HÀNH TRÌNH TÂY BẮC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN DUY

1858

HÀNH TRÌNH TÂY BẮC CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN DUY

                                                        Ths. Phú Thuỳ Hương – Bộ môn Ngữ Văn  

Những câu thơ giản dị, mộc mạc “Tre xanh/ Xanh tự bao giờ/ Chuyện ngày xưa…đã có bờ tre xanh” gắn với tên tuổi nhà thơ Nguyễn Duy, từ lâu đã trở nên quen thuộc, gắn bó với biết bao thế hệ học trò. Ông được coi là nhà thơ của sách giáo khoa khi có nhiều tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông như Tre Việt Nam, Ánh trăng, Đò lèn. Đặc biệt, năm 2018, bài thơ Đánh thức tiềm lực của ông được chọn đưa vào đề thi THPT Quốc gia để đánh thức trách nhiệm của công dân, của những người trẻ với đất nước.

Có lẽ, được gặp nhà thơ, được nghe chính ông đọc diễn thơ của mình là may mắn và niềm mong mỏi của biết bao người. Niềm vui ấy đã đến với học sinh, sinh viên Sơn La khi ngày 30/05/2020, nhà thơ Nguyễn Duy đã có hành trình đến thăm Tây Bắc để gặp gỡ, giao lưu với Cán bộ giảng viên Khoa Khoa học xã hội, trường Đại học Tây Bắc và một số trường phổ thông trong tỉnh.

                    Ảnh 1: Chân dung nhà thơ Nguyễn Duy

Trong hành trình lần này của mình, nhà thơ đã đến nói chuyện với Cán bộ Giáo viên ba trường THPT Chuyên Sơn La và THPT Nội trú tỉnh, trường THCS Mộc Lỵ (Mộc Châu). Trong các buổi giao lưu, bằng cách nói mộc mạc, giản dị, thủ thỉ, tâm tình, Nguyễn Duy dẫn người nghe vào những câu chuyện đời, chuyện thơ của mình bằng những cảm xúc lắng đọng, chân thành. Ông tự nhận mình là “nhà thơ thảo dân” với rất nhiều những sáng tác mang đậm tâm thức làng quê từ trong huyết quản; với tình cảm gia đình thân thương; với những câu chuyện thời chiến gắn bó, gian khổ như Tre Việt Nam, Ánh trăng, Đò lèn, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Sông Thao, Dạ hương, Cơm bụi, Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố… Ông lại bảo, ông cũng có rất nhiều những bài thơ thế sự, những câu thơ tuẫn tiết với biết bao trăn trở trước cuộc đời như bộ ba tác phẩm Nhìn từ xa Tổ quốc, Đánh thức tiềm lực, Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ. Làm thơ, với ông là một cách để giãi bày những trải nghiệm trước cuộc sống một cách chân thực và chân thành nhất “Thơ tôi ra đời từ những câu chuyện có thật, không bịa…”, đó là hành trình đi tìm và được cất lên tiếng nói của mình. Bên cạnh sự xúc động khi lần đầu tiên trực tiếp được nghe chính nhà thơ đọc những bài thơ rất quen thuộc, những thầy cô, học sinh trong buổi giao lưu còn thích thú vì cách nói chuyện hóm hỉnh, cách dùng từ thú vị, độc đáo của Nguyễn Duy. Có lúc, không khí lại lặng đi đầy thấm thía, nghẹn ngào khi ông đọc “…Khi tôi biết thương bài thì đã muộn/ Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi” hay khi những câu hỏi thơ liên tục đặt ra “Ai? Ai? Ai? Không ai”. 

Ảnh 2: Nhà thơ gặp gỡ Cán bộ giáo viên, học sinh trường THPT Chuyên Sơn La


Ảnh 3: Nhà thơ gặp gỡ Cán bộ giáo viên, học sinh trường THPT Nội trú tỉnh 


Ảnh 4: Nhà thơ gặp gỡ Cán bộ giáo viên, học sinh trường THCS Mộc Lỵ, Mộc Châu

Nhiều câu hỏi đã được các bạn học sinh gửi đến nhà thơ, từ những câu hỏi sâu sắc đến ngộ nghĩnh, đáng yêu. Ai cũng mong muốn được trực tiếp nghe ông lí giải về những vấn đề trong tác phẩm mà mình yêu thích; được biết cảm xúc của nhà thơ khi đặt chân đến mảnh đất Tây Bắc. Trong đó, bài thơ Đánh thức tiềm lực được quan tâm hơn cả khi xuất hiện trong đề thi THPT Quốc gia. Kết thúc các buổi giao lưu, đại diện các nhà trường đã thể hiện sự xúc động và gửi lời cảm ơn đến nhà thơ vì buổi gặp gỡ, nói chuyện với thầy cô, học trò tại Sơn La đầy ý nghĩa.

Ảnh 5: Học sinh đặt câu hỏi giao lưu với nhà thơ

Lần gặp gỡ này, chúng tôi không chỉ cảm nhận được một tầm vóc lớn với hành trình sáng tạo gần bốn mươi năm, kết tinh trong mười tập thơ với hơn ba trăm tác phẩm mà quan trọng hơn cảm nhận được sự chân thành, mộc mạc của một con người luôn đau đáu những nỗi niềm nhân tình thế thái của đất nước, dân tộc mình. Có thể nói, “Hình hài của Nguyễn Duy giống như đất hoang, còn thơ Nguyễn Duy là thứ cây quý mọc trên đất hoang đó” (Trịnh Công Sơn).