CHƯƠNG TRÌNH TRỰC TUYẾN TƯ VẤN TUYỂN SINH NĂM 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

896

CHƯƠNG TRÌNH TRỰC TUYẾN TƯ VẤN TUYỂN SINH NĂM 2020 TRƯỜNG ĐẠI HỌC TÂY BẮC

 TS Hà Thị Mai Thanh 

           Vào hồi 19 giờ ngày 5 tháng 6 năm 2020, tại Đài phát thanh truyền hình tỉnh Sơn La đã diễn ra chương trình trực tuyến tư vấn tuyển sinh năm 2020 của Trường Đại học Tây Bắc. Chương trình có sự hiện diện của đại diện lãnh đạo bốn khoa, đó là: Khoa Khoa học xã hội, Khoa Khoa học Tự nhiên – Công nghệ, Khoa Nông lâm và Khoa Cơ sở; các cựu sinh viên và đại diện Ban chấp hành Đoàn trường và Hội sinh viên.

Đại diện lãnh đạo Khoa Khoa học xã hội và Khoa Khoa học Tự nhiên – Công nghệ cùng các cựu sinh viên (Ảnh: Hà Thanh)

TS Đặng Thị Hồng Liên – Phó trưởng Khoa Khoa học xã hội – đã chia sẻ phương châm đào tạo của Khoa: “Trao cơ hội, tặng niềm tin và cùng sinh viên trưởng thành”. Khoa Khoa học Xã hội được thành lập năm 2019 trên cơ sở hợp nhất hai khoa (Khoa Ngữ văn và Khoa Sử – Địa), tiền thân là Ban Xã hội của Trường Sư phạm cấp 2 Khu tự trị Thái Mèo (thành lập năm 1960). Khoa Khoa học Xã hội có một bề dày kinh nghiệm đào tạo: Cử nhân Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Địa lý; Thạc sĩ Ngôn ngữ Việt Nam và Thạc sĩ Lịch sử Việt Nam. Đội ngũ giảng viên trong Khoa có trình độ chuyên môn cao, năng động, tích cực cập nhật xu thế mới. Trưởng khoa là PGS.TS. Bùi Thanh Hoa cùng 21 Tiến sĩ, 15 Thạc sĩ trên tổng số 37 giảng viên.

Cũng theo TS Đặng Thị Hồng Liên, khi đến với Khoa Khoa học xã hội, sinh viên sẽ được học tập với một chương trình  hiện đại, đạt chuẩn và thích ứng với đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng. Sinh viên không những được đào tạo về kiến thức chuyên ngành mà còn được trang bị các kĩ năng nghề nghiệp, kĩ năng giao tiếp, năng lực tự chủ và trách nhiệm. Người học được rèn luyện trong môi trường kỷ luật, nghiêm túc và nhiều cơ hội trải nghiệm mang tính đặc trưng của bộ môn như thực tế, thực địa. Ngoài ra, các em còn  tham gia vào rất nhiều các hoạt động phong trào do Khoa và Nhà trường tổ chức. Những trải nghiệm này giúp các em trở thành những con người năng động, sáng tạo, có khả năng ứng biến với những biến đổi của xã hội và vững bước trong sự nghiệp sau này. Đặc biệt, các thầy cô cố vấn học tập luôn sát sao, tư vấn phù hợp với năng lực học tập của từng sinh viên để sinh viên lựa chọn quyền học vượt, học cải thiện, học cùng lúc hai chương trình và tốt nghiệp sớm. Từ đó, sinh viên có nhiều lợi thế cạnh tranh sau khi tốt nghiệp. Về vị trí việc làm, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể trở thành giáo viên giảng dạy Ngữ văn, Lịch sử và Địa lí tại các trường Phổ thông. Sinh viên có thể tiếp tục học nâng cao lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ để có cơ hội trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu thuộc nhóm ngành Khoa học xã hội. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể chuyển vị trí làm việc sang một số nghề nghiệp khác có liên quan đến lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn. Đối với ngành Sư phạm Ngữ văn, sinh viên có thể làm việc tại các Viện nghiên cứu văn học, các cơ quan truyền thông báo đài,  các tổ chức chính trị, xã hội… Với ngành Sư phạm Lịch sử, sinh viên có thể làm ở Viện nghiên cứu lịch sử, Ban tuyên giáo, Trường chính trị tỉnh, Học viện chính trị, Bảo tàng,… Với ngành Sư phạm Địa lí, sinh viên có thể làm việc ở ngành Địa chính; Tài nguyên môi trường, Quản trị trị du lịch, hướng dẫn viên du lịch,…

