GIÁO DỤC KĨ NĂNG SỐNG CHO HỌC SINH LỚP 10 THÔNG QUA HOẠT ĐỘNG TỔ CHỨC TRÒ CHƠI ĐỊA LÍ

168

Nguyễn Thị Huệ – KHXH

TÓM TẮT

Hiện nay, nội dung giáo dục kĩ năng sống đã được đưa vào dạy cho học sinh trong các trường phổ thông, dưới nhiều hình thức khác nhau. Nội dung giáo dục kĩ năng sống được tích hợp trong một số môn học và hoạt động giáo dục có tiềm năng trong trường phổ thông.

Địa lí là môn học có nhiều điều kiện thuận lợi để tích hợp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh vì có nhiều kiến thức thực tế gắn với tự nhiên, kinh tế – xã hội. Thông qua tổ chức dạy học, đặc biệt là thông qua hoạt động tổ chức trò chơi học sinh sẽ có nhiều cơ hội tích hợp giáo dục kĩ năng sống.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả làm rõ hơn vai trò tầm quan trọng của giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; những thuận lợi của môn Địa lí để tích hợp giáo dục kĩ năng sống; cách giáo dục kĩ năng sống thông qua hoạt động tổ chức trò chơi theo các bước cụ thể như thế nào.

 Từ khóa: giáo dục; kĩ năng sống; trò chơi Địa lí

  1. Đặt vấn đề

Các  nhà nghiên cứu đã tìm ra kĩ năng chung cho mối quan hệ hiệu quả của công dân, thường được gọi là kĩ năng sống (KNS). Đó là một mục đích thiết yếu của quá trình giáo dục. Như người Việt Nam chúng ta thường nói, giáo dục phải đồng thời dạy chữ đi đôi với dạy người. Dạy người phải hướng tới tạo cho người học khả năng thích ứng với xã hội, ứng xử tích cực trong các mối quan hệ xã hội, các tình huống của cuộc sống – Đó chính là dạy cho người học KNS để xử trí một cách hiệu quả các đòi hỏi và thử thách của cuộc sống thường ngày. Đó là những kĩ năng thiết thực mà mỗi công dân trong xã hội đều cần để có cuộc sống an toàn, khỏe mạnh và hiệu quả.

Hiện nay, nội dung giáo dục kĩ năng sống đã được nhiều quốc gia trên thế giới đưa vào dạy cho học sinh trong các trường phổ thông, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ở Việt Nam, để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ với mục tiêu là giáo dục toàn diện học sinh cả về đức, trí và các năng lực khác cho học sinh. Đảng ta đã xác định con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển xã hội, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần phải có những con người lao động mới phát triển toàn diện. Nếu đơn thuần chỉ thiên về đào tạo tri thức (dạy chữ), sẽ tạo nên thế hệ học sinh không toàn diện, khó ứng phó với thực tế của cuộc sống. Nền kinh tế xã hội nước ta đang phát triển với một tốc độ nhanh, kéo theo đó là sự xuất hiện nhiều vấn đề mà đòi hỏi mỗi con người cần có những kĩ năng sống nhất định để có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề đặt ra.

