TÌNH HÌNH THƯƠNG NGHIỆP TỈNH SƠN LA THỜI PHÁP THUỘC 1895 – 1945

469

TÌNH HÌNH THƯƠNG NGHIỆP TỈNH SƠN LA THỜI PHÁP THUỘC 1895 – 1945

TS. Tống Thanh Bình – Bộ môn Lịch Sử

Tóm tắt: Thời Pháp thuộc thương nghiệp tỉnh Sơn La phát triển khá chậm chạp. Trên cơ sở nghiên cứu về các vấn đề: hệ thống các tuyến đường buôn bán, cơ cấu hàng hóa, các loại hình chợ và lực lượng tham gia buôn bán, tác giả đưa ra những nhận xét về thương nghiệp ở Sơn La dưới sự cai trị của người Pháp (1895 – 1945).

Từ khóa: Thương nghiệp Sơn La, thời Pháp thuộc, 1895 – 1945

1. Đặt vấn đề

 Cuối thế kỷ XIX, đầu thế XX, Sơn La là một tỉnh cách biệt với vùng đồng bằng, kinh tế trì trệ, đời sống nhân dân lạc hậu. Người Pháp ở Sơn La trong nửa đầu thế kỷ chủ yếu phục vụ mục đích cai trị, kiểm soát vùng phía Tây Bắc Việt Nam nên không chú ý nhiều đến hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, không thể phủ nhận một số yếu tố mới xuất hiện thời điểm này. Dựa trên nguồn tài liệu lưu trữ bằng tiếng Pháp và kế thừa các kết quả nghiên cứu trước, bài viết sẽ trình bày về tình hình thương nghiệp tỉnh Sơn La thời Pháp thuộc, gồm: hệ thống các tuyến đường buôn bán, cơ cấu hàng hóa, các loại hình chợ và lực lượng tham gia buôn bán ở Sơn La. Từ đó, tác giả đi đến nhận xét về thương nghiệp Sơn La thời kỳ này.

2. Nội dung

2.1. Các tuyến đường giao thương

Để phục vụ việc kiểm soát vùng Tây Bắc và các hoạt động trao đổi, thông thương giữa đồng bằng và miền núi, một trong những lĩnh vực được thực dân Pháp đầu tư xây dựng chính là hệ thống đường bộ. Thời phong kiến, việc đi lại trong và ngoài tỉnh hết sức khó khăn, người dân chủ yếu đi bằng đường thủy theo hệ thống sông Đà rất nguy hiểm vì mưa lũ và nhiều thác ghềnh, bên cạnh đó, hệ thống đường bộ chủ yếu là đường mòn, bám theo địa hình đồi dốc hiểm trở. Vì thế, vùng đất Tây Bắc càng trở nên cách biệt với vùng đồng bằng Bắc Bộ, việc giao lưu, thông thương giữa các địa phương trong tỉnh và với các vùng miền khác đặc biệt khó khăn. Người Pháp khi tới Sơn La đã thấy những bất cập trong giao thông khiến họ gặp khó khăn trong việc cai trị nên đã chú trọng cải thiện tình trạng này. Tuy nhiên, dựa vào những ghi chép sơ bộ của Pháp về số tiền đầu tư và tiến độ thi công hệ thống đường bộ liên tỉnh và nội tỉnh của Sơn La, có thể thấy mức độ đầu tư  về giao thông ở tỉnh Sơn La so với các tỉnh thành trên cả nước rất hạn chế, chất lượng đường thấp. Mặc dù vậy, trong gần nửa thế kỷ bằng việc sử dụng chủ yếu nhân công địa phương và những phương tiện thi công khá thô sơ, một hệ thống các tuyến đường bộ phục vụ hoạt động thông thương đã được hình thành. Theo kết quả nghiên cứu của tác giả, hệ thống đường bộ gồm có:

– Tuyến đường từ cảng Tạ Bú (Mường La – Sơn La) ra Sơn La tới Thuận Châu, Điện Biên, Phong Sa Lỳ (Lào).

