triết học và nhà thơ Lucretius đã viết như sau: “Thật là thú vị biết bao khi ngọn gió biển thổi mạnh, ta đứng nơi bờ và nhìn ra ngoài khơi, thấy các người đi biển trong cơn bối rối”. Kể từ cuối những năm 1500, không nhà nước, đế chế hay quốc gia nào có thể chỉ huy những đỉnh cao quyền lực toàn cầu mà không sử dụng một lực lượng hải quân thống trị. Biển cả và đại dương giữ vai trò quan trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng, bởi chúng chính là tuyến đường quan trọng nhất kết nối những vùng đất xa xôi và các dân tộc lại với nhau.

Với tư cách là một thủy thủ, vừa cách xa đất liền cả một đại dương, nhưng đồng thời cũng kết nối với một chuỗi dài liên tục những con người từng lên đường ra khơi, trong cuốn sách Quyền lực biển, Stavridis sẽ đem đến cho bạn đọc một hành trình đáng nhớ qua tất cả các vùng biển quan trọng nhất trên thế giới; một góc nhìn đa chiều về các đại dương, sức mạnh hải quân định hình vận mệnh của các quốc gia và hình thành thế giới chúng ta đang sống ngày nay cũng như thế giới chúng ta sẽ sống trong tương lai. Ông đưa ra những vấn đề khách quan của một người ngoài về câu chuyện vai trò Trung Quốc đang muốn gì ở vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vị thế của Việt Nam sẽ làm được gì, tất cả những quốc gia lân cận đó như Philippines, Indonesia đang phản ứng ra sao, đặc biệt là vị thế của hai siêu cường là Nga và Mỹ sẽ có vai trò gì ở vùng biển Đông này,…. Đứng ở vai trò của một người khách quan, tác giả cũng đưa ra những dự báo tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ trong tương lai liên quan đến những hoạt động của Trung Quốc ở vùng biển này và ông cũng đề xuất những vấn đề mà lực lượng hải quân Mỹ cần phải làm để kiềm chế những xung đột ngày càng nóng bỏng tại đây.

Với bảy chương sách về các khu vực hàng hải có ý nghĩa chiến lược, tác giả giải quyết các vấn đề chính sách hiện nay từ bối cảnh của lịch sử hàng hải, kết hợp cùng những câu chuyện cá nhân với giọng kể tự nhiên và gần gũi. Văn phong của ông phù hợp cho cả những độc giả hầu như chưa có nhiều kiến thức nền về các vấn đề an ninh quốc gia và hải quân, nhưng thông điệp mà ông truyền tải không hề mang lại cảm giác hời hợt hay tẻ nhạt.

Chương 1: Thái Bình Dương – Mẹ của các đại dương;

Chương 2: Đại Tây Dương – Cái nôi của chế độ thực dân;

Chương 3: Ấn Độ Dương – Biển của tương lai;

Chương 4: Địa Trung Hải – Nơi cuộc chiến trên biển bắt đầu;

Chương 5: Biển Đông – Khu vực tiềm tàng xung đột;

Chương 6: Caribê – Vùng biển sa lầy trong quá khứ;

Chương 7: Bắc Băng Dương – Triển vọng và nguy cơ;

Chương 8: Biển ngoài vòng pháp luật – Đại dương là hiện trường phạm pháp;

Chương 9: Mỹ và các đại dương – Chiến lược hải quân trong thế kỷ XXI.

Quyền lực biển còn là một biên niên sử thú vị về hải quân, cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về những cuộc giao tranh vĩ đại trên biển, từ Trận Salamis, Hải chiến Lepanto, Trận chiến Đại Tây Dương cho tới các cuộc xung đột tàu ngầm trong Chiến tranh lạnh. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những phân tích hết sức nhạy bén về các địa điểm có khả năng xảy ra các cuộc xung đột hải quân lớn trong tương lai, đặc biệt là Bắc Băng Dương, Đông Địa Trung Hải và Biển Đông.

“Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều tập đoàn quốc gia lớn mạnh trong suốt 2.000 năm qua đều chịu ảnh hưởng của sức mạnh biển, và điều đó vẫn đúng cho đến ngày hôm nay. Biển cả thực sự là một nhà, đặc biệt với tư cách một thực thể địa – chính trị, và sẽ tiếp tục tạo ra ảnh hưởng sâu sắc đến diễn biến của các sự kiện toàn cầu – từ tình trạng căng thẳng cao độ trên Biển Đông đến nạn buôn lậu cocain trên Biển Caribê, nạn cướp biển trên bờ biển châu Phi, với sự tái xuất đáng tiếc của cuộc chiến tranh lạnh mới trên khoảng trống Greenland – Iceland – Anh ở Bắc Đại Tây Dương. Một số nhà quan sát có thể không quan tâm đến địa – chính trị của đại dương, nhưng chúng sẽ ám ảnh chính sách và lựa chọn của chúng ta trong thế kỷ XXI đầy hỗn loạn này. Đại dương sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến mọi khía cạnh trong nỗ lực của con người…” (Trích phần Giới thiệu: Biển cả là một nhà)

NHỮNG TRÍCH ĐOẠN HAY

  1. Kể từ buổi sơ khai của nền văn minh, biển đã luôn là một phần không thể thiếu trong lịch sử nhân loại. Biển định hình thương mại, truyền bá tư tưởng và thậm chí là căn nguyên gây ra chiến tranh. Khi nhìn vào bản đồ, đa số chúng ta thường để mắt tới các lục địa và tác động của đất liền đối với con người. Tuy vậy, các đại dương thực chất giữ một vai trò quan trọng hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng, bởi chúng chính là tuyến đường quan trọng nhất kết nối những vùng đất xa xôi và các dân tộc lại với nhau.
  2. Khi chúng ta tiến ra biển – dù là hành trình chiến đấu kéo dài chín tháng trên chiến hạm, một tuần trên tàu du lịch Carnival hay chỉ một ngày rời xa đất liền, chúng ta đều đang bước vào một chiều không gian hoàn toàn khác. Thế giới lay chuyển và rung lắc dưới chân chúng ta, gió giật mạnh hơn vì không có gì cản lại, mưa bão lướt qua thân tàu không được che chắn, cá heo đôi lúc bơi theo bên cạnh hàng giờ liên tục – đó là một thế giới rất khác. Theo cách hiểu nguyênthủy, mỗi lần tiến ra biển, chúng ta sẽ “xa đất liền cả một đại dương” và không còn nhìn thấy đất liền nữa. Khi bạn đứng trên một con tàu, dù lớn hay nhỏ, chầm chậm nhìn quanh và không thấy gì khác ngoài đại dương trải dài trước mắt, hãy dừng lại và suy ngẫm về khoảnh khắc đó trong cuộc đời: bạn đang chứng kiến cùng một quang cảnh, một đại dương vô tận mà Alexandros Đại đế từng chứng kiến trên Đông Địa Trung Hải, Napoléon từng nhìn chằm chằm trong chuyến lưu đày dài đằng đẵng trên Nam Đại Tây Dương, Halsey từng chứng kiến khi ông hô hào Lực lượng đặc nhiệm Fast Carrier lao vào chiến đấu ở Tây Thái Bình Dương. Theo cách hiểu đó, với tư cách là một thủy thủ, bạn vừa cách xa đất liền cả một đại dương, nhưng đồng thời cũng kết nối với một chuỗi dài liên tục những con người từng lên đường ra khơi.
  3. Xét cho cùng, Mỹ là một quốc gia phát triển nhờ vào thương mại toàn cầu, thị trường quốc tế, hoạt động đánh bắt cá, giàn khoan ngoài khơi và các tuyến đường biển chiến lược trên thế giới. Nếu không có các đại dương bao quanh, Mỹ sẽ bị suy yếu đáng kể. Năng lực trên đại dương sẽ mang tính chất quyết định đối với hành trình của Mỹ trong thế kỷ này. Tóm lại, những đặc trưng hàng hải đó sẽ tiếp tục là nhân tố cần thiết cho tương lai hứa hẹn của Mỹ và thế giới. An ninh và thịnh vượng của nước Mỹ sẽ mãi mãi phụ thuộc vào sức mạnh biển và chính các thủy thủ trên những con tàu mỗi ngày rời đất liền tiến ra biển khơi bao la.
  4. Trung Quốc cũng quyết tâm đối mặt với phía tây và đường biên giới trên bộ. Tại sao? Vì đó là mối đe dọa chính đối với họ chứ không phải là từ Thái Bình Dương. Họ đã từng đúng khi coi những mối nguy hiểm lớn đang hiện hữu đối với nền văn minh của mình đến từ thảo nguyên châu Á (do đó, họ đã xây Vạn Lý Trường Thành), và ở mức độ nào đó cũng đến từ sự xâm nhập của nền văn minh châu Âu thông qua thương mại và can dự. Trung Quốc từng nỗ lực và đã thất bại trong việc thống trị đại dương trong những chuyến đi biển đầy ấn tượng của Trịnh Hòa vào thế kỷ XV.

