HÀNH TRÌNH THEO CHÂN BÁC HỒ!

219
Hoàng Thị Thanh Giang (ST)
Cách đây 100 năm, ngày 1-7-1922, trên tờ “Le Paria” (Người cùng khổ) đăng 2 bài viết của Nguyễn Ái Quốc: “Những kẻ đi khai hóa” và “Thù ghét chủng tộc”. Cả hai bài báo đều lên án những hành vi man rợ của chủ nghĩa thực dân tại các thuộc địa của Pháp, từ châu Phi cho tới Đông Dương, và đối với cả những người Pháp đã lên án những hành vi man rợ ấy.
Ngày 1-7-1924, tham dự Đại hội V của Quốc tế Cộng sản, tại phiên họp thứ 22, Nguyễn Ái Quốc lại đăng đàn thẳng thắn phê bình các đảng của các nước có thuộc địa chưa thi hành một chính sách tích cực. Nguyễn Ái Quốc kết luận: “Thưa các đồng chí, vì chúng ta tự coi mình là học trò của Lênin, cho nên chúng ta cần phải tập trung tất cả sức lực và nghị lực để thực hiện trên thực tế những lời di huấn quý báu của Lênin đối với chúng ta về vấn đề thuộc địa cũng như các vấn đề khác”.
Ngày 1-7-1942, Báo Việt Nam Độc lập, xuất bản tại Chiến khu Cao Bằng, đăng một bài thơ ngụ ngôn của Bác với nhan đề “Con cáo và tổ ong”. Sau khi kể lại việc đàn ong đã đoàn kết chống trả cáo để bảo vệ tổ của mình, Bác kết luận: “Bây giờ ta thử so bì/Ong còn đoàn kết huống chi là người/Nhật Tây áp bức giống nòi/Ta nên đoàn kết để đòi tự do”.
Ngày 1-7-1946, tại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đón tiếp nhiều Việt kiều đến thăm. Họa sĩ Vũ Cao Đàm xin vẽ và nặn tượng Bác. Cùng ngày, nhiều nhà văn, trí thức tiến bộ Pháp đến chào Bác như Louis Aragon, Jean Richard Bloch, Pierre Emmanuel…
Ngày 1-7-1947, Bác viết thư gửi một số nhân sĩ họ Đinh ở Hòa Bình đã vận động đồng bào Mường ở địa phương tham gia kháng chiến.
Cùng ngày, Bác viết thư động viên nhà thơ Huyền Kiêu đã viết bản trường ca “Hồ Chí Minh – Tinh hoa dân tộc”: “…Tôi mong chú và anh chị em văn nghệ sĩ trong Hội Văn hóa cứu quốc đi sâu hơn nữa vào cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, sáng tác được nhiều tác phẩm phục vụ cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi của nhân dân ta”.
Ngày 1-7-1954, viết trên Báo Nhân Dân, trong bài “Những việc vô lý”, Bác bình luận về những bài viết trên báo chí Pháp đề cập tới tội ác của quân viễn chinh Pháp để đi đến nhận định, với nước Pháp và binh sĩ Pháp, “cuộc chiến tranh này thật là vô nghĩa… Nó đã đưa thực dân Pháp đến Điện Biên Phủ và sẽ đưa chúng đến nhiều Điện Biên Phủ khác nữa”.
Ngày 1-7-1958, Báo Nhân Dân đăng bài viết “Mấy kinh nghiệm Trung Quốc”, trong lời kết Bác lưu ý: “Chúng ta phải học kinh nghiệm quý báu của các nước anh em. Cố nhiên phải vận dụng những kinh nghiệm ấy một cách sáng tạo, hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta, chứ không nên học một cách máy móc”.
Ngày 1-7-1960, nói chuyện tại Đại hội Đảng bộ và các cơ quan dân chính Đảng Trung ương, Bác vạch rõ: “Tuy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã xong, nhưng chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một thứ giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu… Cho nên đảng viên ta cũng phải có thêm tinh thần như thanh niên “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”.
Có thể là hình ảnh về 8 người, mọi người đang đứng và ngoài trời