HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN PHỤC VỤ VIỆC DẠY HỌC TRỰC TUYẾN TRONG ĐỢT DỊCH COVID-19 TẠI KHOA KHOA HỌC XÃ HỘI – ĐẠI HỌC TÂY BẮC

483

TS. Tống Thanh Bình – Bộ môn Lịch sử

Từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hệ thống các trường chuyên nghiệp trong cả nước nói chung, trường Đại học Tây Bắc nói riêng phải tạm ngừng việc học tập và giảng dạy tập trung tại trường. Để giúp cho giáo viên, học sinh, sinh viên duy trì nề nếp giảng dạy, học tập và nhanh chóng bắt kịp với tiến độ dạy – học sau kỳ nghỉ, Trường Đại học Tây Bắc đã triển khai nhiều hình thức khác nhau để hướng dẫn học sinh, sinh viên kế hoạch học tập tại nhà.

Theo sự chỉ đạo của Nhà trường và Khoa Khoa học Xã hội, nhiều giảng viên trong Khoa đã triển khai việc dạy học trực tuyến cho các bạn sinh viên trong thời gian nghỉ dịch. Trong đó, phần mềm được các giảng viên sử dụng chủ yếu bao gồm: Classroom, Microsoft Teams và Zoom. Theo đó, các bài giảng được diễn ra như thông lệ bằng các phương tiện di động, giảng viên gửi tài liệu, giao, kiểm tra, chấm bài tập qua Classroom và giảng dạy qua Zoom.

Việc chuẩn bị bài của giảng viên được tiến hành công phu, đa phần các thầy cô sử dụng giáo án Power Point để chuyển tải kiến thức một cách khoa học, hấp dẫn. Đồng thời, việc sử dụng nhiều phương tiện công nghệ trong bài giảng góp phần làm tiết học trở nên cuốn hút và tăng sự tương tác giữa giảng viên và người học. Việc kết hợp các video, âm thanh, hình ảnh, trò chơi ô chữ, thi trắc nghiệm kiến thức… trong và sau mỗi bài học giúp các bạn sinh viên hào hứng hơn.

Tuy nhiên, khi triển khai việc dạy trực tuyến, cả thầy và trò phải đối mặt với không ít khó khăn. Về phía giảng viên, hình thức dạy học trực tuyến còn tương đối mới mẻ với một số giảng viên trong khoa. Đối với các học phần thực hành, thực tập sư phạm cần tổ chức các buổi học trực tiếp thì hình thức dạy học này sẽ khó có thể áp dụng hoặc chỉ có thể áp dụng một phần. Đối với giảng viên, việc xây dựng một bài giảng online cũng đòi hỏi phải bỏ ra nhiều thời gian hơn so với chuẩn bị một bài giảng truyền thống. Về phía sinh viên, điều khó khăn nhất đối với các bạn là tình trạng thiếu thiết bị và chất lượng mạng di động. Đa số các bạn sinh viên ở vùng sâu vùng xa, một số sinh viên ở Lào, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật như máy tính, di động, mạng Internet rất hạn chế. Nhiều bạn sinh viên phải lên nương, nhiều bạn phải di chuyển hàng chục cây số đến thị trấn học nhờ, một số bạn học trên thuyền vì không được lên bờ do công tác kiểm dịch…

Mặc dù vậy, vượt lên trên những khó khăn đó, thầy và trò Trường Đại học Tây Bắc cũng như khoa Khoa học Xã hội vẫn tiến hành công việc giảng dạy như thường lệ. Việc dạy và học trực tuyến đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng. Một số thầy cô đã tổ chức các lớp học online đảm bảo tiến độ thời khóa biểu, đảm bảo chất lượng bài giảng. Hầu hết các bạn sinh viên đều hài lòng sau mỗi tiết học. 

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, việc học tập trung tại Trường chưa diễn ra, việc duy trì các lớp học trực tuyến là hoạt động chuyên môn thiết thực, vừa chống dịch vừa đảm bảo tiến độ chương trình. Trong quá trình giảng dạy, giảng viên và sinh viên khoa Khoa học Xã hội được củng cố thêm nhiều kĩ năng khai thác, sử dụng công nghệ trong dạy và học. Có thể nói, hình thức học tập trực tuyến đã mở ra những cơ hội giúp người dạy và người học tiếp cận nhiều thành tựu của công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tây Bắc trong thời đại hội nhập.

Một số hình ảnh liên quan:

Ảnh 1 và 2: Cô và trò trong giờ học trực tuyến

Ảnh 3: Một số phần mềm quản lý lớp học trực tuyến được Khoa KHXH sử dụng.

Ảnh 4: Một số ứng dụng, trò chơi, thí nghiệm mô phỏng để duy trì hứng thú trong giờ học online.

Ảnh 5:Giáo án điện tử phục vụ giờ học trực tuyến