Nhưng những chuyến hành trình này đi về hướng tây, tới những thực thể đã được khám phá sẵn trên Biển Đông, Ấn Độ Dương và Đông Phi, chỉ để lại ấn tượng qua đường đối với cư dân địa phương và sau này khi có những làn sóng chính trị chống lại việc thám hiểm thì đội tàu của Trung Quốc cũng giảm hẳn về số lượng. Tương tự Nhật Bản (hay bất kỳ đất nước nào khác quanh Thái Bình Dương), Trung Quốc cũng không còn quan tâm đến việc hướng về phía Đông với Thái Bình Dương rộng lớn trong tham vọng địa chính trị của mình. Cuối cùng, thật nực cười là chính người châu Âu sẽ thực sự đi qua Thái Bình Dương và tìm cách kết nối hai thế giới theo cách thức nằm ngoài thương mại và truyền giáo. Và không có hành động đơn lẻ nào mở cửa Thái Bình Dương có thể kịch tính hơn chuyến hành trình của thuyền trưởng người Mỹ Matthew Calbraith Perry tới Nhật Bản vào thập niên 1850.

  1. Biển Đông thực sự rộng lớn – tương đương biển Caribê – xung quanh là các nền kinh tế lớn như: Trung Quốc, Việt Nam, Malaixia, Inđônêxia, Philíppin và các nước khác. Hằng năm, khoảng 1/2 giá trị thương mại trên biển, 1/2 lượng khí tự nhiên hóa lỏng và khoảng 1/3 lượng dầu thô chở bằng đường biển của thế giới đi qua Biển Đông. Người ta còn tìm được bằng chứng cho thấy loài người đã định cư ở đây từ hàng nghìn năm trước. Nhiều học thuyết cũng giải thích nguồn gốc của dòng người, hàng hóa và ngôn ngữ cùng với dòng chảy của Biển Đông: dù sự thật là gì, chúng ta vẫn có thể chắc chắn về một hệ thống hàng hải thời kỳ đầu phát triển và mở rộng nhanh chóng. Đây là vùng biển giàu tài nguyên cá, với lượng mưa dồi dào, có thể tiếp cận nguồn nước ngọt để tiếp tế cho những chuyến đi kéo dài hàng tuần. Thậm chí có bằng chứng về thương mại giữa nền văn minh Địa Trung Hải cổ đại với người dân ở vành đai Biển Đông. Trong những thế kỷ đầu trước Công nguyên, thương mại giữa Ấn Độ và Đông Nam Á đã làm giàu cho người dân ở Biển Đông. Như ở Ấn Độ Dương, phát kiến về khai thác năng lượng gió mùa đã tạo ra một động lực quan trọng cho thương mại thời kỳ đầu. Khu định cư ở phía nam Trung Quốc và khu vực sông Mê Kông của đế chế Phù Nam là một trong những điểm thương mại đầu tiên trong khu vực. Trong thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên, cạnh tranh giữa khu vực Trung Quốc và Việt Nam ngày nay lần đầu xảy ra xung đột giữa các nền văn hóa. Cũng trong suốt thời kỳ này, Biển Đông nổi lên như cầu nối giữa hai nền văn minh lớn là Ấn Độ và Trung Quốc, cả hai đều chịu tác động sâu sắc từ cuộc khai phá của người châu Âu từ năm 1500. Thêm vào đó, thương mại giữa Trung Quốc và thế giới Arập cũng xuất hiện khi thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên kết thúc. Toàn cầu hóa, hiện tượng mà chúng ta cho là sản phẩm của thời hiện đại, thực chất đã tồn tại và phát triển mạnh từ rất lâu.
  2. Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga đều dần tự coi mình là cường quốc Thái Bình Dương, và khu vực này còn bao gồm một loạt các quốc gia năng động khác bao gồm Ôxtrâylia, Hàn Quốc, Canađa, Mêhicô, Inđônêxia, Côlômbia và Chilê. Gần một nửa các hoạt động thương mại trên thế giới diễn ra dọc vành đai Thái Bình Dương. Và đây mới chỉ là bắt đầu, đặc biệt là khi Ấn Độ đã bắt đầu can dự vào Thái Bình Dương theo những cách rất đáng chú ý.
  3. Các nước khác trên vành đai Thái Bình Dương cũng đang tìm cách kích thích phát triển kinh tế của khu vực, cho dù là thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định mà tôi hy vọng một ngày sẽ được tất cả các bên phê chuẩn)* hay Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á của Trung Quốc (AIIB – mà tôi hy vọng sẽ trở thành một bên tham gia có trách nhiệm), khai thác được tiềm năng của khu vực. Cho dù Thái Bình Dương có rất nhiều tiềm năng nhưng đây vẫn là khu vực đầy rẫy những nguy cơ. Việc đánh bắt cá quá mức vẫn là một vấn đề căng thẳng nguy hiểm tới tính bền vững của trữ lượng cá toàn cầu, cũng như hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tiếp tục gia tăng. Ô nhiễm do con người gây ra đang đè nặng lên hệ sinh thái trong khu vực với đảo rác nhựa