  • Tuyến từ Thuận Châu đi Điện Biên tới Luông Pha Băng (Lào) và ngược lại.
  • Tuyến từ Trung Quốc về Lào Cai, Lai Châu đến Sơn La và ngược lại: chủ yếu buôn bán quế và thuốc phiện lậu theo con đường này.
  • Tuyến Suối Rút – Sơn La – Tuần Giáo, vào mùa mưa hàng hóa sẽ được chuyển theo đường từ Yên Bái đến Nghĩa Lộ, Ngọc Triến (Mường La) sau đó theo đường Tạ Bú – Sơn La.
  • Tuyến Sơn La – Yên Bái: chủ yếu do những người Thái tập hợp nhau thành nhóm buôn bán nhỏ đi mua sắm những đồ dùng nhu yếu cho cả bản.
  • Tuyến Hủa Phăn, Trấn Ninh, Viêng Chăn, Luông Pha Băng qua Sơn La để mua bò từ Lào về mang xuống vùng đồng bằng Bắc Kỳ buôn bán gia súc [10,15,16,17,18,19].

Về phương tiện giao thông đường bộ: do hệ thống đường sá được mở ở Sơn La với tiến độ chậm nên việc vận chuyển hàng hóa vẫn chủ yếu sử dụng hệ thống xe kéo, hoặc sử dụng gia súc thồ hàng, thậm chí dùng sức người. Giữa những năm 1930, số lượt xe chạy trên địa bàn tỉnh Sơn La chỉ một vài chiếc trên một ngày, chủ yếu là loại xe trọng tải từ 1 đến 3 tấn, chủ yếu phục vụ hoạt động của Tòa Công sứ. Người dân vẫn sử dụng các phương tiện truyền thống như xe bò, xe kéo, đi bộ…

Trong suốt thời Pháp thuộc, đường thủy nối Hà Nội – Sơn La – Lai Châu qua hệ thống sông Đà được chú trọng khai thác, sử dụng. Hàng hóa sau khi chuyển từ Hà Nội tới Hòa Bình, được tập kết tại cảng Chợ Bờ, sau đó vận chuyển tới Sơn La qua các cảng như: Suối Rút, Vạn Yên, Tạ Khoa, Tạ Chan, Vạn Bú (Tạ Bú). Hạn chế của loại hình giao thông này là sự lệ thuộc vào thời tiết và dòng chảy: con sông kháng cự toàn bộ hoạt động giao thông trong suốt 6 tháng mỗi năm (từ tháng 5 đến tháng 10). Hoạt động thương mại chủ yếu diễn ra trong các tháng mùa khô khi mực nước xuống thấp. Sông Đà nổi tiếng là con sông hung dữ nhất vùng Tây Bắc, đặc biệt đoạn chảy qua Sơn La. Để vận chuyển hàng hóa, bưu kiện, phương tiện vận chuyển giai đoạn đầu chủ yếu bằng thuyền độc mộc, có trọng tải vận chuyển chưa đầy một tấn, “mỗi thuyền chở được trọng tải 900 kilo. Vì vậy mà chỉ trong 6 tháng hơn 140 tấn hàng được vận chuyển từ Chợ Bờ đến Tạ Bú” [6]. Đến năm 1917, một phương tiện vận tải mới xuất hiện là các Sà lúp (Chaloupe) nhưng chủ yếu chuyển hàng từ Chợ Bờ tới Vạn Yên (Phù Yên), đoạn đường còn lại tới Sơn La vẫn sử dụng thuyền độc mộc. Trong nhiều năm số lượng lượt thuyền xuôi ngược Sơn La – Chợ Bờ không có nhiều đột biến, khoảng 1.000 lượt thuyền một năm.

Việc vận chuyển hàng hóa Sơn La – Hà Nội và theo chiều ngược lại chủ yếu diễn ra từ tháng 11 đến tháng 6 hàng năm. Trong thập kỷ đầu thế kỷ XX, việc thống kê vận chuyển hàng hóa khá đầy đủ. Số liệu cho thấy, số thuyền chở hàng từ Hà Nội tới Sơn La theo 2 chiều đi, về cơ bản tương đương nhau. Số lượt thuyền từ Vạn Bú tới Chợ Bờ theo chiều hướng tăng dần như bảng thống kê.

