MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỔI MỚI PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TRONG QUÁ TRÌNH ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ CHO SINH VIÊN SƯ PHẠM TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

2433

Họ tên: Ths. Nguyễn Thị Huệ

ĐT: 0987131678

Email: [email protected]

Trường Đại học Tây Bắc

TÓM TẮT

Chuyển đổi hình thức giáo dục từ niên chế sang học chế tín chỉ là thực hiện cuộc cách mạng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc đổi mới phương pháp dạy học trong đào tạo tín chỉ không ngoài mục đích tìm đến một chất lượng cao cho nền giáo dục đại học. Đại học Tây Bắc bắt đầu đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm học 2010 và cũng đã nỗ lực trong việc đổi mới chương trình đào tạo, biên soạn giáo án, giáo trình, phương pháp đào tạo để đáp ứng những yêu cầu của học chế tín chỉ và cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập đến những kinh nghiệm bước đầu về đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả dạy học ở trường Đại học Tây Bắc.

Từ khóa: Phương pháp dạy học; giải pháp đổi mới

ABSTRACT

Some solutions on innovative teaching methods in training process under credit system for Student Pedagogy in the University Taybac

Changing the form of education from the acadamic year system to the credit system is a significant evolution to meet the demand of the society. As a result of this, the innovation of teaching methods in the credit training system is aimed to improve university education quality. The University of Taybac  in implementing the credit system in training from 2010 and has been putting a lot of efforts in reforming curriculum, editing teaching materials, and changing teaching methods to meet the requirements of the new training system. Some initial results have been achieved. Within the scope of this article, I only mention some initial experience on teaching method renovation to improve training quality, which we have gained from the course of five years of applying credit training system in the Taybac University.

Keyword: teaching methods; innovative solutions

 

  1. Mở đầu

Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể từ năm 2010 – 2011 tất cả các trường Đại học và Cao đẳng ở Việt Nam phải chuyển đổi sang đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Đây là phương pháp đào tạo tiên tiến đã được áp dụng có hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới, nhưng lại còn khá mới đối với Việt Nam nói chung và trường đại học Tây Bắc nói riêng.

Năm học 2010-2011, trường đại học Tây Bắc đã thực hiện chuyển đổi hoạt động đào tạo từ niên chế kết hợp với học phần sang học chế tín chỉ, một bước đi đã làm tác động đến nhiều khâu, nhiều bộ phận trong hoạt động đào tạo của nhà trường. Những thay đổi đó mặc dù mới chỉ là những bước đầu tiên và mới chỉ dừng lại ở hình thức với nhiều hạn chế, bất cập, song về cơ bản là đúng hướng. Để khắc phục bất cập đồng thời tiếp tục hoàn thiện những khâu then chốt trong hoạt động đào tạo để học chế tín chỉ phát huy hết giá trị và hiệu quả. Tôi thiết nghĩ, có nhiều vấn đề cần đặt ra để trao đổi, mà điều trực tiếp đó là: nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy. Thực ra không phải bây giờ chúng ta mới đặt ra việc đổi mới phương pháp giảng dạy, mà đây là một đòi hỏi tất yếu thường xuyên của tất thảy của những người làm nghề giáo.

Trên cơ sở đó Tôi xin mạnh dạn đưa ra một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả của phương pháp dạy học theo tín chỉ ở trường Đại học Tây Bắc hiện nay. Trong phạm vi bài viết tôi chỉ đề cập tới một số giải pháp và kinh nghiệm trong việc đổi mới phương pháp dạy học theo học chế tín chỉ cho sinh viên ngành sư phạm của trường đại học Tây Bắc.