có diện tích bằng cả bang Texas trôi nổi trên và dưới bề mặt Thái Bình Dương. Về mặt thiên tai, Thái Bình Dương phải trải qua những cơn bão khủng khiếp đe dọa đến cả khu vực, đặc biệt là những khu vực ở tiền tuyến như Philíppin, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Tần suất ngày càng tăng của những cơn bão (mà nhiều nhà khoa học cho là hệ quả của biến đổi khí hậu) sẽ là nguồn cơn cho muôn vàn nỗi khổ và những trở ngại làm đảo ngược sự phát triển của nền kinh tế, trừ khi các nước trong khu vực dành những khoản đầu tư thỏa đáng vào nâng cao năng lực cứu hộ thảm họa và viện trợ nhân đạo. Các cơ quan quân sự và dân sự quanh khu vực cần phải cùng nhau hành động để bảo đảm rằng họ được trang bị để đối phó với những thách thức này.
  4. Về mặt địa – chính trị và an ninh, một chỉ dấu đáng được theo dõi sát sao là tình trạng chạy đua vũ trang trên TháiBình Dương đang ngày càng căng thẳng – một cuộc chạy đua có thật và đang tiến triển rất nhanh. Nguy cơ về một cuộc xung đột mở trong khu vực sẽ ngày càng tăng lên, và sẽ đòi hỏi chính sách ngoại giao khéo léo khi các lựa chọn quân sự hấp dẫn các nước, theo đó các nước này sẽ phải chi một phần lớn tài sản quốc gia vào quân đội. Và phần lớn các hệ thống đều được thiết kế cho sử dụng trên biển, dưới biển hoặc từ biển để tấn công các nước láng giềng quanh vành đai Tây Thái Bình Dương. Dữ liệu từ năm 2013 đến nay cho thấy xu hướng hiện đại hóa các hệ thống chỉ đơn thuần là tăng quy mô quân đội hoạt động trong mỗi quốc gia. Những xu hướng trong dữ liệu vĩ mô mới đáng kinh ngạc. Theo The Military Balance – báo cáo thường niên về tương quan lực lượng quân sự trên thế giới, chi phí quốc phòng ở châu Á nói chung (bao gồm cả Ấn Độ) đã tăng 9%, từ 326 tỷ USD lên 356 tỷ USD từ năm 2013 đến 2015. Trong khi đó, chi phí quốc phòng trong khoảng thời gian này ở Mỹ giảm 6%, từ 633 tỷ USD xuống 597 tỷ USD, và ở châu Âu giảm 12%, từ 281 tỷ USD xuống 246 tỷ USD. Bằng cách nào chúng ta có thể giảm nhẹ cuộc chạy đua vũ trang này và bảo đảm an ninh của vành đai Thái Bình Dương?
  5. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, quốc gia khó lường nhất ở vành đai Thái Bình Dương đã tăng hơn gấp đôi chi phí quân sự lên khoảng 10 tỷ USD từ năm 2013 đến 2015. Cho dù rất khó đánh giá chi phí thực tế bên trong quốc gia này, nhưng những cuộc thử nghiệm hạt nhân gần đây kết hợp với thử nghiệm tên lửa tầm xa và các bệ phóng di động trên mặt đất là những lý do hiển nhiên khiến người ta phải quan ngại. Triều Tiên sẽ tiếp tục ưu tiên chi tiêu quân sự cao, cho dù phải đối mặt với những lệnh trừng phạt khắc nghiệt mới và môi trường kinh tế yếu kém, vị lãnh đạo trẻ Kim Jong-un biết rằng chỉ bằng quân sự thì ông mới giữ vững được quyền lực trong nước và duy trì ảnh hưởng ở mức độ nào đó trong khu vực.
  6. Về mặt chiến lược, Trung Quốc đến nay là nước chi tiêu quân sự lớn nhất trong khu vực, nhưng cũng phải quản lý nhiều lãnh thổ hơn các nước châu Á khác, cả trên đất liền lẫn trên biển. Việc chuyển từ khái niệm “phát triển hòa bình” sang khái niệm “phòng thủ chủ động” dường như là nhằm che giấu đi những vấn đề trong nước và cố xoay chuyển trọng tâm dư luận khỏi các mâu thuẫn trong nước, hướng sang các thách thức ở bên ngoài. Các tên lửa mạnh mẽ như DF-21D đã làm thay đổi những tính toán nguy cơ của Mỹ, đặc biệt là đối với tàu sân bay. Cuối cùng, Trung Quốc cũng tập trung vào chương trình phát triển tàu sân bay. Tàu sân bay của Trung Quốc không thể cạnh tranh được với tàu sân bay của Mỹ. Tuy nhiên, được coi là “nền tảng uy tín”, tàu sân bay có tính biểu tượng quan trọng và được cho là rất hữu ích trong các cuộ chiến trên biển chống lại các nước nhỏ hơn trong khu vực. Điều trớ trêu ở đây là tàu sân bay của Trung Quốc lại bị đe dọ bởi chính công nghệ chống tiếp cận mà nước này sở hữu khi Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam cũng nâng cấp hệ thốn tương tự. Xét về mặt chiến lược, chương trình tàu sân bay củ Trung Quốc không phải là nhân tố làm thay đổi cuộc chơ nhưng vẫn sẽ khiến những nước láng giềng nhỏ hơn lo lắng.

