“Đi Tìm Lẽ Sống”: Sức Mạnh Thần Kỳ Đánh Bại Mọi Nghịch Cảnh!

407

“Đi Tìm Lẽ Sống”: Sức Mạnh Thần Kỳ Đánh Bại Mọi Nghịch Cảnh!

Hoàng Thị Thanh Giang

Khoa Khoa học xã hội

Đi tìm lẽ sống của Viktor E.Frankl là cuốn sách đã truyền cảm hứng cho bạn đọc trên khắp thế giới trong suốt một thập kỷ qua. Cuốn sách, dưới góc nhìn của một người trong cuộc, đã kể về cuộc sống của những người tù trong Trại tập trung của Đức quốc xã – nơi nổi tiếng là “địa ngục trần gian”, được xây dựng để tàn sát hàng triệu người. 

Cuốn sách có hai phần chính. Phần một kể về những trải nghiệm trong trại tập trung của tác giả và những người bạn tù của ông. Trong suốt thời gian ở tù, tác giả vẫn tập trung nghiên cứu về “liệu pháp ý nghĩa”, một phương pháp chữa trị tâm lý mà tác giả tin sẽ có tác dụng lớn không chỉ với những người trên trong mà cả bên ngoài trại giam. Vấn đề học thuật và mang nhiều lý thuyết này được thảo luận và phân tích trong phần hai của cuốn sách. Từ đó người đọc có thể rút ra được những bài học quý báu về khát khao, nghị lực vượt qua nghịch cảnh.

Trạng thái tâm lý của những người tù được tác giả miêu tả qua những câu chuyện ngắn, từ lúc bắt đầu trở thành tù nhân, đến khi đã được tự do hoàn toàn. Những cảm xúc “khác biệt” này phụ thuộc nhiều vào hai yếu tố: hoàn cảnh sống khách quan và ý chí chủ quan của mỗi cá nhân. Giai đoạn đầu sau khi nhập trại

Triệu chứng đặc trưng cho giai đoạn đầu là bị sốc. Trong một số trường hợp nhất định, cú sốc diễn ra ngay cả trước khi những người tù bắt đầu nhập trại. Tác giả đã lấy ví dụ từ chính tâm lý của mình.

Tù nhân được vận chuyển bằng những toa xe lửa chật chội, 1500 người, trong đó có cả tác giả. Trạng thái lo lắng xen lẫn một chút hy vọng về đích đến là những nhà máy sản xuất vũ khí đã bị dập tắt và thay thế bằng nỗi khiếp sợ khi những đường nét của trại tập trung khổng lồ hiện ra.

Hàng rào kẽm gai lưới điện; những tháp canh; những chiếc đèn pha, và hàng dãy người ăn mặc rách rưới lờ mờ hiện lên trong buổi hừng đông u ám, lê bước trên những con đường hoang phế đến một nơi mà chúng tôi không hề biết. Có những tiếng la hét và tiếng còi ra lệnh. Chúng tôi không hiểu gì cra. Trí tưởng tượng của chúng tôi hình dung ra chiếc giá treo cổ với những xác người đang giãy giụa.

Cảm xúc tiếp theo được tác giả miêu tả là chứng “ảo tưởng miễn tội”. Rằng người bị kết án, trước khi bị hành quyết, có ảo tưởng rằng mình sẽ được ân xá vào phút cuối, rằng mọi chuyện rồi sẽ tốt đẹp. Sự hy vọng này bắt nguồn từ những tù nhân ban đầu mà tác giả quan sát được. Họ có vẻ hoàn toàn khỏe mạnh “những khuôn mặt đầy đặn”, “những gò má hồng hào” và họ cũng có vẻ rất thoải mái “thậm chí còn cười đùa được”. Tuy nhiên, đây chỉ là những tù nhân đặc biệt được chọn để thành lập một nhóm tay sai cho lính SS, chuyên chuyển tiếp các tù nhân mới nhận được và lục soát, quản lý tư trang của họ trong nhiều năm.

Ảo tưởng về sự ân xá là một trạng thái tâm lý chung của những người mới đến. Họ đã không thể tiếp nhận sự thật trần trụi đằng sau những cảnh tượng tàn nhẫn nối tiếp nhau. Tâm lý này chỉ kết thúc khi phán quyết đáng sợ được đưa ra. Những người trông “có vẻ khỏe mạnh” sẽ được chọn để lao động khổ sai trong tù, còn những người “trông có vẻ yếu đuối”, vốn chiếm tới 90%, sẽ bị dẫn thẳng đến phòng hơi ngạt mà không hề hay biết. Những người may mắn sống sót sẽ dần dần chấp nhận sự thật. Họ thậm chí còn cảm thấy nực cười khi “chẳng có gì để mất ngoài cái sinh mạng trần trụi lố bịch này”, mọi kết nối vật chất với thế giới bên ngoài đều đã bị cắt đứt.