  1. Nội dung

2.1. Sự khác biệt giữa đào tạo theo niên chế và đào tạo theo tín chỉ

Đào tạo theo niên chế hay đào tạo theo học chế tín chỉ là hai hình thức tổ chức đào tạo khác nhau nhưng đều có chung một mục tiêu là đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ cao, đáp ứng được sự phát triển của các ngành nghề trong xã hội trong từng giai đoạn lịch sử nhất định.
Đào tạo theo niên chế hay đào tạo theo học chế tín chỉ đều có lịch sử phát triển từ lâu, mỗi cách tổ chức đào tạo đều có những ưu điểm, những khó khăn riêng và đều đạt những thành quả rất to lớn.

Nếu để tìm ra sự khác nhau giữa hai cách tổ chức đào tạo này thì trong phạm vi một bài viết không thể đáp ứng được, tuy vậy dưới góc độ đào tạo có thể thấy một số điểm khác nhau cơ bản giữa hai cách tổ chức đào tạo này.

Đào tạo theo niên chế là đào tạo theo năm học, mỗi chương trình đào tạo của một ngành học được quy định đào tạo trong một số năm nhất định. Ví dụ chương trình đào tạo trình độ đại học được cấp bằng cử nhân thường đào tạo trong 4 năm, cấp bằng kỹ sư được đào tạo trong 5 năm, cấp bằng bác sỹ được đào tạo trong 6 năm. Sinh viên học hết thời gian quy định nếu không bị lưu ban, dừng tiến độ học tập thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học, được ra trường.

– Đào tạo theo tín chỉ không tổ chức theo năm học mà theo học kỳ. Một năm học có thể tổ chức đào tạo từ 2 đến 3 học kỳ, mỗi chương trình đào tạo của một ngành học nhất định không tính theo năm mà tính theo sự tích lũy kiến thức của sinh viên, sinh viên tích lũy đủ số tín chỉ quy định cho một ngành học thì được cấp bằng tốt nghiệp đại học, được ra trường.

2.2. Cơ sở phải đổi mới phương pháp giảng dạy

Trước hết, chúng ta hãy đề cập đến việc vì sao phải đổi mới đổi mới phương pháp và đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm mục đích gì? Rõ ràng việc đổi mới phương pháp giảng dạy là một đòi hỏi của thực tế khách quan và không nhằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng đào tạo. Nếu chúng ta quan niệm rằng đào tạo cũng là một loại hình dịch vụ trong đó sản phẩm là những con người đáp ứng được những yêu cầu về nhân lực có trình độ cao của xã hội thì rõ ràng sản phẩm của đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như chương trình đào tạo, môi trường đào tạo, đào tạo các kỹ năng mềm,.. nhưng một điều đóng vai trò quan trọng hàng đầu là phương pháp đào tạo. Như vậy việc đổi mới phương pháp giảng dạy đại học là một đòi hỏi của thực tế khách quan đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực.

   Đối với hình thức tín chỉ hiện nay, một vấn đề thường được giảng viên quan tâm khi dạy theo học chế tín chỉ là thời gian lên lớp. Nhiều thầy cô không khỏi lo lắng khi thấy môn học của mình vẫn dạy rất nhiều tiết trước kia bây giờ chỉ được phép truyền đạt cho sinh viên trong vòng vài chục giờ. Số giờ dành cho thầy dạy lý thuyết và thảo luận khi đào tạo tín chỉ đã giảm nhiều so với khi đào tạo theo học phần niên chế. Liệu chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ khi ra trường có giảm hơn so với trước đây không? Vấn đề mấu chốt ở đây là làm sao giúp sinh viên đáp ứng được mục tiêu học tập. Nói cách khác, vấn đề đổi mới dạy học là vấn đề phải quan tâm đặc biệt trong đào tạo tín chỉ.

Việc đổi mới dạy học trong các trường đại học đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế của đất nước. Để nâng cao chất lượng đào tạo làm cơ sở cho việc nâng cao lợi ích cho người lao động, chúng ta không còn con đường nào khác là đổi mới phương pháp dạy học, giúp người học chuyển từ cách học bị động sang cách học chủ động. Điều này không chỉ đơn giản là sử dụng các công cụ trợ giúp giảng dạy như máy tính, máy chiếu mà còn phải thay đổi một cách có kế thừa tư duy trong giảng dạy và tạo ra một môi trường dạy học tích cực và thân thiện.

