CÁC HÌNH THỨC SỞ HỮU RUỘNG ĐẤT CỦA NGƯỜI THÁI Ở SƠN LA TRƯỚC NĂM 1930 (QUA NGHIÊN CỨU LUẬT LỆ CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN Ở THUẬN CHÂU)

571

CÁC HÌNH THỨC SỞ HỮU RUỘNG ĐẤT CỦA NGƯỜI THÁI Ở SƠN LA TRƯỚC NĂM 1930 (QUA NGHIÊN CỨU LUẬT LỆ CỦA NGƯỜI THÁI ĐEN Ở THUẬN CHÂU)

Ths. Trần Thị Phượng – Khoa Khoa học Xã hội                    

                                                                                (Trường Đại học Tây Bắc)

     TÓM TẮT

Nghiên cứu về ruộng đất của các địa phương là vấn đề ngày càng cấp thiết trong việc quản lý, hoạch định các chính sách nhằm phát triển kinh tế – xã hội các vùng, miền hiện nay. Liên quan đến vấn đề sở hữu ruộng đất của một tộc người có số lượng dân cư đông đảo ở Sơn La như tộc người Thái thì vấn đề này càng cần được làm rõ. Tuy nhiên, do những hạn chế nhất định về nguồn tư liệu, cho đến nay có rất ít công trình đề cập đến nội dung này, bởi vậy vấn đề ruộng đất của người Thái ở Sơn La còn tản mạn, chưa rõ ràng. Trên cơ sở đó, bài báo tập trung làm rõ vấn đề các hình thức sở hữu ruộng đất của người Thái ở Sơn La trước năm 1930 qua việc nghiên cứu Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu, từ đó rút ra những đặc trưng trong vấn đề sở hữu ruộng đất của người Thái ở Sơn La.

TỪ KHÓA: sở hữu, ruộng đất, người Thái, Sơn La

  1. MỞ ĐẦU

Từ trước đến nay đã có rất nhiều các công trình nghiên cứu về vấn đề ruộng đất và ruộng đất ở các địa phương trên nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào vấn đề tình hình ruộng đất của cả nước nói chung, hoặc một số tỉnh, địa phương nổi bật ở vùng đồng bằng nói riêng như Thái Bình, Nam Định… Các công trình chuyên khảo về ruộng đất của một tỉnh miền núi như Sơn La, nhất là liên quan đến vấn đề ruộng đất của các tộc người như tộc người Thái số lượng còn rất ít, nhiều vấn đề về ruộng đất nơi đây chưa được làm sáng tỏ.

Các nghiên cứu về người Thái từ trước đến nay chủ yếu là những nghiên cứu trên lĩnh vực đời sống tinh thần, đời sống vật chất, những nét văn hóa đặc trưng, tổ chức xã hội… Riêng lĩnh vực nông nghiệp trong đó có vấn đề ruộng đất còn khá khiếm tốn, ít số liệu cụ thể. Liên quan trực tiếp đến vấn đề ruộng đất của người Thái phải kể đến một số tác giả tiêu biểu như Đặng Nghiêm Vạn, Lã Văn Lô, Cầm Trọng… với những công trình Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam của Cầm Trọng [1], hay Đặng Nghiêm Vạn với Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái [2]…

Bên cạnh đó, đã có một số bài viết liên quan đến vấn đề ruộng đất của người Thái ở Sơn La đặc biệt phải kể đến: Cầm Trọng, Hữu Ưng, Góp phần tìm hiểu chế độ ruộng công và hình thái xã hội của người Thái Tây Bắc trước đây [3]; Đặng Nghiêm Vạn, Về vai trò của chúa đất trong xã hội tồn tại chế độ thổ ty, lang đạo, phìa tạo, chúa đất (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX) [4]… 

Ở Sơn La, vùng đất Thuận Châu, hay trước kia với tên gọi châu Mường Muổi đã từng là một trong những trung tâm lớn nhất của người Thái do người Thái Đen thống trị. Vì vậy, để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới người Thái ở Sơn La nhất định phải nghiên cứu về địa danh này. Hay nói cách khác, các vấn đề ruộng đất nơi đây là đại diện điển hình cho chế độ ruộng đất của người Thái ở Sơn La nói chung. 

Hầu hết luật tục của các tộc người thiểu số được lưu hành dưới hình thức truyền miệng, có thể nói rằng việc xuất hiện luật tục dưới hình thức luật thành văn phản ánh sự phát triển của tộc người Thái lên một trình độ tổ chức xã hội cao hơn so với nhiều tộc người khác. Trong luật tục của người Thái phản ánh rất nhiều nội dung liên quan đến luật lệ, quy định, đời sống kinh tế, tổ chức xã hội, thiết chế bản mường, ruộng đất, thuế khóa, đời sống tinh thần, tâm linh… Bản Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu cũng bao gồm những nội dung căn bản như vậy. Trong đó, rất nhiều vấn đề liên quan tới quyền sở hữu ruộng đất, các loại hình sở hữu ruộng đất, cách thức phân chia ruộng đất, tác động của ruộng đất tới tổ chức xã hội cổ truyền của người Thái…Thông qua đó, phần nào chúng ta có thể hiểu được những vấn đề liên quan tới ruộng đất của Sơn La trước năm 1930.