Sự tò mò cũng là một đặc trưng tâm lý của giai đoạn này. Đó đơn giản là phản ứng bản năng của cơ thể trước những tình huống lạ lùng, nhưng lại góp phần bảo vệ người tù vì họ có thể tách mình khỏi hiện thực xung quanh và tạo cho mình một vỏ bọc lạnh lùng để quan sát những thứ xung quanh như khách thể. Những cú sốc liên tiếp đến, từ sự ngạc nhiên trước sức chịu đựng khắc nghiệt của cơ thể, đến bàng hoàng trước sự vô cảm của những con người trong trại. Đa số tù nhân đề có ý định tự sát, dù là trong một khoảnh khắc. Ý định này xuất phát từ sự tuyệt vọng; từ hiểm họa thường trực trên đầu hàng ngày, hàng giờ; và sự cận kề cái chết mà nhiều người phải chịu đựng.

Hãy cạo râu hàng ngày, vào mọi lúc có thể, dù cho phải cạo râu bằng mảnh kính hay dù các anh có phải cho đi mẩu bánh mì cuối cùng vì nó. Các anh sẽ trông trẻ hơn và việc cạo râu sẽ làm gò má các anh hồng hào hơn. Nếu các anh còn muốn sống, cách duy nhất là hãy chứng tỏ cho bọn lính thấy là mình còn sức làm việc. Để tôi nói cho nghe, nếu như một tay lính SS thấy các anh đi cà nhắc vì bị thương ở gót chân thì ngày hôm sau chắc chắn anh sẽ bị đưa đến phòng hơi ngạt.

Ngoài những phản ứng nói trên, người tù mới đến còn trải qua những đau đớn về cảm xúc khác nữa. Trước tiên, đó là nỗi nhớ nhung vô tận về tổ ấm gia đình. Cảm giác này mạnh mẽ đến mức người tù cảm thấy như bị nuốt chửng bởi nỗi day dứt. Tiếp đến là cảm giác ghê tởm, từ cách con người đối xử với nhau cho đến những hình thù gớm ghiếc của tất cả mọi vật trong tù.

Những phản ứng bình thường cũng sẽ bị trừng phạt nếu trái ý các Capo, khiến người tù dần chai lì về cảm xúc. Họ không còn đau xót quay mặt đi khi thấy người bị trừng phạt, cũng không còn thông cảm với những số phận đáng thương. Đây chính là bước chuyển sang giai đoạn tâm lý thứ hai.

Giai đoạn hai: Khi đã quen với cuộc sống trong trại

Người tù nào đã đạt đến trạng giai đoạn thứ hai trong phản ứng tâm lý của mình sẽ không có phản ứng gì cả, dù chỉ là một cái chớp mắt. Cảm xúc của họ đã bị chai sạn, và họ thản nhiên chứng kiến những gì xảy ra trước mắt.

Sau khi một người chết, tôi đứng nhìn những cảnh tượng xảy ra tiếp theo mà không hề có một chút cảm giác xót xa nào cả. Từng tù nhân sẽ đến bên cạnh cái xác vẫn còn ấm đó. Người thì nhặt nhanh phần khoai tây thừa còn sót lại; người thì đổi giày của mình lấy đôi giày gỗ của người đã chết, người thì lấy áo, người thì vui mừng vì có thể lấy được thứ gì đó – dù chỉ là một sợi dây còn tốt.

Sự thờ ơ, chai sạn cảm xúc là các triệu chứng gia tăng ở giai đoạn hai trong phản ứng tâm lý của người tù. Và cuối cùng anh ta trở nên chai lì trước những màn đánh đập như trút hàng ngày, hàng giờ. Nỗi đau về thể xác không còn ảnh hưởng nhiều đến người tù nữa, nhưng đôi lúc, nỗi đau về tinh thần lại có thể khiến một người mạnh mẽ bật khóc.

Những cú đánh không làm chúng tôi đau bằng sự nhục mạ

Sự chai lì giúp người tù tự tạo cho mình một vỏ bọc bảo vệ cần thiết. Tất cả mọi nỗ lực lúc này đều được tập trung để duy trì một nhiệm vụ duy nhất: bảo vệ tính mạng cho mình và bạn tù. Tình trạng căng thẳng cùng với việc liên tục phải tập trung vào sự tập trung khiến người tù kiệt quệ không chỉ về thể xác, mà tình thần cũng bị đẩy xuống cấp trầm trọng.