2.3. Thực trạng dạy và học theo tín chỉ ở Trường Đại học Tây Bắc

Đại học Tây Bắc bắt đầu đào tạo theo học chế tín chỉ từ năm học 2010 và cũng đã nỗ lực trong việc đổi mới chương trình đào tạo, biên soạn giáo án, giáo trình, phương pháp đào tạo để đáp ứng những yêu cầu của học chế tín chỉ và cũng đã đạt được những kết quả nhất định.

– Một trong những điểm mấu chốt, quan trọng nhất trong xây dựng chương trình trong đào tạo theo học chế tín chỉ là các chương trình đào tạo có tính liên thông cao. Trường Đại học Tây Bắc đã xây dựng xong bộ chương trình mới đáp ứng yêu cầu đào tạo theo tín chỉ và được thực hiện đồng bộ từ K53.

– Đăng ký tín chỉ và tổ chức lớp học tín chỉ được thực hiện khoa học. Theo quy định, cứ vào đầu học kỳ sinh viên phải đăng ký số lượng tín chỉ ứng với các môn học. Việc đăng kí được thực hiện qua  mạng, tránh được cảnh xô bồ, chen chúc của  sinh viên khi đăng ký như một số trường ĐH khác, chưa kể còn tiết kiệm được rất nhiều nhân lực, vật lực, kinh phí, thời gian. Máy tính sẽ tự động cập nhật danh sách sinh viên, chia lớp theo mã số,v.v…

– Cố vấn học tập thường xuyên được tham dự các buổi hội thảo, tập huấn để nắm vững qui chế đào tạo theo hệ thống tín chỉ, hướng  dẫn  sinh viên lựa  chọn  chuyên ngành, đăng ký những học phần tự chọn, định hướng theo ngành học…

– Để đảm bảo tinh  thần của học chế  tín chỉ,  nhà trường đã đổi mới việc tổ chức và quản lý lớp học theo học chế tín chỉ trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho  sinh viên trong việc thiết kế cho mình một chương trình học và một thời khóa biểu phù hợp nhất với ý thích và khả năng của bản thân.  Về cơ bản, việc tổ chức và quản lý các lớp học theo học chế tín chỉ bao gồm các bước sau:

+ Sắp xếp thời khóa biểu

+ Thông báo thông tin học phần cho sinh viên

+ Tổ chức đăng ký học phần

+ Quản lý điểm thành phần của học phần, lên lịch và danh sách thi của học phần, quản lý bảng điểm học phần.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện chuyển đổi sang hệ thống tín chỉ của trường ĐH Tây Bắc. Tôi nhận thấy còn một số bất cập sau:

 Về phía người học: Việc đăng ký, lựa chọn các tín chỉ phù hợp đối với sinh viên không phải là dễ dàng. Sinh viên phải có khả năng tự chủ cao trong việc nắm thông tin về chương trình học tập cũng như việc sắp xếp lộ trình học tập của mình cho hợp lý theo đúng quy trình đào tạo. Hơn nữa việc đăng kí trên mạng khiến nhiều sinh viên lúng túng, làm không đúng qui trình. Thời gian tự học nhiều nhưng chưa được khai thác hiệu quả, vì hầu như sinh viên chưa có phương pháp tự học.

– Về phía người dạy: Một số giảng viên gắn bó lâu năm với sự nghiệp trồng người mà phương pháp giảng dạy theo niên chế đã “ăn sâu, bám rễ” trong họ thì việc giảng dạy theo phương pháp mới – theo tín chỉ – dường như vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục được họ, việc đổi mới chỉ mới dừng ở hình thức mà thôi. Hơn nữa khi chuyển sang đào tạo tín chỉ, thời gian học trên lớp bị rút ngắn trong khi lượng kiến thức gần như không giảm, khiến nhiều giảng viên lúng túng trong việc lựa chọn phương pháp giảng dạy học phù hợp.