Đại diện cho Khoa Khoa học Tự nhiên – Công nghệ, TS Mai Anh Đức – Phó trưởng khoa – đã phác thảo những nét nổi bật tạo nên sự phát triển của Khoa. Khoa Khoa học Tự nhiên – Công nghệ được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai khoa: Toán – Lí – Tin và Sinh – Hóa. Hơn 60 năm xây dựng và phát triển, cùng với chiều dài lịch sử phát triển của Nhà trường, các thế hệ giảng viên của Khoa đã tổ chức rất nhiều hoạt động. Nhóm hoạt động thứ nhất liên quan đến chuyên môn (giảng dạy, ngoại khóa chuyên môn, các cuộc thi,…). Nhóm hoạt động thứ hai liên quan đến việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để vận dụng vào quá trình tự đào tạo (hoạt động nghiên cứu khoa học). Nhóm hoạt động thứ 3 là sử dụng các kiến thức được học lan tỏa đến cộng đồng (kết nối cộng đồng: hoạt động tình nguyện). Giá trị cốt lõi trong tất cả các hoạt động ấy chính là các thế hệ giảng viên của Khoa luôn tạo ra một môi trường để sinh viên được thế hiện mình, từ đó sinh viênvững tin để khai thác tất cả các ưu điểm của bản thân. Các giảng viên trong Khoa luôn trăn trở với khó khăn của sinh viên, nâng đỡ khi các em vấp ngã và hạnh phúc khi các em trưởng thành. Từ đó, các thầy cô giáo trong khoa mãi là ngôi nhà ấm áp và đầy yêu thương với các thế hệ học trò.

Đại diện lãnh đạo Khoa Nông lâm và Khoa Cơ sở cùng các cựu sinh viên (Ảnh: Hà Thanh)

TS Vũ Quang Giảng – Trưởng khoa Nông lâm – đã giới thiệu về các ngành học của Khoa Nông lâm. Khoa Nông lâm được thành lập từ năm 2006, đã đào tạo được 13 khóa sinh viên, các cựu sinh viên đã làm việc ở mọi miền đất nước. Hiện nay, Khoa đang đào tạo 6 ngành: Quản lí tài nguyên rừng, Quản lí tài nguyên và môi trường, Chăn nuôi, Nông học, Lâm sinh, Bảo vệ thực vật. Năm 2020, khoa tiếp tục tuyển sinh 4 ngành: Quản lí tài nguyên và môi trường, Chăn nuôi, Nông học, Lâm sinh. Môi trường học tập tại Khoa rất chuyên nghiệp và thân thiện. Đội ngũ giảng viên luôn sẵn sàng giúp đỡ sinh viên. Sinh viên được thực hành trong những điều kiện vật chất đầy đủ. Ngoài ra, sinh viên còn được thực tập ở các công ti, trang trại hay những khu công nghệ cao.

          Đại diện cho Khoa Cơ sở, TS Hoàng Phúc – Trưởng khoa – cũng có những giới thiệu rất cụ thể về Khoa. Khoa đào tạo trình độ Đại học với ba chuyên ngành: Giáo dục Chính trị, Giáo dục Thể chất và Sư phạm Tiếng Anh. Về vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Theo TS Hoàng Phúc, sau khi tốt nghiệp ngành Giáo dục Chính trị, sinh viên có thể làm giáo viên giảng dạy môn Giáo dục công dân ở trường phổ thông, làm giảng viên giảng dạy các môn Khoa học Chính trị ở các trường đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề; làm công chức, viên chức tại các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị ở Việt Nam hay làm việc tại các Trung tâm nghiên cứu về Khoa học chính trị. Bên cạnh đó, sinh viên có thể học lên trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của các chuyên ngành Khoa học Chính trị.  Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiếng Anh, sinh viên có thể giảng dạy môn Tiếng Anh ở các trường phổ thông, đại học, cao đẳng hay các trường dạy nghề; làm việc ở các cơ quan, đơn vị có sử dụng chuyên môn Anh ngữ. Với các sinh viên tốt nghiệp ngành Giáo dục Thể chất, các em có thể  giảng dạy môn Giáo dục Thể chất ở các trường phổ thông, đại học, cao đẳng hoặc trường dạy nghề; làm chuyên viên ở các cơ quan, huấn luyện viên ở các trung tâm thể thao…