Xã hội hiện đại luôn đòi hỏi con người có những kĩ năng ứng phó trước những tình huống xảy ra trong cuộc sống nên việc rèn luyện cho học sinh (HS) có được kĩ năng sống là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Điều này giúp trang bị cho các em những kiến thức giá trị, thái độ và kĩ năng phù hợp; từ đó hình thành cho học sinh những hành vi, thói quen lành mạnh, tích cực; loại bỏ những hành vi, thói quen tiêu cực trong cuộc sống; tạo cơ hội cho các em có khả năng xử lý mọi vấn đề xảy ra trong sinh hoạt hàng ngày. Nhà trường phổ thông có mục đích quan trọng nhất là dạy chữ cho các em, truyền đạt những tri thức khoa học để các em chuẩn bị đầy đủ hành trang tri thức bước vào đời. Các em HS khi đến trường ngoài tiếp xúc với môi trường giáo dục các em còn tiếp cận với xã hội mà ở đó nhiều vấn đề của cuộc sống đòi hỏi các em phải có kĩ năng giải quyết hợp lí mới đem lại hiệu quả tích cực. Bởi vậy, chúng ta chỉ quan tâm đến việc dạy nội dung địa lí nói riêng sẽ rất khó tạo ra thế hệ HS có đầy đủ phẩm chất trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Địa lí là môn học có nhiều điều kiện thuận lợi để tích hợp giáo dục kĩ năng sống (GDKNS) cho HS vì có nhiều kiến thức thực tế gắn với tự nhiên, kinh tế – xã hội. Thông qua tổ chức dạy học, đặc biệt là thông qua hoạt động tổ chức trò chơi HS sẽ có nhiều cơ hội tích hợp GDKNS như: Kĩ năng tự phục vụ, kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng thể hiện sự tự tin, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng lắng nghe tích cực, kĩ năng hợp tác, kĩ năng giải quyết vấn đề, kĩ năng tư duy sáng tạo, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng quản lý thời gian… Với mong muốn giúp cho các giáo viên đa dạng hóa hơn các hình thức giáo dục KNS cho HS trong các trường phổ thông hiện nay. Trong khuôn khổ bài viết này tác giả đã đưa ra tầm quan trọng cũng như những thuận lợi của môn Địa lí trong việc GDKNS cho HS; Cách thức GDKNS thông qua việc thiết kế một hoạt động trò chơi theo từng bước cụ thể cho HS lớp 10 như thế nào?

  1. Phương pháp nghiên cứu

Với mục đích chính là GDKNS cho HS lớp 10 thông qua hoạt động tổ chức trò chơi địa lí. Đặc biệt rèn luyện cho các em một số KNS quan trọng như kĩ năng tự sáng tạo, tự đánh giá, tự đưa ra quyết định… Tác giả đã sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chính như:

– Phương pháp phân tích và xử lí tài liệu: Trong quá trình nghiên cứu, tác giả đã thu thập các tài liệu có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Phương pháp tổng hợp và xử lý tài liệu giúp cho việc tham khảo các tài liệu đó một cách hợp lý, không sao chép máy móc, giúp tác giả tổng quan được cơ sở lí luận và cơ sở thực tiễn của vấn đề GDKNS cho HS.

  1. Nội dung nghiên cứu

3.1. Khái quát chung về giáo dục kĩ năng sống

3.1.1. Khái niệm

Kĩ năng sống là một phạm trù rộng bao hàm nhiều vấn đề của cuộc sống, đó là những vấn đề phát sinh trong mối quan hệ giữa con người và con người, con người với thiên nhiên nhiên, con người với sự phát triển kinh tế – xã hội… Những người có kĩ năng sống là những người có sự trải nghiệm hiệu quả nhất, giúp giải quyết hoặc đáp ứng những nhu cầu cụ thể, trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của con người. [1]

 Cũng có thể hiểu kĩ năng sống là hành trang luôn đi theo con người, giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn hướng con người đến cái chân, thiện, mỹ của cuộc sống. Kĩ năng sống có thể hình thành một cách tự nhiên, thông qua giáo dục hoặc do tự rèn luyện của con người. Hiện nay, khái niệm về kĩ năng sống vì thuộc về lĩnh vực hành vi của con người nên có nhiều quan niệm khác nhau:

Theo quan niệm dân gian kĩ năng sống là cách làm người, cách đối nhân xử thế của con người, là con người ăn ở có nhân có đức, có lễ có nghĩa, có trước có sau, một người có kĩ năng sống là người tốt về nhiều nghĩa, được mọi người kính trọng và là tấm gương cho người khác học tập.

Như vậy, những quan niệm nêu trên đều cùng chứa những nội hàm sau:

+ Là khả năng thực hiện hoạt động hay hành động phù hợp.

+ Là năng lực ứng xử tích cực trước những thách thức của đời sống.

+ Chỉ có được một khi được rèn luyện, tích luỹ kinh nghiệm, thông qua giáo dục và tự rèn luyện của con người.

Với những nội dung như vậy có thể đưa ra một khái niệm như sau: Kĩ năng sống là khả năng làm cho hành vi và sự thay đổi của mình và người khác phù hợp với cách ứng xử tích cực, giúp con người có thể kiểm soát, quản lí có hiệu quả các nhu cầu và thách thức trong cuộc sống, đồng thời giúp con người giải quyết có hiệu quả những khó khăn, thách thức trong cuộc sống.