  1. NỘI DUNG
    1. Khái quát chung

Bản Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu có 2 bản dịch được đề cập đến trong 2 công trình: 1. Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái của Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1977 [2, tr.356-389], thuộc phạm vi Luật tục với tên gọi Tục lệ người Thái Đen ở Thuận Châu theo bản dịch của Tòng Kim Ân từ bản chép tay bằng mực tím trên giấy học trò khổ 18x30cm. 2. Luật tục Thái ở Việt Nam (tập quán pháp) Ngô Đức Thịnh, Cầm Trọng, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 1999 [5, tr.66-183] với tên gọi Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu dịch từ bản chép tay sao lại của cụ Lò Văn Sôn trong những năm 1968 – 1973, từ bản chép tay của cụ mo mường Lường Văn Hơn trước năm 1930. Theo dịch giả Cầm Trọng thì bản dịch trong cuốn Luật tục Thái ở Việt Nam đầy đủ hơn bản dịch cũ của Tòng Kim Ân, những xét về nội dung cơ bản giống nhau.

Bản Luật lệ người Thái Đen ở Thuận Châu dùng những trang, dòng đầu tiên nói về gốc tích và dòng dõi của mường và giới quý tộc mường (phìa, tạo):

Ngày xưa người Thái Đen ở đất Hán, đưa nhau xuống “ăn” Mường Lò.

Mường bản đầy người, Mường Lò trở nên “chật nơi ăn, hẹp nơi ở”

Cụ chủ Lạng (Lạn) Chượng họ Lò Cầm đã tập hợp 12 họ người Thái, gồm: Lò Ngần, Lò Nọi, Lường, Cà, Quàng, Tòng, Leo, Vi, Lù, La, Mè lên ở đất Thái như bây giờ” [5, tr.66].

Nội dung bản Luật lệ được chia làm XVII phần, với 3 nội dung lớn: thứ nhất, vấn đề cơ cấu quyền lực và kèm theo đó là các quyền lợi về vật chất và tinh thần của tầng lớp quan lại, chức dịch được quan tâm hàng đầu; thứ hai, các luật lệ xử phạt những hành vi phạm tội, tạo nên quy định mang tính chất pháp luật trong bản mường; thứ ba, cũng giống như hương ước của người Việt, Luật lệ của người Thái Đen rất chú ý đến các phong tục nghi lễ ở phạm vi toàn mường, bản cũng như ở mỗi gia đình. Và dĩ nhiên trong 3 nội dung lớn đó những vấn đề liên quan đến ruộng đất cũng được đề cập và phản ánh trên nhiều phương diện khác nhau.

Trong toàn bộ nội dung bản Luật lệ không hề đề cập tới loại ruộng tư nhân nào mà chỉ đề cập tới việc phân chia ruộng đất công hay người Thái gọi là “ruộng toàn mường” [1, tr.179]. Giống như nhận định của Cầm Trọng trong Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Ruộng toàn mường (ná háng mướng). Đây là loại ruộng công chiếm toàn bộ ruộng ở trong các châu mường” [1, tr.172]. Việc phân bổ ruộng toàn mường thuộc về bộ máy thống trị quý tộc ở các châu mường. “Cho đến trước năm 1935 người Thái chưa có khái niệm tư hữu ruộng đất. “Ruộng toàn mường” phân theo đơn vị cư trú chứ không theo đơn vị gia đình [1, tr.182-183]. Hay, “… Dù là mường của người Mường hay là mường của người Thái thì chế độ ruộng đất trên cơ bản là công hữu. Lấy mốc thời gian là trước cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945. Tại Việt Nam, tài liệu Dân tộc học cho thấy ngoại trừ các mường không ở khu vực trung tâm của người Thái (thí dụ như các nhóm Thái ở Nghệ An) do họ ở phân tán, khi thiên di đi tới đâu thì các gia đình, các dòng họ khai hoang rồi chiếm hữu tư nhân tới đó, còn ở vùng trung tâm, mặc dù ruộng tư đã xuất hiện, nhưng với tỷ lệ không nhiều, còn lại trên cơ bản hình thức ruộng công vẫn phổ biến” [6, tr.21]. 

