KẾT HỢP SƠ ĐỒ TƯ DUY VÀ THẢO LUẬN NHÓM TRONG DẠY HỌC ĐỊA LÍ Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

382

Nguyễn Thị Huệ

Khoa Khoa học xã hội, Trường Đại học Tây Bắc

TÓM TẮT

Thảo luận nhóm là một phương pháp đáp ứng quan điểm dạy học lấy người học làm trung tâm. Sơ đồ tư duy là một trong những công cụ đắc lực để xác định, lựa chọn ý tưởng cũng như những vấn đề cần giải quyết. Kết hợp sơ đồ tư duy với dạy học theo nhóm sẽ góp phần tích cực vào việc đào tạo năng lực tự học, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết các vấn đề thực tiễn… Nâng cao tinh thần trách nhiệm và khả năng cộng tác làm việc của người học.

Từ khóa: Sơ đồ tư duy; kết hợp; thảo luận nhóm

 

  1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, Sơ đồ tư duy đã được sử dụng khá rộng rãi trong dạy và học ở trường phổ thông cũng như các trường Đại học. Qua thực tế cho thấy việc giảng dạy này đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Sơ đồ tư duy là một công cụ hữu ích giúp sinh viên (SV) trong việc phát triển năng lực cũng như trình bày các ý tưởng một cách rõ ràng, suy nghĩ sáng tạo, tóm tắt thông tin của một bài học hay một cuốn sách, bài báo, hệ thống lại kiến thức đã học, tăng cường khả năng ghi nhớ, đưa ra ý tưởng mới,… Sơ đồ tư duy là công cụ đồ họa nối các hình ảnh có liên hệ với nhau vì vậy có thể vận dụng Sơ đồ tư duy vào hỗ trợ dạy học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau mỗi tiết học, ôn tập hệ thống hóa kiến thức sau mỗi chương,… và giúp SV lập kế hoạch học tập của bản thân [3]. Việc sử dụng Sơ đồ tư duy kết hợp với các phương pháp dạy học tích cực khác thực sự mang lại hiệu quả cao, giúp SV học tập tích cực đó chính là một trong những cách làm thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường Đại học hiện nay.

  1. Nội dung nghiên cứu

2.1. Vai trò của việc học nhóm bằng Sơ đồ tư duy

Ngoài việc ôn tập cá nhân, học tập còn mang tính trải nghiệm chung. Lúc này, Sơ đồ tư duy là phương pháp lí tưởng giúp các nhóm nhỏ nâng cao hiệu năng học tập. Việc học nhóm với Sơ đồ tư duy đem lại nhiều lợi ích [1,2]:

– Học nhóm bằng Sơ đồ tư duy sẽ giúp mỗi thành viên trong nhóm tiếp thu được khoảng 75% nội dung kiến thức của một cuốn sách. Một SV nếu không sử dụng Sơ đồ tư duy bình thường mất rất nhiều thời gian để đọc hết một cuốn sách, tiếp thu khoảng 60-80% lượng thông tin trong cả năm rồi quên đến 80% nội dung đã tiếp thu chỉ trong một tuần. Với Sơ đồ tư duy sẽ giúp SV khắc phục được hạn chế này.

– Học nhóm bằng Sơ đồ tư duy giúp cho nhóm nghe giảng vào tuần học mới dễ dàng hơn bởi lợi thế của nhóm là đã có Sơ đồ tư duy về những cuốn sách chính. Do đó, chỉ cần giảng viên nói đến “chủ đề mới của tuần này” là SV đã định hình một Sơ đồ tư duy cụ thể trong đầu trước cả khi nghe giảng. Sau đó, giảng viên nêu ra những ý hay, SV chỉ việc bổ sung vào Sơ đồ tư duy của mình. Đồng thời, bất kì thông tin nào nghe trong hay ngoài lớp học, giảng đường, buổi thảo luận có liên quan đến chủ đề dưới bất kì hình thức nào đều được não với hệ thống các nút truyền dẫn (synapses) tối ưu bổ sung và phát triển.

Như vậy, học nhóm với Sơ đồ tư duy giúp SV nâng cao được kiến thức thông qua việc truyền đạt bằng Sơ đồ tư duy chứ không phải bằng cách ghi chú tuần tự vốn dễ làm phân tán kiến thức. Đây còn là một trải nghiệm tích cực và thú vị, hoàn toàn trái ngược với những căng thẳng, lo âu trong chuyện học.

2.2. Nguyên tắc đạt hiệu quả làm việc nhóm

Để đạt hiệu quả khi làm việc nhóm, SV cần chú ý 5 nguyên tắc cơ bản sau [5]:

– Nguyên tắc 1. Lựa chọn thành viên nhóm. Đây là một nguyên tắc quan trọng quyết định hiệu quả công việc của nhóm. Nhóm có thể do giảng viên phân công hoặc SV tự chọn. Cần phân bổ các thành viên trong nhóm tương đối hợp lí, có nét tương đồng có thể hỗ trợ nhau để đảm bảo được công việc được giao.