– Về phía Nhà trường: Việc ban hành qui chế theo hệ thống tín chỉ đôi khi còn bất cập, chưa kịp thời. Bên cạnh đó là những khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện phòng học (nhiều phòng học còn chật chội so với số lượng sinh viên theo học, chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy theo phương pháp mới như máy chiếu, projector, mic… ở các giảng đường, nhiều phòng có trang bị nhưng không quản lí tốt nên không còn sử dụng được).

– Ngoài ra, một khó khăn nữa chưa thể khắc phục được đó là tổ chức lớp học chưa hoàn toàn theo hệ thống tín chỉ, mới chỉ áp dụng cho các môn chung. Các môn chuyên ngành vì nhiều lí do khách quan chưa thực hiện được. Vì thế cố vấn học tập chỉ là khác về tên gọi còn bản chất vẫn chính là giáo viên chủ nhiệm của các lớp.

2.4. Một số giải pháp đổi mới phương pháp dạy và học theo tín chỉ ở trường ĐH Tây Bắc

Xuất phát từ thực trạng trên, tôi thiết nghĩ cần phải có sự hoạt động đồng bộ của toàn trường, có sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo nhà trường và các khoa, đặc biệt là phải có sự thay đổi tận gốc dễ quan niệm dạy – học trong đội ngũ giảng viên và sinh viên. Dưới góc độ là một giảng viên phương pháp, tôi mạnh dạn đưa ra một số giải pháp đổi mới phương pháp dạy học theo tín chỉ cho sinh viên khối sư phạm như sau:

  1. Đổi mới hoạt động đào tạo giáo viên trong trường, trong khoa

Để khắc phục những hạn chế của người dạy theo học chế tín chỉ như đã đề cập ở trên. Theo tôi, các giảng viên cần chú ý tới một số vấn đề sau:

– Các giảng viên cần trang bị cho mình một hệ thống các phương pháp, các kĩ thuật dạy học tích cực. Một số phương pháp dạy học truyền thống như thuyết trình, giảng giải không còn phát huy được nhiều tác dụng trong đào tạo tín chỉ. Vì vậy, cần đưa những phương pháp dạy học phát huy được tư duy sáng tạo của người học như: phương pháp động não, nêu vấn đề, dự án, tìm tòi nghiên cứu… Gần đây Bộ giáo dục và Đào tạo triển khai một số phương pháp dạy học mới như bàn tay nặn bột, bản đồ tư duy… các giảng viên cần cập nhật kịp thời và vận dụng vào các học phần phù hợp. Áp dụng các kĩ thuật dạy học mới như kĩ thuật ổ bi, tia chớp, bể cá, khăn trải bàn, 3 lần 3, phòng tranh… Trong thực tế giảng dạy, tôi đã triển khai áp dụng ở một số học phần (Học phần tự chọn Địa lí biển Đông) và kết quả đem lại rất khả quan.

