ĐỚI BỜ – MỘT GÓC NHẬN THỨC VỀ BIỂN, CƠ SỞ ĐỂ XÁC ĐỊNH VÙNG BIỂN VÀ LIÊN HỆ BIỂN ĐÔNG

381

ĐỚI BỜ – MỘT GÓC NHẬN THỨC VỀ BIỂN, CƠ SỞ ĐỂ XÁC ĐỊNH VÙNG BIỂN VÀ LIÊN HỆ BIỂN ĐÔNG

TS. Nguyễn Văn Minh – Bộ môn Địa lí

Hiện nay, biển Đông đang là một trong những vấn đề nóng, mang tính thời sự khu vực và toàn cầu. Việc nghiên cứu, phân tích và luận giải đã có nhiều đề cập, khá đa dạng và phong phú, trên nhiều bình diện như: vai trò và vị thế của biển Đông, lợi ích biển Đông,… và nhất là thực trạng tranh chấp, cùng các Quy định Quốc tế về biển Đông. Các vấn đề trên đều được các bài viết, các tác giả nghiên cứu, luận trình trên nhiều phương tiện, nhiều diễn đàn. Ở đây, trong một luận bàn, tôi chỉ đề cập đến một phân tích về cách xác định về biển là đới bờ (các vị trí cùng tên gọi để xác định), từ cơ sở đó liên hệ với biển Đông, có vậy thì việc nhận thức cũng như kiến giải, nhận định sẽ chuẩn xác khoa học hơn, tránh việc phản biện không có luận cứ, xem xét các vấn đề mang tính mơ hồ với sắc màu cảm tính.

  1. Khái niệm đới bờ biển

Tại Hội nghị về “rìa nước” tổ chức Ở Masachuset (Hoa Kỳ) năm 1972, người ta đã đưa ra định nghĩa như sau: “Đới bờ là một dải lục địa và biển kế cận nhau có chiều rộng thay đổi. Tại đây, việc sử dụng các hệ sinh thái trên đất liền có ảnh hưởng trực tiếp đến các hệ sinh thái biển và ngược lại . Có thể xem đây là định nghĩa đầu tiên về đới bờ được sử dụng trong quản lý. Giờ đây, định nghĩa này chỉ còn mang tính lịch sử.

Năm 1989, trong văn bản hướng dẫn đánh giá tác động môi trường, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã nhận xét và đưa ra quan niệm như sau: “Không có một định nghĩa chính xác về đới bờ. Nhưng tất cả các định nghĩa đều cố gắng để tính đến cả vùng bờ ven biển, vùng cửa sông, vùng biển ven bờ cùng toàn bộ phần đất kéo dài dọc theo bờ mà trên đó các quá trình tự nhiên và những hoạt động của con người đều có tác động đến nó và cũng bị tác động của chính nó. Giới hạn của đới bờ có thể rất rộng, không chỉ được xác định bởi các đặc trưng sinh thái mà  còn phụ thuộc vào các điều khoản trong chính sách và khả năng quản lý của chính quyền. Vì vậy, đới bờ có thể bao gồm cả một vùng đất rộng lớn trên lục dịa tính từ đường phân thuỷ của các sông đổ ra biển và đến tận vùng nước trên sườn lục địa…”.

Đến năm 1993, tại Stockhom (Thụy Điển), Hội thảo Chương trình Sinh – Địa quyển đã đưa ra định nghĩa “đới bờ là một dải rộng gồm các hệ sinh thái bờ  như vùng cửa sông, đầm phá, đới triều, vùng ven biển, vùng đá ngầm và vùng biển xa bờ được đặc trưng bởi các tính chất và các quá trình sinh học và không sinh học khác nhau. Đới bờ được kéo dài từ vùng đất ven biển tới rìa ngoài của thềm lục địa. Đây chính là đới tương tác đất – biển như chính chủ đề của hội thảo này là mối tương tác  đất-biển (Land-Ocean Interaction Zone, LOIZ).