Ruộng toàn mường được tạo, phìa, chẩu mường thông qua tổ chức bô lão quản lý rất chặt (Tạo (thao) với phìa (phaya) đều biểu thị một khái niệm chung là thủ lĩnh mường nên trong tiếng Thái mới ghép lại thành tạo phìa. Song nếu phân loại thì trong khi tạo mang hai nghĩa vừa chỉ người đứng đầu mường lại vừa chỉ cha, thì phìa (phaya) chỉ có một nghĩa là thủ lĩnh mường mà thôi) [7, tr.323]. Từ sự quản lý đó mà xã hội mới nảy sinh chế độ phân bổ ruộng gọi là “tánh ná” (sắp đặt ruộng) ở trong các châu mường [1, tr.184]. Ruộng toàn mường là sự tập trung quyền sở hữu toàn dân vào người đứng đầu trong mường như câu nói: “Đất án nha, ruộng của toàn mường” (đin án nha, na háng mướng). Như vậy, ruộng toàn mường mang nội dung của mối quan hệ giữa toàn dân với tổ chức chung là bản, mường đứng đầu là người đại diện cao nhất của tầng lớp quý tộc với bộ máy thống trị của nó.

Ruộng toàn mường được phân chia cho hai bộ phận sau: thứ nhất: ruộng của quý tộc và chức dịch bao gồm người đứng đầu mường, các chức dịch trong bản mường; thứ hai: ruộng của nông dân bao gồm nông dân gánh vác và nông dân cuông, nhốc, pụa pái.

  1. Các hình thức sở hữu ruộng đất
    1. Ruộng của quý tộc và chức dịch
      1. Ruộng toàn mường tới làm

Hầu hết các “mường phìa” và các “châu mường” đều có loại ruộng gọi là “ná nả háy háng mướng” nghĩa là “ruộng toàn mường tới làm”. Loại ruộng này ở “mường phìa trong châu” thì gọi là “ná nả háy háng chu” hay còn gọi là “ná mướng” [1, tr.190]. Như trong quy định của Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu như sau: 

Điều 101: “Dân ở bốn xổng thuộc chiềng, ăn hưởng ruộng gánh vác phải dắt trâu đến cày bừa ở “ruộng toàn mường tới làm” gọi là “thửa Xạ, thửa Lạn”:

– Mỗi đầu nhà “ông gánh bà vác” phải làm một buổi sáng.

– Các “ông gánh bà vác” làm rồi thì người ở bản nhốc cuông mới làm tiếp [5, tr.122].

Các loại ruộng toàn mường tới làm vốn là những thửa ruộng tốt nhất mà toàn mường dành ra để chi dùng vào việc chinh chiến và di dân. Đây là ruộng “của mường” nên mọi người có nghĩa vụ phải cày cấy. Người Thái quan niệm việc tới làm ruộng toàn mường tới làm cũng như đi việc mường. Thóc lúa thu hoạch được nhập vào kho chung gọi là “día khẩu háng mướng” có nghĩa là kho thóc toàn mường do viên quan ná trực tiếp phụ trách [1, tr.191].

Khi đã có bản, mường thì việc sử dụng sản phẩm lao động việc mường của người sản xuất chứa trong kho chung đã có sự đảo lộn giữa cái chung và cái riêng. Một mặt, người đứng đầu các mường vẫn nêu cao khẩu hiệu vì sự nghiệp “xây dựng bản mường” để người lao động yên tâm theo lệ đóng góp công trực tiếp, hoặc đóng góp vào kho thóc chung. Một mặt, họ ỷ thế là người đại diện cho bản mường mà coi día khẩu háng mướng là của riêng. Việc đó lặp đi, lặp lại nhiều năm và dần dần biến thành luật tục. Đã là chẩu mường, phìa, tạo lộng, tạo quen có toàn quyền sử dụng sản phẩm trong kho thóc toàn mường. Họ quản lý mọi việc trong bản mường nên họ buộc phải sử dụng số thóc đó vào những công việc chung khi cần thiết như nuôi lính, tiếp khách, mở mang đường sá và đặc biệt là làm các công trình thủy lợi… Song những công việc được gọi là chung đó lại được tập quán coi như việc riêng của họ. Do đó, khi sử dụng số thóc trong kho chung vào công việc hoàn toàn riêng, cũng được coi như hợp lệ. Chẳng hạn như các châu mường đều có lệ khi con cái chẩu mường, phìa, tạo cưới vợ thì bản mường hoàn toàn phải lo chi phí. Trong Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu cũng như vậy: 

Điều 57: Dưới quan phòng, mỗi xổng còn có thêm hai quan chiềng, chuyên trông coi các công việc sau:

  • Khi các chức quyền hàng mường dựng nhà phải xuống đốc thúc dân các bản làm tới nơi tới chốn…
  • Khi nào có “cúng mường”, tế trâu đen trâu trắng (cho thần nước và thần đất (núi) phải đến nhà ông mo, ông xổng để nhận tiền đi mua trâu, bò, lợn, chó gà, vịt và những vật cần thiết để phục vụ…
  • Khi con phìa, tạo, án nha lấy vợ người khác mường mình, quan chiềng phải đi xem xét rượu, gạo, trâu, lợn, gà, cơm nước, thức ăn, mọi của ngon, mặc đẹp phải đầy đủ đúng với mọi phong tục tập quán [5, tr.84-86].