– Một điều đáng quan tâm nữa là đổi mới phương pháp dạy đại học phải đi đôi với việc đổi mới cách thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Trước đây cánh thức đánh giá kết quả học tập của sinh viên chỉ chú trọng vào kết quả kỳ thi cuối khóa và việc đánh giá chỉ chú trọng đến kiến thức chứ chưa chú trọng đến việc phát huy tư duy, khả năng sáng tạo, khả năng làm việc nhóm… Trong đào tạo theo tín chỉ, với việc đổi mới phương pháp dạy học, việc đánh giá kết quả học tập của sinh viên cần thiết phải đổi mới theo hướng nhà trường và giảng viên có thể sử dụng các loại kiểm tra khác nhau trong đánh giá quá trình đã được sử dụng ở các đại học nước ngoài như kiểm tra ngắn, kiểm tra đột xuất, bài tập làm ở nhà, dự án hay đồ án thiết kế, báo cáo nghiên cứu khoa học, tiểu luận, thi giữa học kỳ… Cách kiểm tra đánh giá này sẽ làm cho sinh viên chú ý việc suy luận, nghiên cứu, phân tích giải quyết vấn đề một cách thường xuyên trong quá trình học tập, và sẽ chấm dứt tình trạng học vẹt, học tủ, hay dùng phao để gian lận thi cử. Khi đó giảng viên sẽ khuyến khích sinh viên tham khảo nhiều tài liệu khi làm bài ở nhà, có thể cho sinh viên hợp tác theo nhóm, và có thể cho sinh viên sử dụng tài liệu trong các kỳ thi giữa học kỳ và cuối khóa.

  1. Cần quan tâm bồi dưỡng nhiều hơn nữa các năng lực cơ bản cho sinh viên như: năng lực khoa học, năng lực hiểu trình độ học sinh, năng lực thiết kế tài liệu học tập, năng lực ngôn ngữ, năng lực nắm vững kĩ thuật dạy học.

– Một yêu cầu đặt ra đối với sinh viên sư phạm là cần phải có khả năng hiểu biết về đặc điểm tâm lí của học sinh, đặc biệt là sự hiểu biết về trình độ của học sinh trong quá trình dạy học. Đây là một năng lực mang tính nghề nghiệp của sinh viên sư phạm. Tuy nhiên, hiện nay do tính tích cực học tập của sinh viên sư phạm chưa cao, mối liên hệ giữa trường sư phạm và trường phổ thông chưa chặt chẽ, các hoạt động thăm lớp, dự giờ của sinh viên sư phạm chưa nhiều. Đây là một trong những nguyên do khiến cho khả năng hiểu tâm lí học sinh của sinh viên sư phạm còn nhiều hạn chế. Thực tế hiện nay, sinh viên sư phạm của trường đại học Tây Bắc mới có một đợt kiến tập (chỉ là đi dự giờ và tập soạn giáo án), một đợt đi phổ thông (chọn đại diện nhóm giảng 2 tiết và dự 2 tiết) và một đợt đi thực tập. Như vậy thời gian ngoài thực tiễn của sinh viên chưa nhiều.

– Năng lực thiết kế tài liệu học tập là khả năng làm cho tài liệu học tập phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh. Năng lực này biểu hiện ở khả năng gia công và sáng tạo kiến thức bài giảng của giáo viên, tài liệu học tập trở nên phù hợp tối đa với đặc điểm lứa tuổi, đặc điểm cá nhân học sinh, và đảm bảo logic sư phạm.

– Năng lực ngôn ngữ là một trong những năng lực quan trọng của người giáo viên, vì ngôn ngữ là “phương tiện” chính trong dạy học và giáo dục. Thực tế hiện nay cho thấy sau 12 năm học Tiếng Việt ở trường phổ thông, số đông các sinh viên đại học vẫn chưa thật sự tinh thông tiếng mẹ đẻ. Nguyên nhân của thực trạng này một phần có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ bộ môn, chương trình, sách giáo khoa và năng lực của giáo viên ở bậc học phổ thông. Sự hạn chế về khả năng ngôn ngữ chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều sự bất cập khác trong chất lượng đào tạo. Để khắc phục vấn đề này, Khoa Sử Địa đã tổ chức thi nghiệp vụ sư phạm trong đó có nội dung thi hùng biện, kể chuyện khoa học nhằm rèn luyện năng lực ngôn ngữ cho sinh viên. Ngoài ra trong các giờ lên lớp bản thân tôi cũng rất chú trọng rèn luyện cho sinh viên năng lực này thông qua các câu trả lời, báo cáo thảo luận, ngoại khóa của sinh viên, giao cho mỗi sinh viên chuẩn bị một bài diễn thuyết trước khi ra phổ thông,…