Bảng 1. Số lượt thuyền buôn trên tuyến đường thủy sông Đà

Thời gian Lai Châu qua Vạn Bú Đồng bằng lên Vạn Bú Tổng
1899 –                         –                         100
2,3/1901 61 35 96
4,5/1901 71 74 145
2,3/1902 85 64 149
4,5/1902 137 161 298
4,5/1903 240 150 390
5,6/1903 120 156 267
2,3/1902 85 64 149
2 tháng 1903 104 107 211
7,8/1904 16 24 40
1, 2/1905 127 184 311
3,4/1905 288 244 532
5,6/1905 441 43 484
1905 –                         –                         Hơn 800
7,8/ 1906 –                         –                         358
1,2/1907 –                         –                         368
5,6/1907 –                         –                         Hơn 700
7,8/1907 –                         –                         108
10/1907 –                         –                         224

 Nguồn: [10,11,12,13,14,15,16]

Nếu tính theo số liệu năm 1907 [4, tr. 533 -534], tổng số thuyền chở hàng là 1.400 lượt, tổng số hàng hóa vận chuyển là 1.260.000 kg với số dân là 26.000 người, trung bình mỗi người dân chỉ được 4 kg hàng hóa trao đổi mỗi tháng, chưa tính số hàng đó còn vận chuyển tới những nơi khác, cho thấy sức mua ở Sơn La rất hạn chế. Từ năm 1920 trở đi đến năm 1929, chúng tôi chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết số thuyền lưu chuyển trên sông Đà. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới, các báo cáo kinh tế đều đề cập đến tình trạng nền thương mại của tỉnh bị ảnh hưởng trầm trọng và kéo dài tới năm 1936 nên càng về sau, hoạt động buôn bán bằng đường thủy càng giảm sút, một phần vì hệ thống đường bộ đã được đầu tư trong khoảng thời gian đó tạo thuận lợi cho việc thông thương.

2.2. Cơ cấu hàng hóa

Hàng xuất về đồng bằng chủ yếu là nông sản, lâm thổ sản, hàng thủ công: thóc, gạo, bông, chè, củ nâu, cánh kiến, gia súc, gia cầm, sừng hươu, da trâu, ngà voi, … Trong đó, trâu, bò, ngựa, lợn, gia cầm là những mặt hàng thế mạnh của Sơn La. Việc bán gia súc, gia cầm được diễn ra khá thường xuyên trừ khi điều kiện thời tiết, dịch bệnh cản trở. Sơn La có nhập một số trâu, bò, ngựa từ Vân Nam và Lào về, đồng thời xuất về miền xuôi, chủ yếu theo đường sông và đường bộ. Nửa đầu thế kỷ XX, Sơn La đã là một trong những đầu mối quan trọng cung cấp gia súc lớn cho Bắc Kỳ với số lượng cung cấp từ hàng trăm đến hàng nghìn gia súc hàng năm. Sản phẩm lâm thổ sản chủ yếu gồm: củ nâu, đậu khấu, cây sơn, cánh kiến, sa nhân, sáp ong, mật ong, an tức hương, các loại sừng, hành, mây song… Cánh kiến là một trong những mặt hàng có số lượng xuất khẩu cao nhất của tỉnh Sơn La giai đoạn này. “Theo các báo cáo từ các châu thì sản xuất được 25 tấn cánh kiến trắng… trung tâm tiêu thụ loại hàng này sôi nổi nhất đó là Tạ Khoa bên sông Đà nơi mà cánh kiến được mang đến từ Sông Mã (Lào, Bắc Kỳ). Giá bán ở Sơn La là xấp xỉ 40ᵮ/1 picul[1]. Đây là một giá cao… ” [6]. Thóc, gạo năng suất không ổn định nên sản lượng thóc gạo bán ra hoặc nhập về biến động từng năm. Hầu như, sản lượng thóc gạo chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tại chỗ, việc xuất khẩu gạo chỉ diễn ra ở châu Phù Yên, còn các châu khác hầu như không có năm nào có gạo xuất khẩu.

Hàng nhập từ đồng bằng gồm muối, dao, bát đĩa, thuốc lào, dầu hỏa, chiếu, quần áo, nồi đồng, rìu, chậu thau, diêm, đồ gốm, chậu, vải các loại, thuốc lá, đèn, chăn, quạt, bút mực, đường, sữa, mũ nón, nước mắm, gạo, xà phòng, ô, nến – hầu hết là hàng tiêu dùng và nhiên liệu thắp sáng.

Vì việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, lực lượng người Kinh, người Hoa lại cố tình đẩy giá bán cao kiếm lời nên giá cả ở Sơn La thường cao hơn mặt bằng chung các tỉnh đồng bằng, đặc biệt là hàng hóa nhập từ đồng bằng về. Giá những mặt hàng được sản xuất tại địa phương khá ổn định và thấp hơn so với ở đồng bằng, giá những mặt hàng nhập về thường cao hơn nhiều so với miền xuôi.