– Nguyên tắc 2. Xác định mục tiêu chung của cả nhóm. Mục tiêu đưa ra phải rõ ràng, phù hợp với công việc được giao. Các thành viên chủ động hợp tác cùng nhau thực hiện những công việc được giao theo mục tiêu đã đề ra. Phải luôn đặt mục tiêu của cả nhóm lên hàng đầu, tránh lan man sang những chủ đề không liên quan.

– Nguyên tắc 3. Có người lãnh đạo nhóm. Cử ra một thành viên làm trưởng nhóm giúp cho việc duy trì nhóm làm việc theo đúng hướng để đạt mục tiêu đề ra.

– Nguyên tắc 4. Xác định vai trò của từng thành viên trong nhóm. Mỗi thành viên đều có những thế mạnh và hạn chế riêng. Vì thế, mỗi thành viên nên trình bày ý kiến một cách rõ ràng, ngắn gọn không làm mất thời gian của cả nhóm.

– Nguyên tắc 5. Tôn trọng các thành viên trong nhóm. Các thành viên trong nhóm cần tôn trọng lẫn nhau, đóng góp ý kiến, lắng nghe ý kiến của thành viên khác. Không chỉ trích hay phản đối ngay ý kiến của người khác cho dù ý kiến đó hợp lí hay không hợp lí.

2.3. Qui trình làm việc nhóm bằng Sơ đồ tư duy

Sử dụng Sơ đồ tư duy trong làm việc nhóm được tiến hành theo các bước sau:

– Bước 1. Hướng dẫn có tổ chức SV thành lập nhóm. Số lượng khoảng 5-7 thành viên một nhóm. Tùy theo yêu cầu và cách đánh giá kết quả mà giảng viên hướng dẫn cách phân chia nhóm cho phù hợp.

– Bước 2. Xác định nhiệm vụ cần thực hiện. Hướng dẫn SV xác định rõ nhiệm vụ của cả nhóm, của từng thành viên trong nhóm và thời gian hoàn thành nhiệm vụ.

– Bước 3. Tiến hành giải quyết công việc. Các thành viên cần nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, cần trao đổi, góp ý… để đi đến thống nhất chung. Trưởng nhóm tổng hợp lại toàn bộ phần việc của từng thành viên, ghi lại nội dung chính trên Sơ đồ tư duy. Chọn thành viên báo cáo công việc của nhóm.

– Bước 4. Kiểm tra đánh giá kết quả đạt được của nhóm. Hướng dẫn SV đánh giá, ghi nhận các kết quả đã thực hiện được trong nhóm. (đánh giá xếp vào điểm chuyên cần).

Tình huống 1. “Trong học phần Lí luận dạy học Địa lí, SV được tìm hiểu về: Các quan điểm và phương pháp dạy học địa lí với thời lượng 22 tiết. Để giúp SV trong quá trình tự học đạt hiệu quả cao, giảng viên phân chia nhóm và giao cho nhóm các nhiệm vụ khác nhau. Yêu cầu các nhóm chuẩn bị ở nhà cho buổi thảo luận trên lớp”.

Bước 1. Cho SV phân chia thành 4 nhóm:

+ Nhóm chẵn (2,4): Nghiên cứu bản chất của quan điểm dạy học lấy HSTT? Trình bày những đặc điểm cơ bản của dạy học HSTT (Mục tiêu; Nội dung dạy học; PPDH; Hình thức tổ chức lớp học).

+ Nhóm lẻ (1,3): So sánh sự khác biệt cơ bản giữa dạy học theo hướng HSTT và GVTT về: Mục tiêu; Nội dung dạy học; PPDH.

Bước 2. Các nhóm bầu nhóm trưởng điều hành công việc của nhóm. Giao nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên, có thể sử dụng SĐTD để lập kế hoạch hoạt động cho cả nhóm.

Bước 3. Tiến hành công việc:

+ Thành viên nhóm hoàn thành nhiệm vụ được giao

+ Nhóm trưởng tổng hợp.

+ Cử người báo cáo

+ Nhóm khác nghe, bổ sung và ghi lại bằng SĐTD.

Bước 4. Các nhóm tự nhận xét và đánh giá. Giảng viên bổ sung, kết luận.

Hình 1. Một nhánh SĐTD nội dung nghiên cứu của nhóm 2,4

Tình huống 2. “Để chuẩn bị tâm thế cho SV bước vào học phần: Phương pháp dạy học địa lí ở trường phổ thông, bạn cần giao nhiệm vụ học tập cho SV. Một trong những nội dung quan trọng trước khi học học phần mới là nghiên cứu giáo trình của học phần đó. Vì thế, bạn sẽ phải hướng dẫn SV tìm hiểu nội dung chính của các cuốn giáo trình phục vụ học phần này. Hình thức nghiên cứu là thảo luận theo nhóm và sử dụng Sơ đồ tư duy trong suốt quá trình làm việc nhóm”.