Tất cả những chi phí gọi là bản mường đó không thể lấy ở đâu khác ngoài kho chung gọi là “día khẩu háng mướng”. Do đó, ruộng toàn mường tới làm, về mặt pháp lý vẫn là của chung, nhưng về mặt sử dụng thành phẩm, lại là riêng. Ruộng gọi là ná nả háy háng mướng vẫn không gọi là tư điền vì chủ ruộng dù có quyền thế to lớn, cũng không được phép mua, bán. Đặc biệt, chủ chỉ có thể sử dụng khi còn làm người đứng đầu mường. Bởi vậy, loại ruộng toàn mường tới làm trở thành một thứ bổng lộc mà bản mường đã dành cho người đứng đầu mường. Về mặt này có thể coi lao động việc mường của người sản xuất đã biến thành một loại địa tô (địa tô theo nghĩa rộng) [1, tr.198]. Người nông dân vì phải lĩnh canh trên đất của châu mường nên phải đóng , lao dịch. Theo Nguyễn Duy Thiệu “Hình thức bóc lột chính là tô lao dịch. Sự bóc lột ấy được thiết lập trên cơ sở của ruộng công” [6, tr.28].

  1. Ruộng trong (ná cuông)

Ná cuông nghĩa đen là ruộng trong – một loại ruộng mà quý tộc Thái với bộ máy thống trị ở các châu mường đã bắt một bộ phận nông dân mang danh nghĩa “người trong nhà” làm (cuông = người trong nhà của tạo) [1, tr.211-212]. Việc làm ruộng gọi là “ná cuông” gọi là “làm cuông”. Cuông là tên gốc, về sau còn xuất hiện các tên như pụa hay pụa pái, nhốc… 

Ruộng gọi là ná cuông là suất ruộng cổ phần của nhà tạo. Bởi vậy sản phẩm sau khi thu hoạch xong đem nhập vào kho riêng của nhà tạo gọi là día khẩu hướn luông (kho thóc nhà lớn). Cùng với sự xuất hiện các “châu mường” việc làm ruộng gọi là ná cuông đối với dân cuông đã trở thành thông lệ. 

Về cơ bản, chỉ có những chức dịch thượng đẳng mới có nhốc hay cuông hay pụa làm (xem cách phân chia ruộng cho các chức dịch trong bản Luật lệ để có thể hiểu thêm). Như “Án nha có chín bản nhốc người Thái, bảy bản cuông người Xá, Thư lại được hưởng ba bản nhốc Thái… đến ông pọng cang được hưởng một bản nhốc Thái”.

Trong bản Luật lệ cũng quy định cụ thể như sau: 

Điều 102. Dân bản ai lãnh ruộng gánh vác phải làm ruộng cho các ông, quan, tạo, phìa, án nha. Bản nào ruộng nhiều thì làm nhiều lần, bản nào có ít ruộng thì làm ít lần. Chẳng hạn bản có 10 mẫu ruộng thì phải đến làm ruộng cho ông, quan, tạo, phìaán nha một mẫu, bản có 3-4 mẫu ruộng thì đến làm cho ông, quan, tạo, phìa, án nha 3-4 sào.

– Dân gánh vác ruộng mường thì chỉ cày và bừa.

– Dân cuông nhốc thì tiếp tục làm các khâu việc sau đó.

– Bởi vậy, người là dân “ông nương bà ruộng” thì phải làm từ việc “nắm bắp cày, quay cán mai” cho đến mùa gặt lúa nhập kho cho nhà người làm chức làm quyền để họ có ngày tháng lo công việc chung của bản mường.

Điều 103. Dân cuông nhốc còn phải làm nương bông cho nhà ông, quan, tạo, phìa. Chẳng hạn làm cho án nha từ 3 đến 5 sào đất. Dân cuông nhốc còn phải làm vườn của án nha có tới 2-3 sào đất [5, tr.122].

Ruộng của các chức dịch hạ đẳng do người trong nhà làm. Ngoài những chức lớn trong bản, mường các chức dịch khác chỉ được hưởng ruộng gọi là ná bớt, không được hưởng người làm cuông, nhốc. Trong Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu thì từ ông quan sự trở xuống là chỉ được hưởng ruộng bớt, về pháp lý bộ phận này đều phải tự cày cấy. Song vì có khoản ngoại lệ nên tùy từng năm những bộ phận chức dịch này có thể xin phép người đứng đầu mường lấy một số bà con gần gũi để làm ruộng. Những người đó tất nhiên được miễn việc mường để cày cấy thửa ruộng gọi là “ná bớt” cho chức dịch. 