2.3. Các loại hình chợ và lực lượng tham gia buôn bán

Chợ, hội chợ, triển lãm là những nhân tố mới mẻ, tích cực đối với thương nghiệp tỉnh Sơn La thời kỳ này. Chợ tỉnh lỵ có tên là chợ Chiềng Lề nằm ở trung tâm tỉnh lỵ Sơn La, họp vào tất cả các ngày trong tuần. Từ cuối thế kỷ XIX, nơi đây đã có một số người Hoa đến sinh sống và làm nghề buôn bán hàng xén, bốc thuốc Bắc, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, ngoài ra còn có một số gia đình người Kinh làm công chức hoặc buôn bán và xung quanh là các gia đình người Thái. Khu vực này càng trở nên đông đúc khi thực dân Pháp chuyển tỉnh lỵ từ Vạn Bú ra Sơn La, khiến hoạt động chợ Chiềng Lề càng thêm tấp nập. Chợ Chiềng Lề được mô tả như sau: “Phố Chiềng Lề địa giới hẹp, giữ vị trí của một thị trấn, nằm gọn giữa chân đồi Khau Cả… Hai dãy phố không dài, có chợ Chiềng Lề họp trong ngôi nhà xây gạch, lợp ngói khá rộng, là trung tâm buôn bán của tỉnh lỵ” [3, tr. 20-24]. Ngoài việc sử dụng tiền trong trao đổi buôn bán, ở nhiều nơi trong tỉnh, người dân vẫn duy trì thói quen trao đổi truyền thống ngang giá “vật đổi vật”.

Chợ phiên Tạ Khoa là chợ mới được thành lập thời kì này. Với mục đích là nâng cao tầm quan trọng của các giao dịch buôn bán trong vùng, thu hút các thương nhân vùng đồng bằng và quảng bá các nguồn lực và tiềm năng của tỉnh, chợ Tạ Khoa bên bờ sông Đà được mở vào giữa tháng 1. “Chợ Tạ Khoa được thành lập vào ngày 01/01/1918 đã đạt nhiều kết quả, người Thái đến đây bán hàng rất đông và các lái buôn bán sạch hàng trong những ngày đầu tiên” [7].

So với các tỉnh thành khác, chợ gia súc (chợ trâu bò) được thành lập muộn ở Sơn La. Nhằm tổ chức lại hệ thống chợ gia súc ở Bắc kỳ, năm 1934, Thống sứ Bắc Kỳ đã ra nghị định số 10 – AG về việc sáp nhập hoặc lập mới chợ gia súc ở một số tỉnh. Phải đến năm 1939, “Một chợ mua bán trâu bò được thành lập ở Sơn La theo Nghị định ngày 24/8/1939. Có thể biện pháp này sẽ cho phép kìm hãm lại việc xuất bán các gia súc, tạo nên một phong trào mua bán trong địa bàn nội hạt tỉnh” [5]. Việc hình thành một chợ gia súc ở Sơn La là cần thiết vừa là điểm dừng chân hợp lý cho các đoàn buôn di chuyển từ Trung Quốc, Lào về vừa góp phần cân đối giữa việc chăn nuôi và xuất khẩu trâu bò của tỉnh.

Hội chợ, triển lãm cũng lần đầu tiên được người dân Sơn La biết đến trong thời Pháp thuộc. Tỉnh Sơn La đã tham gia hội chợ vào các năm 1928 và 1936 được tổ chức ở Hà Nội với sản phẩm là bộ sưu tập hàng thêu của các dân tộc ở Sơn La. Cuối năm 1936 đầu năm 1937, tỉnh Sơn La tiếp tục tham gia Hội chợ lần thứ 13 ở Hà Nội. Để khuyến khích hoạt động chăn nuôi gia súc của tỉnh, chính quyền thực dân đã lên kế hoạch tổ chức Hội chợ Gia súc ở tỉnh năm 1929 song  phải hoãn lại do dịch hạch ở bò đã ảnh hưởng tới các đàn gia súc. Tháng 11/ 1938, Hội chợ gia súc sản phẩm địa phương ở Mộc Châu (Sơn La) đã  được tổ chức trong 2 ngày thu hút được đông đảo người dân tham gia.