Cuốn sách là cội nguồn lịch sử diễn ra mối quan hệ bang giao giữa các quốc gia như thế nào, những mối xung đột ra làm sao và đặc biệt nó đi sâu vào địa – chính trị, các hình thái địa thế của các vùng biển như vậy thì nó phát sinh cái gì trong quá khứ và đặc biệt nó tiềm ẩn những điều gì trong tương lai….

Cuốn sách đem lại cho ta một cái nhìn bao quát hơn và rộng lớn hơn về thế gian này. Chúng ta phải nhận ra rằng đại dương phải chiếm đến 75% diện tích quả đất và vùng biển nào cũng tồn tại những xung đột, không phải chỉ riêng biển Đông. Thế giới chúng ta về giao thương kinh tế, về hoạt động, quân sự đều giao nhau ở trên lĩnh vực hàng hải này. Tác giả đã đưa ra 8 vùng biển và giúp chúng ta có một cái nhìn bao quát nhất.

Chúng ta cũng biết rằng thế giới trong tương lai sẽ còn rất nhiều những điều bất ổn nếu như các quốc gia vẫn coi đường cảng biển là yết hầu về mặt kinh tế. Giống như câu chuyện biển Đông mà chúng ta vẫn gặp hằng ngày, đó là những điều mà tôi có thể cảm nhận được sau khi đọc xong quyển sách này. Mắt nhìn của mình về thế giới sẽ được mở rộng ra và cũng hiểu biết hơn về những điều mà tác giả đã dự báo sẽ diễn ra sắp tới…