Giáo dục kỹ năng sống là một quá trình tác động sư phạm có mục đích, có kế hoạch nhằm hình thành năng lực hành động tích cực, có liên quan tới kiến thức và thái độ, giúp cá nhân có ý thức về bản thân, giao tiếp, quan hệ xã hội, thực hiện công việc, ứng phó hiệu quả với các yêu cầu thách thức của cuộc sống hàng ngày…

Định hướng của GDKNS cho HS là giúp cho các em làm chủ bản thân, ứng xử phù hợp với cộng đồng và xã hội, thích nghi, học tập hiệu quả, nâng cao sức khỏe, tinh thần và thể chất, ứng phó tích cực trong các tình huống của cuộc sống. GDKNS là hướng đến thay đổi hành vi theo hướng tích cực. KNS được xem là biểu hiện của chất lượng giáo dục, là một trong những tiêu chí đánh giá chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, GDKNS trở thành mục tiêu, chiến lược giáo dục của các cơ sở đào tạo.

3.1.2. Tầm quan trọng của giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 10

Học sinh trung học phổ thông nói chung và HS lớp 10 nói riêng đang ở trong độ tuổi thanh niên, lứa tuổi đang phát triển mạnh về cả thể chất và tinh thần. Nhu cầu hoạt động và giao tiếp của các em đang phát triển mạnh. Do đó, ý thức về cuộc sống, về bản thân, về con người cũng phát triển; các năng lực cá nhân cũng dần hình thành. Đời sống tình cảm của các em cũng rất phong phú, thể hiện rõ nhất trong quan hệ tình bạn (đồng giới hoặc khác giới). Nó chi phối tình cảm và xu hướng hoạt động của các em. GDKNS nếu biết khai thác những khía cạnh tích cực trong đặc điểm tâm lí của HS sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp các em phát triển nhân cách. Bên cạnh đó, môi trường xã hội cũng ảnh hường rất lớn đến nhân cách của HS. Bối cảnh hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường hiện nay với những tác động tích cực và tiêu cực đan xen khiến trẻ luôn luôn phải có sự lựa chọn, phải đương đầu với những áp lực, thử thách, nếu không được hướng dẫn, các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực như nghiện hút, bạo lực, ăn chơi sa đoạ. GDKNS giúp các em ứng phó với những vấn đề của lứa tuổi HS trung học phổ thông như phòng tránh lạm dụng game, phòng tránh rủi ro trong quan hệ giới tính, phòng tránh sử dụng chất gây nghiện, phòng tránh bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, như hiện tượng đánh, chửi nhau, dùng những lời lẽ không đạo đức của HS đối với giáo viên…

GDKNS thúc đẩy sự phát triển cá nhân và xã hội: HS lớp 10 là lớp đầu cấp, các em đã tự chịu trách nhiệm với bản thân. Khi đến trường ngoài tiếp xúc với môi trường giáo dục trong nhà trường các em còn tiếp cận với xã hội mà ở đó nhiều vấn đề của cuộc sống đòi hỏi các em phải có kiễn thức về nó, phải có kĩ năng giải quyết hợp lí mới đem lại hiệu quả tích cực. Cuộc sống là một bức tranh đa dạng, sinh động nhưng cũng đầy thách thức, phức tạp. Để tồn tại và phát triển trong thế giới ngày nay và đương đầu một cách có hiệu quả với hàng loạt những vấn đề gặp phải, mỗi người cần có bản lĩnh, có những kĩ năng riêng để xử trí với những đòi hỏi và thử thách hàng ngày. Nếu như chúng ta chỉ quan tâm đến việc dạy chữ sẽ rất khó tạo ra thế hệ HS có đầy đủ phẩm chất trong công cuộc đổi mới hiện nay.

GDKNS là yêu cầu cấp thiết đối với HS lớp 10 THPT: Thực tế cho thấy khi các em chuyển cấp sang một môi trường học tập mới cần có nhiều kĩ năng để phát triển hoàn thiện bản thân. Hiện nay nhiều HS rất thiếu các kĩ năng cơ bản cần trong cuộc sống hiện đại như: kĩ năng giao tiếp, kĩ năng sinh hoạt tập thể, kĩ năng hoá giải căng thẳng… Trong khi để cùng học tập sinh sống và làm việc trong xã hội hiện đại những kĩ năng này không thể thiếu, nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục và xã hội học cho rằng việc nhiều bộ phận HS ở nước ta hiện nay thiếu các kĩ năng để có thể đương đầu và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, có một nguyên nhân quan trọng là những bất cập trong chương trình giáo dục ở nhà trường “trong suốt thời gian dài chúng ta chỉ quan tâm đến giáo dục trí dục, nhiều trường nhiều địa phương lấy tỉ lệ HSh đỗ tốt nghiệp, HS đạt điểm cao là thước đo chất lượng giáo dục mà ít quan tâm đến sự chăm ngoan, chuyên cần, phát triển nhân cách cho HS” [3]. Điều này sẽ dẫn đến sự khập khiễng trong đào tạo, một tiền lệ xấu cho đầu ra của giáo dục.