– Năng lực truyền đạt tài liệu học tập là khả năng nắm vững cách thức tổ chức và điều khiển hoạt động nhận thức của học sinh qua bài giảng. Năng lực này là kết quả của một quá trình học tập nghiêm túc và rèn luyện tay nghề. Những năng lực này thường được hình thành thông qua việc sinh viên tích cực luyện tập trong các giờ rèn luyện nghiệp vụ sư phạm ở trường sư phạm hoặc trường phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay sinh viên vẫn chưa dành nhiều thời gian cho công việc này. Vì vậy, các giảng viên cần tích cực giao bài tập về nhà, tăng cường hoạt động nhóm cho sinh viên.

  1. Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của đào tạo theo tín chỉ hiện nay, chúng ta cần chú trọng tới phương pháp tự học cho Sinh viên

– Đã có một thời gian dài, chương trình đào tạo của các khoa sư phạm tập trung vào chuẩn bị cho người giáo viên tương lai nắm vững hoạt động dạy, những phương pháp, kĩ năng tổ chức thực hiện hoạt động dạy. Ngày nay, theo tôi, vấn đề quan trọng nhất để những giáo viên phổ thông tương lai biết dạy cách học là mỗi giảng viên sư phạm phải thường xuyên rèn luyện cho sinh viên kỹ năng tự học thông qua bộ môn mình phụ trách.

Một thực tế hiện nay là khi rời trường phổ thông bước vào trường sư phạm, sinh viên mang theo rất ít khả năng tự học và ý thức chủ động. Bên cạnh đó, các trường đại học hiện nay cũng chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để giúp sinh viên nâng cao khả năng và ý thức tự học. Đây là vòng lẩn quẩn khép kín giải thích vì sao học sinh các cấp học và sinh viên hiện nay đều thiếu khả năng tự học và ý thức chủ động trong học tập. Chính vì vậy, ngay khi vào trường chúng ta cần hình thành cho sinh viên sư phạm thói quen và tính tích cực học tập, tư duy sáng tạo trong làm việc để các thầy cô giáo không ngừng hoàn thiện năng lực của bản thân đáp ứng được các yêu cầu của xã hội.

Người thầy phải chỉ ra con đường mà sinh viên sẽ phải đi, cách đi trên con đường đó, còn người sinh viên bắt buộc phải đi trên con đường đó trong suốt quá trình học một học phần. Người thầy cần đi sâu vào bản chất của các khái niệm ban đầu của từng chương, từng bài, nhắc lại những kiến thức là nền tảng để hình thành nên những khái niệm đó. Điều này sẽ làm cho sinh viên định hướng được cái mà họ phải phát triển từ những cái họ đã biết. Hãy giúp cho sinh viên hình dung ra những khái niệm ban đầu là gì? Sau đó, chỉ ra cái đích mà họ phải đi tới, cũng như cách đi thông qua những kiến thức cũ và cuối cùng, họ phải tự tìm, tự học để hiểu được vấn đề cốt lõi của học phần. Một nguyên lý quan trọng là những gì sinh viên tự làm được nên để họ tự làm, tự khám phá. Vì vậy, người thầy cần phải đưa ra những vấn đề đòi hỏi sinh viên phải đầu tư công sức và thời gian để đọc, để tìm hiểu. Nếu người thầy không đặt ra những vấn đề như vậy thì dù cố ép sinh viên họ cũng không bao giờ đọc một cuốn sách tham khảo nào cả.