          Một điểm nhấn cho chương trình là sự xuất hiện của các Cựu sinh viên của trường Đại học Tây Bắc. Đó là ThS Trần Doãn Quyết – Phó Hiệu trưởng trường Phổ thông Chuyên Sơn La, Cựu sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn; ThS Nguyễn Tuấn Hưng – Phó trưởng phòng Tổ chức – Hành chính trường Cao đẳng Y Sơn La, Cựu ngành Sư phạm Toán học; ThS Nguyễn Hải Minh – Giảng viên khoa Cơ bản, Cựu Sinh viên ngành Giáo dục chính trị; Đồng chí Vàng A Mẻ – Cán bộ Trung tâm Nông nghiệp bền vững, Cựu sinh viên ngành Nông học. Những Cựu sinh viên này đã trưởng thành từ ngôi trường Đại học Tây Bắc. Đến với chương trình, họ đã chia sẻ những kỉ niệm, những sự tri ân với các thầy cô và nói lên những lí do chọn trường Đại học Tây Bắc để phát triển và trưởng thành.

Đại diện Thường vụ Đoàn trường và Hội sinh viên Trường Đại học Tây Bắc (Ảnh: Hà Thanh)

Bên cạnh hoạt động chính là đào tạo và nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Tây Bắc còn có thế mạnh về các hoạt động phong trào. Nhiều thế hệ sinh viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp đã trở thành những nhân tố nòng cốt trong hoạt động phong trào tại các đơn vị công tác. Ban tổ chức đã mời tới chương trình đại diện của Thường vụ Đoàn trường và Hội sinh viên. ThS Vũ Tiến Thuận – Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh đoàn, Phó Bí thư Đoàn trường – đã chia sẻ về các hoạt động và thành tích hoạt động của Đoàn Trường Đại học Tây Bắc. Đoàn trường đã triển khai các hoạt động giúp cho các đoàn viên sinh viên phát triển ý tưởng khoa học của mình, gắn các ý tưởng khoa học đó với thực tiễn, từ đó có thể khởi nghiệp. Qua các buổi làm việc với chuyên gia, sinh viên có thể hoàn thiện các ý tưởng của mình. Đoàn trường còn có những hoạt động hướng tới cộng đồng như quyên góp, ủng hộ cho các quỹ hỗ trợ các học sinh nghèo, xây dựng các bếp ăn bán trú tại các điểm trường còn khó khăn, xây dựng các quỹ học bổng cho học sinh, tổ chức các lớp tiếng Anh cộng đồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh,…. Đ/c Kiều Tiến Lương – Phó CT Hội SV – đã giới thiệu các hoạt động tiêu biểu của Hội, đó là: chương trình “Chào tân sinh viên”, chương trình “Sinh viên 5 tốt”, hoạt động tình nguyện,… Qua các hoạt động phong trào, các bạn sinh viên qua đó rèn luyện được ý thức, trách nhiệm với cộng đồng, vừa tiếp lửa cho sinh viên có một nguồn nhiệt huyết để tu dưỡng, phấn đấu và trưởng thành.

          Chương trình đã thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đến với Trường Đại học Tây Bắc, các bạn tân sinh viên sẽ vừa được học kiến thức vững chắc, vừa được trải nhiệm những kĩ năng sống để trưởng thành. Từ đó, các bạn sinh viên sẽ có những cơ hội việc làm rộng mở trong tương lai.