Trong phần này, tác giả không chỉ tập trung mô tả mà còn phân tích rất kỹ diễn biến tâm lý của những người tù, điều này một phần lý giải tại sao ông có thể tồn tại suốt những năm tháng khắc nghiệt ấy. Sự độc lập về tinh thần rất được tác giả đề cao. Những người có tâm lý yếu ớt thường sẽ là những người ra đi đầu tiên. Đó là lý do một số người xuất thân trí thức, dù có cơ thể yếu ớt hơn những người lao động tay chân, lại có thể tồn tại trong trại tốt hơn. Thế giới nội tâm phong phú như một nơi chốn bình yên mà họ có thể tìm về. Tuy bị kìm kẹp về thể xác, tinh thần của họ lại tự do hơn bất kỳ ai.

Sức mạnh bên trong giúp cho người tù tìm thấy sự cứu rỗi trong nỗi cô đơn, trống vắng và buồn chán trước cuộc sống. Những lúc rỗi rãi hiếm hoi, trí tưởng tượng của người tù thường trở về sống với quá khứ. Những điều họ nhớ nhất thường không phải là những sự kiện quan trọng mà là những sự việc bé nhỏ, vặt vãnh. Không gian hoài niệm tô điểm thêm cho những sự việc rất đỗi bình dị ấy một ý nghĩa đặc biệt. Thế giới của những mảnh kí ức chắp nối ấy dường như rất xa xăm, và tâm trí phải cố hết sức mới có thể tái hiện được chúng: Trong đầu tôi hiện lên hình ảnh tôi đi xe buýt, mở cửa căn hộ, trả lời điện thoại và bật đèn. Suy nghĩ của tôi thường tập trung vào những chi tiết như thế, và những kí ức này có thể làm cho tôi bật khóc. 

Tình yêu cũng là nguồn động lực lớn lao, là chỗ dựa tinh thần để người tù tìm về những ngày tháng đau khổ. Vượt lên trên tất cả khó khăn giữa trại giam đầy tăm tối, ánh sáng tinh thần của những con người này mạnh mẽ đến mức, nó có sức lan tỏa. Họ vẫn biết tận hưởng vẻ đẹp rực rỡ của ánh hoàng hôn, sự xinh đẹp tĩnh lặng của những bông tuyết. Những người biết tìm về vẻ đẹp ngay cả trong khoảnh khắc gian truân là những người mạnh mẽ nhất.

Trong trại tập trung thậm chí còn tổ chức những buổi văn nghệ. Và những người tù cũng biết an ủi nhau bằng cách tạo nên thật nhiều sự hài hước. Tác dụng của những sự việc này cũng được tác giả phân tích dưới góc độ tâm lý. Rằng cơ chế vận hành nỗi đau khổ và niềm hạnh phúc bên trong con người cũng giống như cách vận hành của chất khí. Nếu ta bơm một lượng khí nhất định vào một căn phòng kín thì lượng khí đó sẽ lấp đầy hoàn toàn căn phòng, dù cho căn phòng ấy có lớn đến mức nào. Tương tự, nỗi đau hay niềm vui có thể chế ngự tâm hồn con người, dù cho chúng là lớn hay nhỏ.

Tầm quan trọng của những niềm vui nho nhỏ là không thể tưởng tượng được. Họ thậm chí còn cảm thấy biết ơn chỉ vì có thêm chút thời gian bắt chấy cho nhau trước khi đi ngủ, dù trời lạnh đến đóng băng và những vết thương âm ỉ trên cơ thể. Những niềm vui ít ỏi về cuộc sống trong trại đã sản sinh ra một loại hạnh phúc tiêu cực bên trong người tù. Nó đóng vai trò như một sự cứu rỗi, dù chỉ mang tính chất tạm thời, và giúp người tù mạnh mẽ hơn để tồn tại.

Những câu chuyện được kể đan xen dẫn người đọc đi đến một câu hỏi: Liệu tính cách của người tù có hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh? Câu trả lời là không. Con người luôn có sự tự do để đưa ra những lựa chọn, dù hoàn cảnh có tồi tệ đến đâu. Từng ngày, từng giờ, con người đều có quyền đưa ra quyết định. Quyết định về việc bạn sẽ khuất phục hay ngẩng cao đầu trước những thế lực đang đe dọa cướp đi con người thật của bạn, cướp đi sự tự do bên trong của bạn; quyết định về việc bạn có trở thành trò đùa của hoàn cảnh, chối bỏ sự tự do và phẩm giá của mình để bị nhào nặn thành hình nhân tiêu biểu cho phận tù hay không. Nói chung, các phản ứng tâm lý của người tù trong trại dường như xuất phát từ chính bản thân họ hơn là từ tác động của những điều kiện nhất định về vật chất và xã hội.