GDKNS sẽ giúp các em thích nghi với cuộc sống hiện đại ngày nay, đòi hỏi mỗi con người cần có nhiều hơn các kĩ năng sống ‘nghệ thuật sống’, những người vừa có kiến thức vừa có cách sống sẽ nhanh và sẽ thành công hơn, thậm chí trong nhiều công việc nghệ thuật sống còn quan trọng hơn cả tri thức, với mục tiêu đào tạo con người mới với đầy đủ đức, tài phục vụ cho đất nước; ngành giáo dục nước ta ngoài việc đào tạo tri thức cần chú ý nhiều hơn đến giáo dục kĩ năng sống cho HS

GDKNS cho HS lớp 10 cũng là một cách bồi dưỡng cho HS kĩ năng làm việc mà các em rất cần trong tương lai, đây cũng là cách hình thành nhân cách, rèn luyện đạo đức cho HS.

Có thể đưa ra các lợi ích của việc GDKNS cho HS phổ thông nói chung và HS lớp 10 nói riêng như sau:

+ Về mặt sức khỏe: Xây dựng hành vi lành mạnh tạo khả năng bảo vệ sức khỏe cho mình và cho mọi người trong cộng đồng.

+ Về mặt giáo dục: Mối quan hệ thân thiện, cởi mở giữa thầy trò, sự hứng thú tự tin, chủ động sáng tạo học tập của HS, tăng cường sự tham gia của HS, nâng cao hiệu quả giáo dục.

+ Về mặt văn hóa – xã hội: Thúc đẩy hành vi mang tính xã hội, giảm bớt tỉ lệ phạm pháp trong thanh thiếu niên, giảm tỉ lệ nghiện ma túy và bị lạm dụng tình dục ở tuổi vị thành niên.

+ Về mặt chính trị: Giải quyết một cách tích cực nhu cầu về quyền của trẻ em. Các em xác định được bổn phận và nghĩa vụ của mình đối với bản thân, gia đình và xã hội.[4]

Qua các nội dung trên có thể khẳng định rằng GDKNS cho học sinh THPT nói chung và học sinh lớp 10 nói riêng hiện là vấn đề quan trọng đòi hỏi cần tiến hành ngay trong nhà trường.

3.2. Những thuận lợi của môn Địa lí lớp 10 THPT để giáo dục kĩ năng sống cho học sinh

Môn Địa lí lớp 10 THPT có nhiều thuận lợi để GDKNS cho HS, bởi:

– Mục tiêu của bộ môn đã tạo cơ hội tốt cho việc GDKNS như:

+ Mục tiêu về kĩ năng: “hình thành và phát triển ở HS kĩ năng thu thập, xử lí và trình bày thông tin địa lí; kĩ năng vận dụng tri thức để bước đầu tham gia giải quyết những vấn đề của cuộc sống phù hợp với khả năng của HS”.

+ Mục tiêu về thái độ: “Góp phần bồi dưỡng cho HS có ý thức trách nhiệm và tích cực tham gia vào các hoạt động sử dụng hợp lí, bảo vệ, cải tạo môi trường; nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình và cộng đồng”.

