MỘT SỐ THÀNH TỰU CỦA GIÁO DỤC VIỆT NAM NĂM 2019

372

Cùng với sự vận động phát triển chung của tổng thể nền kinh tế – xã hội, giáo dục Việt Nam đang từng bước vận động đổi mới hiện đại, năng động đáp ứng yêu cầu thực tiễn xã hội. Năm 2019, ngành Giáo dục có nhiều thành tựu mới, ghi nhận dấu ấn khởi sắc. 

  1. Luật giáo dục được thông qua

Ngày 14 tháng 6 năm 2019, Luật Giáo dục mới được thông qua tạo cơ sở pháp lí quan trọng cho tổ chức hoạt động giáo dục đào tạo. Những nội dung mới bao gồm: tính liên thông, phân luồng, hướng nghiệp trong giáo dục; bổ sung loại trường tư thục; quy định nâng chuẩn đào tạo của giáo viên một số bậc học; chính sách về học phí đối với học sinh diện phổ cập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập sẽ không phải đóng học phí,… Với những thay đổi đó, Luật Giáo dục 2019 được các nhà lập pháp kì vọng sẽ nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế. 

  1. Giáo dục tư nhân phát triển mạnh

Năm qua, nhiều tên tuổi mới trong và ngoài nước đầu tư gia nhập thị trường giáo dục, đặc biệt tại Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh tháng 5 năm 2019, đã có các nhà đầu tư tham gia vào 14 dự án giáo dục với tổng nhu cầu vốn là 3.046 tỉ đồng (138 triệu USD). Bên cạnh đó, nhiều trường học mới được khởi công. Việt Nam đang phát triển mạnh giáo dục tư nhân. Theo thống kê của TTC Edu, phụ huynh Việt Nam chi đến 47% thu nhập cho việc giáo dục con cái. Mỗi năm, người Việt chi khoảng 3 tỷ USD cho con du học, nhất là bậc phổ thông trung học và đại học, cao đẳng.

  1. Số huy chương vàng nhiều nhất tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2019, hầu hết các thí sinh của đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic khu vực và quốc tế đều giành huy chương, đem về thành tích tốt cho nền giáo dục nước nhà.

Cụ thể, tại kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) 2019 diễn ra tại Hà Nội, đoàn Việt Nam có 36 học sinh đoạt giải, trong đó có 15 huy chương vàng, 14 huy chương bạc và 7 huy chương đồng.

Đặc biệt, đoàn Việt Nam giành số huy chương vàng nhiều nhất (15 huy chương), là thành tích tốt nhất trong bốn năm tham dự IMSO. Đứng thứ hai là Thái Lan với 10 huy chương vàng, Singapore 6, Trung Quốc 4, Sri Lanka, Malaysia và Mỹ mỗi nước có một giải vàng.

  1. Lần đầu tiên 3 đại học Việt Nam vào bảng xếp hạng tốt nhất toàn cầu

Ngày 12 tháng 9 năm2019, tuần san Times Higher Education (THE) chính thức công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất toàn cầu. Đây là bảng xếp hạng rất có uy tín được THE công bố thường niên. Tại bảng xếp hạng này, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801 – 1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm 1.000+. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp và Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.

Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.

                                                                                              (Nguồn Internet; ST: Hà Thị Mai Thanh)