  1. Ruộng bớt (ná bớt) và sự xuất hiện ruộng chức

Giúp việc cho các chúa đất là chức dịch, họ xuất thân từ dòng dõi quý tộc hay dòng họ dân. Những chức dịch cao cấp cũng cha truyền con nối, hợp với dòng họ chúa thành một giai cấp thống trị. Nếu như, thành viên dòng họ chúa được miễn gánh vác, được miễn phu phen và được hưởng ruộng, thì thành viên các chức dịch cao cấp không được hưởng quyền đó [4, tr.30]. Để trả lương cho những chức dịch trong “bô lão toàn mường”, người đứng đầu mường đã phân phát cho mỗi một ông, quan, hay quảng một suất ruộng tương đương với chức trách của họ. Ruộng đó tiếng Thái gọi là “ná bớt” và mất chức cũng mất luôn suất ruộng gọi là “ná bớt”. Nguyên tắc này đặt ra với chức dịch có phần khác với trường hợp quý tộc. Quý tộc mất chức còn có suất ruộng gọi là “ná bớt tạo”, còn chức dịch mất chức rõ ràng phải hoàn toàn trở thành nông dân, chịu nghĩa vụ việc mường để lĩnh suất ruộng công tương đương chứ không còn suất ruộng ná bớt nữa. 

Trong bản Luật lệ đã quy định như sau:

Điều 15. Những người làm chức làm quyền được “ăn ruộng bớt” của bản mường phân cho [5, tr.70].

Ruộng bớt là những suất ruộng mà tổ chức bản mường phân cho những gia đình chức dịch trong toàn mường từ cấp thấp nhất là chá, quan bản đến cao nhất là án nha. Đương nhiên khi phân như thế, tùy theo thứ bậc cao thấp khác nhau và số ruộng có thực ở trong bản, trong mường mà người ta cấp nhiều hay ít cho các chức dịch trong toàn mường coi như một suất lương bổng để họ điều khiển mọi công việc trong mường [5, tr.173].

Theo nguyên tắc, cứ có chức thì có ruộng gọi là ná bớt và mất chức là mất ruộng. Bởi vậy người Thái có quy định thành ngạn ngữ đối với lớp chức dịch: “cởi áo làm dân, thay áo làm quan” (kẻ xửa dệt pay, tháy xửa dệt quan). Thông thường những chức dịch ở bản nào thì hưởng ruộng ở bản đó. 

Đối với người Thái Đen ở Thuận Châu, người đứng đầu mường và các chức dịch trong bản mường được xếp đặt theo lệ như sau: 

  1. Án nha là gốc của bản mường
  2. phìa thổ (thủ lại), phìa thông (thông lại) làm việc ở trong phòng hàng châu.
  3. Mường phìaphìa lý là gốc, vua Kinh gọi là lý trưởng; phìa phó, vua Kinh gọi là phó lý. Hai phìa này chuyên trông coi dân mường mình. 
  4. Có tám chức ông ở trong xổng, vua Kinh gọi là kỳ mục. Từ ông xen (pằn) đến tận ông chá hươn. 
  5. ông mo, ông nghè, ông chang giúp công việc phong tục tập quán luật lệ và cúng lễ [5, tr.72-74].

Về tỷ lệ phân chia ruộng đất cho các chức dịch trong bản, mường được quy định: 

  1. Án nha ăn mười mẫu ruộng ở trong phạm vi bản Chiềng Đi. Án nha thu “thóc lười”của dân hàng châu. Mỗi một mẫu ruộng dân phải nộp một tạ thóc. 
  2. Án nha có chín bản nhốc người Thái: bản Bó, bản Lái, bản Ngịu, bản Tong, bản Viện, bản Bay, bản Nuốt, bản Cát, bản É Tòng, và bảy bản cuông người Xá: bản Pong, bản Cỏ, bản Lịu, bản Tịm, bản Na Tăm, bản Kéo, bản Nong Pồng. 
  3. Thư lại ăn sáu mẫu ruộng ở trong bản Chiềng Ly; được hưởng ba bản nhốc Thái: Chiềng ngàm, bản Bon Nọi, bản Ca Đắng và hai bản cuông người Xá: bản Khem, bản Lẹng.
  4. Thông lại ăn năm mẫu ruộng ở trong bản Chiềng Ly, được hưởng ba bản nhốc Thái: bản Xát, bản Mỏ, bản Ta Tú và ba bản cuông người Xá: bản Hỏm, bản Mau, bản Xong. 
  5. Phìa Lý ăn năm mẫu ruộng ở trong bản Chiềng Ly; được hưởng ba bản nhốc Thái: bản Nà Tí, bản Pủ, bản Na Hát và hai bản cuông người Xá: bản Xai, bản Nà Hẻo.
  6. Phìa phó ăn ba mẫu ruộng ở trong bản Chiềng Ly; được hưởng hai bản nhốc Thái: bản Lay, bản Nà Nong, hai bản cuông người Xá: bản Hán, bản Huổi Luông.
  7. Ông Xen đứng đầu xổng pằn, ở bản Mòn ăn tám mẫu ruộng: được hưởng năm bản nhốc Thái: bản Dòi, bản Pài, bản Xeng, bản Nặm Lạu, bản Nặm Xe.
  8. Ông pọng đứng đấu xổng pọng ở bản Thôm ăn sáu mẫu ruộng, được bốn bản nhốc Thái: bản Phẻ, bản Ít, bản Tam, bản Luội.
  9. Ông ho luông đứng đầu xổng ho luôngbản Lụa ăn bốn mẫu ruộng, được hưởng bản cuông người Xá là bản Dẹ và bản Bó Mạ.
  10. Ông pọng cang đứng đầu xổng pọng cangbản Cọ ăn ba mẫu ruộng, được một bản nhốc Thái là bảnXen To.
  11. Ông quan sự còn gọi là ông ho cangbản Lè ăn hai mẫu ruộng, làm việc cho xổng pọng cang
  12. Ông ho hébản Lăng Luông ăn hai mẫu ruộng làm việc cho xổng pằn.
  13. Ông pụabản Púng ăn hai mẫu ruộng làm việc cho xổng pọng.
  14. Ông chá hươnbản Lẹng ăn hai mẫu ruộng làm việc cho xổng ho luông và làm việc về đường cúng lễ theo ông mo… [5, tr.74-78]