Thương nhân, thương hội ở Sơn La cũng có nhiều điểm khác biệt với vùng đồng bằng, chỉ có người Hoa, người Kinh tham gia buôn bán chính mà không có người Âu, còn người dân tộc ở đây không quen với hoạt động buôn bán dù đã được Tòa Công sứ cho làm quen qua một số hoạt động.

Thuế môn bài của tỉnh phản ánh phần nào thực trạng của hoạt động kinh doanh và thương nghiệp địa phương. Năm 1937, số thuế môn bài thu được ở Sơn La là 2.429,71 đồng Đông Dương [9], cao hơn so với năm 1922 (1.192,71 đồng) và năm 1931 (1.970,71 đồng). Trong khi tỉnh có số thuế môn bài cao nhất Bắc Kỳ là Hà Nội, đạt 210.073 đồng năm 1922 và 362.000 đồng năm 1931 [2, tr. 46]. Điều đó phản ánh phần nào vị trí thấp kém của thương nghiệp Sơn La  so với các tỉnh khác của Bắc Kỳ.

Cuối thế kỷ XIX, Bắc Kì nói chung, Sơn La nói riêng tồn tại một số loại tiền: tiền Việt Nam do triều Nguyễn phát hành, tiền của Trung Quốc, đồng FranÇ của Pháp[2]… tạo nên một sự rối loạn về tiền tệ. Năm 1875, Ngân hàng Đông Dương được thành lập đã cho phát hành đồng Đông Dương (Piastre viết tắt là P)[3] và thu dần các đồng tiền khác không cho lưu hành. Ở Sơn La, năm 1934, khi chính quyền thu hồi đồng bạc Đông Dương bằng kim loại cũ, người Thái tỏ ra lạnh nhạt và tẩy chay quyết liệt đối với loại tiền giấy mới. Lý do của tình trạng này chính là “việc lưu hành rất nhiều tiền giả được sản xuất khéo léo tới mức rất khó nhận biết”, vì thế, để tránh phải lấy tiền giả, người Thái chấp nhận đổi tiền giấy lấy tiền kim loại mệnh giá nhỏ hơn. Trong các giao dịch, người Thái thường xuyên từ chối tiền giấy và chấp nhận đồng FranÇ đã bị thu hồi với chiết khấu ở mức 0$60 [20]. Hiện tượng đó khiến Công sứ tỉnh Sơn La buộc phải rút toàn bộ tiền giấy ra khỏi công quỹ tỉnh gửi lại kho bạc. Dân chúng vẫn cất giấu một lượng lớn tiền kim loại, ước tính khoảng 100.000 đến 400.000 đồng [20]. Phản ứng đó phần nào thể hiện sự cô lập của Sơn La trong hệ thống thương mại của Bắc Kỳ.

  1. Kết luận

Từ những phân tích trên, đặt thương mại Sơn La trong sự đối sánh với các tỉnh thành có thể thấy, Sơn La nằm trong tình trạng chung của thương mại các tỉnh Tây Bắc nền thương nghiệp vô cùng yếu kém. Trong khi một số tỉnh miền núi Đông Bắc có hệ thống đường sá thuận lợi hơn, lại có đường biên giới giáp Trung Quốc đã khiến hoạt động thương mại tại đây tấp nập và xã hội có nhiều chuyển biến. Thương nghiệp không phát triển khiến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp không được chú trọng, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, Sơn La vẫn là một tỉnh nghèo cách biệt với đồng bằng, kéo theo nhiều hệ lụy về văn hóa, xã hội. Vì thế, việc cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách phục vụ phát triển giao thương đã trở thành mục tiêu hàng đầu của Nhà nước để thúc đẩy kinh tế, xã hội các tỉnh miền núi trong những giai đoạn sau.