– Việc bồi dưỡng kỹ năng giải quyết vấn đề cũng phải được quan tâm. Ngoài ra, cần hình thành kỹ năng hợp tác cho sinh viên sư phạm. Những kỹ năng hợp tác cụ thể cần quan tâm rèn luyện cho sinh viên là kỹ năng hợp tác với đồng nghiệp, hợp tác với học sinh và hợp tác với các lực lượng giáo dục khác… Trong các học phần giảng viên cần giao chủ đề cho sinh viên nghiên cứu theo nhóm. Áp dụng một số phương pháp dạy học như dự án, thiết kế mô đun, thảo luận nhóm… rèn luyện khả năng tư duy giải quyết vấn đề cho sinh viên.

  1. Chú trọng đổi mới rèn luyện nghiệp vụ sư phạm

Điều tiếp theo cần làm là đổi mới hoạt động rèn luyện nghiệp vụ sư phạm. Các khoa sư phạm cần chủ động chuyển hướng từ tập trung vào đào tạo kiến thức chuyên môn thuộc môn học sẽ phải dạy khi ra trường là chủ yếu sang tập trung đào tạo các năng lực nghề nghiệp, đảm bảo sinh viên tốt nghiệp biết hành động có hiệu quả trong các hoạt động nghề nghiệp.

Từ hơn 10 năm qua, Nhà nước đã thực hiện chính sách không thu học phí đối với sinh viên các khoa, ngành Sư phạm. Nhưng dường như chính sách ưu đãi này chỉ còn sức hấp dẫn với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chứ không còn đủ lực để thu hút những sinh viên có học lực loại giỏi thi vào ngành Sư phạm. Và chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm trường ĐH Tây Bắc cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Qua tìm hiểu thực tế các đợt thực tập của sinh viên sư phạm ở một số trường THPT cho thấy, không ít sinh viên có kiến thức chuyên môn khá tốt nhưng lại tỏ ra lúng túng, máy móc trong việc xử lý các tình huống sư phạm cụ thể. Theo quy định hiện hành, thời gian thực tập của sinh viên sư phạm tại các trường phổ thông thường kéo dài từ 3 – 4 tháng. Khoảng thời gian eo hẹp này là không đủ để sinh viên rèn luyện nghiệp vụ sư phạm, nâng cao khả năng giảng dạy để có thể đáp ứng được yêu cầu thực hành sau khi ra trường.

Trong khi việc dạy và học ở các trường phổ thông muôn màu, muôn vẻ thì sinh viên hầu như không được xem giảng viên giảng mẫu. Phần lớn đội ngũ giảng viên sư phạm chưa từng dạy qua phổ thông nên còn thiếu kinh nghiệm thực tế. Giảng viên có thể hướng dẫn về lý thuyết cho sinh viên của mình cách thức dạy một tiết học ở trường phổ thông như thế nào, nhưng nếu yêu cầu giảng viên thực hành giảng mẫu một tiết về một bài học cụ thể trong chương trình cho sinh viên xem thì nhiều người lại không làm được. Qua thực tế giảng dạy bộ môn phương pháp, tôi nhận thấy cần phải có một số giải pháp để nâng cao khả năng nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên:

– Giảng viên cần nắm rõ chương trình SGK ở phổ thông để hướng dẫn sinh viên giải quyết vấn đề, tập giảng, tập báo cáo, thuyết trình… ở trên lớp. Giảng viên đặc biệt là các giảng viên môn phương pháp cần cập nhật thường xuyên chương trình, sách giáo khoa ở phổ thông. Tham dự các hội thảo, hội nghị về đổi mới chương trình, phương pháp và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục tổ chức. Tham gia các đợt bồi dưỡng thường xuyên trong hè với các giáo viên phổ thông do Sở Giáo dục tổ chức.

– Giảng viên cần có những giờ giảng mẫu cho sinh viên. Trong quá trình giảng dạy, tôi luôn cố gắng đưa sinh viên đến gần thực tiễn hơn bằng các ví dụ cụ thể và các giờ dạy mẫu, điều này rất quan trọng vì khi học lí luận các em rất mông lung chưa biết cách áp dụng vào thực tiễn như thế nào. Với những giờ dạy mẫu sinh viên sẽ dễ hình dung ra công việc mình cần phải làm khi đứng lớp là gì.