Việc bớt lại suất ruộng toàn mường như vậy cho các quan lại đương chức dần dần về sau hình thành một loại ruộng với tên gọi ruộng chức. Như vậy, ruộng chức là ruộng để trả công cho chức dịch. Các chức dịch chỉ có quyền chiếm hữu, sử dụng không có quyền sở hữu. “Kể cả chúa đất không ai có quyền sở hữu mà chỉ có quyền chiếm hữu mà thôi” [8, tr.216].

  1. Ruộng của nông dân
    1. Ruộng của nông dân gánh vác

Trong bản Luật lệ quy định:

Điều 64. Đất ruộng trong bản còn bao nhiêu thì đem phân chia cho dân mường gánh vác theo lệ truyền lại. Ai lĩnh ít ruộng thì đi việc mường ít; ai nhận nhiều ruộng thì gánh vác việc mường nhiều; ai không nhận đất ruộng thì không đi việc mường, như câu tục ngữ xưa đã định sẵn: “gánh ruộng thì mang thêm việc” (mường) [5, tr.94].

Điều 105. “Người đã là dân thì phải phụng sự quan bản, quan bản phải bận tâm chia “ruộng hàng mường” để cho dân trong bản làm và hưởng. Ngoài những ruộng đã bớt cho ông, quan, tạo, phìa, đất bản còn bao nhiêu ruộng thì chia cho dân bấy nhiêu.

– Một mặt người là dân thì phải xem đủ mặt, làm đủ việc, đủ đường do ông,quan, tạo, phìa, án nha. Họ phải chịu làm thân tôi đòi, làm người chịu mọi sự sai khiến. Ông, quan, tạo, phìa, án nha sai thì họ phải giúp để cởi mở, ngược lại đúng và thắng thì họ cũng giúp thể thu phạt vạ. Họ “muốn ăn phải đợi, họ muốn mổ gia súc thì phải hỏi”.

– Dân muốn đi đâu phải xin phép, người có chức có quyền cho đi mới đi. Dân muốn làm gì, người có chức có quyền cho mới làm. Dân luôn luôn phải theo phép theo tắc, tuân theo các lệ luật đã ghi ra ở trên” [5, tr.124].

Như vậy, ngoài số ruộng chia cho quý tộc, chức dịch, số ruộng còn lại là ruộng gánh vác chia cho dân trong bản mường còn gọi là ruộng hàng mường. Đây là ruộng công xã phân cho nông dân muốn nhận cày cấy để hưởng hoa lợi với điều kiện phải làm nhiệm vụ gánh vác công việc của bản mường tức là phải phục dịch không công cho bọn thống trị, đóng một số thuế nhất định bằng tô hiện vật hay lao dịch, phải hoàn thành các việc chung của công xã như: đào mương, làm đường, phục dịch, đóng góp trong các dịp lễ tế, hội hè ở bản mường, đi lính khi có giặc giã hay chiến tranh. Ở đây ruộng được chia ra từng suất. Đây không phải là suất đinh như vùng Kinh mà là suất nghĩa vụ. Mỗi suất nghĩa vụ được cấp một suất ruộng [9, tr.375].

Người dân trong công xã (trừ số tôi đòi, tù binh trong chiến tranh, các dân tộc ngụ cư khác…) đều có quyền hưởng ruộng nên có nghĩa vụ tham gia xây dựng bản mường. Ngược lại, bản mường sẽ đảm bảo quyền sở hữu toàn dân về ruộng đất. Mối quan hệ giữa nghĩa vụ và quyền lợi này, người Thái đã quy định thành câu ngạn ngữ: “Gánh ruộng thì phải mang việc” (háp na, pa vịa). Người có ruộng thì phải tham gia việc mường và ngược lại đã tham gia việc mường thì đều có ruộng. Ở đây, rõ ràng nghĩa vụ quy định quyền lợi và quyền lợi bắt buộc phải có nghĩa vụ. Muốn được hưởng nhiều quyền lợi – nhiều ruộng thì việc mường nặng và ngược lại. Nghĩa vụ và quyền lợi – việc mường và ruộng có tỷ lệ thuận với nhau, đó là nguyên tắc đã được quy định tóm tắt trong câu ngạn ngữ “phân phối ngang bằng” (tánh lâng châng to). Tuyệt đại bộ phận nhân dân Thái là những người thực hiện nghĩa vụ và hưởng quyền lợi như thế [1, tr.185]. Nhưng nếu vì phải gánh vác quá nặng nề, họ cũng có quyền trả ruộng và tìm nương rẫy khai phá hay bỏ đi nơi khác. 