Yếu tố cuối cùng quyết định sự tồn tại của con người bên trong nhà tù, chính là sự hy vọng về tương lai. Người tù nào mất đi niềm tin vào tương lai thì coi như người đó đã chết. Với việc mất niềm tin vào tương lai, người ấy cũng đánh mất cả tâm hồn, bị suy sụp và rệu rã cả thể chất lẫn tinh thần. Nhờ có kiến thức y khoa, tác giả đã được chọn để trở thành một bác sĩ trong trại. Và trong quá trình thăm khám, quan sát, ông nhận ra rằng nếu muốn khôi phục sức mạnh bên trong của một người, nếu muốn tăng sức chịu đựng của họ trước thực tại kinh khủng, ta cần phải cho họ thấy được mục tiêu của họ trong tương lai.

Và những người có tinh thần mạnh mẽ nhất, với một chút may mắn, sẽ có cơ hội đợi được đến ngày chiến tranh kết thúc và trải qua giai đoạn tâm lý cuối cùng.

Giai đoạn ba: Sau khi được trả tự do

Sau bao năm tháng bị giam cầm, bị đánh đập, bị chà đạp cả về thể xác lẫn tinh thần, cảm xúc đầu tiên của người tù khi bước ra khỏi cánh cửa trại giam chính là rơi vào trạng thái “mất nhân cách”. Họ không thể tin được rằng mình đã tự do, thậm chí còn không cảm thấy vui vẻ hay hạnh phúc vì ức chế về tâm lý trong nhiều năm khiến họ thấy vô cảm với mọi thứ. Tuy nhiên, những phản ứng tự nhiên của cơ thể lại thành thật hơn nhiều. Họ ăn rất nhiều, và có nhu cầu nói liên tục để giải tỏa áp lực tâm lý đã kéo dài nhiều năm. Vài ngày, thậm chí hàng tháng sau khi ra tù, nhiều người mới bắt đầu thực sự bước tiếp và bắt đầu cuộc sống mới.

Đối với nhiều người, ảnh hưởng từ sự bạo lực trong trại biến họ thành những người cộc cằn, có xu hướng muốn làm tổn thương người khác để bù đắp cho những đau khổ trong quá khứ của mình. Tác giả lý giải rằng đây là cảm xúc xảy ra khi người tù tin rằng mình đã bị đối xử thật bất công trong suốt những năm qua, dễ dẫn đến các hành động tiêu cực và suy đồi về đạo đức.

Một nhân tố nữa cũng đe dọa làm hỏng tính cách của người tù sau khi được tự do: sự cay đắng và vỡ mộng khi trở về với cuộc sống trước kia. Khác với những gì vẫn tưởng tượng khi còn trong trại, đa số người tù trở về và nhận ra rằng những điều thân thuộc, những con người thân thương mà mình nhung nhớ đã không còn. Họ thậm chí còn phải trải qua sự hắt hủi và thiếu thông cảm của những người xung quanh, dẫn đến sự suy sụp nặng nề về tâm lý.

Tâm lý của người tù từ lâu đã là một đề tài nghiên cứu để tìm ra các phương pháp chữa lành hiệu quả nhất. Phần sau của cuốn sách là những đúc kết của tác giả về “Liệu pháp ý nghĩa”, thứ ông đã xây dựng và nghiên cứu trong suốt những năm tháng ở tù và cả sau khi tự do. Tác giả miêu tả rằng đây là một phương pháp ít hồi tưởng về quá khứ và ít quán xét nội tâm hơn. Liệu pháp này tập trung vào tương lai, tức là vào những ý nghĩa cuộc sống sẽ được bệnh nhân xây đắp trong tương lai.

Bản thân mình cảm thấy đây là phần đúc kết rất có ý nghĩa và mỗi cá nhân sẽ rút được bài học riêng, nên mình muốn để dành cảm nhận về phần này cho mỗi bạn đọc tự đúc kết và trải nghiệm. Mọi người hãy tìm đến cuốn sách để hiểu hơn về bài review này, sẽ là một trải nghiệm khá thú vị về sức mạnh của sự hy vọng và mục đích trong sống.

Lời kết

Đi tìm lẽ sống của Viktor E.Frankl viết về chủ đề người tù thời chiến nhưng lại không u tối, xám xịt. Ngược lại, từng dòng văn như sáng bừng lên hy vọng sống của một tâm hồn thông thái. Một tâm hồn biết tìm thấy động lực trong nghịch cảnh, và luôn khát khao hướng về tương lai tươi đẹp.