Hà Nội xưa qua trang sách

31548

Hà Nội xưa với ba sáu phố phường, mang cả nét hào hoa lẫn lầm than được nhiều văn nhân ghi lại trong trang sách.

‘Hà Nội băm sáu phố phường’ – Thạch Lam

Hà Nội băm sáu phố phường là tập bút ký đầu tiên về Hà Nội với đề tài ẩm thực. Ngay từ lần đầu tiên được Nhà xuất bản Đời nay phát hành năm 1943, sách đã gây tiếng vang lớn trong văn đàn. Tác giả, thông qua những bài văn ngắn, phóng bút, ký sự, khắc họa chuyện phố phường, dân sinh, nhân tình thế thái: Những biển hiệu, Những chốn ăn chơi, Các hiệu cao lâu khách

Tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường do NXB Hội nhà vă Việt Nam xuất bản năm 2018

Tác phẩm “Hà Nội băm sáu phố phường” do Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam kết hợp công ty Nhã Nam xuất bản năm 2018.

Ông đặc biệt đi sâu vào những thức quà chỉ riêng nơi đây mới có: cốm làng Vòng, bánh khảo kẹo lạc, gánh xôi hàng nước… để rồi nhận định: “Quà… tức là người”. Giọng văn Thạch Lam nhẹ nhàng mà sâu lắng, vẽ nên diện mạo của ba sáu phố phường xưa, với Hàng Bông, Hàng Mã, Hàng Bạc, Hàng Đào… cổ kính và tao nhã.

‘Hà Nội cũ’ – Doãn Kế Thiện

Bìa sách Hà Nội cũ do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành vào tháng 9/2015.

Bìa sách “Hà Nội cũ” do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành vào tháng 9/2015.

Tác phẩm của nhà báo, nhà văn hóa Doãn Kế Thiện được Nhà xuất bản Đời mời phát hành lần đầu năm 1943. Hà Nội trong sách nhuốm màu truyền thuyết, huyền thoại. Nhà văn không đặt nặng yếu tố lịch sử mà đi vào yếu tố văn hóa và dân gian, với những tích về “Ông Ầm cửa Đông”, “Đình Yến Lão”, “Cây cổ thụ và ông Hoàng Diệu”… Qua đó, Doãn Kế Thiện khắc họa phố xưa cùng những suy nghĩ về văn hóa, lối sống của người Hà thành.

‘Hà Nội lầm than’ – Trọng Lang

Trọng Lang là một trong những cây bút viết phóng sự có tiếng những năm trước 1945. Nhà văn Vũ Ngọc Phan từng nhận xét về những nhân vật trong phóng sự của Trọng Lang: tâm hồn của những hạng dân quê đã bị ‘lây’ ít nhiều thói tỉnh thành”. Chính vì vậy, phóng sự của Trọng Lang châm biếm, mỉa mai và có chút gì đau đáu.

Bìa tác phẩm Hà Nội lầm than được xuất bản năm 2015.

Bìa tác phẩm “Hà Nội lầm than” được xuất bản năm 2015.

Hà Nội lầm than xuất bản năm 1938, gồm bốn phần, cũng là bốn thiên phóng sự điều tra của ông: Gái nhảy, Cô đầu, Nhà thổ và Ăn mày. Trọng Lang hướng ngòi bút của mình vào những hạng mạt cùng trong xã hội, với giọng văn phê phán đanh thép về góc khuất hủ bại của các đô thị thời thuộc Pháp.

Tác phẩm tập trung nhiều vào hình ảnh người phụ nữ và là sự thở dài cho nỗi lầm than, sự bế tắc đến tha hóa của họ trong cuộc sống. Hà Nội trong con mắt Trọng Lang không hào hoa mà còn đầy rẫy đen tối, cơ cực, cam chịu và hủ bại.

‘Miếng ngon Hà Nội’ và ‘Thương nhớ mười hai’ – Vũ Bằng

Miếng ngon Hà Nội (xuất bản năm 1960) và Thương nhớ mười hai (xuất bản năm 1972) được ông sáng tác trong thời kỳ hoạt động tình báo ở miền Nam (1954 – 1975). Vì thế, ngoài việc tái hiện một thủ đô giàu truyền thống văn hóa qua các món ăn, tập tục… Vũ Bằng còn bày tỏ hoài vọng đau đáu về Hà Nội và gia đình ngoài Bắc.

Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ Mười hai nằm trong tuyển tập Việt Nam danh tác do NXB Hội nhà văn Việt Nam và Nhã Nam phát hành.

“Miếng ngon Hà Nội” và “Thương nhớ Mười hai” nằm trong tuyển tập “Việt Nam danh tác” do NXB Hội nhà văn Việt Nam và Nhã Nam phát hành.

Trong Miếng ngon Hà Nội, tác giả tái hiện cảm nhận cùng những kỷ niệm về 17 thức quà Hà thành (tương ứng với 17 bài) bằng cảm nhận sành sỏi và kỹ tính. Ở Thương nhớ mười hai, ông bày tỏ nỗi nhớ da diết với cảnh, người, với 12 tháng của Hà Nội bằng văn phong tinh tế.

‘Chuyện cũ Hà Nội’ – Tô Hoài

Hà Nội là đề tài trở đi trở lại trong tác phẩm của Tô Hoài. Nhà nghiên cứu Hoài Anh từng nhận xét: “Có thể nói Tô Hoài là nhà văn đặc sắc và phong phú viết về Hà Nội, ở đó bóng dáng, linh hồn Hà Nội hiện ra rất rõ, rất gợi cảm”.

NXB Thời đại tái bản lại Chuyện cũ Hà Nội gồm 114 câu chuyện vào năm 2010.

NXB Thời đại tái bản “Chuyện cũ Hà Nội” gồm 114 câu chuyện vào năm 2010.

Chuyện cũ Hà Nội là bút ký, tự truyện lịch sử của nhà văn về Hà Nội những năm Pháp thuộc. Tác phẩm được in lần đầu năm 1986 gồm 42 truyện và đến bản in mới nhất hiện nay của Nhà xuất bản Thời đại vào năm 2010 đã có tới 114 truyện. Tô Hoài viết về Hà Nội như viết về cuộc đời chính mình, những con người cụ thể, hữu danh, nghèo khó ông từng gặp và nhớ. Thiên bút ký Chuyện cũ Hà Nội cứ dày lên qua mỗi lần tái bản.

Tác phẩm tái hiện Hà Nội đầu thế kỷ 20 với những biến chuyển phức tạp trong dòng chảy Âu hóa, đô thị hóa. Nhà văn đi sâu vào những phận đời nghèo khó, trôi dạt, nhỏ bé, những nếp sống thị thành mới cùng những lễ hội, thuần phong mỹ tục xưa.

Bảo Thư