CHINH PHỤC “4 CỰC – 1 ĐỈNH – 1 NGÃ BA” THIÊNG LIÊNG CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM

261

Tòng Thị Quỳnh Hương (ST)

Khoa KHXH

“4 cực, 1 đỉnh, 1 ngã ba” – niềm tự hào của dân tộc Việt Nam khi nhắc về. Nơi đó là 4 cực Đông – Tây – Nam – Bắc, đỉnh Fansipan và ngã ba Đông Dương – nơi thiêng liêng của Tổ Quốc.

Cực Bắc – Hiên ngang và kiêu hãnh

“Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang” – cực Bắc Việt Nam có vị trí biểu tượng là cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang). Cột cờ Lũng Cú được xây dựng năm 1978, trên đỉnh núi Rồng, cao hơn 1.400m so với mực nước biển.

Cột cờ Lũng Cú

Mảnh đất từ lâu đã trở thành “nơi nên đến ít nhất một lần trong đời” của nhiều người với những cung đường đèo uốn lượn, những ngôi nhà trình tường vách đất, những loài hoa đặc trưng trên nền đá tai mèo, những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa trong các bản làng dân tộc thiểu số cheo leo trên vách núi… Tất cả tạo nên một vùng cao nguyên đá kỳ vỹ, đậm đà bản sắc văn hóa nơi địa đầu Tổ quốc.

Tuy nhiên điểm cực của cực Bắc chính là cột mốc 428 cách cột cờ Lũng Cú 4m, thuộc bản Séo Lủng. Đây mới chính là nơi con sông Nho Quế xanh biếc đổ vào đất Việt.

Điểm cực Bắc với toạ độ, mới được đưa vào khai thác du lịch năm 2019

 

Cực Nam – Mênh mông sóng nước

Không gập ghềnh, khúc khuỷu như vùng núi cực Bắc, cực Nam Tổ quốc thuộc địa phận xóm Mũi, xã Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau là những cánh đồng mênh mông bát ngát, là những kênh rạch đầy ắp ghe thuyền ngày ngày lướt trên những con sóng của sông Năm Căn hay kênh Rạch Tàu, là những rừng sú, vẹt, đước vươn mình ra giữ đất, nơi phù sa vẫn luôn bồi đắp và lấn biển từng ngày, từng giờ để mở đất về phương Nam.

Mũi Cà Mau

Cực Tây – Nơi ngã ba biên giới

Cực Tây A pa Chải – nơi có cột mốc số 0 là điểm đầu của hệ thống 4 cột mốc của đất nước, thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên, là nơi đánh dấu biên giới giữa Việt Nam – Lào – Trung Quốc – nơi chỉ “một tiếng gà gáy, ba nước đều nghe” cùng ngã ba Đông Dương.

Cột mốc A Pa Chải

Cực Đông – Nơi đón bình minh đầu tiên của Tổ Quốc

Điểm cực Đông của Việt Nam lại nằm trong vòng tranh cãi giữa Mũi Điện – Đại Lãnh (Phú Yên) và Mũi Đôi – Vạn Ninh (Khánh Hoà).

Mũi Đại Lãnh

Mũi Đại Lãnh thuộc một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển, thuộc địa phận xã Hòa Tâm (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên). Từ thành phố Tuy Hòa, hướng theo đèo Cả, sẽ tới Hải đăng Đại Lãnh. Hải đăng Đại Lãnh cũng là hải đăng nằm xa nhất trên đất liền Việt Nam.

Tuy nhiên, một số đo đạc lại cho rằng Mũi Đôi đón ánh bình minh trước Mũi Điện tới 4 giây. Năm 2012, người ta đã cho đặt một chóp inox ghi dấu nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền ở Việt Nam. Trên mỏm đá to sừng sững là điểm cực được đánh dấu bằng một chóp inox nhỏ bé nằm kiêu hãnh hướng về biển Đông giữa bao la biển trời.

Mũi Đôi

Đỉnh Fansipan – Nóc nhà Đông Dương

Ngoài bốn cực Đông, Tây, Nam, Bắc của Tổ quốc, Việt Nam tự hào có nóc nhà Đông Dương là đỉnh Fansipan với khung cảnh đa dạng, thảm thực vật phong phú, ở độ cao 3.143m so với mặt biển, nằm trên đường địa giới giữa hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

“Nóc nhà Đông Dương” Fansipan là đỉnh núi mà rất nhiều người muốn đặt chân đến. Khi chưa có cáp treo, cần ít nhất 2 ngày 1 đêm cho người bình thường chinh phục. Tuyến đi thông thường nhất là Trạm Tôn, có tuyến Sín Chải hay Cát Cát hay leo từ phía Lai Châu đều đòi hỏi sức khoẻ và độ gan lì của người đi.

Độ cao được ghi trên chóp kỷ niệm của Fansipan hiện nay, như nhiều người vẫn ghi nhớ là 3.143m – đây là số liệu ghi lại từ năm 1909. Tuy nhiên, theo kết quả đo đạc mới nhất của Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, độ cao chính xác của Fansipan là 3.147,3 mét.

Đỉnh Fansipang

Ngã Ba Đông Dương – Biên giới Lào – Việt – Campuchia

Ngã ba Đông Dương nằm ở xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Được đánh dấu bằng cột đá hình trụ tam giác làm bằng đá hao cương “phong bạc”, cột mốc Ngã Ba Đông Dương được đặt ở độ cao 1086m so với mực nước biển, quanh 3 mặt là tên của 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia. Từ cột mốc nhìn xuống, là một màu xanh rì của cây cỏ, núi rừng và một ít nâu của đất bazan màu mỡ.

Cột mốc ngã ba Đông Dương