– Nội dung môn Đia lí lớp 10 cung cấp cho HS một số vấn đề của thế giới đương đại, cả những mặt tích cực cũng như những mặt tiêu cực; một số vấn đề về tự nhiên và xã hội, kinh tế đại cương, thông qua những nội dung này có thể giáo dục cho các em một số KNS như kĩ năng ứng phó và tự bảo vệ trước những thiên tai, những hiểm họa trong xã hội có nguy cơ ảnh hưởng tới cuộc sống lành mạnh và an toàn của các em; đồng thời cũng hình thành ở các em kĩ năng cảm thông, chia sẻ với những con người sống ở mọi nơi trên đất nước ta nói riêng cũng như trên thế giới nói chung gặp những khó khăn, bất hạnh, rủi ro trong cuộc sống bởi những thảm họa tự nhiên, những cuộc xung đột giữa các quốc gia; kĩ năng tư duy khi phân tích, so sánh, phán đoán; tìm kiếm và xử lí các thông tin về các sự vật, hiện tượng địa lí…

Một số phương pháp dạy học (PPDH) đặc trưng của bộ môn có nhiều khả năng hình thành và rèn luyện kĩ năng tư duy cho HS (phân tích, so sánh, phán đoán…; tư duy không gian). Việc thực hiện đổi mới PPDH theo định hướng tích cực hóa người học, với các PPDH tích cực như PPDH nhóm, giải quyết vấn đề…tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành các kĩ năng giao tiếp, làm chủ bản thân; kĩ năng giải quyết vấn đề.

3.3. Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh lớp 10 thông qua tổ chức trò chơi địa lí

3.3.1. Khái quát chung về trò chơi địa lí

Trò chơi địa lí là trò chơi học tập, các hoạt động được thiết kế dưới dạng trò chơi để HS tham gia.

– Trò chơi địa lí thường được tổ chức vào nhiều hoàn cảnh khác nhau: trong buổi dạ hội địa lí, trong sinh hoạt câu lạc bộ địa lí, trong dã ngoại địa lí…

3.3.2. Ý nghĩa của trò chơi địa lí

– Mở rộng, nâng cao kiến thức, kĩ năng địa lí đã học trong chương trình chính khóa.

– Phát huy được sự nhanh trí, sáng tạo rèn luyện tính tập thể cho các em HS.

– Tạo hứng thú học tập, niềm tin và tình cảm của HS được nâng cao.

– Qua trò chơi địa lí giáo dục cho các em HS các kĩ năng sống cơ bản như:

+ Kĩ năng hoạt động nhóm

+ Kĩ năng hóa giải stress và căng thẳng

+ Kĩ năng ra quyết định

Trong chương trình địa lí lớp 10 có nhiều bài học có thể thiết kế tổ chức trò chơi cho HS. Việc GDKNS thông qua trò chơi địa lí đạt hiệu quả nhất là khi khuyến khích các em HS cùng tham gia vào hoạt động trò chơi vì hoạt động trò chơi có không khí vui vẻ. Mặt khác khi tham gia trò chơi cũng đồng nghĩa với việc đưa ra một quyết định do vậy rất thuận lợi để GDKNS.

3.4. Cách thức tổ chức giáo dục kĩ năng sống thông qua trò chơi địa lí

3.4.1. Các bước tiến hành giáo dục kĩ năng sống cho học sinh thông qua tổ chức trò chơi địa lí

Để tiến hành GDKNS ra quyết định cho HS thông qua tổ chức trò chơi địa lí giáo viên nên thực hiện theo các bước như sau:

– Bước 1. Giáo viên hướng dẫn HS hiểu vấn đề

+ Học sinh phải hiểu vấn đề (giả sử vấn đề đưa ra là hệ quả chuyển động của Trái Đất xung quanh Mặt Trời).

+ Để hiểu rõ vấn đề, bạn hãy đặt câu hỏi: “Ta cần quyết định điều gì?” và tự trả lời: Vấn đề cần quyết định của bạn là “mọi nơi trên trái đất đều có ngày đêm dài ngắn khác nhau hay không ?”

– Bước 2. Giáo viên tổ chức cho HS nhận định giải pháp. Sau khi hiểu vấn đề các em hãy nhận định các giải pháp:

+ Những lựa chọn của bạn là gì? (Ví dụ: đúng mọi nơi trên Trái Đất đều có ngày đêm dài ngắn khác nhau,/Không phải mọi nơi đều có ngày đêm dài bằng nhau/ tùy theo vĩ độ mà ngày đêm dài ngắn khác nhau…).

+ Nghĩ đến các cách mà bạn có thể giải quyết được vấn đề. (Với mỗi lựa chọn kể trên, bạn sẽ phải làm gì để đạt được điều bạn mong muốn?).

+ Tham khảo ý kiến từ những người khác, thầy cô, bạn bè, sách vở.

+ Lắng nghe những ý kiến góp ý và phân tích trên cơ sở hiểu biết của bản thân.