Còn theo các nhà khoa học tham gia đề án “Biến đổi toàn cầu” (Global Change) thuộc chương trình Sinh – Địa quyển Quốc tế (IGBP – International Geosphere – Biosphere Programme) thì, đới bờ là một vùng tiếp giáp đất – biển được “mở rộng từ các đồng bằng ven biển đến rìa ngoài của thềm lục địa, phù hợp với khu vực đã có lần ngập nước và không ngập nước xen kẽ nhau do dao động mực nước biển trong thời kỳ Đệ tứ muộn”. Cũng theo nguồn tài liệu này và từ hình dưới, phạm vi đới bờ được quy định trong phạm vi từ độ cao 200 mét (trên lục địa) đến độ sâu 200 mét (dưới biển và đại dương). Với khoảng không gian như vậy, diện tích đới bờ chiếm khoảng 18% bề mặt địa cầu, nơi tập trung trên 60% dân số, 2/3 số thành phố lớn trên 1,6 triệu dân và cung cấp khoảng 90% sản lượng cá của thế giới.

Hình: Sơ đồ các yếu tố của đới bờ

Đới bờ theo cách xác định như vậy có một số đặc trưng sau:

– Có diện tích chiếm khoảng 8% bề mặt trái đất;

– Chiếm khoảng 1/5 tổng năng suất sơ cấp toàn cầu;

– Khoảng 85 – 90% sản lượng cá đánh bắt trong vùng nước thuộc vùng đặc quyền kinh tế.

Đới bờ có thể được chia ra 3 hợp phần sau:

Vùng biển: được mở rộng từ mực nước triều thấp nhất về phía biển với các hệ sinh thái biển nông như cỏ biển, san hô v.v.

 Đới bãi: được mở rộng từ mực nước triều thấp nhất đến mực nước triều cao nhất.

Vùng đất phía sau bãi: ranh giới phía lục địa của nó phụ thuộc vào các điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia. 

Từ cách hiểu như vậy, có thể đưa ra sơ đồ mang tính nguyên tắc về mối quan hệ giữa các hợp phần ở đới bờ như là một hệ thống thống nhất từ lục địa ra biển rất gắn bó với nhau.

  1. Liên hệ với biển Đông và các quốc gia 

– Với Việt Nam, do đặc điểm địa hình biển Đông của nước ta, nên theo cách xác định trên thì miền bờ biển của Việt Nam rất lớn, theo Vũ Trung Tạng (1979), Nguyễn Văn Âu (1999) và các tác giả khác, diện tích này có thể đạt tới 2,6.106 km2 chiếm khoảng 75% diện tích biển Đông.

– Với Trung Quốc, việc đưa ra đường chín đoạn, đường lưỡi bò (ở ảnh dưới), là một trong những vô lí, không có căn cứ, chủ tính và có định hướng bành trướng, tham giữ độc tôn.

– Với các quốc gia khác trong khu vực: Inđônêxia, Philippine, Singapore, Malayxia, Brunêy, phần lớn các quốc gia này là đảo và quần đảo, nên việc xác định vùng đới bờ cũng như vùng biển là rất lớn và vô cùng quan trọng không chỉ với sinh kế của người dân, với kinh tế quốc gia mà còn cả về địa chính trị, địa quốc phòng – an ninh cũng như sự hưng thịnh của họ.

Như vậy, chỉ với một cách xác định, chúng ta cũng có thể nhận thấy được đặc điểm của vùng biển, từ đó có nhận thức đúng hơn về biển cả nói chung, biển Đông nói riêng. Qua đó, mỗi người cũng có thể có được cái nhìn đúng hơn về biển Đông trong tình hình thời sự hiện tại. Cũng với cách dẫn luận, tôi chỉ mong muốn rằng, mỗi chúng ta khi xem xét các vấn đề cần xem xét vấn đề dựa trên cơ sở khoa học, có căn cứ và dẫn luận không cảm tính, hàn lâm. Có vậy, việc phân tích hay nhận định mới thực sự có tính thuyết phục, việc phản đối mới có sức nặng và được sự công nhận của đông đảo người quan tâm.