Khi chia ruộng, chúa đất trong lãnh địa thường phân theo đơn vị công xã (tương ứng một xã). Chúa đất nhỏ ở đây lại phân về bản. Đơn vị chia ruộng là bản; nên có bản nhiều ruộng, có bản ít ruộng. Ruộng chia theo từng nóc nhà, nhiều ít tùy theo mức gánh vác; chỉ điều chỉnh khi cần thiết hoặc do yêu cầu mà thôi. Các gia đình không có quyền quản lý vùng ruộng, cho nên ruộng nhiều hay ít hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng lao động của từng gia đình. 

Mỗi bản có quyền sở hữu phần ruộng của bản mình. Do đó, ruộng của bản nào chỉ phân phối cho dân bản đó, không ai có quyền, kể cả chẩu mường hoặc phìa mường lấy ruộng bản này phân phối cho bản khác. Trừ trường hợp chẩu mường lấy ruộng bản cấp cho quý tộc hoặc chức dịch của bản đó. Hiện tượng này vừa có tính chất tăng cường bóc lột, vừa có tính chất điều hòa ruộng đất. Do đó, nó chỉ xảy ra ở những bản có nhiều ruộng [3, tr.57].

Thực tế ruộng công phần lớn bị chúa đất và chức dịch chiếm đoạt. Thường số ruộng bình quân của một nhân khẩu trong một hộ chúa đất gấp 10 lần số ruộng bình quân nhân khẩu trong một hộ nông dân lao động đủ ruộng và gấp 20 lần một hộ nông thiếu ruộng. Ruộng đất bình quân của một nhân khẩu trong hộ chức dịch thường gấp từ 3 đến 5 lần ruộng bình quân nhân khẩu trong một hộ nông dân lao động [8, tr.216-217].

  1. Ruộng của nông dân cuông, nhốc, pụa pái

Lớp nông dân cuông, nhốc, pụa pái có một quá trình diễn biến rất phức tạp, theo trình tự phát triển của xã hội Thái. Vì vậy, cách phân chia của Cầm Trọng trong Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam phù hợp với Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu để nói đến vấn đề ruộng đất của bộ phận cuông, nhốc, pụa pái. Cuông = “người trong nhà của tạo”.

  • Cuông 1: Chiến tù bị bắt làm ruộng cho nhà tạo. Ruộng đó mang tên là ná cuông.
  • Cuông 2: Pụa pái, ở riêng, nhưng vẫn phải làm ná cuông.

Cuông 1 biến thành “người đầy tớ trong nhà

  • Cuông 3: Bản cuông được quy thành cố định.

Cuông 2 theo lệ nộp thóc giá (khẩu nguột).

  • Cuông 4: Cuông phải làm thêm việc của “pụa pái” tức là cuông 3 biến thành cuông 2.
  • Cuông 5: Nhốc, người nông dân hưởng suất ruộng công nhưng phải làm ruộng gọi là ná cuông cho quý tộc.
  • Nông dân Thái phải làm cuông, nhốc.
  • Nông dân khác Thái, con cháu của cuông 1 và cuông 2 phải làm pụa [1, tr.211-212].

Khi trờ thành chiến tù, bị bắt làm “cuông 1” thì ruộng của bộ phận này đã bị tước đoạt và sáp nhập vào “ruộng toàn mường“. Lúc đó bộ phận này tạm thời không có ruộng. Họ làm ruộng cho nhà “tạo” và phải buộc “ăn” chung suất lương thực thu hoạch từ ruộng đó. Từ “cuông 1” chuyển sang “cuông 2“, dân làm cuông được gọi là “pụa pái” đã có một ít ruộng gọi là “ná nọi”. Bộ phận cuông 2 sau khi được bản mường thừa nhận quyền cư trú, đã được tự do phát mương hoặc khai khẩn thêm một số ít ruộng để sinh sống. Theo nguyên tắc chung, ruộng của bộ phận này vẫn là một loại nằm trong tổng thể ruộng toàn mường và được gọi là ruộng bé (“ná nọi”) [1, tr.203]. Nhưng vì diện tích ruộng đó quá ít nên “cuông 2” phải miễn cưỡng sống bằng nương rẫy. Bởi vậy, đây là bộ phận không có ruộng mà chỉ có đất. Cuông 3, 4, 5 khác hẳn, vì là lớp nông dân ra đời trên mảnh đất ruộng của bản nên bộ phận này được hưởng ruộng theo chế độ như lớp nông dân có nghĩa vụ gánh vác “việc mường“. Bộ phận “pụa, pái” nếu không thể hóa thành cuông 3, 4, 5 được thì buộc phải sống như tình cảnh “cuông 2” có rất ít ruộng nên chủ yếu sống bằng nương rẫy.