+ Đưa ra các lý lẽ tán thành và phản đối của mỗi lựa chọn.

+ Lựa chọn một số giải pháp thực thi (Ví dụ: Bạn chọn cả hai phương án là trên Trái Đất có ngày đêm dài ngắn khác nhau/tùy theo vĩ độ địa lí mà ngày đêm có sự dài ngắn khác nhau).

+ Suy nghĩ và so sánh từng giải pháp.

+ Xác định hậu quả tiềm tàng và các kết quả có thể đạt được cho mỗi lựa chọn.

– Bước 3. HS đưa ra giải pháp. Sau khi lựa chọn giải pháp các em quyết định đâu là giải pháp tốt nhất, sau đó làm theo giải pháp đó.

+ Kết hợp tất cả các thông tin để quyết định đâu là sự lựa chọn tốt nhất.

+ Quyết định và thực hiện.

+ Chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

3.4.2. Mẫu thiết kế cụ thể

Ví dụ. Tên trò chơi: kẻ dấu tên. Vận dụng: sau khi học xong các bài trong phần địa lí tự nhiên đại cương.

– Mục tiêu

+ Kiến thức: mở rộng làm rõ các kiến thức đã được học trong phần chương II, III, IV địa lí lớp 10 cơ bản.

+ Kĩ năng: rèn luyện kĩ năng liên hệ thực tế, kĩ năng hoạt động nhóm.

+ Thái độ: hình thành cho học sinh ý thức yêu, bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống quanh mình.

+ Giáo dục các kĩ năng sống cơ bản cho HS như:

  • Kĩ năng ra quyết định.
  • Kĩ năng hóa giải stress
  • Kĩ năng xác định giá trị

– Tiến trình hoạt động:

Bước 1. Giáo viên tổ chức cho HS hiểu vấn đề, bao gồm các hoạt
động sau:

+ Người tổ chức yêu cầu các em HS tham gia chơi phải nắm rõ yêu cầu cuộc chơi.

+ HS phải nhận định vấn đề sau đó đưa ra quyết định phù hợp trong khoảng thời gian ngắn nhất, vì quyết định của bạn sẽ ảnh hưởng đến kết quả chọn lựa của bạn.

+ Khoảng 4 – 6 em HS tham gia chơi, người chơi có tờ giấy có kẻ các ô, có bút ghi.

Bước 2: Giáo viên tổ chức cho HS đưa ra giải pháp, trong đó bao gồm các hoạt động

+ Người tổ chức chơi đọc tên các ô, tương ứng với nó là các yêu cầu về đặc điểm đại dương, kiểu khí hậu, các dạng địa hình…

+ Người chơi phải xác định đúng tên của đối tượng và ghi vào ô. Để HS đưa ra quyết định phù hợp trong trường hợp này giáo viên gợi ý cho các em như sau:

Hiểu vấn đề, bạn phải quyết định gì? Các nội dung liên quan đến địa lí tự nhiên đại cương.

Đảm bảo tập trung lựa chọn chính xác kết quả? Dạng địa hình gì? Đại dương nào? Kiểu khí hậu gì?

Đưa ra quyết định và điền vào giấy theo yêu cầu của người tổ chức trò chơi

Bước 3. Người tổ chức đưa ra giải pháp

+ Người tổ chức thông báo đáp án

Đại dương rộng nhất trên thế giới là Thái Bình Dương.

Dạng địa hình có bề mặt bằng phẳng, được hình thành do phù sa sông, băng hà là địa hình đồng bằng.

Khí hậu ôn hòa, có 4 mùa trong năm, thuộc các vĩ độ trung bình là ôn đới.

+ Người chơi (HS) tự đánh dấu các ô đúng.

Thông qua trò chơi tuy đơn giản nhưng HS được rèn luyện kĩ năng đưa ra những quyết định trong các tình huống cụ thể. Các em phải cân nhắc xem quyết định của mình đúng hay sai, nó sẽ ảnh hưởng như nào đến kết quả của mình. Nếu quyết định đó là đúng sẽ giúp các em tự tin, tạo sự hưng phấn trong học tập. Ngược lại nếu quyết định sai sẽ tạo cho các em tâm lí chán nản làm ảnh hưởng đến kết quả học tập.