Tài liệu tham khảo

  1. Tống Thanh Bình (2017), Giao thông tỉnh Sơn La thời Pháp thuộc, Tuyển tập các bài báo khoa học “Các vấn đề hiện đại trong khoa học và giáo dục: Truyền thống và đổi mới”, Trường ĐH Sư phạm Quốc gia Kazakhstan, 3/2017, ISBN 978-601-298-581-8.
  2. Vũ Thị Minh Hương (2002), Nội thương Bắc Kỳ thời kỳ 1919 – 1939, Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Viện Sử học.
  3. Nguyễn Thanh Nhàn (2016), Phố Chợ Chiềng Lề, Bản tin Xưa và nay Sơn La, số 8.
  4. Niên giám hành chính, thương mại và kĩ nghệ, TTLTQG I, Hà Nội. kí hiệu S 189, tr. 533 -534].
  5. Rapport économique de la province de Son La de 1940, hồ sơ số 74297. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  6. Rapports économiques des provinces du Tonkin : Son La, Son Tay, Thai Binh, Thai Nguyen, Tuyen Quang, Vinh Yen, Yenbay 1920 – 1922, hồ sơ số 72587 – 04. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  7. Rapports économiques du 1er semestre 1919 des provinces du Tonkin : Ha Dong, Ha Nam, Hai Duong, Hoa Binh, Hung Yen, Lai Chau, Nam Dinh, Phuc Yen, Phu Tho, Quang Yen, Son La, Son Tay, Thai Binh, Thai Nguyen, Yenbay. 1919, hồ sơ số 72586-6, RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  8. Statistiques des concessions dans la province de Son La en 1898, hồ sơ sốAFC, TTLTQG I, Hà Nội.
  9. Rapports économiques et statistiques commerciales des provinces de Thai Nguyen, Tuyen Quang, Van Bu, Van Linh, Vinh Yen, Yenbay. 1902, hồ sơ số 72575 – 02. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  10. Rapports économiques et statistiques commerciales des provinces: Phu Lien, Phu Lo, Quang Yen, Son Tay, Thai Binh, Thai Nguyen, Tuyen Quang, Van Bu, Vinh Yen, Yen Bay en 1903, hồ sơ số 72470 – 03. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  11. Rapports économiques de la province de Son La. 1904-1909, Hồ sơ số 69. AFC, TTLTQG I, Hà Nội.
  12. Rapports économiques et politiques et statistiques commerciales dans les provinces: Phu Lien, Phuc Yen, Quang Yen, Son La, Son Tay, Thai Binh 1904 hồ sơ số 72540 – 03. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  13. Rapports économiques et statistiques commerciales des provinces: Son La, Son Tay, Thai Binh, Thai Nguyen, Tuyen Quang, Vinh Yen, Yenbay en 1905, hồ sơ số 72541 – 04. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  14. Rapports économiques et statistiques commerciales des provinces du Tonkin : Quang Yen, Son La, Son Tay, Thai Binh, Thai Nguyen 1905-1906, hồ sơ số 72583-5. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  15. Rapport sur la situation de la province de Van Bu 1902, hồ sơ số 74. AFC, TTLTQG I, Hà Nội.
  16. Rapport annuel sur la situation générale de la province de Son La de Juin 1922 à Décembre 1922, hồ sơ số RST 36544 – 22. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  17. Rapport sur la situation de la province de Van Bu 1902, hồ sơ số 55027. RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  18. Rapports généraux annuels des provinces de Son La, Son Tay, Thai Binh et Thai Nguyen de 1923 à 1924 au Conseil de Gouvernement de l’Indochine (session 1924), hồ sơ số 36554-05. RST TTLTQG I, Hà Nội.
  19. Rapports économiques du 1er semestre 1917 des provinces du Tonkin : Bac Giang, Bac Kan, Ha Giang, Hanoi , Hai Duong, Hoa Binh, Phuc Yen, Kien An, Nam Dinh, Ninh Binh, Phuc Yen, Phu Tho, Quang Yen, Son La, Thai Binh, hồ sơ số RST, TTLTQG I, Hà Nội.
  20. Rapport économique de la province de Son La de 1934, hồ sơ số 74290. RST TTLTQG I, Hà Nội.

Trade of Son La province in France (1895-1945)

Abstract: During the French colonial period, the trade of Son La developed slowly. Based on the study of the issues of trading routes, commodity structure, types of marketplaces and traders, the authors commented on the trade in Son La under the French rule (1895 – 1945)

Key words: Son La trade, French colonial peri

[1] ᵮ: đồng FranÇ, đơn vị tiền tệ cũ của Pháp.

[2] Đồng FranÇ: đơn vị tiền tệ cũ của Pháp.

[3] Đồng Piastre (còn gọi là đồng Đông Dương): đơn vị tiền tệ Pháp phát hành và lưu thông tại Đông Dương thời Pháp thuộc.