– Tiếp tục mời các giáo viên phổ thông có kinh nghiệm về giảng mẫu cho sinh viên. Công việc này Khoa Sử Địa dã tiến hành từ những năm 2010 và được sự hưởng ứng cao của các sinh viên. Điều này giúp các em rèn luyện được khả năng sư phạm của bản thân một cách nhanh nhất và tốt nhất.

– Cần có thêm các buổi ngoại khóa, sinh hoạt chuyên môn hoặc báo cáo chuyên đề về hồ sơ giáo viên, về công tác kiến tập, thực tập cho sinh viên. Bản thân là một giảng viên môn phương pháp và đã có kinh nghiệm giảng dạy phổ thông nên tôi thường xuyên tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề nhằm giúp đỡ các em sinh viên trang bị thêm kinh nghiệm trước khi ra phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề này cũng chưa được các Khoa quan tâm đúng mức. Vì vậy, tôi mong muốn vấn đề này được triển khai ở qui mô rộng và thường xuyên hơn nữa.

– Rèn cho sinh viên kĩ năng xử lí tình huống sư phạm, kĩ năng của một giáo viên chủ nhiệm. Muốn vậy, chúng ta cần tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, các hội thi nghiệp vụ sư phạm, thi xử lí tình huống sư phạm… Tổ chức các giờ sinh hoạt mẫu, giáo án sinh hoạt mẫu cho sinh viên.

  1. Kết luận

Đổi mới phương pháp dạy – học là một yêu cầu khách quan của thực tế vừa là động lực phát triển, đòi hỏi mỗi người thầy phải nhận thức sâu sắc được vai trò và trách nhiệm tích cực tham gia vào quá trình đổi mới ở đại học, đòi hỏi sinh viên phải thay đổi vai trò, cách học cho phù hợp. Điều này cũng đặt ra cho các nhà quản lý những yêu cầu mới trong việc trang bị cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy học, đánh giá xếp loại sinh viên, giảng viên,… Đây là nghĩa vụ, trách nhiệm và cũng chính là lương tâm của mỗi chúng ta trước những thử thách to lớn trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Qua thực trạng dạy và học ở trường đại học Tây Bắc, Tôi nghĩ rằng đổi mới phương pháp dạy học chính là linh hồn của học chế tín chỉ, là giải pháp tốt nhất để chống lại xu hướng khá phổ biến hiện nay ở các trường đại học khi chuyển sang học chế tín chỉ – xu hướng “bình mới, rượu cũ”. Với thực lực đội ngũ giảng viên không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn cùng với những thay đổi của bộ máy quản lí một cách khoa học. Tôi tin trường ta sẽ thực hiện thành công quá trình chuyển đổi này để hoàn thành sứ mạng của trường: Là trường Đại học đa ngành, là trung tâm đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu ở vùng Tây Bắc, tiếp cận với các trường có đẳng cấp cao trong nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Dược (chủ biên) và các tác giả khác (2004), Lý luận dạy học Địa lý, NXB Giáo dục.
  2. Đặng Văn Đức, Nguyễn Thu Hằng (2004), Phương pháp dạy học địa lí theo hướng tích cực, NXB ĐHSP Hà Nội.
  3. Trần Bá Hoành (2007), Đổi mới phương pháp dạy học Địa Lí và chương trình sách giáo khoa, NXB ĐHSP Hà Nội.
  4. Bộ Giáo dục – Đào tạo (2007), Qui chế đào tạo và cao đẳng hệ chính qui theo hệ thống đào tạo tín chỉ.
  5. Trường Đại học Tây Bắc, Quy chế học vụ theo học chế tín chỉ.
  6. Các tài liệu, bài báo hội thảo về đào tạo theo tín chỉ.