Nhìn chung, côn hươn, cuông, nhốc, pụa pái được bản mường coi là người của các nhà quý tộc và chức dịch đương chức. Bộ phận này bị phụ thuộc hoàn toàn hoặc một phần vào nhà chủ. Họ không được coi là thành viên của bản mường nên không phải làm việc mường nhưng phải lao dịch và nộp cống phẩm cho nhà chủ. Đó là lớp người bị bóc lột theo kiểu gia nô, nông nô, lệ nông, những hình thức bóc lột của chế độ nô lệ và xã hội sơ kỳ phong kiến. Tuy vậy, dù bị bóc lột dưới hình thức nào thì cơ sở của sự bóc lột đó vẫn phải dựa vào sự tồn tại của bản mường mà đặc trưng cơ bản của nó là quyền sở hữu công cộng về ruộng đất [3, tr.56].

  1. KẾT LUẬN

Thông qua bản Luật lệ của người Thái Đen ở Thuận Châu chúng ta có thể nhận định một số vấn đề cơ bản liên quan đến các hình thức sở hữu ruộng đất của người Thái ở Sơn La trước năm 1930 như sau: 

  1. Ruộng công là loại ruộng chủ yếu, chiếm phần lớn ruộng đất của người Thái ở Sơn La. Đây là cơ sở kinh tế, cơ sở xã hội đối với sự tồn tại lâu dài của chế độ phìa tạo ở vùng đất này.
  2. Ruộng công được phân chia cho 2 bộ phận: Bộ phận ruộng của quý tộc, chức dịch bao gồm các loại: ruộng toàn mường tới làm, ruộng bớt (ruộng chức), ruộng cuông; bộ phận ruộng của nông dân gồm các loại: ruộng của cuông, nhốc, pụa pái và ruộng của nông dân gánh vác việc mường. Mỗi một loại hình ruộng đất lại mang những nội hàm riêng biệt, nhưng về đại thể đều xuất phát từ cách thức phân chia ruộng toàn mường của bộ phận thống trị phìa tạo trong xã hội Thái trước đây.
  3. Ruộng đất là biểu hiện rõ nét nhất cho việc thống trị của bộ phận phìa, tạo, án nha với nông dân Thái và các tộc người khác ở Sơn La. Việc tồn tại lâu dài, dai dẳng của chế độ phìa tạo nơi đây là minh chứng rõ nét nhất cho quá trình thống trị, bóc lột trên cơ sở ruộng đất công này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[2] Đặng Nghiêm Vạn (chủ biên) (1977), Tư liệu về lịch sử và xã hội dân tộc Thái, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[3] Cầm Trọng, Hữu Ưng (1973), Góp phần tìm hiểu chế độ ruộng công và hình thái xã hội của người Thái Tây Bắc trước đây, Nghiên cứu lịch sử, 7+8, tr.50-57.

[4] Đặng Nghiêm Vạn (1987), Về vai trò của chúa đất trong xã hội tồn tại chế độ thổ ty, lang đạo, phìa tạo, chúa đất (cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX), Nghiên cứu lịch sử, số 5+6, tr.29-34.

[5] Ngô Đức Thịnh (1999), Luật tục Thái ở Việt Nam (tập quán pháp), Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

[6] Nguyễn Duy Thiệu (2003), Thể chế xã hội Mường truyền thống: nghiên cứu so sánh giữa Mường của người Mường và Mường của người Thái Việt Nam, Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2 (59), tr.16 – 29. 

[7] Cầm Trọng, Phan Hữu Dật (1995), Văn hóa Thái Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

[8] Lã Văn Lô, Đặng Nghiêm Vạn (1968), Sơ lược giới thiệu các nhóm dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

[9] Đặng Phong (1970), Kinh tế thời nguyên thủy ở Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.

THAI PEOPLE’S FORMS OF LAND OWNERSHIP IN SON LA PROVINCE BEFORE 1930 (THROUGH THE STUDY OF THE LAW OF BLACK THAI PEOPLE IN THUAN CHAU)

Tran Thi Phuong

Department of History – Geography (Tay Bac University)

SUMMARY

The study of land in localities has been an increasingly urgent issue in the management and planning of policies to develop regional socio-economy recently. Moreover, regarding the issue of land ownership of a ethnic minority with a large population in Son La like the Thai people, this issue needs to be clarified. However, due to certain restrictions on the source of documents, until now there have been very few works mentioning this content, so the land issue of Thai people in Son La is still scattered and unclear. On that basis, this article focuses on clarifying the issues of land ownership forms of Thai people in Son La before 1930 through the study of the Law of Black Thai  people in Thuan Chau, thereby drawing the characteristics in the issue of land ownership by Thai people in Son La.

KEY WORDS: ownership, land, Thai people, Son La