3.4.3. Những lưu ý khi giáo dục kĩ năng sống thông qua trò chơi địa lí

Khi tham gia trò chơi để giáo dục kĩ năng ra quyết định cho HS giáo viên nên cho các em nắm rõ một số yêu cầu như sau:

+ Yêu cầu HS phải hiểu vấn đề (giả sử vấn đề đưa ra là hệ quả chuyển động của trái Đất xung quanh Mặt Trời) trong đó bạn phải quyết định điều là: hệ quả chuyển động quanh Mặt Trời của Trái Đất.

+ Các em phải nhận định giải pháp: Sau khi hiểu vấn đề các em hãy nhận định các giải pháp, khi lựa chọn giải pháp cần chú ý: Tham khảo ý kiến từ những người khác, thầy cô, bạn bè, sách vở, lắng nghe những ý kiến góp ý và phân tích trên cơ sở hiểu biết của bản thân.

+ Các em cần xác định một giải pháp hiệu quả nhất và thực hiện theo giải pháp đó.

Đối với giáo viên cần chú ý lựa chọn các trò chơi phù hợp tập trung vào một số KNS quan trọng không nên dàn trải.

Trong quá trình dạy học địa lí lớp 10 THPT bên cạnh việc hình thành các kĩ năng đặc thù của bộ môn như kĩ năng sử dụng bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh…các KNS như tìm kiếm và xử lí thông tin; phân tích đối chiếu; kiềm chế cảm xúc; tự khẳng định bản thân…cũng được hình thành. Vì thế trong quá trình dạy học các giáo viên cần chú trọng việc GDKNS cho HS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú không chỉ trong các giờ lên lớp mà cả trong các hoạt động ngoại khóa.

Việc GDKNS thông qua hoạt động tổ chức trò chơi thực sự mang lại hiệu quả cao tạo thuận lợi giúp các em HS dễ dàng trao đổi, bộc lộ, học tập và rèn luyện các kĩ năng sống. Bởi vậy việc GDKNS cho HS phổ thông ngày càng trở nên cấp thiết nhằm đào tạo “con người mới” với đầy đủ các mặt: trí, đức, thể, mỹ để góp phần xây dựng sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Qua bài viết, tác giả mong muốn việc GDKNS thông qua môn học đặc biệt là bộ môn Địa lí được tiến hành phổ biến hơn và nó được xem là nhiệm vụ và trách nhiệm của mỗi người giáo viên. Để GDKNS trong dạy học có hiệu quả, mỗi giáo viên cần phải chuẩn bị chu đáo, lựa chọn những nội dung phù hợp với bài học. Cần kết hợp nhiều phương pháp, cách thức trong cùng một giờ học để giờ học sinh động, HS tích cực hơn. Đặc biệt để việc GDKNS thể hiện một cách tự nhiên không gò bó, gượng ép và không ảnh hưởng đến thời gian, lượng kiến thức trọng tâm cũng như chương trình môn học các giáo viên cần tăng cường chú trọng tới các hoạt động ngoài giờ như tổ chức trò chơi là một trong những hướng đi mang lại hiệu quả cao.

 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Tài liệu tập huấn kĩ năng sống và giới, NXB Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.
  2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Giáo dục kĩ năng sống trong môn Địa lí ở Trường Trung Học Phổ Thông, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  3. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Giáo dục kĩ năng sống trong hoạt động Giáo dục ngoài giờ lên lớp ở Trường Trung Học Phổ Thông, NXB Giáo dục, Hà Nội.
  4. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2010), Giáo dục kĩ năng sống trong môn Giáo dục công dân ở Trường Trung Học Phổ Thông, NXB Giáo dục, Hà Nội.

 

 

ABSTRACT

EDUCATION OF LIVING SKILLS FOR STUDENTS THROUGH GAME ORGANIZATION ACTIVITIES

 

Keywords: Education; Life skills; Geography games

Currently, the content of life skills education has been introduced to students in high schools, under many different forms. The content of life skills education is integrated in a number of potential educational subjects and activities in high schools. Geography is a subject with many favorable conditions for integration and education of life skills for students because there are many practical knowledge associated with nature, socio-economy. Through teaching organizations, especially extracurricular teaching, there will be many opportunities to integrate life skills education for students.

Within the scope of this article, the author clarifies the important role of life skills education for students; advantages of Geography to integrate life skills education; How to educate life skills through activities of organizing games in specific steps?