Nếu việc ghi chú theo Sơ đồ tư duy được kết cấu hợp lí có thể truyền đạt toàn bộ nội dung cuốn sách tới các thành viên của nhóm chỉ trong khoảng 1 giờ. Để đánh giá hiệu quả của Sơ đồ tư duy với việc học nhóm, chúng tôi tiến hành giải quyết tình huống 2 như sau:

– Chia lớp học thành 3 nhóm, mỗi nhóm đọc, lập Sơ đồ tư duy, hiểu và thảo luận 3 cuốn sách trong một buổi học.

+ Nhóm 1. Đọc và nghiên cứu SGK Địa lí lớp 10; Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình SGK Địa lí lớp 10, 11, 12 – NXB Giáo dục Hà Nội, năm 2007.

+ Nhóm 2. Đọc và nghiên cứu SGK Địa lí lớp 11; Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình SGK Địa lí lớp 10, 11, 12 – NXB Giáo dục Hà Nội, năm 2007.

+ Nhóm 3. Đọc và nghiên cứu SGK Địa lí lớp 12; Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình SGK Địa lí lớp 10, 11, 12 – NXB Giáo dục Hà Nội, năm 2007.

– Sinh viên sử dụng Sơ đồ tư duy lập kế hoạch hoạt động của nhóm, giao nhiệm vụ cụ thể tới từng thành viên trong nhóm.

Hình 2. Sơ đồ tư duy kế hoạch hoạt động của nhóm 1

– Tiến hành công việc:

+ Các nhóm đọc sách và ghi chép trên Sơ đồ tư duy theo qui trình đã xây dựng ở phần trên:

* Đọc lướt tìm nội dung chính (SĐTD 3, trang sau)

Hình 3. Sơ đồ tư duy nội dung chính cuốn sách của nhóm 1

* Đọc kĩ để tìm nội dung chi tiết

Hình 4. Sơ đồ tư duy nội dung chi tiết các chủ đề nghiên cứu của nhóm 1

* Đọc lại sách, xử lí những vấn đề hoặc câu hỏi quan trọng rồi điền các chi tiết cuối cùng vào Sơ đồ tư duy.

– Báo cáo, trao đổi: từ Sơ đồ tư duy của nhóm, mỗi thành viên của nhóm trình bày một phần tóm tắt hoàn chỉnh về nội dung học được từ cuốn sách. Mỗi phần thuyết trình kéo dài khoảng 25 phút, giải lao 5-10 phút sau hai phần thuyết trình đầu tiên. Khi một người đang thuyết trình, nhóm khác phải vẽ Sơ đồ tư duy, chỉnh sửa và hoàn thiện Sơ đồ tư duy theo người thuyết trình ít nhất là ngang với mức hiểu của người thuyết trình.

– Các nhóm tự nhận xét và đánh giá. Giảng viên bổ sung, kết luận.

Như vậy, trước khi kết thúc buổi học đầu tiên, tất cả các thành viên trong nhóm đều tiếp thu được vô số thông tin mới từ ba cuốn sách. Điều duy nhất cần làm với cuốn sách trước mặt là đọc lướt qua một chút để bổ sung thông tin cho các Sơ đồ tư duy đã vẽ. Từ những kiến thức đã thu được, SV về nhà tự học, tự nghiên cứu và làm bài tập được giao theo yêu cầu của giảng viên và môn học một cách dễ dàng hơn.

  1. Kết luận

Để áp dụng phương pháp sơ đồ tư duy vào dạy học địa lí có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học thì cần sử dụng kết hợp với các phương pháp dạy học khác một cách linh hoạt, nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình giảng dạy.

Kết hợp Sơ đồ tư duy với dạy học theo nhóm là một hướng đi mới, đem lại hiệu quả rất lớn cho dạy học nói chung và dạy học địa lí nói riêng ở các trường Đại học. Học tập với Sơ đồ tư duy sẽ tạo hướng thú học tập cao hơn, mức độ hiểu bài của SV cũng sâu sắc hơn. Từ đó giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học và góp phần đổi mới PPDH môn Địa lí ở bậc đại học [4].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy (2011), Dạy tốt, học tốt các môn học bằng bản đồ tư duy, Nxb Giáo dục Việt Nam.
  2. Trần Đình Châu, Đặng Thị Thu Thủy (2010), Thiết kế bản đồ tư duy giúp học sinh tự học và tập dượt nghiên cứu toán học, Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ.
  3. Tony Buzan (2008), Sơ đồ tư duy (The mind map book), Nxb tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
  4. Tony Buzan (2007), Bản đồ Tư duy trong công việc, Nxb Lao động – Xã hội.
  5. Đặng Văn Đức, Nguyễn Thị Thu Hằng (2004), Phương pháp dạy học địa lí theo hướng tích cực, Nxb ĐH Sư phạm, Hà Nội.

ABSTRACT

Combining Mindmap and group discussion in geography teaching in Tay Bac university

Key: Mind map; combined; group discussion

Group discussion method is suitable for the standpoint of central leaner. Mind map is one of the influential tool for determining, selecting opinions and problems to be solved. Combining mind map with group teaching will contribute positively the training of self- study ability, problem-solving ability, ability to apply knowledge and skills learned to solve practical problems…. Improve the sense of responsibility and the ability to collaborate and work of learners.